Thông tin các cơ quan chức năng sẽ vào cuộc kiểm tra, làm rõ các dấu hiệu bất thường, đặc biệt là các trường hợp thao túng, làm giá cổ phiếu đang nhận được nhiều sự đồng tình ủng hộ của giới đầu tư. Tuy nhiên, vẫn có quan điểm cho rằng "lái" đã thoát hết "hàng" rồi thì kiểm tra có ích gì?
Trong thời gian qua, nhóm cổ phiếu liên quan đến CTCP Louis Capital (mã:
TGG) đã gây bất ngờ cho giới đầu tư khi đồng loạt tăng mạnh, thậm chí có mã tăng gấp 5 lần dù hoạt động sản xuất kinh doanh hết sức bình thường, thậm chí nhiều doanh nghiệp vẫn đang gặp khó khăn. Nhiều nghi ngờ liên quan đến việc có hiện tượng thao túng giá trong nhóm này đã được đưa ra.
Quỹ đầu tư “ma”
Ngay sau đó, ông Ngô Thục Vũ -
CEO của Louis Capital đã lên tiếng phản bác thông tin nhưng cũng không thể xóa được nghi vấn của giới đầu tư.
Bởi lẽ, có một điểm đáng chú ý là ông Đỗ Thành Nhân, Chủ tịch HĐQT CTCP Xuất nhập khẩu An Giang (mã:
AGM), vừa mới được bầu là thành viên HĐQT Louis Capital trong kỳ họp ĐHĐCĐ bất thường ngày 6/9, đã liên tục “đăng đàn” trên Facebook dự báo về nhóm cổ phiếu “họ Louis” như:
BII (Louis Land),
TGG,
APG (chứng khoán
APG),
SMT (Sametel),
DDV (
DAP-Vinachem),
AGM (Xuất nhập khẩu An Giang)... sẽ tăng từ 2-3 lần từ nay tới cuối năm.
Không loại trừ một quỹ đầu tư “ma” lại xuất hiện trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Thực tế, cổ phiếu
TGG đã đạt được đỉnh 74.800 đồng/cp (phiên 22/9). Trong vòng một quý gần đây, mã chứng khoán này đã có biến động giá tăng hơn 900%. Nếu xét từ đầu năm nay, cổ phiếu
TGG chỉ có giá quanh mốc 1.120 đồng, tức đến nay có biến động tăng hơn 5.800%.
Diễn biến tương tự cũng xảy ra ở những cổ phiếu còn lại. Thế nhưng, kể từ phiên giao dịch ngày 23/9 đến nay,
TGG cùng các “anh em” khác như
BII,
APG,
AGM…đều đồng loạt giảm sàn
Diễn biến này của nhóm Louis khiến những người đã tham gia thị trường chứng khoán lâu năm nhớ về một loại quỹ đầu tư chuyên đầu cơ ăn “xác chết” hay còn gọi là “quỹ đầu tư ma”.
“Một loạt cổ phiếu cùng một họ do một công ty đầu tư tham gia là cổ đông chiến lược, mua tăng tỷ trọng, đều tăng trần liên tục, trong khi nội tại, kết quả kinh doanh đều thể hiện những con số không ấn tượng. Không loại trừ một quỹ đầu tư “ma” lại xuất hiện”, chuyên gia chứng khoán Nguyễn Hồng Điệp chia sẻ.
Còn nhớ, cách đây khoảng 8 năm ở Việt Nam, giới đầu tư đều biết đến quỹ GEM đã thực hiện thành công 4 deal “khủng” dưới vỏ bọc nhà đầu tư chiến lược (
HHS 200 tỷ,
DLG 400 tỷ,
FLC 800 tỷ và
HAG 1.700 tỷ). Ở thời điểm này, các doanh nghiệp trong deal đều đang gặp khó khăn về dòng tiền, cổ phiếu đều đang ở giai đoạn thoái trào.
