Trong số các thị trường cận biên, Dragon Capital cho biết, Việt Nam có mức định giá hấp dẫn nhất và tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp cao nhất.
Trong tháng giao dịch đầu tiên của năm 2021, VN-Index đã giảm 4% về mốc 1.057 điểm, trong đó có nhiều phiên chỉ số chứng kiến biến động mạnh bởi thông tin dịch COVID-19 trở lại với tâm điểm là Hải Dương và 1 số tỉnh thành lân cận tại Đồng bằng sông Hồng và TP.HCM.
Công ty Quản lý quỹ Dragin Capital nhận định rằng, thị trường điều chỉnh do thông tin dịch bệnh. Bên cạnh đó, sau 5 tháng liên tục tăng trưởng, chỉ số chạm vùng đỉnh lịch sử 1.200 điểm vào ngày 15/01, do đó việc thị trường điều chỉnh là tất yếu. Cùng với đó, nguồn vốn cho vay ký quỹ chạm mức trần tại hầu hết các công ty chứng khoán cũng gây áp lực lên thị trường.
Tuy nhiên, hoạt động giao dịch của nhà đầu tư vẫn tiếp tục sôi động. Thanh khoản hàng ngày trên 3 sàn đạt gần 21,000 tỷ khi nhà đầu tư cá nhân tích cực giao dịch, một số phiên đạt thanh khoảng 1 tỷ USD, dẫn tới việc hệ thống giao dịch thường xuyên gặp sự cố.
Điểm tích cực được Dragon Capital đánh giá là khối ngoại quay trở lại mua ròng mạnh trong 3 phiên cuối cùng của tháng 1/2021. “Nếu điều này được duy trì, đà tăng của thị trường sẽ được hỗ trợ mạnh trong thời gian tớI”, báo cáo của Dragon Capital cho biết.
Cũng tại báo cáo này, Dragon Capital cho rằng, biến động mạnh của thị trường những tháng vừa qua đã phản ánh sự tham gia của nhóm nhà đầu tư cá nhân, thường sử dụng nguồn vốn vay ký quỹ để gia tăng mức sinh lời khi kỳ vọng thị trường tăng. Nguồn vốn vay đạt hơn 80,000 tỷ vào cuối tháng 1, tương đương 1.6% tổng vốn hóa thị trường. Thị trường đã giảm 17% tính từ mức cao nhất đến mức thấp nhất, nhiều cổ phiếu giảm 25% - 30%.
“Thị trường tăng trưởng dựa vào nhà đầu tư cá nhân tiềm ẩn những rủi ro nhất định”, Dragon Capital cho hay.
Trong số các thị trường cận biên, Dragon Capital cho biết, Việt Nam có mức định giá hấp dẫn nhất và tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp cao nhất. Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 lây lan trong cộng đồng gây ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế, chính sách tiền tệ và tài khóa nhiều khả năng sẽ tiếp tục được nới lỏng để hỗ trợ nền kinh tế.
THÁNG 1/2020 GHI NHẬN SỐ TÀI KHOẢN MỞ MỚI CAO KỶ LỤC
Liên quan đến số tài khoản chứng khoán mở mới, số liệu từ Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) cho thấy, tháng 1/2021, nhà đầu tư trong nước đã mở mới 86.269 tài khoản chứng khoán và đây cũng là tháng có số lượng tài khoản mở mới lớn nhất trong lịch sử. So với tháng cuối năm 2020, số tài khoản chứng khoán nhà đầu tư trong nước mở mới tháng 1/2021 nhiều hơn 23.026 tài khoản (+36,4%).
Trước đó, năm 2020, nhà đầu tư trong nước mở mới hơn 393 nghìn tài khoản chứng khoán, tăng gấp đôi so với năm trước.
Việc nhà đầu tư nội ồ ạt mở tài khoản chứng khoán thời gian gần đây có nhiều yếu tố, trong đó đáng kể nhất là việc lãi suất huy động ngày càng giảm sâu; Kênh trái phiếu doanh nghiệp bị siết lại vì Nghị định 81 có hiệu lực vào đầu tháng 9; Việt Nam kiểm soát tốt dịch bệnh và là điểm sáng tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2020.