• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.249,55 +0,44/+0,04%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:01 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.249,55   +0,44/+0,04%  |   HNX-INDEX   221,69   -0,79/-0,35%  |   UPCOM-INDEX   92,80   -0,31/-0,33%  |   VN30   1.316,95   +3,47/+0,26%  |   HNX30   460,25   -1,94/-0,42%
20 Tháng Giêng 2025 11:57:01 CH - Mở cửa
Tâm điểm chứng khoán: VN-Index đang ở vùng nhạy cảm
Nguồn tin: BizLIVE | 13/12/2021 8:54:54 SA
 Theo chuyên gia, với việc hồi phục đáng kể điểm số ở 2 phiên tuần qua đã giúp VN-Index không bị gãy “trend”, mà nếu gãy thì cho tín hiệu bước vào xu hướng điều chỉnh, có thể điều chỉnh dài hạn.
 
VN-Index trải qua những ngày giao dịch đầu tháng 12 với sự dao động mạnh, giảm liên tiếp 3 phiên, bốc hơi hơn 70 điểm và cũng tăng liên tiếp 3 phiên, lấy lại gần 55 điểm.
Thị trường sẽ diễn biến như thế nào trong tuần tới? Vì sao thanh khoản của thị trường lại có sự sụt giảm mạnh những phiên gần đây? Những yếu tố nào sẽ kích thích dòng tiền trở lại?
 
 
Từ trái qua: ông Trương Hiền Phương, ông Võ Văn Cường, ông Đỗ Trung Thành
 
BizLIVE ghi nhận ý kiến một số chuyên gia.
 
SỐ LƯỢNG TÀI KHOẢN MỞ MỚI CHƯA PHẢI LÀ ĐỈNH
 
Ông Đỗ Trung Thành, Trưởng phòng Phân tích Doanh nghiệp, CTCK Dầu khí (PSI)
 
Tôi cho rằng thị trường đang trong nhịp hồi kỹ thuật và sẽ dao động tích luỹ trở lại trong vùng 1.450 – 1.495 khi bối cảnh thanh khoản duy trì thấp và thị trường đang trong vùng trống thông tin. Giai đoạn này dòng tiền sẽ tái cơ cấu chuyển dịch hướng đến những cổ phiếu cơ bản tiềm năng tăng trưởng tốt và hưởng lợi từ bối cảnh vĩ mô trong năm 2022.
 
Thanh khoản toàn thị trường tuần vừa qua trung bình giảm khoảng 20% so với tuần trước. Thanh khoản giảm trong khi chỉ số VN-Index tăng nhẹ cho thấy sự lệch pha trong cung cầu của nhà đầu tư khi bên mua vẫn chờ đợi cơ hội rõ ràng hơn để có thể tăng tỷ trọng. Nhiều cổ phiếu cơ bản tốt vẫn không giảm giá sâu để có thể kích thích nhà đầu tư tham gia mua mới, gia tăng thêm tỷ trọng cổ phiếu hiện đang có.
 
Ngược lại bên bán vẫn kỳ vọng nhịp tăng sẽ còn tiếp tục nên chưa thực hiện chốt lời.
 
"Tôi cho rằng cần thận trọng với nhóm ngành có mặt bằng giá đăng tương đối cao đã tăng nóng trong thời gian qua như Bất động sản, nhóm cổ phiếu đầu cơ."
 
Ông Đỗ Trung Thành
 
Ngoài ra đây cũng là thời điểm này cũng là vùng trống thông tin nên nhiều khả năng thanh khoản sẽ cải thiện trở lại trước những yếu tố hỗ trợ như thông tin về kỳ họp bàn về gói kích thích hỗ trợ nền kinh tế sau dịch cũng như thông tin về quan điểm điều hành của Fed trong kỳ họp tháng 12 này.
 
