• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.285,46 -1,06/-0,08%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:01 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.285,46   -1,06/-0,08%  |   HNX-INDEX   229,21   -0,91/-0,40%  |   UPCOM-INDEX   92,70   +0,00/+0,00%  |   VN30   1.362,69   -0,20/-0,01%  |   HNX30   498,32   -2,61/-0,52%
20 Tháng Mười 2024 8:31:04 SA - Mở cửa
HVN: Vietnam Airlines thừa 28 máy bay vào năm sau
Nguồn tin: Zing News | 14/12/2021 10:07:09 CH
Số máy bay dự kiến dư thừa này được tính toán dựa trên kịch bản phục hồi của thị trường hàng không nội địa và quốc tế. Trong đó, có 8 máy bay thân rộng và 20 máy bay thân hẹp.
 
Đây là thông tin được ông Lê Hồng Hà, Tổng giám đốc Tổng công ty Hàng không Việt Nam - Vietnam Airlines (HVN) chia sẻ tại phiên họp cổ đông bất thường diễn ra ngày 14/12.
 
Cụ thể, chia sẻ về kế hoạch tái cơ cấu đội bay theo đề án đang trình các cơ quan quản lý, ông Hà cho biết hiện tại đội bay của Vietnam Airlines có 104 máy bay, giảm 2 chiếc so với tháng 5, do công ty đã bán 2 chiếc thân hẹp A321 cho đối tác thời gian qua.
 
Trong số đội bay còn lại, hãng có 29 máy bay thân rộng A350 và B787; 7 chiếc ATR72; còn lại là máy bay thân hẹp.
 
Tuy nhiên, tổng giám đốc Vietnam Airlines cho biết theo dự báo về tốc độ phục hồi của thị trường hàng không nội địa và quốc tế năm 2022, kế hoạch đến năm 2025, đội bay 104 chiếc của hãng sẽ dư thừa cả về số máy bay thân rộng và thân hẹp.
 
“Riêng năm 2022, dự kiến hãng còn dư 8 máy bay thân rộng và 20 máy bay thân hẹp. Do vậy, ban lãnh đạo đang tiến hành tái cơ cấu đội bay cũng như đàm phán với các bên cho thuê để có phương án hỗ trợ”, ông Hà nói.
 
 
Vietnam Airlines sẽ đẩy mạnh việc bán máy bay cũ và dừng nhận một số hợp đồng máy bay mới để bổ sung dòng tiền cho hoạt động kinh doanh. Ảnh: Nam Khánh.
 
Thanh lý máy bay để bổ sung dòng tiền
 
Tổng giám đốc Vietnam Airlines cho biết hiện đã đàm phán với 11 đối tác cho thuê máy bay và ghi nhận kết quả tích cực. Trong thời gian tới, hãng sẽ ký kết các hợp đồng hỗ trợ chính thức, trong đó tập trung vào giảm chi phí, giãn, hoãn tiền thanh toán thuê.
 
Bên cạnh đó, hãng cũng sẽ tiếp tục xây dựng phương án bán thêm máy bay, vừa là để tái cơ cấu tài sản, vừa để hiện đại hóa đội máy bay. Trong đó, ưu tiên bán những máy bay có tuổi trên 12 năm.
 
“Trong tháng 12, Vietnam Airlines sẽ lên phương án bán tiếp 9 máy bay thân hẹp A321 và 6 máy bay ATR72. Hiện tại, quá trình đang được triển khai và kết quả phải đợi đến cuối tháng”, ông Lê Hồng Hà thông tin.
 
Ngoài ra, vị lãnh đạo này cũng cho biết hãng sẽ bán tiếp 12 máy bay A321 trong giai đoạn 2022-2023 theo đề án tái cơ cấu đội bay đã trình cổ đông và cơ quan quản lý.
 
Tổng giám đốc Vietnam Airlines cho biết kế hoạch tái cơ cấu đội bay kể trên xuất phát từ dự báo đà phục hồi của thị trường vận tải hàng không những năm sau.
 
Cụ thể, theo dự báo tích cực nhất, thị trường vận tải hàng không nội địa năm 2022 sẽ chỉ quay về mức 70-75% so với trước dịch, trong khi hàng không quốc tế chỉ đạt 25%.
 
 
Ông Lê Hồng Hà, Tổng giám đốc Vietnam Airlines. Ảnh: HVN.
 
