• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.218,57 -13,32/-1,08%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:02 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.218,57   -13,32/-1,08%  |   HNX-INDEX   221,53   -2,29/-1,02%  |   UPCOM-INDEX   91,33   -0,54/-0,59%  |   VN30   1.271,22   -15,43/-1,20%  |   HNX30   469,62   -6,98/-1,46%
15 Tháng Mười Một 2024 10:03:35 CH - Mở cửa
Chuyển đổi số: Xu hướng tất yếu để bắt kịp thời cuộc
Nguồn tin: Nhà đầu tư | 09/01/2022 8:45:00 CH
Số hóa đang thay đổi tất cả các lĩnh vực trong cuộc sống, cũng như các mô hình kinh doanh, đặc biệt trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Các ngành, lĩnh vực có thể thu được nhiều lợi ích từ việc tận dụng các xu hướng công nghệ để tối ưu hóa mọi quy trình và mở rộng quy mô.
 
Nhìn thẳng vào thực trạng
 
Sự phát triển mạnh mẽ của công nghiệp công nghệ thông tin (CNTT) tại Việt Nam là cơ sở cho việc thúc đẩy hoạt động sản xuất thông minh. Một số doanh nghiệp trong nước cũng đã mạnh dạn phát triển sản xuất thông minh với hệ điều hành sản xuất trên nền tảng số hóa, kết nối với các dây chuyền tự động toàn nhà máy với thông tin xuyên suốt chuỗi giá trị, từ đặt hàng cho đến sản xuất.
 
Tuy nhiên, theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới khu vực Đông Á - Thái Bình Dương mới công bố tháng 11/2021 cho thấy, công nghiệp chế biến chế tạo của các doanh nghiệp Việt Nam 70% sử dụng máy móc do con người điều khiển, 20% được làm thủ công, chỉ 9% sử dụng máy móc được điều khiển bằng máy vi tính và dưới 1% sử dụng công nghệ tiên tiến hơn như robot, sản đắp lớp 3D. Hơn 75% doanh nghiệp vừa và nhỏ, 2/3 doanh nghiệp lớn được khảo sát hoài nghi về lợi ích kinh tế của việc đầu tư vào công nghệ mới.
 
Trong khi đó, báo cáo của CSIRO (cơ quan khoa học quốc gia Úc) và Bộ KH&CN cho biết, chỉ một số ít các doanh nghiệp tham gia vào các hoạt động đổi mới sáng tạo. Đồng thời, tỷ lệ doanh nghiệp có R&D (nghiên cứu và phát triển) trong các ngành sản xuất còn rất thấp như: ngành sản xuất thiết bị điện 17%, ngành sản xuất hóa chất 15%, ngành sản xuất chế biến thực phẩm 9%, ngành sản xuất sản phẩm từ cao su và nhựa 7%, ngành sản xuất da và sản phẩm có liên quan 6%, ngành dệt may 5%.
 
“Thực tế cho thấy phát triển sản xuất thông minh trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 sẽ phải đối diện với nhiều khó khăn và thách thức”, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển nói tại Diễn đàn cấp cao thường niên lần thứ 3 về công nghiệp 4.0.
 
Ông Hiển nhận định, trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa cần được đặt trong xu thế phát triển công nghiệp toàn cầu và quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Phát triển sản xuất thông minh cần gắn với quá trình tái cơ cấu lại ngành công nghiệp và nâng cao trình độ công nghệ, nâng cao tính tự chủ của nền kinh tế và khả năng tham gia sâu, có hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu.
 
Đồng quan điểm, TS. Đào Trọng Cường, Phó Vụ trưởng Vụ KH&CN (Bộ Công Thương) cho rằng, thúc đẩy sản xuất thông minh ở Việt Nam là bài toán rất lớn cần có lời giải từ phía cơ quan nhà nước, đơn vị nghiên cứu và các nhà khoa học.
 
Một cuộc khảo sát của Bộ Công Thương cho thấy, phần lớn các doanh nghiệp đang ở mức tiếp cận thấp so với yêu cầu của phát triển sản xuất thông minh và nhà máy thông minh. Tỷ lệ áp dụng các công nghệ 4.0 rất hạn chế, chỉ từ 2-3% và tỷ lệ dự kiến đầu tư áp dụng các công nghệ này của doanh nghiệp cũng còn khá khiêm tốn.
 
