Xăng dầu, chi phí vận chuyển, giá nguyên vật liệu liên tục tăng cao đã khiến các doanh nghiệp xuất khẩu dè dặt và thận trọng trong việc nhận đơn hàng mới.
Cước vận tải biển tăng 30%
Việc giá xăng dầu liên tục tăng nóng trong những ngày qua đã khiến các doanh nghiệp vận tải, từ đường bộ đến đường biển đều rục rịch lên phương án tăng giá. Đơn cử, Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn vừa gửi hãng tàu về điều chỉnh giá dịch vụ vận chuyển container đường bộ, đường thủy phục vụ qua lại giữa cảng Cát Lái - Hiệp Phước, cảng Đồng Nai và các ICD liên kết... với mức tăng 10 - 30% so với đơn giá được duy trì từ năm 2019. Mức giá điều chỉnh sẽ có hiệu lực từ ngày 1/4.
Theo đó, tuyến vận chuyển từ cảng Đồng Nai đến cảng Cát Lái sẽ tăng 10%. Một container 40 H' (loại container có kích thước giống container 40 feet) vận chuyển đường bộ là 3,05 triệu đồng, còn đường thủy là 1,38 triệu đồng. Mức tăng cao nhất 30% đối với tuyến vận chuyển từ các ICD liên kết đến Tân Cảng Cát Lái với container 40 H' có giá 1,2 triệu đồng...
“Chi phí đầu vào như nhiên liệu, giá cước vận chuyển, xếp dỡ tại các cảng và ICD đều tăng. Do đó, Công ty buộc phải tăng giá để duy trì đảm bảo dịch vụ”, đại diện Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn chia sẻ.
Tương tự, thông báo mới nhất của Hãng tàu ONE cũng cho thấy, từ tháng 3/2022, giá cước đi châu Âu (đang vào khoảng 7.300 USD cho mỗi container 20 feet) sẽ tăng thêm từ 800 đến 1.000 USD.
Cước vận tải tăng là do đứt gãy chuỗi cung ứng và giá nhiên liệu tăng. Theo đó, trong tháng 3, giá nhiên liệu dầu VLSFO (dầu nhiên liệu có hàm lượng lưu huỳnh rất thấp) cho tàu hàng đã tăng đến 30%, hiện ở mức 970 USD/tấn. Đây là mức cao nhất trong lịch sử của nhiên liệu này.
Thận trọng với đơn hàng lớn
Áp lực tăng giá xăng dầu khiến chi phí vận tải neo ở mức cao, nhiều doanh nghiệp tỏ ra khá thận trọng khi ký hợp đồng mới có giá trị lớn.
Theo bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực - Thực phẩm TP.HCM, đây là dịp doanh nghiệp ngành lương thực, thực phẩm bận rộn sản xuất và giao đơn hàng xuất khẩu. Tuy nhiên, các doanh nghiệp phải đối diện tình trạng giá đầu vào và đặc biệt là chi phí logistics cao, thời gian vận chuyển kéo dài, nên nhiều doanh nghiệp tỏ ra thận trọng khi nhận đơn hàng. Thậm chí có doanh nghiệp phải từ chối đơn hàng.
“Trước đây, từ lúc đặt chuyến tới khi hàng hóa đến Mỹ là 28 ngày, bây giờ thời gian chờ container rỗng có thể tới 2 - 3 tháng. Trong khi đó, sản phẩm của chúng tôi có hạn dùng chỉ 1 năm, nên thời gian sử dụng bị rút ngắn rất nhiều”, bà Chi nói.
Các doanh nghiệp trong ngành gỗ cũng trong tình cảnh tương tự. Ông Nguyễn Chánh Phương, Phó chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM cho biết, chi phí dịch vụ hậu cần là khó khăn lớn nhất hiện nay với ngành gỗ. Đặc thù của ngành gỗ nội thất là thể tích hàng cồng kềnh, cần lượng lớn container. Tuy nhiên, giá container hiện rất cao nên doanh nghiệp trong ngành đang gặp không ít khó khăn.
“Mặc dù người mua hàng trả chi phí vận chuyển, nhưng khi phí cao quá, lại thiếu container, thì người ta chưa lấy hàng, nên tồn kho tăng cao đẩy doanh nghiệp vào cảnh thiếu dòng tiền. Nhiều doanh nghiệp không dám nhận đơn hàng trong bối cảnh này”, ông Phương cho hay.
Dưới góc độ là doanh nghiệp chuyên về xuất khẩu các sản phẩm được chế biến từ gỗ, bà Lê Hải Liễu, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Chế biến gỗ Đức Thành cho biết, những hợp đồng mà Công ty ký kết với khách hàng chủ yếu là hợp đồng FOB, nên sẽ không bị tác động nhiều bởi giá cước vận chuyển tàu biển tăng. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, khách hàng đang gặp rất nhiều khó khăn cần chia sẻ, nên Công ty đã chủ động hạ tỷ suất lợi nhuận để đồng hành cùng khách hàng.
“Nếu như trước kia, giả sử Công ty lời 2 đồng trên 1 sản phẩm, thì nay chỉ đặt mục tiêu là lời 1,5 đồng thôi, nhưng khi bán được 2 sản phẩm thì tiền bỏ vào túi vẫn nhiều hơn. Đây là lựa chọn của chúng tôi trong thời điểm này để ứng biến với tình hình khó khăn chung. Bởi nếu cứ đặt tỷ lệ lợi nhuận cao thì sẽ không giữ được khách hàng”, bà Liễu nói.
Trước câu hỏi có thể tăng nhanh hơn tốc độ xuất khẩu sang thị trường Mỹ được không, đại diện Gỗ Đức Thành cho biết, thị trường Mỹ là nơi rất cạnh tranh, vì vậy tỷ suất lợi nhuận khó mà cao, nhưng số lượng đặt hàng lớn, nên nếu chưa sẵn sàng năng lực sản xuất thì không phải là một lựa chọn phù hợp.