Đại diện Vụ Pháp chế (Bộ Công Thương) chia sẻ, theo Luật Hàng hải Việt Nam (tương đương thông lệ quốc tế), hàng hóa đã lên tàu thì quyền quyết định cao nhất thuộc về hãng tàu.
Liên quan đến vụ nghi lừa đảo xuất khẩu hạt điều đi Italy, chiều 17/3, Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương đã có buổi làm việc với Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) và đại diện các doanh nghiệp xuất khẩu để bàn các phương án xử lý tiếp theo.
13 container tạm thời “an toàn”
Ông Bạch Khánh Nhựt, Phó Chủ tịch thường trực Vinacas cho biết, cập nhật mới nhất đến ngày 17/3 trong tổng số 36 container hạt điều xuất khẩu đi Italy bị mất bộ chứng từ gốc có 5 container được giữ lại Singapore và 8 container đã cập cảng Italy.
Các container này đều tạm thời “an toàn” do có sự can thiệp từ các cơ quan ngoại giao, thương vụ, tham tán thương mại Việt Nam tại các nước trong những ngày qua.
Nhờ đó, có thể ngăn chặn việc các đối tượng lừa đảo, đang có bộ chứng từ gốc của các lô hàng đến nhận hàng mà không thanh toán cho doanh nghiệp Việt Nam trong một khoảng thời gian nhất định, khoảng 2 tuần.
Theo ông Bạch Khánh Nhựt, đây là kết quả tích cực giúp các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam có thêm thời gian để thực hiện các thủ tục chứng minh quyền sở hữu lô hàng.
Do đó, Hiệp hội và các doanh nghiệp mong muốn Thương vụ Việt Nam, tham tán thương mại Việt Nam tại Italy tiếp tục hỗ trợ để giữ 23 container còn lại, dự kiến sẽ cập cảng vào cuối tháng 3 và đầu tháng 4/2022.
Hiện nay các doanh nghiệp xuất khẩu cũng đang thuê luật sư tư vấn pháp lý và kết nối với các luật sư tại Italy để tiến hành các thủ tục đệ đơn lên toàn án tại Italy nhằm chuyển vụ việc sang tình huống xử lý “khẩn cấp.”
Ông Nguyễn Đức Thanh, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Italy cho biết, ngay khi tiếp nhận thông tin về lô hàng hạt điều xuất khẩu sang Italy có dấu hiệu bị lừa đảo, Thương vụ Việt Nam tại Italy đã ngay lập tức đến cảng biển Genova, phía Bắc Italy để xử lý vụ việc. Bởi nếu xử lý chậm một chút là người cầm bộ chứng từ gốc có thể thông quan nhận hàng của Việt Nam mà không trả tiền. Thương vụ cũng nhanh chóng làm việc với hãng tàu COSCO và các cơ quan liên quan.
Theo ông Thanh, ngay thời điểm Thương vụ đến cảng Genova làm việc đã có vài container hạt điều của Việt Nam cập cảng, có người đã trả phí cảng và nộp bộ chứng từ gốc để đòi nhận hàng. Chiếu theo Luật thương mại quốc tế, hãng tàu phải giao hàng cho người nhận có bộ chứng từ gốc, không thì sẽ bị kiện.
Trước tình hình đó, Thương vụ đã giải thích về việc doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam có khả năng bị lừa, do chưa nhận được tiền mà người mua đã lấy được bộ chứng từ gốc theo một cách nào đó ở bên Italy. Nhờ sự có mặt kịp thời của Thương vụ Việt Nam tại Italy, hãng tàu COSCO đồng ý dừng ngay việc giao lô hàng cho người mua.
Cùng lúc đó, Đại sứ quán Việt Nam tại Italy đã gửi Công hàm tới các Bộ Ngoại giao, Bộ Kinh tế-Tài chính, các cơ quan cảng biển, hải quan, cảnh sát kinh tế, phòng thương mại khu vực, hãng vận tải DHL, ngân hàng... để thông báo vụ việc có dấu hiệu lừa đảo và phối hợp hỗ trợ.
Tại Việt Nam, Thương vụ đề nghị Hiệp hội Điều Việt Nam và doanh nghiệp làm việc để Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam, Tòa Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh ra phán quyết khẩn cấp yêu cầu các hãng tàu tạm dừng việc giao hàng đã đến cảng Italy cho người có chứng từ gốc.
Tuy nhiên, đến nay, việc này chưa xử lý được khiến khối lượng công việc mà Thương vụ và Đại sứ quán Việt Nam tại Italy phải xử lý khá lớn, trong đó có việc gặp các hãng tàu ở Italy và các cơ quan liên quan để đề nghị dừng giao hàng các container chuẩn bị cập cảng.
