Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)
Ngày 6/4, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã một lần nữa tăng dự báo về tăng trưởng kinh tế toàn cầu, lên mức 6,4% trong năm 2021. Đây là tốc độ tăng trưởng cao nhất kể từ những năm 1970, phần lớn là nhờ các chính sách chưa từng thấy của các nước nhằm ứng phó với đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Mức tăng trưởng nói trên cao hơn con số 5,5% được dự báo cách đây gần 3 tháng, cao hơn mức 5,1% đưa ra trong dự báo hồi cuối tháng 1/2021 và cao gần gấp đôi mức dự báo hồi tháng 10/2020. Việc IMF nâng dự báo tăng trưởng cho thấy triển vọng tươi sáng hơn của nền kinh tế toàn cầu. Nếu dự báo của IMF trở thành hiện thực, con số này sẽ đánh dấu mức tăng trưởng nhanh nhất của nền kinh tế thế giới kể từ năm 1976.
Báo cáo mang tên "Triển vọng Kinh tế Thế giới" vừa được công bố tại phiên khai mạc hội nghị mùa Xuân của IMF và Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy sự khác biệt lớn giữa triển vọng kinh tế của Mỹ và nhiều nước khác, nhờ gói cứu trợ trị giá 1.900 tỷ USD mới nhất của Washington.
Trong khi các nền kinh tế phát triển khác như Đức, Pháp và Nhật Bản đều đang vật lộn với khó khăn từ tháng 1/2021, IMF đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế của Mỹ từ 4,3% lên 5,1% trong năm nay. Mỹ sẽ cùng với Trung Quốc là những nước có GDP vượt quá mức đã đạt được trước khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát.
Theo IMF, nền kinh tế Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) sẽ tăng trưởng nhanh hơn dự báo trước đó, song vẫn cho rằng châu Âu sẽ mất nhiều thời gian hơn Mỹ để phục hồi sau cú sốc đại dịch. Cụ thể, tăng trưởng GDP tại 19 quốc gia Eurozone được dự báo sẽ đạt 4,4% trong năm nay, cao hơn 0,2 điểm phần trăm so với dự báo hồi tháng 1/2021.
Dự báo cho các nền kinh tế mới nổi dù cũng được cải thiện nhưng không mạnh như ở các nền kinh tế phát triển. IMF chỉ nâng dự báo tăng trưởng tại các nền kinh tế mới nổi thêm 0,4 điểm phần trăm lên 6,7% so với dự báo hồi tháng 1/2021.
Trong báo cáo của mình, IMF nhận định: "Sự phục hồi đa tốc độ đang diễn ra trong tất cả các khu vực và ở khắp các nhóm thu nhập, tùy thuộc vào sự khác biệt về tốc độ tiêm phòng dịch, quy mô chính sách hỗ trợ kinh tế và các nhân tố cấu trúc như sự phụ thuộc vào du lịch."
Mặc dù vậy, IMF cũng cảnh báo nhiều bất trắc lớn liên quan đến triển vọng tăng trưởng, đặc biệt là khả năng đẩy lùi thành công đại dịch COVID-19, hay thời gian áp dụng các chính sách hỗ trợ..../.