• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.252,56 -7,19/-0,57%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:02 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.252,56   -7,19/-0,57%  |   HNX-INDEX   226,88   -0,61/-0,27%  |   UPCOM-INDEX   92,15   -0,17/-0,18%  |   VN30   1.317,34   -9,31/-0,70%  |   HNX30   488,57   -1,41/-0,29%
09 Tháng Mười Một 2024 2:09:30 SA - Mở cửa
Vốn margin lại "nằm chờ"
Nguồn tin: BizLive | 07/12/2022 11:29:13 SA
Thông tin từ nhiều công ty chứng khoán cho biết, sau đợt giải chấp và xử lý các khoản vay margin, đến hiện tại, nguồn vốn nhàn rỗi khá dồi dào.

 
Dòng vốn margin có tác động khá lớn đến diễn biến thị trường chứng khoán.
 
“Công ty chúng tôi đang dư nguồn 1.000 tỷ đồng, nhưng thận trọng trong cho vay, mỗi đề xuất cho vay giai đoạn này được đánh giá rất kỹ, qua nhiều cấp thẩm định phê duyệt”, lãnh đạo một công ty chứng khoán có vốn nước ngoài tiết lộ.
 
Một công ty chứng khoán khác cũng chia sẻ sẽ “nới tay” cho vay ký quỹ song vẫn nói “không” với những cổ phiếu của doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực đối diện với nhiều rủi ro trong ngắn hạn, đặc biệt là nhóm bất động sản. Nguồn tiền ở công ty chứng khoán này cũng đang dư dả hơn 1.000 tỷ đồng.
 
Ở công ty chứng khoán Top đầu, từng có dư nợ margin ở thời đỉnh điểm hàng chục ngàn tỷ đồng và hạ dư nợ margin khoảng 25 - 30% từ đỉnh trong giai đoạn thị trường tạo đáy mới đây đã nâng dư nợ cho vay thêm vài nghìn tỷ đồng trong 2 tuần qua.
 
“Nhiều khách hàng VIP từ bên khác đang đổ về công ty, vì nguồn lực dồi dào, trong khi ở vài công ty chứng khoán khác sau khi gặp vấn đề âm vốn, họ “rén” hẳn trong việc cho vay”, một môi giới của công ty này chia sẻ.
 
Tuy vậy, giai đoạn này, các công ty chứng khoán gặp nhau ở một điểm là khá thận trọng trong cho vay margin, việc nới tay cho vay nếu có cũng chỉ áp dụng với đối tượng khách hàng cá nhân nhỏ lẻ, cho vay để họ giao dịch nhiều hơn, còn vẫn chọn lọc, hạn chế với các deal.
 
Với một số trường hợp đặc thù, nhiều công ty công ty chứng khoán còn loại ra khỏi danh mục cho vay ký quỹ, yêu cầu khách hàng phải tất toán đầy đủ và trả nợ trong tháng 12 này.
 
Ở nhiều công ty chứng khoán, mảng cho vay margin chiếm tỷ trọng lớn, từ 30-40% tổng doanh thu. Do vậy, tuỳ vào từng giai đoạn, công ty chứng khoán có chiến lược siết hoặc mở margin, siết rồi cũng sẽ mở lại.
 
“Nguồn vốn không thể nằm im trong két, chỉ là lên tiêu chí để quyết định sẽ giải ngân nhiều cho nhóm ngành cổ phiếu nào, đối tượng khách hàng nào”, lãnh đạo một công ty chứng khoán chia sẻ.
 
Hiện chưa có con số thống kê chính xác về tổng giá trị margin toàn thị trường. Dựa trên dư nợ cho vay công ty chứng khoán cuối quý III/2022 khoảng 168.800 tỷ đồng, nhiều nhân sự trong ngành chứng khoán ước tính, có lúc lượng margin bị rút về khá mạnh, ước tính giảm khoảng 1/3, tức tương ứng lượng margin trên thị trường hiện nay vào khoảng 100.000 – 110.000 tỷ đồng.
 
Tại thời điểm cuối quý III, tổng vốn chủ sở hữu của công ty chứng khoán vào khoảng 195.441 tỷ đồng và theo quy định, tổng dư nợ cho vay giao dịch ký quỹ không gấp 2 lần vốn chủ sở hữu, tức không được vượt quá 390.000 tỷ đồng. Nếu chỉ nhìn vào con số dư nợ (ước tính) hiện tại và trần cho vay margin thì có thể thấy, dư địa “bung vốn” cho vay của các công ty chứng khoán còn rất lớn.
 
Công ty chứng khoán, ngoài nguồn vốn tự có thì còn huy động từ nước ngoài (như tại Công ty Chứng khoán SSI, Công ty Chứng khoán Bản Việt, Công ty Chứng khoán TP.HCM…) và nguồn vốn vay trong nước. Giai đoạn vừa qua, nguồn vốn ngân hàng vào lĩnh vực chứng khoán hạn chế hơn, nên vấn đề vòng quay vốn của các công ty chứng khoán cũng gặp thách thức nhất định. Tuy vậy, một số công ty chứng khoán tích cực tạo nguồn vốn thông qua việc triển khai các sản phẩm tiền gửi, thu hút nguồn tiền nhàn rỗi trong tài khoản của các nhà đầu tư (cả cá nhân và doanh nghiệp). Giải pháp này cũng giúp các công ty chứng khoán giữ tiền của khách hàng trong tài khoản.

 
Một sản phẩm tiền gửi tại SSI.
 
Chẳng hạn, SSI triển khai sản phẩm Ssaving, với số tiền cho vay tối thiểu 50 triệu đồng, với nhiều kỳ hạn, từ 7, 14, 21, hay 30 ngày cho tới 180 ngày, 270 ngày. Theo đó, mức lãi suất tiền gửi áp dụng khá linh hoạt, thấp nhất là 4,5%/năm, rồi 6,4%/năm và 7,8%/năm. Khách hàng cũng được tất toán trước hạn, linh động và có thể chuyển sang tài khoản chứng khoán bất cứ lúc nào.
 
Công ty Chứng khoán VNDirect cũng có sản phẩm DSAVE. Theo giới thiệu của VNDirect, “đây là danh mục sản phẩm dành cho các nhà đầu tư cá nhân và doanh nghiệp có tiền nhàn rỗi ngắn hạn đang tìm kiếm kênh đầu tư an toàn, có kỳ hạn linh hoạt, dễ dàng chuyển đổi thành tiền với lãi suất ổn định và hấp dẫn”.

 
Bảng lãi suất tiền gửi tại công ty Chứng khoán VNDirect.
 
Trong đó, có các sản phẩm hỗ trợ lãi suất qua đêm 5,5%/năm, nhận theo ngày với khách hàng cá nhân, tiền sẽ sẵn sàng trong tài khoản chứng khoán trước giờ giao dịch; hay sản phẩm lãi suất có kỳ hạn tuần, tháng, năm, với lãi suất cao nhất là 8,9%/năm cho khách hàng cá nhân. Giá trị giao dịch chỉ từ 1 triệu đồng và hoàn toàn bằng online.