Trong thời gian gần đây, cuộc khủng hoảng của chuỗi cung ứng trên thế giới sau dịch COVID-19 cùng với nguy cơ bị cắt giảm nguồn cung năng lượng và nguyên liệu do chiến tranh Nga-Ucraina đã gây áp lực mạnh mẽ lên các công ty hóa chất châu âu. Bên cạnh đó, công nghiệp hóa chất châu âu còn đứng trước những thách thức lớn dài hạn như vấn đề phế thải chất dẻo và cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Thách thức như vậy đang buộc toàn bộ công nghiệp hóa chất châu âu phải phản ứng và thay đổi điều chỉnh để thích nghi. Đây có thể là những chuyển đổi có tính bước ngoặt, khiến cho ngành công nghiệp này sẽ không còn như trước đây.
Cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng
Chỉ mới cách đây vài năm, toàn cầu hóa có vẻ như là con đường duy nhất để công nghiệp hóa chất đạt được lợi nhuận và thành công kinh tế trong nền kinh tế toàn cầu rộng lớn. Với sự nổi lên của “4 con hổ châu Á” (Hồng Công, Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan) và sự phát triển nhanh chóng của tầng lớp trung lưu với chủ nghĩa tiêu dùng trên khắp thế giới, công nghiệp hóa chất châu âu đã tìm kiếm cơ hội ở nước ngoài để gia tăng sản xuất, mở rộng nguồn cung nguyên liệu và thị trường tiêu thụ.
Nhưng cuộc khủng hoảng của chuỗi cung ứng do dịch COVID-19 gây ra đã cho thấy những rủi ro cố hữu của chiến lược kinh doanh tầm xa. Ngày nay, một nhà máy ở Thẩm Quyến bị đóng cửa, một vấn đề về vận chuyển ở cảng Los Angeles hoặc các biện pháp phong tỏa y tế tại Niu Di-lân, tất cả những sự cố cách xa nhau như vậy đều có thể có liên kết với nhau. Điều đó khiến cho các công ty hóa chất và khách hàng của họ phải gánh chịu hậu quả của những yếu tố nằm ngoài tầm kiểm soát của mình.
Về trung hạn, những tình huống như vậy dẫn đến yêu cầu ngày càng tăng đối với việc quay trở lại sản xuất ở trong nước, tập trung vào những chuỗi cung ứng ổn định hơn và những nguồn cung ứng nguyên liệu đáng tin cậy hơn.
Chiến tranh Nga-Ucraina và nguồn cung năng lượng, nguyên liệu
Các vấn đề của chuỗi cung ứng do dịch COVID-19 gây ra đã trở nên càng trầm trọng hơn do cuộc chiến tranh của Nga ở Ucraina. Đồng thời, cuộc chiến tranh này cũng bộc lộ sự phụ thuộc quá lớn của châu âu vào nguồn cung năng lượng từ Nga.
Tuy EU đã khẳng định sẽ loại bỏ toàn bộ dầu mỏ của Nga ra khỏi nền kinh tế của mình, nhưng các sản phẩm năng lượng khác như khí đốt sẽ không thể dễ dàng được thay thế.
Khí đốt được sử dụng rộng rãi để sưởi ấm trong các hộ gia đình châu âu, đồng thời là nguyên liệu then chốt và nguồn năng lượng cho công nghiệp hóa chất.
Ucraina và Nga cũng là những nước cung ứng hàng đầu các nguyên liệu quan trọng khác như niken, titan, bột mì, urani, quặng sắt, thủy ngân, khí đá phiến và dầu hướng dương.
Việc ổn định chuỗi cung ứng nguyên liệu cho châu âu sẽ là một nhiệm vụ khổng lồ. Ví dụ, 44% nhập khẩu naphta của châu âu trong năm 2021 đến từ Nga. Làm sao công nghiệp hóa chất châu âu có thể thay thế những lượng lớn nguyên liệu như vậy, nhất là khi các biện pháp trừng phạt đối với Nga đã làm thay đổi mọi thứ kể từ khi chiến tranh bắt đầu.
Các công ty châu âu đang mua từ Nga các sản phẩm như PP, HDPE, xút, naphta,... thì nay sẽ phải tìm kiếm các nguồn cung khác và phải trả chi phí tăng thêm. Tất cả những việc đó diễn ra vào thời điểm nhiều công ty đang tìm cách tăng sản lượng trong khi các chuỗi cung ứng vất vả tìm cách hồi phục sau dịch COVID-19.