Con số 220.000 tài khoản mở mới trong tháng 11 là tín hiệu đáng mừng, khẳng định vị thế kênh đầu tư chứng khoán đang rất hấp dẫn với người dân. Con số này nhiều khả năng chưa phải đỉnh bởi 2 yếu tố:
 
Thứ nhất là thu nhập người dân đang ngày càng được cải thiện dẫn đến nhu cầu đầu tư rất lớn trong khi tỷ lệ tham gia của người dân trên quy mô dân số còn khá thấp so với các quốc gia khác trong khu vực như Thái Lan, Hàn Quốc, Trung Quốc lần lượt đạt 6,69%, 73,88% và 20,48%, còn Việt Nam mới chỉ đạt mức khiêm tốn chưa tới 5%.
 
Thứ hai là yếu tố công nghệ đang đưa những nhà đầu tư cá nhân trẻ với khả năng ứng dụng công nghệ và chịu khó tiếp thu, trau dồi kiến thức đầu tư dễ dàng tiếp cận hơn.
 
Năm tới, dòng tiền sẽ luân chuyển sang nhóm các cổ phiếu Bluechips có yếu tố cơ bản hấp dẫn. Tôi đánh giá cao với các nhóm ngành Ngân hàng, Dầu khí, Điện, Hàng tiêu dùng, Dược phẩm, Logistics, Công nghệ - Viễn thông trong bối cảnh nhu cầu chi tiêu, tiêu dùng được đẩy mạnh, hoạt đọng sản xuất hồi phục.
 
Ở chiều ngược lại, tôi cho rằng cần thận trọng với nhóm ngành có mặt bằng giá đăng tương đối cao đã tăng nóng trong thời gian qua như Bất động sản, nhóm cổ phiếu đầu cơ.
 
VN-INDEX ĐANG Ở VÙNG NHẠY CẢM, CÓ THỂ ĐẢO CHIỀU BẤT CỨ LÚC NÀO
 
Ông Trương Hiền Phương, Giám đốc cấp cao CTCK KIS Việt Nam
 
Hai phiên hồi phục vừa qua là tín hiệu cho thấy thị trường không quá tiêu cực sau diễn biến lo ngại xuất hiện biến chủng mới Omicron; thứ hai là lo ngại có lạm phát hay không trong thời gian tới, thông qua Fed hạn chế mua vào tài sàn, lan ra quan điểm kinh tế tại Việt Nam cũng lạm phát. Thực tế, không riêng Việt Nam, trên thế giới từ thị trường Mỹ, châu Á cũng hồi phục vào những phiên cuối tuần.
 
Hai phiên hồi phục mang tín hiệu tích cực cho thấy niềm tin nhà đầu tư đã trở lại, bớt bi quan, lo lắng với các yếu tố vừa qua. Vì nếu tiếp tục sẽ làm gãy “trend” thị trường, cho tín hiệu mới đó là thị trường bước vào xu hướng điều chỉnh, có thể điều chỉnh cho dài hạn. Với nhịp vừa qua, trước tiên ghi nhận vẫn giúp cho thị trường duy trì xu hướng tăng điểm cho thời gian tới.
 
Dù vậy, cần lưu ý do điểm tăng không nhiều, không trải rộng trên toàn bộ thị trường, cộng thêm thanh khoản thấp nên có thể nhịp hồi chưa là nhịp xác định rõ ràng xu hướng tăng tiếp diễn. Cần thêm thời gian, một số yếu tố thông tin tích cực có thể duy trì, ít nhất không xấu, chờ thêm một vài phiên nếu thị trường tăng điểm, cùng thanh khoản cải thiện thì tôi tin thị trường vẫn trong xu hướng tăng trung - dài hạn trong thời gian tới. Còn nếu có những thông tin tiêu cực dẫn tới thị trường điều chỉnh mạnh thì có thể phải xem xét lại xu hướng chính của thị trường. Hiện giờ VN-Index đang ở trong vùng khá nhạy cảm, có thể đảo chiều bất cứ lúc nào.
 
Về việc lo ngại dòng tiền rút ra khỏi thị trường, dòng tiền cần làm rõ đến từ nhà đầu tư cá nhân, quỹ đầu tư gồm quỹ đóng và mở, NĐTNN. Đây là ba dòng tiền chính thống đóng góp tỷ trọng lớn trên TTCK Việt Nam. Còn lại, nếu có dòng tiền đến từ doanh nghiệp, là dòng tiền không chính thống, ngắn hạn, ra vào thị trường mang chủ đích của người chủ doanh nghiệp, không phải dòng tiền chính duy trì hoạt động mua bán trên thị trường.
 