Xu hướng tất yếu
 
Dưới tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, chuyển đổi số là xu hướng tất yếu, vấn đề sống còn đối với các quốc gia, tổ chức, doanh nghiệp và người tiêu dùng trên toàn thế giới, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch COVID-19 hiện nay. Những sự thay đổi về năng suất lao động, nhu cầu, tâm lý, thói quen của người dùng và các mô hình sản xuất, kinh doanh mới đang được hình thành cho thấy vai trò và tác động to lớn của chuyển đổi số đến đời sống xã hội và mọi ngành nghề hiện nay.
 
Chuyển đổi số là thay đổi phương thức làm việc, sản xuất thông qua sự tích hợp các công nghệ kỹ thuật số vào hoạt động của mỗi đơn vị, doanh nghiệp nhằm thay đổi cách thức vận hành, mô hình kinh doanh và đem đến những hiệu quả cao hơn, những giá trị mới hơn. Chuyển đổi số còn là sự thay đổi về văn hóa của đơn vị, doanh nghiệp, đòi hỏi sự liên tục cập nhật cái mới, hiện đại và phải chấp nhận cả thất bại bên cạnh những thành công do đổi mới đem lại.
 
Đây là quá trình thay đổi mô hình cũ, mô hình truyền thống sang dạng doanh nghiệp số, dựa trên những ứng dụng công nghệ mới, như: Big data, IoT, điện toán đám mây… nhằm thay đổi phương thức điều hành, quy trình làm việc và văn hóa lao động trong doanh nghiệp với mục đích mở rộng thị trường, tăng vị trí cạnh tranh, thúc đẩy tăng trưởng doanh thu, tăng năng suất lao động, mở rộng khả năng thu hút và giữ chân khách hàng.
 
Dịch COVID-19 bùng phát, nhiều quốc gia, doanh nghiệp nhanh chóng chuyển hoạt động lên môi trường số. Do vậy, việc phát triển và đẩy mạnh chuyển đổi số là yêu cầu cấp thiết, giúp cho các doanh nghiệp khởi nghiệp giành lợi thế, là giải pháp cho các tổ chức, doanh nghiệp, mô hình truyền thống tiếp tục tồn tại, phát triển.
 
Ở Việt Nam, đơn cử như câu chuyện của Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN). Ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn điện lực Việt Nam cho biết, sự lớn mạnh của ngành điện lực Việt Nam là đi cùng với hành trình chuyển đổi số.
 
Cụ thể, tính đến 30/11, hệ thống điện Việt Nam có tổng công suất đặt đứng đầu ASEAN, vượt qua Indonesia với 76.000 MW. Hệ thống truyền tải đường dây 500 kV, 220 KV cũng đứng đầu ASEAN…
 
Để có được những thành tựu lớn, vị Phó Giám đốc EVN cho rằng, chuyển đổi số chính là động lực tăng trưởng. Ông dẫn chứng, 29,5 triệu hợp đồng mua bán điện đã được số hóa và đến nay EVN đã bán điện trực tiếp tới 12/13 đảo. Với 19 triệu công tơ điện tử, Việt Nam đạt tỷ lệ cao về công tơ điện tử trong khu vực ASEAN.
 
Từ năm 2012, EVN đã thực hiện cung cấp hoá đơn điện tử, đến nay, đã áp dụng toàn bộ trên hệ thống. Bắt đầu từ năm 2019, EVN đưa toàn bộ 12/12 dịch vụ điện mức độ 4 kết nối xong với Cổng dịch vụ công Quốc gia. EVN cũng đẩy mạnh kết nối với các ngân hàng, đơn vị thanh toán nhằm phục vụ thanh toán ví điện tử, không tiền mặt; có riêng ứng dụng chăm sóc khách hàng để người dụng có thể tự tra cứu tiền điện, sản lượng điện. Đơn vị cũng ứng dụng AI chăm sóc khách hàng. Trong đó, các cuộc gọị đến trung tâm khách hàng có đến 1/3 được trả lời bằng chatbot.
 
Hiện, hệ thống giám sát điều khiển của EVN có đến 96,45% các trạm 110kV là không người trực, với trạm 220kV là 75%, với 63 trung tâm điều khiển từ xa…
 
Hay như câu chuyện của ngành du lịch Việt Nam, ông Nguyễn Lê Phúc, Phó tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết, du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển như vũ bão song hành cùng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với các công nghệ như Blockchain, trí tuệ nhân tạo (AI)... Điều này thể hiện rõ ràng qua các hoạt động dịch chuyển của du khách, từ bước đặt phòng, vé tàu xe đến đánh giá dịch cụ đều thực hiện trên ứng dụng di động.
 
