Điều chỉnh chiến lược phòng chống COVID-19 sang linh hoạt từ tháng 10, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 4 bật lên và ước tính tăng 5,22% so với cùng kỳ năm trước. Cả năm 2021 GDP ước tính tăng 2,58%.
Sáng 29/12, Tổng cụ Thống kê tổ chức họp báo công bố báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý 4 và năm 2021.
Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2021 ước tính tăng 2,58% so với cùng kỳ năm trước do dịch COVID-19 ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi lĩnh vực của nền kinh tế, đặc biệt là trong quý 3/2021 nhiều địa phương kinh tế trọng điểm phải thực hiện giãn cách xã hội kéo dài để phòng chống dịch bệnh.
"Đây là một thành công lớn của nước ta trong việc phòng chống dịch bệnh, duy trì sản xuất kinh doanh", bà Hương đánh giá.
GDP QUÝ 4/2021 TĂNG CAO HƠN QUÝ 4/2020
Cụ thể, quý 4/2021, GDP ước tính tăng 5,22% so với cùng kỳ năm trước, tuy cao hơn tốc độ tăng 4,61% của năm 2020 nhưng thấp hơn tốc độ tăng của quý 4 các năm 2011-2019.
Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,16%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 5,61%; khu vực dịch vụ tăng 5,42%. Về sử dụng GDP quý 4/2021, tiêu dùng cuối cùng tăng 3,86% so với cùng kỳ năm trước; tích lũy tài sản tăng 3,37%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 14,28%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 11,36%.
Ước tính GDP năm 2021 tăng 2,58% (quý 1 tăng 4,72%; quý 2 tăng 6,73%; quý 3 giảm 6,02%; quý 4 tăng 5,22%) so với năm trước do dịch COVID-19 ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi lĩnh vực của nền kinh tế.
Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,9%, đóng góp 13,97% vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 4,05%, đóng góp 63,80%; khu vực dịch vụ tăng 1,22%, đóng góp 22,23%.
Trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, năng suất của phần lớn cây trồng đạt khá so với năm trước, chăn nuôi tăng trưởng ổn định, kim ngạch xuất khẩu một số nông sản năm 2021 tăng cao góp phần duy trì nhịp tăng trưởng của cả khu vực. Ngành nông nghiệp tăng 3,18%, đóng góp 0,29 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; ngành lâm nghiệp tăng 3,88%, đóng góp 0,02 điểm phần trăm; ngành thủy sản tăng 1,73%, đóng góp 0,05 điểm phần trăm.
Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 6,37%, đóng góp 1,61 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Ngành sản xuất và phân phối điện tăng 5,24%, đóng góp 0,19 điểm phần trăm. Ngành khai khoáng giảm 6,21%, làm giảm 0,23 điểm phần trăm do sản lượng dầu mỏ thô khai thác giảm 5,7% và khí đốt thiên nhiên dạng khí giảm 19,4%. Ngành xây dựng tăng 0,63%, đóng góp 0,05 điểm phần trăm.
Theo Tổng cục Thống kê, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp từ cuối tháng Tư đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động thương mại và dịch vụ. Tăng trưởng âm của một số ngành dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn đã làm giảm mức tăng chung của khu vực dịch vụ và toàn bộ nền kinh tế.
Trong đó, ngành bán buôn, bán lẻ giảm 0,21% so với năm trước, làm giảm 0,02 điểm phần trăm trong tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; ngành vận tải kho bãi giảm 5,02%, làm giảm 0,3 điểm phần trăm; ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống giảm mạnh 20,81%, làm giảm 0,51 điểm phần trăm.
Ngành y tế và hoạt động trợ giúp xã hội đạt tốc độ tăng cao nhất trong khu vực dịch vụ với mức tăng 42,75%, đóng góp 0,55 điểm phần trăm; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 9,42%, đóng góp 0,52 điểm phần trăm; ngành thông tin và truyền thông tăng 5,97%, đóng góp 0,36 điểm phần trăm.
Về cơ cấu nền kinh tế năm 2021, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 12,36%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 37,86%; khu vực dịch vụ chiếm 40,95%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 8,83%.
Về sử dụng GDP năm 2021, tiêu dùng cuối cùng tăng 2,09% so với năm 2020; tích lũy tài sản tăng 3,96%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 14,01%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 16,16%.
Năng suất lao động của toàn nền kinh tế theo giá hiện hành năm 2021 ước tính đạt 171,3 triệu đồng/lao động (tương đương 7.398 USD/lao động, tăng 538 USD so với năm 2020). Theo giá so sánh, năng suất lao động năm 2021 tăng 4,71% do trình độ của người lao động được cải thiện (tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ năm 2021 đạt 26,1%, cao hơn mức 25,3% của năm 2020).
LẠC QUAN VỀ TRIỂN VỌNG TĂNG TRƯỞNG NĂM 2022
Trên nền tăng trưởng thấp của năm 2021, nhiều chuyên gia, tổ chức trong và ngoài nước dự báo tăng trưởng năm 2022 có thể vượt mục tiêu 6-6,5% mà Chính phủ và Quốc hội đặt ra.
Động lực tăng trưởng chính đối với GDP 2022 là nhờ các hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ,... trong nước phục hồi, xuất khẩu tăng trưởng tích cực, đầu tư công được đẩy mạnh, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) hồi phục mạnh mẽ và các chính sách hỗ trợ thiết thực, hiệu quả, kịp thời của Chính phủ.
Theo đó, Bộ phận Nghiên cứu Toàn cầu HSBC nhận định kinh tế Việt Nam có thể lấy lại nhịp tăng trưởng GDP ở mức 6,8% trong năm 2022. Trong khi đó, Ngân hàng UOB dự báo GDP năm 2022 của Việt Nam có thể tăng 7,4% ở kịch bản lạc quan và khoảng 6-6,5% ở kịch bản cơ sở.
Dragon Capital dự đoán tăng trưởng GDP 2022 sẽ nằm trong khoảng từ 6,1-9,6%, tùy thuộc vào quy mô, cách triển khai và tín hiệu quả của các gói hỗ trợ. Trong kịch bản cơ sở, tăng trưởng GDP năm 2022 sẽ vào khoảng 7,5%.