Chỉ còn ít ngày nữa là thị trường chứng khoán sẽ bước vào quãng thời gian "nóng bỏng" nhất, đó là mùa đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ). Đây là một trong những động lực chính của thị trường sau mùa báo cáo tài chính, là cơ sở giúp các nhà đầu tư định hình và xem xét tính khả thi của doanh nghiệp trước khi quyết định "xuống tiền".
Trong lịch sử từ giai đoạn 2016 tới nay, chỉ khi thị trường có một biến cố bất thường như chiến tranh thương mại, đại dịch Covid-19... thị trường mới có nhịp giảm điểm giai đoạn bốn tháng đầu năm, còn lại đều thể hiện sức nóng. Giai đoạn mùa đại hội cổ đông có thể là cơ hội cho cổ phiếu riêng lẻ hút dòng tiền.
Những tín hiệu đầu tiên
Như thường lệ, các ngân hàng vẫn luôn là những cái tên đầu tiên tổ chức sớm kỳ họp quan trọng này. Mới đây, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV, mã:
BID) đã thông tin về việc tổ chức ĐHĐCĐ thường niên vào ngày 27/2, ngày đăng ký cuối cùng để chốt danh sách cổ đông tham dự là 29/1.
Tương tự, Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PG Bank) cũng đã thông báo ngày họp ĐHĐCĐ thường niên 2021 dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 9/3. Danh sách cổ đông tham dự đã được chốt vào ngày 7/1 vừa qua.
Cổ phiếu của doanh nghiệp trên sàn thường trở nên “nóng bỏng tay” trước và sau kỳ đại hội diễn ra
Ngày 5/3 tới đây, Ngân hàng TMCP Á Châu (
ACB, mã:
ACB) sẽ chốt danh sách cổ đông tham dự ĐHĐCĐ thường niên 2021 dự kiến sẽ được tổ chức vào ngày 6/4.
Dù chưa công bố thời gian và địa điểm cụ thể tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2021 nhưng Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (
VIB, mã:
VIB) đã tiến hành chốt danh sách cổ đông tham dự vào ngày 17/2.
Bên cạnh các ngân hàng, nhiều doanh nghiệp cũng đã có thông báo về việc tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2021 trong đó đáng chú ý nhất phải kể đến CTCP Tập đoàn Masan (mã:
MSN). Theo đó, Tập đoàn này sẽ chốt danh sách cổ đông tham dự vào ngày 1/3 tới và dự kiến đại hội sẽ diễn ra trong tháng 4.
Hay như CTCP Cao su Phước Hoà cũng đã công bố thời gian tổ chức đại hội là ngày 11/3, Công ty chứng khoán Everest ngày 3/3. Tiếp đó, Công ty chứng khoán BIDV (BSC) cho biết, ngày 9/3 là ngày đăng ký cuối cùng và diễn ra đại hội dự kiến là 10/4.
Trước đó, do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 đã khiến mùa ĐHĐCĐ thường niên 2020 diễn ra muộn hơn so với thường lệ, thay vì tháng Ba, Tư, các doanh nghiệp đã phải lùi thời hạn đến cuối tháng Sáu và phần lớn là tổ chức dưới hình thức trực tuyến.
Tuy nhiên, năm nay có thể sẽ khác hơn nhờ tình hình dịch bệnh trong nước đã được kiểm soát nên nhiều đơn vị đã đánh tiếng sẽ tổ chức theo hình thức offline để các cổ đông có cơ hội gặp gỡ, chuyện trò với ban lãnh đạo của doanh nghiệp.
Đâu là tâm điểm của năm nay?
Tại BIDV, bên cạnh việc trình cổ đông thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2021, "ông lớn" này dự kiến sẽ thông qua phương án tăng vốn điều lệ năm 2021 và bầu bổ sung thành viên HĐQT, thành viên BKS nhiệm kỳ 2017-2022 tại ĐHĐCĐ năm 2021 này. Đồng thời, ngân hàng cũng sẽ trình cổ đông về việc chuyển đổi chi nhánh Yangon thành ngân hàng con.
Cũng giống như BIDV, nội dung dự kiến được họp bàn tại ĐHĐCĐ năm 2021 này của PG Bank liên quan đến kinh doanh 2021. Đồng thời, kiện toàn nhân sự Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát nhiệm kỳ 2020-2025.
Thời gian qua, PGBank luôn nhận được sự quan tâm của giới đầu tư vì luôn trong trạng thái chờ sáp nhập. Đích đến đầu tiên là Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (Vietinbank, mã:
CTG), sau đó đến Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HDBank, mã:
HDB).
Mặc dù đã có đề án và được cổ đông thông qua, đồng thời cũng từng được chấp thuận về chủ trương từ phía Ngân hàng Nhà nước, song đến thời điểm này thương vụ PGBank sáp nhập vào HDBank vẫn chưa có tiến triển gì thêm.
Hay như tại Tập đoàn
FPT, doanh nghiệp lên kế hoạch lợi nhuận tăng trưởng 18% trong năm 2021 và đạt 6.210 tỷ đồng; tại Hoá Chất Đức Giang (mã:
DGC), Phú Tài (mã:
PTB)… đều lên kế hoạch phát triển thêm lĩnh vực bất động sản nhờ quỹ đất hiện hữu, điều này tiếp tục kỳ vọng sẽ có lợi nhuận đột biến.
CTCP Bất động sản Thế Kỷ (mã:
CRE), doanh nghiệp đang cho thấy ngoài việc môi giới bất động sản, thực hiện kế hoạch mua sỉ các dự án và phân phối lại, điều này tiếp tục kỳ vọng có thêm lợi nhuận.
Thông thường, những kế hoạch kinh doanh tăng trưởng, tỷ lệ cổ tức tiền mặt ở mức cao... luôn là những thông tin khiến cổ phiếu của doanh nghiệp trên sàn trở nên “nóng bỏng tay” trước và sau kỳ đại hội diễn ra.
Nếu bỏ qua năm 2020 "khác lạ", thống kê những mùa đại hội trước cho thấy, trong tháng 3 thường có khoảng hơn 80 đại hội của các doanh nghiệp niêm yết được diễn ra, nghĩa là trung bình mỗi ngày có khoảng 3 đại hội. Theo đó, cứ khoảng 12 cổ phiếu trên sàn sẽ có 1 cổ phiếu có tin từ đại hội cổ đông và tùy theo tình hình sẽ có những diễn biến khác nhau.
Ngay cả có những năm cá biệt, cao điểm ĐHĐCĐ rơi vào tháng Tư, đặc biệt là trong những ngày cuối tháng mỗi ngày có thể có đến vài chục ĐHĐCĐ, nhưng “hiệu ứng” mùa đại hội gắn với thị trường lại diễn ra tháng Ba.
Điều này cũng dễ lý giải do thị trường chứng khoán là thị trường của tương lai, của kỳ vọng, việc doanh nghiệp công bố thông tin về kế hoạch năm tài chính giúp nhà đầu tư dần thể hiện kỳ vọng vào giá cổ phiếu.