Đứng trước tình hình mới, châu âu đang phải tìm cách trở nên tự chủ hơn về năng lượng và đa dạng hóa các nguồn cung nguyên liệu. Ví dụ, một số công ty đã bắt đầu nỗ lực tiếp cận nguồn cung các sản phẩm hóa chất cơ bản từ Vùng Vịnh Ba Tư.
Tương tự như Nga, Trung Đông cũng là khu vực xuất khẩu naphta quy mô lớn. Nhưng hiện nay phần lớn nguyên liệu này của Trung Đông đang được xuất khẩu sang châu Á và hầu như không xuất sang châu âu. Nếu Nga có thể tìm được khách hàng mua naphta (mà châu âu đã từ chối) ở châu Á, chủ yếu là Trung Quốc và Ấn Độ, thì khi đó một phần nguyên liệu này của Trung Đông có thể sẽ chuyển sang châu âu để cân bằng trên thị trường toàn cầu được duy trì.
Vấn đề phế thải chất dẻo
Thách thức quan trọng khác đang đòi hỏi cơ cấu lại công nghiệp hóa chất châu âu là vấn đề ô nhiễm chất dẻo.
Những thiệt hại mà phế thải chất dẻo gây ra đối với môi trường thiên nhiên trên khắp thế giới đã khiến cho cộng đồng xã hội châu âu ngày càng tin tưởng vào nhu cầu loại bỏ hoặc tối thiểu là kiểm soát phế thải chất dẻo.
Trong khi sản xuất chất dẻo là một trong những lĩnh vực quan trọng của công nghiệp hóa chất, yêu cầu của xã hội hoặc các cơ quan hành pháp về việc giảm tiêu thụ chất dẻo hoặc tăng cường tái chế chất dẻo sẽ có tác động lớn đối với các nhà sản xuất chất dẻo ở châu Âu.
Mục tiêu giảm phát thải ròng
Theo Ủy ban châu âu, mục tiêu của EU là đạt ngưỡng trung hòa khí hậu vào năm 2050, tức là nền kinh tế với phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính bằng 0. Mục tiêu này là trọng tâm của sáng kiến “Thỏa thuận xanh châu âu” và phù hợp với cam kết của EU về các hành động chống biến đổi khí hậu toàn cầu trong khuôn khổ Thỏa thuận chung Pari 2015 về chống biến đổi khí hậu. Ở trung tâm của những mục tiêu đó là ngành công nghiệp hóa chất với những nhiệm vụ hết sức to lớn.
Thời kỳ của chuyển đổi
Công nghiệp hóa chất châu âu đã nằm trong tâm điểm của cuộc khủng hoảng y tế do dịch COVID-19 gây ra, phải chứng kiến nhu cầu một số hàng hóa ở các lĩnh vực tiêu thụ hóa chất cuối dòng (như sản xuất nhiên liệu hàng không, may mặc quần áo,...) giảm mạnh bất thường, trong khi đó nhu cầu một số sản phẩm khác (PPE, chất khử trùng, hóa chất xét nghiệm,...) tăng nhanh đột ngột. Ngành sản xuất này cũng phải hứng chịu nhiều thiệt hại nặng nề do các đợt phong tỏa chống dịch và đóng cửa nhà máy.
Theo các chuyên gia kinh tế, hiện đang có nguy cơ châu âu sẽ rơi vào suy thoái kinh tế do sự kết hợp của làn sóng dịch COVID-19 lần thứ hai, tình trạng lạm phát gia tăng và mới đây là tác động của cuộc chiến tranh ở Ucraina - với nền kinh tế Đức đang nằm trong tâm bão.
Trong bối cảnh đó, chúng ta đang chứng kiến thời kỳ bước ngoặt có tính quyết định đối với công nghiệp hóa chất châu âu. Là một bộ phận của nền kinh tế châu âu đã trở nên trì trệ từ nhiều năm qua, công nghiệp hóa chất châu âu đã phải đứng nhìn sự tăng trưởng mạnh mẽ của sản xuất hóa chất tại các khu vực khác như Bắc Mỹ, châu Á và Trung Đông với những lợi thế riêng của từng khu vực - nguồn tài nguyên khí đá phiến phong phú, nhu cầu nội địa mạnh, chi phí lao động thấp, nguồn cung dầu mỏ giá rẻ....
Các công ty hóa chất châu âu sẽ phản ứng với những thách thức, khó khăn đó như thế nào? Triển vọng phát triển của công nghiệp hóa chất châu âu trong những năm tới sẽ ra sao? Đây quả thật là những câu hỏi không dễ trả lời.