15h00
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 2,57 điểm (0,19%) lên 1.362,43 điểm. Toàn sàn có 217 mã tăng, 157 mã giảm và 50 mã đứng giá. HNX-Index tăng 4,4 điểm (1,33%) lên 335,08 điểm. Toàn sàn có 141 mã tăng, 81 mã giảm và 62 mã đứng giá. UPCoM-Index tăng 1,15 điểm (1,29%) lên 90,53 điểm.
Thanh khoản thị trường tiếp tục cải thiện với tổng giá trị khớp lệnh đạt 26.751 tỷ đồng, tăng 5,2%. Trong đó, giá trị khớp lệnh sàn HoSE tăng 2,2% lên 21.050 tỷ đồng.
Khối ngoại bán ròng khoảng 570 tỷ đồng ở sàn HoSE.
Diễn biến giao dịch khối ngoại sàn HoSE. Nguồn: FireAnt.
13h58
Áp lực bán dâng cao khiến nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn nới rộng đà giảm, các chỉ số vì vậy cũng rung lắc mạnh, trong đó, VN-Index lùi xuống dưới mốc tham chiếu. Các mã như BCM, KDC, VJC, MSN, VRE, MBB... đều giảm trên 1%. BCM giảm 2,4%, KDC giảm 1,8%, VJC giảm 1,7%.
VN-Index giảm 0,59 điểm (-0,04%) xuống 1.359,27 điểm. HNX-Index tăng 2,92 điểm (0,88%) lên 333,6 điểm.
11h30
Tạm dừng phiên sáng, VN-Index tăng 3,28 điểm (0,24%) lên 1.363,14 điểm. Toàn sàn có 187 mã tăng, 180 mã giảm và 49 mã đứng giá. HNX-Index tăng 2,92 điểm (0,88%) lên 333,6 điểm. Toàn sàn có 101 mã tăng, 81 mã giảm và 71 mã đứng giá. UPCoM-Index tăng 0,84 điểm (0,94%) lên 90,22 điểm.
Bên cạnh VNM, các mã dầu khí như GAS hay PVD cũng bứt phá và góp phần giữ được sắc xanh của VN-Index. GAS phiên sáng tăng 2,8%, PVD tăng 3,5%.
Thanh khoản thị trường cải thiện hơn với tổng giá trị giao dịch đạt 16.875 tỷ đồng, trong đó, giao dịch khớp lệnh chiếm 15.930 tỷ đồng, tăng 12,8% so với phiên sáng hôm qua. Giá trị khớp lệnh sàn HoSE là 12.484 tỷ đồng, tăng 10,7%.
Khối ngoại bán ròng trở lại hơn 355 tỷ đồng ở sàn HoSE.
Diễn biến giao dịch khối ngoại sàn HoSE. Nguồn: FireAnt.
10h28
Đà tăng của các chỉ số bị thu hẹp lại đáng kể do nhiều cổ phiếu lớn chìm trong sắc đỏ như BCM, PDR, TPB, PLX, MWG, VJC... Tuy nhiên, với sự trợ giúp của một số mã trụ cột như VNM, VCS, VIC, VHM... nên các chỉ số vẫn giao dịch ở trên mốc tham chiếu. VNM tăng mạnh 2,2% lên 89.600 đồng/cp.
Nhóm cổ phiếu được cho là hưởng lợi từ đầu tư công đang giao dịch tích cực. BCC tăng 7,6%, HT1 tăng 5,8%, PLC tăng 1,2%, KSB tăng 0,9%. Theo Agriseco, giai đoạn 2021 - 2025, kế hoạch giải ngân đầu tư công là 2,87 triệu tỷ đồng – tăng hơn 40% so với con số thực hiện giai đoạn trước. Riêng năm 2021, vốn đầu tư công kế hoạch là gần 600.000 tỷ đồng. Tuy nhiên trong nửa năm đầu tiên mới hoàn thành 36,8% kế hoạch, vì thế nhu cầu giải ngân của nửa sau năm 2021 là gấp rút. Đồng thời, Chính phủ cũng tập trung nguồn lực ở các công trình hạ tầng lớn có quy mô quốc gia và thực hiện cắt giảm khoảng hơn 1.000 dự án không cần thiết và dự kiến số dự án thực hiện giai đoạn này chỉ còn 5.000 dự án so với gần 6.500 dự án của giai đoạn 2016 – 2020. Nghị quyết số 63/NQ-CP ban hành Tháng 6/2021 nêu rõ định hướng tập trung tháo gỡ các khó khăn, khúc mắc về thể chế, chính sách. Đồng thời, phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư ngân sách nhà nước năm 2021 đạt 95% - 100% kế hoạch được giao. Trong đó, đến hết quý III giải ngân đạt tối thiểu 60% kế hoạch.
