Dragon Capital đã mua hơn 1,4 triệu của phiếu DXG để nâng tổng sở hữu cả nhóm lên hơn 88 triệu đơn vị, tương đương 17% vốn.
VinaCapital bán 297.400 cổ phiếu PNJ để cơ cấu danh mục đầu tư.
Pyn Elite tiếp tục thoái vốn Thiết bị Y tế Việt Nhật.
Dragon Capital mua cổ phần Đất Xanh
Nhóm Dragon Capital đã mua hơn 1,4 triệu của phiếu DXG của Đất Xanh (HoSE:DXG) vào ngày 8/9. Giao dịch khiến tổng sở hữu cả nhóm tăng lên hơn 88 triệu đơn vị, tương đương 17% vốn.
Cụ thể, hai quỹ thành viên thực hiện giao dịch là CTBC Vietnam Equity Fund (1 triệu cổ phiếu) và Hanoi Investments Holdings Limited (417.900 cổ phiếu).
Tại ngày 8/9, cổ phiếu DXG chốt phiên tại mức giá 22.000 đồng/cp. Tạm tính theo giá này, quỹ trả hơn 31 tỷ đồng để nâng tỷ lệ sở hữu tại Đất Xanh trong đợt này. Trước đó tại ngày 16/8, quỹ thành viên Vietnam Enterprise Investments Limited đã bán 2 triệu cổ phiếu DXG, qua đó lượng sở hữu của cả nhóm giảm về hơn 86 triệu đơn vị (tỷ lệ 16,7%).
Dragon Capital mua lại DXG trước 10/9 - ngày đăng ký cuối cùng thực hiện quyền nhận hơn 77,7 triệu cổ phiếu thưởng theo tỷ lệ 15%. Với hơn 88 triệu cổ phần đang nắm giữ, Dragon Capital có thể nhận thêm 13,2 triệu cổ phiếu DXG mới.
Sau khi phát hành cổ phiếu thưởng trong quý III năm nay, Đất Xanh dự kiến phát hành 200 triệu cổ phiếu riêng lẻ, tương đương 38,59% cổ phần đang lưu hành. Đồng thời, doanh nghiệp cũng có kế hoạch chào bán 7 triệu cổ phiếu ESOP với giá dự kiến 10.000 đồng/cổ phần. Số cổ phiếu này có điều kiện hạn chế chuyển nhượng 2 năm kể từ ngày hoàn tất phát hành. Trong trường hợp lao động nghỉ việc trước khi kết thúc thời gian hạn chế chuyển nhượng 2 năm thì thời gian hạn chế chuyển nhượng là 4 năm.
Chuyển động quỹ đầu tư
VinaCapital bán PNJ
Ngày 31/8, quỹ Asia Value Investment Limited đã bán 297.400 cổ phiếu Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (HoSE: PNJ) để cơ cấu danh mục đầu tư. Giao dịch khiến tổng sở hữu cả nhóm VinaCapital còn gần 13,4 triệu đơn vị, tương đương 5,89% vốn.
Trên thị trường, cổ phiếu PNJ không ghi nhận giao dịch thỏa thuận trong phiên 31/8. Qua đó, Asia Value Investment Limited có thể đã bán số cổ phần trên theo phương thức khớp lệnh. Tạm tính theo giá đóng cửa 86.000 đồng/cp, số tiền quỹ thu về khoảng 25 tỷ đồng.
Sau giao dịch, Vietnam Investment Limited vẫn là quỹ thành viên sở hữu nhiều cổ phần PNJ nhất với gần 7,5 triệu đơn vị, ứng với 3,28%. Tiếp đó Asia Value Investment Limited nắm giữ hơn 4,46 triệu đơn vị (1,96%) và VOF Investment Limited sở hữu gần 1,5 triệu cổ phiếu (0,65%).
Về hoạt động kinh doanh của PNJ, tính đến cuối tháng 7, đơn vị đã tạm đóng 274 cửa hàng trên toàn hệ thống để thực hiện nghiêm chỉnh việc giãn cách xã hội, tương đương với 81% tổng số lượng cửa hàng.
Trong tháng 7, PNJ ghi nhận doanh thu thuần giảm 63% về 489 tỷ đồng, lỗ 32 tỷ đồng. Lũy kế 7 tháng, doanh thu thuần đạt 12.126 tỷ đồng, tăng 34% so với cùng kỳ và hoàn thành 58% kế hoạch; lãi sau thuế tăng 42% lên 704 tỷ đồng, tương đương 57 % chỉ tiêu cả năm.
PYN Elite tiếp tục thoái vốn Thiết bị Y tế Việt Nhật
PYN Elite Fund tiếp tục bán ra hơn 3,11 triệu cổ phiếu của Thiết bị Y tế Việt Nhật (HoSE: JVC) tại ngày 1/9 theo phương thức khớp lệnh trên sàn. Với giá đóng cửa phiên giao dịch là 5.250 đồng/cp, ước tính quỹ Phần Lan thu về hơn 16,3 tỷ đồng.
Như vậy, kể từ ngày 25/8 đến 1/9, PYN Elite Fund đã bán tổng cộng 6,04 triệu cổ phiếu JVC để giảm lượng nắm giữ xuống 6,33 triệu đơn vị, theo đó tỷ lệ sở hữu giảm từ 11% xuống 5,63%.
Động thái bán của quỹ nước ngoài diễn ra trong bối cảnh cổ phiếu JVC có chuỗi tăng giá mạnh thời gian gần đây. Cụ thể, sau hai tháng, thị giá mã chứng khoán này đã tăng 60% lên 5.470 đồng/cp kết phiên 10/9.
PYN Elite Fund trở thành cổ đông lớn của Thiết bị Y tế Việt Nhật kể từ cuối 2016 trong bối cảnh nhiều cổ đông ngoại như Dragon Capital, Vietnam Equity Holding… liên tục thoái vốn sau sự cố Chủ tịch HĐQT Lê Văn Hướng bị khởi tố. Khi đó, cổ phiếu JVC đã giảm mạnh từ vùng giá 22.000 đồng/cp về khoảng 3.000 - 4.000 đồng/cp.
Xét về hoạt động kinh doanh, công ty cung cấp thiết bị y tế đã lỗ liên tiếp 6 quý gần nhất, dẫn đến mức lỗ lũy kế hơn 1.092 tỷ đồng tại thời điểm 30/6. Với kết quả này, cổ phiếu JVC bị chuyển từ diện cảnh báo sang diện kiểm soát và chỉ được giao dịch trong phiên chiều kể từ ngày 6/7. Tuy nhiên, cổ phiếu đã được giao dịch toàn thời gian trở lại dưới dạng chứng khoán bị kiểm soát từ ngày 14/7 sau khi doanh nghiệp đã có văn bản gửi HoSE về phương án khắc phục tình hình kinh doanh và ý kiến ngoại trừ kiểm toán.