Ngay sau khi những thương vụ này hoàn tất, bằng cách nào đó giá của những cổ phiếu trên đều tăng cao với những phiên tăng trần liên tiếp kéo dài và họ tiến hành bán ngay lập tức toàn bộ số cổ phiếu đang nắm giữ, rồi “biến mất như một làn khói”, tất cả những cổ phiếu mà họ mua vào đều giảm giá kinh hoàng.
Luôn trong tầm ngắm nhưng…
Mới đây, ông Nguyễn Công Minh – Phó Vụ trưởng Vụ giám sát thị trường chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã có chia sẻ với báo giới về việc, trên thị trường xuất hiện một số cổ phiếu có dấu hiệu tăng giá bất thường và cho biết, các cơ quan chức năng đang thực hiện giám sát chặt chẽ và thanh, kiểm tra để làm rõ. Nếu phát hiện sai phạm sẽ xử lý nghiêm, đặc biệt là các trường hợp thao túng, làm giá.
“Không chỉ riêng một, hay một nhóm cổ phiếu nào, mà tất cả các cổ phiếu có dấu hiệu bất thường đều được cơ quan quản lý giám sát, theo dõi chặt chẽ”, ông Minh cho biết.
Quyết tâm của các cơ quan liên quan là vậy, pháp luật cũng đã quy định rõ về các trường hợp xử lý hình sự trong vi phạm lĩnh vực chứng khoán, đặc biệt đối với hành vi “thao túng thị trường chứng khoán” nhưng số vụ vi phạm bị xử lý hình sự thì không nhiều mà chủ yếu chỉ dừng lại việc xử lý hành chính.
Điển hình như vụ việc cổ phiếu
FTM của CTCP Đầu tư và Phát triển Đức Quân khiến 11 công ty chứng khoán và 1 ngân hàng chịu thiệt hại lên đến gần 200 tỷ đồng, chưa kể thiệt hại từ các nhà đầu tư nhỏ lẻ. Thế nhưng, sau khi bị phát hiện, ông Lê Mạnh Thường và bà Phạm Thị Phương (2 cá nhân thổi giá cổ phiếu
FTM) chỉ bị phạt mỗi người 600 triệu đồng.
Đáng nói, các vụ việc đều bị phát hiện sau khi các "tay to" đều đã kịp thời "thoát hàng". Lúc này, thiệt hại thuộc về các nhà đầu tư vào sau.
"Nhiều cổ phiếu tăng trần hàng mấy chục phiên và chỉ giải thích qua loa là theo quy luật cung cầu của thị trường thì không thấy ai lên tiếng, đến khi “đội lái” thoát hết hàng rồi thì còn kiểm tra làm gì nữa”, nhà đầu tư Đ.T (TP.HCM) chia sẻ.
Đây cũng là "tiếng lòng" của nhiều nhà đầu tư bởi khi thiệt hại đã xảy ra rồi, việc thanh, kiểm tra, xử lý chỉ mang tính chất hình thức, những mất mát mà nhà đầu tư phải gánh chịu là không thể bù đắp. Thậm chí làm giảm tính minh bạch của các quyết sách từ phía cơ quan chức năng.
“Họ Louis đã đồng loạt giảm sàn mấy phiên rồi nhưng để biết được có vi phạm hay không vẫn phải chờ cơ quan thanh tra giám sát hoặc công an vào cuộc xem xét dữ liệu giao dịch, thu thập đủ bằng chứng. Vậy khi có quyết định cuối cùng thì nhà đầu tư đã lãnh đủ hậu quả. Tại sao không kiểm tra ngay từ khi nó bắt đầu có sự bất thường? Phải chăng có lợi ích nhóm ở đây?”, nhà đầu tư M.T (Hà Nội) bức xúc cho biết.
Do vậy, thay vì chạy theo “những sự việc đã rồi” nên chăng UBCKNN, các Sở GDCK thực hiện việc thanh lọc, loại bỏ những doanh nghiệp kém chất lượng, các “quỹ đầu tư ma” nhằm thực hiện đúng chức năng bảo vệ thị trường, quyền lợi của các nhà đầu tư?