Tuy nhiên, trong bối cảnh COVID-19, du lịch bị ảnh hưởng rất nặng nề vì liên quan đến việc di chuyển, gặp rào cản khi áp dụng các chính sách giãn cách xã hội. Ngành du lịch Việt Nam cũng được khuyến khích tiếp tục triển khai đề án chuyển đổi số. Trước khi COVID-19 bùng phát, ngành du lịch đã xây dựng được hệ thống cơ sở dữ liệu như hệ thống khách sạn 3-5 sao, hướng dẫn viên du lịch nội địa - quốc tế, lữ hành... Tiếp theo là nền tảng kết nối liên thông các cơ quan quản lý địa phương và doanh nghiệp; cơ quan nhà nước nhận thông tin, báo cáo thông qua các đơn vị cơ sở. Kế đến là thiết lập ứng dụng công nghệ số hỗ trợ khách du lịch. Và cuối cùng là hỗ trợ đổi mới sáng tạo.
 
Đến nay, nhiều địa phương đã đưa điểm đến của mình lên các nền tảng số như Hà Nội có hệ thống du lịch Văn Miếu Quốc Tử Giám, Đà Nẵng có ứng dụng Da Nang Toursism, Huế có chương trình tham quan Hoàng Thành thực tế ảo... Đồng thời các doanh nghiệp đều đã có ứng dụng quản lý, bán hàng trên môi trường số như Vietravel, Flamingo...
 
Tương tự là câu chuyện về hành trình 6 năm Công ty IOT Link xây dựng nền tảng bản đồ số Map4D, ứng dụng bản đồ số của người Việt.
 
Ông Vũ Minh Trí, Phó Chủ tịch IOT Link cho biết, bản đồ số giúp liên kết các lớp dữ liệu đa ngành, xây dựng chiến lược đồng bộ, từ đó tạo ra bức tranh tổng thể của dữ liệu chạy ở nhiều lớp, giúp doanh nghiệp trong cuộc đua chuyển đổi số, sáng tạo.
 
"Điều này đến từ khả năng tích hợp và cập nhật các dữ liệu khác nhau, tính bảo mật dữ liệu khi bản đồ gốc được đặt ở ngay tại Việt Nam, khả năng khai thác kinh tế, và có khả năng tích hợp thêm nhiều công nghệ khác như phân tích dữ liệu lớn, công nghệ thực tế ảo. IOT Link trải qua 6 năm để xây dựng bản đồ số Map4D. Về dữ liệu, IOT sử dụng dữ liệu mở, đáp ứng 60% dữ liệu cần thiết trong bản đồ quốc gia. Đội ngũ liên tục cập nhật dữ liệu với tập khách hàng lớn từ Chính phủ, doanh nghiệp…", ông Trí nói.
 
Ứng dụng có khả năng quản lý hạ tầng của một địa phương đặt trên các nền tảng khác nhau, ứng dụng trong nhiều lĩnh vực như thương mại điện tử, du lịch, xây dựng, xây dựng thành phố thông minh và dịch vụ logistics, tối ưu hoá quy hoạch, quản lý của cơ quan nhà nước và phát triển kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam.
 
Ngoài ra, còn rất nhiều các doanh nghiệp khác ở Việt Nam cũng đã và đang chuyển đổi số thành công. Theo nhận định của một chuyên gia thì các doanh nghiệp muốn chuyển đổi số thành công phải có sự quyết tâm, quyết liệt của lãnh đạo. Và chắc chắn có sự sai số nhưng phải làm thì mới tối ưu được cho doanh nghiệp của mình.
 
Tạp chí Nhà đầu tư/Nhadautu.vn kết hợp cùng Nova Group tổ chức Hội thảo “Chuyển đổi số và xu hướng M&A trong lĩnh vực công nghệ năm 2022” vào lúc 8h30, ngày 11/1/2022 tại Hà Nội (Văn phòng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, số 65 Văn Miếu, phường Văn Miếu, quận Đống Đa).
 
Hội thảo có sự tham gia của lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông; lãnh đạo Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội; TS.Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV; TS.Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh; TS.Nguyễn Công Ái, Phó Tổng Giám đốc Công ty KPMG Việt Nam;
 
Ông Vũ Hà Văn, Giám đốc khoa học Viện nghiên cứu Dữ liệu lớn (Tập đoàn Vingroup); lãnh đạo Tập đoàn Nova Group/Nova Tech; ông Masataka Sam Yoshida, Giám đốc toàn cầu Dịch vụ mua bán - sáp nhập xuyên quốc gia, RECOF Corporation; đại diện Viettel và một số doanh nghiệp khác.