• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.249,83 -1,38/-0,11%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:01 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.249,83   -1,38/-0,11%  |   HNX-INDEX   225,29   -0,03/-0,02%  |   UPCOM-INDEX   92,44   0,00/0,00%  |   VN30   1.309,18   +0,35/+0,03%  |   HNX30   482,13   +0,21/+0,04%
04 Tháng Mười Hai 2024 12:15:57 SA - Mở cửa
Đồng Nai cần làm gì để phát triển nhà ở xã hội
Nguồn tin: Báo Xây dựng | 17/11/2022 7:45:00 SA
Giai đoạn 2021 – 2025, Đồng Nai sẽ xây dựng khoảng 10.000 căn nhà xã hội. Do đó, tỉnh mời gọi các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tham gia đầu tư vào 37 dự án nhà ở công nhân, nhà ở xã hội với tổng diện tích trên 175ha đất sạch tại Biên Hòa, Nhơn Trạch, Long Thành, Trảng Bom, Vĩnh Cửu…
 
Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư và phát triển nhà ở xã hội do UBND tỉnh Đồng Nai tổ chức chiều 15/11, nhiều nhà đầu tư đã đóng góp ý kiến, kiến nghị các giải pháp để phát triển loại nhà ở này.
 
Ông Võ Tấn Đức - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, số lượng nhà ở xã hội của Đồng Nai chưa đáp ứng được nhu cầu của người thu nhập thấp trên địa bàn. Vì vậy, tỉnh đặt ra mục tiêu giai đoạn 2021 - 2025 sẽ xây dựng khoảng 10.000 căn nhà xã hội. Tỉnh mời gọi các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tham gia đầu tư vào 37 dự án nhà ở công nhân, nhà ở xã hội với tổng diện tích trên 175ha đất sạch tại Biên Hòa, Nhơn Trạch, Long Thành, Trảng Bom, Vĩnh Cửu…
 
 
Ông Nguyễn Hồng Lĩnh - Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai nêu tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư phát triển nhà ở xã hội hãy vì người dân chứ tuyệt đối không được vì “sân trước hay sân sau”.
 
Nhu cầu bức thiết của người lao động
 
Đồng Nai là tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cũng là một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước về phát triển các khu công nghiệp, thu hút đầu tư. Tính đến nay, trên địa bàn Đồng Nai có 32 khu công nghiệp đang hoạt động thu hút 2.000 dự án đầu tư từ 43 quốc gia và vùng lãnh thổ với trên 550 ngàn lao động là người nhập cư từ mọi miền đất nước đến sinh sống và làm việc. Tổng số người lao động tại các khu công nghiệp có nhu về chỗ ở hiện nay khoảng 410 ngàn người.
 
Dự báo đến năm 2025, nhu về chỗ ở công nhân khoảng 450 ngàn người. Chính vì vậy, nhu cầu về nhà ở tại Đồng Nai thời điểm hiện nay là rất lớn trong khi khả năng mua nhà để ổn định cuộc sống đối với nhiều người lao động còn khó khăn.
 
Theo báo cáo của UBND tỉnh Đồng Nai, đến cuối năm nay các địa phương đã phê duyệt hồ sơ đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà trọ cho người lao động của trên 4.000 doanh nghiệp với gần 342 ngàn lao động, tổng số tiền hỗ trợ trên 442 tỷ đồng.
 
Theo Báo cáo của Sở Xây dựng Đồng Nai, đến nay trên địa bàn tỉnh đã xây dựng hoàn thành gần 3.500 căn nhà ở xã hội, trong đó có 1.581 căn nhà ở xã hội dành cho công nhân. Đang triển khai xây dựng 13 dự án với 8.193 căn trên diện tích 59,3ha, trong đó nhà ở dành cho công nhân là 03 dự án với 2.893 căn.
 
 
Lãnh đạo tỉnh và sở ngành trả lời kiến nghị của nhà đầu tư tại Hội nghị xúc tiến đầu tư phát triển nhà ở xã hội tỉnh Đồng Nai năm 2022.
 
Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh cũng có khoảng 20.000 cơ sở cho thuê nhà trọ tập trung với hơn 150 ngàn phòng, đáp ứng trên 450.000 chỗ ở cho công nhân, người lao động.
 
Do giá thuê thấp, phù hợp với thu nhập của công nhân nên thu hút được nhiều người thuê mặc dù phòng không đáp ứng tiêu chuẩn, không trang bị đủ các phương tiện phòng cháy chữa cháy, vệ sinh môi trường không đảm bảo... các chủ nhà trọ cũng chưa chấp hành nghiêm việc đăng ký tạm trú, tạm vắng theo quy định, làm phát sinh nhiều tệ nạn xã hội, gây phức tạp tình hình an ninh trật tự...
 
Giải pháp phát triển nhà ở xã hội
 
Ông Hồ Văn Hà – Giám đốc Sở Xây dựng Đồng Nai cho biết, đến nay các chính sách về thu hút đầu tư và phát triển nhà ở nói chung và nhà ở xã hội nói riêng đã cơ bản đầy đủ.
 
Nhà ở xã hội thì có nhiều ưu đãi hơn như Luật Nhà ở năm 2014 được ban hành có những cơ chế, chính sách ưu đãi nhằm khuyến khích phát triển nhà ở xã hội, trong đó có nhà ở dành cho công nhân lao động như: Miễn tiền sử dụng đất; giảm 50% thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp; hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài dự án; cho vay ưu đãi lãi suất thấp; chi phí mua hoặc thuê nhà ở cho công nhân được tính là chi phí hợp lý trong giá thành sản xuất khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp…
 
 
Toàn cảnh Hội nghị xúc tiến đầu tư phát triển nhà ở xã hội tỉnh Đồng Nai năm 2022.
 
Là doanh nghiệp xây dựng hàng ngàn căn nhà ở xã hội trên địa bàn, ông Phan Văn Quang – Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV phát triển đô thị và khu công nghiệp IDICO nêu khó khăn: Trong quá trình thực hiện dự án, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, hạn chế từ việc áp dụng quy định pháp luật và thực hiện các thủ tục hành chính.
 
“Trước đây, dự án nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh Đồng Nai được chấp thuận chủ trương theo quy định của Luật Nhà ở do Sở Xây dựng chủ trì thẩm định và tham mưu UBND tỉnh quyết định chấp thuận chủ trương theo thẩm quyền hoặc trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương. Hiện nay, việc chấp thuận chủ trương, điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án được thực hiện theo các quy định của Luật Đầu tư năm 2020, do Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì thẩm định và tham mưu UBND tỉnh quyết định.
 
Tại dự án Nhà ở công nhân khu công nghiệp Nhơn Trạch (giai đoạn 1, 10ha) UBND tỉnh Đồng Nai đã chấp thuận chủ trương năm 2019, phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng năm 2020 nhưng đến nay vẫn chưa thể hoàn thành điều chỉnh dự án do vướng mắc thủ tục điều chỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư dự án.
 
Dự án này Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận chủ trương đầu tư năm 2013 theo thẩm quyền được quy định của Luật Nhà ở năm 2005. Tuy nhiên, thẩm quyền điều chỉnh thực hiện theo Luật Đầu tư năm 2020 lại là UBND tỉnh Đồng Nai. Do nội dung Văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư dự án của Thủ tướng Chính phủ không thể hiện các thông số của dự án, vì vậy Sở Kế hoạch và Đầu tư vẫn chưa trình UBND tỉnh chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư. Do vướng mắc này mà doanh nghiệp không đủ cơ sở triển khai thực hiện các kế hoạch điều chỉnh để tiếp tục triển khai dự án”, ông Quang nêu khó khăn.
 
 
Khu nhà ở công nhân Khu công nghiệp Nhơn Trạch do IDICO đầu tư xây dựng.
 
Từ thực tiễn triển khai dự án, ông Quang kiến nghị: UBND tỉnh có ý kiến chỉ đạo, hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình thực hiện các thủ tục hành chính nhằm rút ngắn thời gian thực hiện. Hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện điều chỉnh nhằm giải quyết các bấp cập phát sinh trong quá trình phát triển dự án để nâng cao hiệu quả, giá trị của dự án.
 
