Ngày 19/10, tại Diễn đàn Logistics Việt Nam chuyển mình phát triển do Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp và Công ty SLP Việt Nam phối hợp tổ chức, các chuyên gia đã chỉ ra nhiều bất cập, cũng như lợi thế phát triển của ngành dịch vụ đặc thù này.
Hoạt động logistics Việt Nam có nhiều bứt phá khi hàng hóa XNK tăng nhanh. Ảnh: T.H
Chia sẻ về vai trò của ngành dịch vụ logistics trong phục vụ chiến lược XNK hàng hóa của Việt Nam đến năm 2030, ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục XNK Bộ Công Thương cho rằng, tốc độ phát triển của kinh tế, đặc biệt là hoạt động XNK hàng hóa tác động rất lớn đến thị trường logistics Việt Nam. Hoạt động logistics nằm ở 1 trong số 3 trụ cột của hoạt động XNK, nhằm gắn kết các khâu trong chuỗi hoạt động XNK.
Nhìn chung hoạt động logistics có sự tiến bộ vượt bậc, đáp ứng yêu cầu tổ chức khối lượng hàng hóa XNK rất lớn. Chỉ tính riêng trong 9 tháng năm 2022, kim ngạch XNK đạt trên 557 tỷ USD. Qua đó thấy được thị phần rất lớn từ hoạt động logistics.
“Trong năm 2022, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 400 tỷ USD, nếu chi phí logistics chiếm 15%, thị phần logistics chiếm khoảng 60 tỷ USD; kim ngạch nhập khẩu dự kiến hơn 300 tỷ USD, nếu tính chi phí chiếm 5%, thị phần logistics khoảng trên 15 tỷ USD. Như vậy, dư địa phát triển thị trường logistics rất lớn, các doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược phát triển của mình”- ông Phan Văn Chinh nhận định.
Theo bảng xếp hạng của Agility 2022, thị trường logistics Việt Nam được xếp hạng thứ 11 trong nhóm 50 thị trường Logistics mới nổi toàn cầu nhờ sự chuyển mình mạnh mẽ của các doanh nghiệp cung cấp và sử dụng dịch vụ logistics. Tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) giai đoạn 2022-2027 của thị trường Logistics Việt Nam được dự báo đạt mức 5,5%. Đặc biệt sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế sau đại dịch với GDP 9 tháng đầu năm đạt mức 8,83% sẽ là nền tảng cho sự phát triển của logistics.
Theo các chuyên gia, để biến thị trường logistics từ tiềm năng thành hiện thực, cần một chính sách tổng thể từ thu hút đầu tư tới cải thiện cơ sở hạ tầng, thủ tục hành chính... và các cơ quan chức năng đã và đang xây dựng hành lang pháp lý đồng bộ và hiệu quả.
Ông Đào Trọng Khoa, Phó Chủ tịch thường trực VLA cho biết, hiện nay, thị trường logistics Việt Nam đang có sự tham gia của khoảng hơn 5.000 doanh nghiệp. Trong đó, 89% là doanh nghiệp Việt Nam có quy mô vừa và nhỏ; 10% là doanh nghiệp liên doanh và 1% doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài cung cấp dịch vụ logistics xuyên quốc gia.
“Sự lên ngôi của các xu hướng vận chuyển, logistics và chuỗi cung ứng mới trong nền kinh tế số đã giúp Việt Nam trở thành một thị trường mới nổi đầy tiềm năng”- ông Khoa nhấn mạnh.
Đặc biệt, sự bùng nổ của thương mại điện tử tại Việt Nam với các “ông lớn” như Shopee, Lazada hay Tiki đã trở thành cơ hội đầy tiềm năng để các tập đoàn đầu tư và phát triển cơ sở hạ tầng kho vận hiện đại đồng hành cùng các doanh nghiệp trong việc phát triển chuỗi cung ứng.
Bên cạnh những thuận lợi, các chuyên gia cũng chỉ ra nhiều bất cập trong hoạt động logistics. Theo bà Lê Thị Ngọc Diệp, Giám đốc Thương Mại, Công ty SLP Việt Nam, nền tảng hệ thống kho bãi của Việt Nam đang có quy chuẩn chưa cao, còn khá nhiều doanh nghiệp logistics chưa cung ứng được sau chuỗi các dịch vụ trong toàn bộ chuỗi cung ứng.
Hiện nay, hệ thống cung cấp các chuỗi dịch vụ logistics thiếu sự tích hợp, chưa áp dụng số hóa trong quản lý, tự động hóa trong vận hành. Trong khi nhu cầu về hệ thống kho vận hiện đại kết hợp tự động hóa, đáp ứng sự phát triển của các nhà bán lẻ và ngành thương mại điện tử tại Việt Nam là rất cao.
Thảo luận về cơ hội bứt phá logistics Việt Nam trong giai đoạn mới, đặc biệt là logistics thông minh, các chuyên gia đều nhấn mạnh, với sự bùng nổ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đã có nhiều ứng dụng khoa học công nghệ vào hoạt động logistics tại Việt Nam.
Sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử đặt ra nhiều bài toán vận hành tối ưu hơn, hiện đại hơn để đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng.
Điều này đặt ra cho nhiều doanh nghiệp trong ngành logistics Việt Nam nhu cầu thay đổi và "chuyển mình" theo xu hướng không thể đảo ngược với việc đầu tư cơ sở hạ tầng kho bãi hiện đại, áp dụng quản lý số và tự động hóa trong vận hành, mô hình quản trị ngày càng chuyên nghiệp.