Các mức phục hồi này sẽ tăng dần vào cuối năm và đến năm 2023, hàng không nội địa mới quay về mức trước dịch, trong khi hàng không quốc tế phải đợi đến năm 2024.
 
Trong khi đó, nhu cầu vận tải hàng không nội địa hiện tại rất yếu, còn vận tải hành khách gần như chưa có hoạt động, chỉ đạt khoảng 1,5-1,9% công suất trước dịch.
 
Với các tuyến bay quốc tế, ông Lê Hồng Hà cho biết hiện hãng chủ yếu khai thác theo hướng vận chuyển hàng hóa.
 
“Hãng đã tháo ghế tại 6 máy bay thân rộng và 7 máy bay thân hẹp để phục vụ hoàn toàn cho hoạt động vận tải hàng hóa. Ước tính doanh thu năm nay có thể đạt 8.000 tỷ đồng từ hoạt động này”, ông Hà chia sẻ.
 
Không âm vốn chủ sở hữu năm nay
 
Chia sẻ về tình hình tài chính cũng như dòng tiền của hãng, ông Trần Thanh Hiền, Kế toán trưởng Vietnam Airlines, cho biết diễn biến dịch bệnh năm nay có tác động tiêu cực hơn rất nhiều so với năm 2020.
 
Trước đó, hãng đã trình cổ đông kế hoạch lỗ 12.907 tỷ đồng cả năm nay, với diễn biến hiện tại, ông Hiền cho biết kết quả kinh doanh năm nay vẫn rất khó khăn nhưng mức lỗ sẽ thấp hơn so với kế hoạch.
 
“Hãng đang thực hiện nốt những hoạt động kinh doanh từ nay đến cuối năm và triển khai các gói giải pháp hỗ trợ nhanh từ công ty mẹ tới các công ty con, mục tiêu là đạt kết quả kinh doanh tốt nhất có thể và giảm tối đa mức lỗ”, ông Hiền nhấn mạnh.
 
Tuy nhiên, về dòng tiền, kế toán trưởng Vietnam Airlines cho biết hãng vẫn sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong tương lai.
 
 
Về gói hỗ trợ 12.000 tỷ đồng từ Chính phủ, ông Hiền cho biết hiện hãng đã giải ngân được khoảng 60% với mục tiêu chính là hỗ trợ thanh khoản. Vị kế toán trưởng khẳng định đây là gói hỗ trợ kịp thời trong giai đoạn Vietnam Airlines gặp khó khăn nhất. Tuy nhiên, với tình hình dịch bệnh hiện nay, gói hỗ trợ này chỉ có thể bù đắp cho những thiệt hại hãng phải chịu trong năm 2020, và không thể bù đắp cho năm 2021 và các năm tiếp theo.
 
“Vì vậy, tình hình dòng tiền, cân đối tài chính của hãng vẫn trong trạng thái mất cân đối và rất khó khăn”, ông Hiền nhấn mạnh.
 
Vị này cho biết trong đề án tái cơ cấu, một trong những mục tiêu quan trọng nhất được ban lãnh đạo Vietnam Airlines đưa ra là phục hồi năng lực tài chính.
 
Hiện kế hoạch này với các số liệu cụ thể đang được hãng xin ý kiến cơ quan quản lý. Tuy nhiên, những phương án này đều được cân đối một cách tổng thể, đảm bảo cho khả năng thực thi trên thực tế.
 
“Mục tiêu tái cơ cấu là đảm bảo thanh khoản vượt qua đại dịch, giảm tối đa lỗ lũy kế, không mất vốn chủ sở hữu và hãng cũng đảm bảo tái cơ cấu có được nguồn lực tài chính trong tương lai để tiếp tục phục hồi, đầu tư”, ông Hiền thông tin.
 
Đáng chú ý, vị kế toán trưởng cho biết theo tình hình kinh doanh các tháng quý IV, Vietnam Airlines dự kiến có thể duy trì vốn chủ sở hữu dương trong năm 2021.
 
Theo báo cáo tài chính quý III, vốn chủ sở hữu đến cuối tháng 9 của hãng đang là 1.475 tỷ đồng. Như vậy, kế hoạch ban lãnh đạo đưa ra sẽ tương đương với việc Vietnam Airlines không lỗ nhiều hơn 1.475 tỷ trong quý cuối năm nay.
 
Trước đó, hãng bay này đã trải qua 7 quý thua lỗ liên tiếp kéo dài từ quý I/2020, với tổng lỗ lũy kế giai đoạn này lên tới 24.096 tỷ đồng.