Tại Hội nghị, nhiều doanh nghiệp cũng kiến nghị tỉnh Đồng Nai cần thành lập tổ công tác đặc biệt để tập trung một đầu mối giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư phát triển nhà ở xã hội.
 
Tỉnh cũng cần có quy trình và tiến độ các bước thực hiện cụ thể để nhà đầu tư yên tâm đầu tư. Đặc biệt là công tác đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư đất công làm sao cho đúng quy định pháp luật nhưng vẫn đảm bảo khuyến khích nhà đầu tư tham gia. Đồng thời, phát huy vai trò của quỹ phát triển nhà ở, để làm vốn mồi cho nhà đầu tư tham gia phát triển nhà ở xã hội.
 
Phát biểu tại Hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai - Nguyễn Hồng Lĩnh kêu gọi tinh thần tự nguyện, tự giác và trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, nhất là Tổng Công ty Tín Nghĩa và Sonadezi.
 
Bí thư tỉnh Đồng Nai cho biết, với hàng trăm ngàn người lao động đang sinh sống trong các nhà trọ, nên tỉnh cần khoảng 500 ngàn căn nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp. Vì thế, tỉnh mời gọi các doanh nghiệp có tiềm lực về vốn, kinh nghiệm đầu tư các dự án nhà ở có chất lượng tốt, giá cả phù hợp để người nghèo có đủ khả năng mua nhà trả góp trong 15 - 20 năm. Đồng Nai sẽ bố trí đủ quỹ đất làm nhà ở xã hội đến năm 2030 với các điều kiện khi căn hộ hoàn thành phải phù hợp, có không gian, phúc lợi đầy đủ.
 
Tại Hội nghị, Bí thư Đồng Nai cũng nêu 7 vấn đề để UBND tỉnh và các nhà đầu tư lưu ý khi tham gia đầu tư phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Đó là, UBND tỉnh tính toán quỹ đất bố trí nhà ở xã hội phải đảm bảo kết nối được hạ tầng xã hội; ưu tiên khi lựa chọn nhà đầu tư có tiềm lực đáp ứng vốn từ 50% trở lên; cần minh bạch trong lựa chọn nhà đầu tư, vì người dân mà lựa chọn nhà đầu tư đủ năng lực chứ không được vì “sân trước hay sân sau” và không phân biệt nhà đầu tư trong hay ngoài tỉnh; trong thiết kế cần tối ưu cho từng loại đối tượng sử dụng và làm sao có mức giá hợp lý nhất; dự án phải có tầm nhìn và có đầy đủ tiện ích phúc lợi, đảm bảo không gian sống chuẩn về hạ tầng xã hội; thủ tục hành chính phải nhanh nhất và thuận lợi nhất cho nhà đầu tư; thực hiện đầy đủ các chính sách ưu đãi cho nhà đầu tư và người thu nhập thấp. Tuyệt đối không được thiếu xót khi Nhà nước có chính sách ưu đãi cho đối tượng đầu tư và thụ hưởng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.
 
Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 22/8/2022 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Đồng Nai về phát triển nhà ở công nhân, nhà ở xã hội giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai:
 
Giai đoạn 2021-2025 dự kiến phấn đầu xây dựng khoảng 10.000 căn nhà. Vốn đầu tư dự ước trên 10.155 tỷ đồng, từ nguồn vốn của Nhà nước (Quỹ phát triển nhà ở của tỉnh và các nguồn khác), các doanh nghiệp và huy động khác.
 
Hàng năm, các địa phương Biên Hòa, Nhơn Trạch, Long Thành, Trảng Bom thực hiện lựa chọn chủ đầu tư cho từ 02 - 03 dự án nhà ở và các địa phương Long Khánh, Vĩnh Cửu, Thống Nhất, Câm Mỹ, Xuân Lộc, Tân Phú, Định Quán thực hiện các thủ tục chấp thuận đầu tư cho từ 01-02 dự án nhà ở để lựa chọn chủ đầu tư.