Hiện tại, VN-Index tăng 2,96 điểm (0,22%) lên 1.362,82 điểm. HNX-Index tăng 2,42 điểm (0,73%) lên 333,1 điểm. UPCoM-Index tăng 0,67 điểm (0,75%) lên 90,05 điểm.
9h30
Ngay từ đầu phiên giao dịch, các chỉ số chứng khoán đồng loạt tăng trước sự bứt phá của nhiều nhóm ngành cổ phiếu. Trong đó, các mã vốn hóa lớn như VIC, SHB, GAS, VHM, VNM... đều tăng giá và hỗ trợ kéo các chỉ số lên trên mốc tham chiếu.
Nhóm cổ phiếu phân bón, vận tải biển, thép... đồng loạt tăng giá mạnh, trong đó, DPM tăng 6,5%, DCM tăng 3,8%, VGS tăng 2,5%, VIS tăng 2,4%, VOS, CDN hay MVN vẫn được kéo lên mức giá trần.
Hiện tại, VN-Index tăng 7,06 điểm (0,52%) lên 1.366,92 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 115 triệu cổ phiếu, trị giá 3.600 tỷ đồng. HNX-Index tăng 3,18 điểm (0,96%) lên 333,86 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 31 triệu cổ phiếu, trị giá 804 tỷ đồng. UPCoM-Index tăng 0,85 điểm (0,95%) lên 90,23 điểm.
Thị trường chứng khoán tăng điểm tốt trong phiên 10/8 với sự bùng nổ ở nhiều nhóm ngành cổ phiếu như chứng khoán, phân bón, cảng biển... Thanh khoản thị trường ở mức tương đương phiên trước với tổng giá trị khớp lệnh đạt 25.430 tỷ đồng. Khối ngoại vẫn mua ròng 93 tỷ đồng ở phiên này, trong đó tập trung gom VHM.
Theo Chứng khoán Agribank (Agriseco), đà tăng thị trường được củng cố trong các phiên tới. Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định chưa có dấu hiệu tiêu cực nào, YSVN cũng dự báo thị trường có thể sẽ tiếp tục đà tăng.
Một số thông tin quốc tế đáng chú ý
Chốt phiên 9/8, Dow Jones, S&P 500 giảm, Nasdaq tăng. Dow Jones giảm 106,66 điểm, tương đương 0,3%, xuống 35.101,85 điểm. S&P 500 giảm 4,17 điểm, tương đương 0,09%, xuống 4.432,35 điểm. Nasdaq tăng 24,42 điểm, tương đương 0,16%, lên 14.860,18 điểm.
Các thị trường chứng khoán châu Á – Thái Bình Dương trái chiều trong phiên 9/8. Chỉ số MSCI châu Á – Thái Bình Dương không gồm Nhật Bản tăng 0,02%. Thị trường Nhật Bản hôm nay nghỉ lễ. Thị trường Trung Quốc đi lên với Shanghai Composite tăng 1,05%, Shenzhen Component tăng 0,77%. Hang Seng của Hong Kong tăng 0,37%. Chỉ số Kospi của Hàn Quốc giảm 0,3%. ASX 200 của Australia đi ngang.
Chốt phiên 9/8, giá dầu Brent, WTI đều giảm. Giá dầu Brent tương lai giảm 1,66 USD, tương đương 2,4%, xuống 69,04 USD/thùng. Giá dầu WTI tương lai giảm 1,8 USD tương đương 2,6%, xuống 66,48 USD/thùng, trong phiên có lúc xuống thấp nhất kể từ tháng 5. Chốt phiên, giá hai loại dầu đều thấp nhất kể từ ngày 19/7.
Giá nhôm ở đỉnh 10 năm do thiếu hụt nghiêm trọng. Trong năm nay, giá nhôm đã tăng 31%, hiện đạt mức 2.615 USD/tấn. Cổ phiếu của các "ông lớn" ngành nhôm thế giới đã tăng hai con số trong năm nay, theo đó của Alcoa (Mỹ) tăng 68%, trong khi của Norsk Hydro (Châu Âu) tăng 47%.