Kim ngạch xuất khẩu trong quý I/2021 đã tăng đến 22% so cùng kỳ năm ngoái, nhưng tỷ trọng vẫn nghiêng về khối doanh nghiệp ngoại. Bởi vậy, điều mong mỏi từ đà phục hồi này là cần lực bứt phá “đậm nét” hơn nữa của khối nội so với “cái bóng” của khối ngoại trong hoạt động xuất khẩu.
Theo dự báo mới đây của hãng SK Securities, với sự rút lui của hãng điện thoại LG thì thị phần điện thoại thông minh (smartphone) của Samsung ở thị trường Bắc Mỹ sẽ tăng từ 27% lên 30% trong năm nay, trong khi thị phần của Apple sẽ giảm từ 39% xuống còn 36%.
Vẫn là dấu ấn của khối ngoại
Còn theo hãng nghiên cứu Counterpoint Research thì Samsung có lợi thế hơn Apple trong việc mở rộng thị phần sau khi LG tuyên bố bỏ cuộc chơi, bởi Samsung có các dòng sản phẩm đa dạng hơn so với Apple và có thể thu hút người đang sử dụng điện thoại LG tại Bắc Mỹ. Samsung có các phiên bản Galaxy S đắt tiền bên cạnh các dòng A và M có giá trung bình và rẻ.
Đà phục hồi XK vẫn đang kỳ vọng sự bứt phá “đậm nét” hơn của khối DN nội địa.
Sở dĩ nêu ra những nhận định này là vì sản phẩm công nghệ cao từ hai nhà máy của SamSung ở Việt Nam là Bắc Ninh và Thái Nguyên đang chiếm hơn 50% năng lực sản xuất smartphone của Samsung trên toàn cầu, hầu hết là phân khúc cấp cao.
Và tính riêng trong quý I/2021, trong 11 mặt hàng của Việt Nam đạt kim ngạch xuất khẩu (XK) trên 1 tỷ USD thì nhóm hàng điện thoại và linh kiện có giá trị XK lớn nhất đạt 14,1 tỷ USD (chiếm 18,2% tổng kim ngạch XK, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm trước).
Xét về sức tăng trưởng của nhóm hàng điện thoại và linh kiện trong quý I/2021 trên thực tế vẫn đang chịu sự chi phối của hãng điện thoại Samsung. Những nhận định của hãng SK Securities hay Counterpoint Research về Samsung cũng là có cơ sở khi mà XK điện thoại các loại và linh kiện từ Việt Nam vào Mỹ trong 3 tháng đầu năm 2021 đã tăng đến 71,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Có thể nói nhóm hàng điện thoại và linh kiện là nhóm hàng XK chủ lực của Việt Nam, nhưng gần 100% trị giá XK nhóm hàng này lại thuộc về doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài như Samsung.
Theo nhận định mới đây của Bộ Công Thương về hoạt động XK trong quý I/2021 thì kim ngạch hàng hóa XK ước tính đạt 77,34 tỷ USD, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước.
Điều đáng nói là XK của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 59,04 tỷ USD, tăng 28,5% so với cùng kỳ năm 2020 và chiếm đến 76,3% trong tổng kim ngạch XK của cả nước.
Trong khi đó, sức tăng trưởng XK của khối DN nội địa vẫn còn khá khiêm tốn ở mức tăng 4,9%, chiếm 23,7% tổng kim ngạch XK.
Thực ra, tỷ trọng XK của một số mặt hàng chủ lực vẫn thuộc về khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và khối các ngành có DN có vốn đầu tư nước ngoài, mà điển hình là các nhóm hàng: Điện thoại và linh kiện; điện tử, máy tính và linh kiện; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng; giày dép; hàng dệt may.
DN nội cần chuyển đổi mạnh cơ cấu ngành hàng
Do vậy, nếu nói về đà phục hồi XK trong quý I năm nay thì khối ngoại vẫn chiếm ưu thế lớn. Và điều mong mỏi là trong thời gian tới khối DN nội cần có sự bứt phá đậm nét hơn trong hoạt động XK.
Ngoài vấn đề nêu trên, cần ghi nhận ở một số địa phương tập trung nhiều khu công nghiệp đang có đà phục hồi XK khá tốt. Như tại Bình Dương, kim ngạch XK trong quý I/2021 ước đạt hơn 7,7 tỷ USD, tăng 30,4% so với cùng kỳ năm trước. Điều này giúp chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp của tỉnh ước tính tăng 6,89% so với cùng kỳ.
Điển hình như các DN trong lĩnh vực XK gỗ và nội thất ở tỉnh này từ đầu năm đến nay có rất nhiều đơn hàng và nhận được đơn đặt hàng trong quý II, thậm chí một số DN có đơn đặt hàng đến cuối năm 2021.
Theo chia sẻ của bà Lê Thị Xuyến, Tổng Giám đốc CTCP Chế biến gỗ Thuận An (Bình Dương), thì công ty đang tận dụng tốt các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) đã ký kết để mở rộng giao thương quốc tế và thị trường xuất khẩu mới, tránh quá lệ thuộc vào bất cứ thị trường nào
Hoặc như ở Đồng Nai, kim ngạch XK sản phẩm gỗ trong 3 tháng đầu năm nay đạt 447 triệu USD, tăng hơn 33% so với cùng kỳ năm trước. Điều này được lý giải là do các DN trên địa bàn tỉnh đã khôi phục các đơn hàng lớn đến từ những thị trường truyền thống và các thị trường mới.
Nếu nói về dấu ấn phục hồi XK của các DN nội địa thì phải ghi nhận vai trò của các DN trong ngành gỗ và nội thất. Điều này giúp kim ngạch XK gỗ và sản phẩm gỗ của cả nước trong quý I/2021 đạt 3,7 tỷ USD, tăng 41,5% so cùng kỳ năm 2020.
Nhìn từ kết quả XK khả quan như hiện tại, Tổng cục Thống kê vẫn có lưu ý để hoạt động XK thực sự bền vững trong bối cảnh hội nhập của Việt Nam với hàng loạt các FTA thì các lĩnh vực sản xuất, chế biến trong nước cần phải tiếp tục đổi mới.
Nhất là các DN nội địa cần có bước chuyển đổi mạnh về cơ cấu ngành hàng cũng như nâng cao chất lượng, đổi mới quy trình xúc tiến thương mại cho phù hợp với tình hình mới.
Còn theo Bộ Công Thương, XK hàng hóa Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn, thách thức khi diễn biến dịch Covid-19 trên phạm vi toàn cầu vẫn phức tạp.
Và một trong những thách thức lớn là việc vận chuyển hàng hóa gặp khó khăn, nhiều chuỗi cung ứng bị gián đoạn, ảnh hưởng tới tình hình XK hàng hóa của Việt Nam sang các nước đối tác. Chưa kể, chi phí đầu vào như logistics, nguyên liệu nhập khẩu tăng cao cũng ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất và XK của các DN nội địa.
Cho nên, bên cạnh tín hiệu phục hồi tốt trong quý I/2021 thì điều quan trọng là các DN nội cần vượt qua được các thách thức hiện tại để có thể bứt phá XK “đậm nét” hơn trong thời gian tới.