Dù giai đoạn cuối năm, doanh nghiệp phải chuẩn bị lương thưởng, rút tiền về để kết toán một năm kinh doanh. Nhưng với TTCK, riêng dòng tiền của doanh nghiệp sản xuất kinh doanh không ảnh hưởng nhiều vì thực sự không hiện hữu quá nhiều trên thị trường. Tôi không phủ định nhưng nó không tác động nhiều.
 
Về nhà đầu tư cá nhân, cũng có rút ra nhưng chưa phải bây giờ. Thường nhà đầu tư cá nhân có khuynh hướng sau một năm đầu tư tài chính họ cũng bán ra, có thể chốt lời về, để tận mắt cân đo đong đếm số tiền có, thống kê chẳng hạn bỏ 1-2 tỷ cuối năm thu về bao nhiêu, tình huống này là có nhưng cũng không chiếm tỷ trọng lớn trên thị trường, chỉ một phần.
 
Thứ hai nếu có điều đó xảy ra thì họ cũng để cuối năm gần Tết Âm lịch. Vì nghỉ Tết Âm lịch kéo dài 5-10 ngày, thường thị trường ở giai đoạn cận tết và vừa ra tết không sôi động do ai cũng lo đi chơi, sắm sửa… những nhà đầu tư giai đoạn đó không mặn mà đầu tư, nên có khuynh hướng rút tiền ra. Từ đây tới tết còn thời gian hơn một tháng, nói hiện dòng tiền nhà đầu tư cá nhân rút ra chưa hẳn.
 
Thanh khoản giảm thời gian qua đến từ 2 nguyên nhân chính.
 
Thứ nhất nhà đầu tư lo ngại biến thể Omicron, liệu dẫn tới yếu tố nào đó, họ vẫn còn ký ức từ lịch sử. Khi Chính phủ chính thức giãn cách xã hội rõ ràng TTCK sụt mạnh giai đoạn đó, ít nhất những này đầu. Nên khi biến thể xuất hiện, họ quan ngại việc này, họ hạn chế đầu tư, có rút ra vì sợ sụt giảm.
 
Thứ hai, do thời gian vừa rồi vàng tăng nhanh trong khi mối lo ngại lạm phát, dẫn đến một số nhà đầu tư chọn giải pháp rút ra khỏi chứng khoán và tận dụng tham gia thị trường vàng kiếm lời ngắn hạn. Nhưng số này cũng không nhiều.
 
"Tôi tin thị trường sẽ sớm hồi phục, chinh phục ngược trở lại 1.500 điểm, tôi tin là không khó trong thời gian tới."
 
Ông Trương Hiền Phương
 
Tôi tin rằng nếu thời gian tới thị trường vẫn tiếp tục hồi phục thì dòng tiền sẽ sớm quay trở lại. Vì các nhà đầu tư không muốn chậm chân trong cơ hội thị trường tăng trưởng từ nay tới tết. Tôi nghĩ họ sẽ tham gia vào khi thị trường có dấu hiệu hồi phục tốt hơn, thanh khoản tăng dần trở lại, không có những thông tin tiêu cực xuất hiện và nếu được có thông tin tích cực xuất hiện.
 
Ví dụ thời gian tới có kết quả kinh doanh quý 4 và cả năm 2021, đang có những thông tin tích cực. Nói tốt không phải là quá tốt, xuất sắc mà là tốt hơn quý 3 vừa rồi. Bởi nguyên tắc cứ cái sau tốt hơn cái trước là tốt rồi.
 
Thứ hai, chúng ta có nhiều cơ hội mở ra lớn. Như vừa qua Việt Nam xúc tiến cơ hội giao thương ngoại giao liên tục qua việc lãnh đạo đi thăm và làm việc với các quốc gia lớn để vận động đầu tư vào Việt Nam; các doanh nghiệp nhân đây ký kết các hợp đồng làm ăn. Đây là những cơ hội giúp nền kinh tế, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ hưởng lợi trong giai đoạn sắp tới, đó là niềm tin giúp thị trường đi tiếp.
 