Khó can thiệp trực tiếp lên hãng tàu
Tại buổi làm việc, đại diện một doanh nghiệp xuất khẩu cho biết, doanh nghiệp hiện có 2 container hạt điều đã cập cảng tại Italy và được hỗ trợ để giữ hàng lại cảng. Tuy nhiên, thời gian tạm phong tỏa chỉ kéo dài khoảng 2 tuần, doanh nghiệp chưa biết phải xử lý lô hàng này thế nào.
Theo doanh nghiệp này, phía ngân hàng Italy được người mua chỉ định xác nhận chỉ nhận được bộ chứng từ copy nên không thể giải quyết.
Cục Xuất nhập khẩu Bộ Công thương làm việc với Hiệp hội Điều Việt Nam về vụ xuất khẩu điều đi Italy nghi bị lừa đảo. (Ảnh: Xuân Anh/TTXVN)
Trong khi đó, doanh nghiệp liên hệ hãng tàu nhờ hỗ trợ thì được đưa ra điều kiện: Đặt cọc khoản tiền tương đương với 200% giá trị lô hàng trong vòng 6 năm thì mới có thể giải phóng hàng trở lại cho doanh nghiệp. Đây là khoản tiền lớn và thời gian cược quá dài nên doanh nghiệp khó gánh nỗi lãi suất vay ngân hàng.
Một đại diện doanh nghiệp khác cho biết đã trao đổi với Trung tâm Trọng tài quốc tế tại Thành phố Hồ Chí Minh (Cơ quan được chỉ định giải quyết nếu có tranh chấp trong hợp đồng mua bán) để tham vấn cách giải quyết.
Tuy nhiên, vấn đề của vụ việc phát sinh trong quá trình vận chuyển bộ chứng từ gốc, bản thân người mua hàng chưa nhận được bộ chứng từ gốc và họ cũng chưa có hành vi gì vi phạm hợp đồng nên không thể xử lý theo quy định về tranh chấp hợp đồng.
Theo doanh nghiệp này, hiện nay quyền kiểm soát lô hàng đang thuộc về hãng tàu, nhưng thực tế các doanh nghiệp không thể liên hệ trực tiếp với hãng tàu mà chỉ làm việc thông qua các đại lý hãng tàu.
Hiện thông tin doanh nghiệp nhận được từ đại lý là hãng tàu chỉ làm theo thông lệ quốc tế (trả hàng cho người có bộ chứng từ gốc).
Liên quan đến vấn đề này, đại diện Vụ Pháp chế-Bộ Công Thương chia sẻ, theo Luật Hàng hải Việt Nam (tương đương thông lệ quốc tế), hàng hóa đã lên tàu thì quyền quyết định cao nhất thuộc về hãng tàu.
Việc can thiệp trực tiếp lên hãng tàu là rất khó, trừ khi có các phán quyết của cơ quan có thẩm quyền. Doanh nghiệp cần tham vấn luật sư có kinh nghiệm về thương mại quốc tế để được hướng dẫn các thủ tục pháp lý cần thiết.
Ông Nguyễn Mạnh Quyền, Trưởng Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại Houston (Mỹ) cũng thông tin, đơn vị đã liên hệ làm việc với người môi giới xuất khẩu lô hàng là đại diện công ty Kim Hạnh Việt.
Theo giải trình của người này thì công ty Kim Hạnh Việt chính thức môi giới cho doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu 74 container hạt điều đi Italy, trong đó có 36 container bị mất bộ chứng từ gốc có khả năng bị lừa đảo. Đáng chú ý, đại diện công ty môi giới này cũng không biết công ty mua hàng mà chỉ làm việc thông qua một người môi giới khác tại Italy.
Theo ông Nguyễn Mạnh Quyền, đại diện công ty Kim Hạnh Việt hợp tác và mong muốn hỗ trợ giải quyết vụ việc để giảm thiệt hại cho các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam.
Hiện chưa có căn cứ xác định công ty này lừa đảo hay bắt tay với nhóm lừa đảo, tuy nhiên vụ việc này cũng là hồi chuông cảnh báo các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam trong việc xác minh thông tin người mua, uy tín của người môi giới trước khi ký kết hợp đồng.
Ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục huy động các thương vụ, đại sứ Việt Nam triển khai biện pháp can thiệp khẩn cấp, giúp doanh nghiệp tạm thời giữ lại lô hàng tại cảng đến. Tuy nhiên, khả năng giải quyết triệt để vụ việc lại không thuộc thẩm quyền của Bộ Công Thương mà liên quan đến nhiều bộ, ngành khác và cả cơ quan chức năng Italy.
Do đó, Cục Xuất nhập khẩu khuyến nghị hiệp hội và doanh nghiệp chủ động làm việc với các Bộ Giao thông Vận tải về vấn đề hãng tàu, Bộ Công An và Cảnh sát quốc tế để hoàn thiện hồ sơ điều tra hoặc khởi kiện vụ việc.