Yếu tố nữa là gói kích thích phục hồi kinh tế, con số dự kiến khoảng hơn 800.000 tỷ. Trên thực tế có thể không được như ý, nhưng dù ít hơn thì cũng vài trăm ngàn tỷ trở lên, dĩ nhiên không đổ liền một lúc trong 2022 mà phân bổ dần dần và rõ ràng cũng là lượng tiền lớn hỗ trợ nền kinh tế, doanh nghiệp theo đó các doanh nghiệp hưởng lợi, nền kinh tế phát triển, theo đó thị trường đồng thuận tăng là hợp lý.
 
Yếu tố cuối cùng là việc Chính phủ quyết tâm đẩy mạnh đầu tư công, tạo ra nhu cầu lớn từ doanh nghiệp về xây dựng, vật liệu xây dựng, các doanh nghiệp tạo hiệu ứng domino ngành nghề có liên quan. Tôi tin thị trường sẽ sớm hồi phục, chinh phục ngược trở lại 1.500 điểm, tôi tin là không khó trong thời gian tới.
 
GIẢI NGÂN VỚI NHỮNG CỔ PHIẾU RẺ
 
Ông Võ Văn Cường, Chuyên gia Chứng khoán
 
Sau các diễn biến tuần vừa qua, tôi có phần bớt lạc quan hơn về xu hướng ngắn hạn của thị trường. Theo thống kê của tôi, tương quan vốn chủ hữu CTCK và dư nợ margin đang ở mức 1,2 lần, khá cao so với mức bình quân thường có của thị trường là 0,8 lần. Chỉ một vài lần thị trường đạt mức cao trên là vào 2018 và một lần vào đầu năm 2021.
 
Cộng với việc nhà đầu tư tổ chức và cá nhân còn phải rút tiền về tất toán, chốt sổ cuối năm thì dòng tiền cũng chưa thể trở lại ngay với thị trường.
 
"Dòng tiền có lẽ đã tính đến việc chuẩn bị nghỉ ngơi cho Tết Âm lịch"
 
Ông Võ Văn Cường
 
VN-Index vẫn có rủi ro điều chỉnh thêm khoảng 5% trong khi đó nhà đầu tư nếu có lựa chọn đúng cổ phiếu thì khả năng kiếm lời cũng chủ yếu từ 3-4%.
 
Với bài toán lợi nhuận rủi ro như trên, dòng tiền có lẽ đã tính đến việc chuẩn bị nghỉ ngơi cho Tết Âm lịch.
 
Tất nhiên, thị trường vẫn có thể sẽ ấm lại trong tháng 1/2022 giống như nhịp tích lũy giai đoạn tháng 9 vừa qua. Sau đó, thị trường sẽ lại có đợt sóng mới để chinh phục các kỷ lục mới.
 
Dù vậy, vào lúc này, khả năng để có một sóng ngành cụ thể là khó xảy ra. Nhà đầu tư vẫn có thể giải ngân với những cổ phiếu rẻ, có mức chiết khấu đủ hấp dẫn.
 
Ngoại trừ nhóm Ngân hàng, các ngành sản xuất, dịch vụ đã có mức định giá khá cao. Định giá thị trường đang ở mức 17,5 lần không còn rẻ nhưng cũng không quá đắt.
 
Khi các doanh nghiệp công bố kết quả kinh doanh quý 4/2021, các cổ phiếu tích cực nhiều khả năng sẽ phản ứng mạnh với số liệu báo cáo.
 
Về sự kiện VNX mới ra mắt, theo tôi, đây là những động thái để hoàn thiện thị trường. Tuy nhiên, trọng tâm của cơ quan quản lý trong thời gian tới, vẫn là phải đẩy nhanh triển khai KRX, nâng cấp công nghệ, đường truyền để đáp ứng việc quy mô giao dịch đang tăng trưởng vượt trội.