Một đội đặc nhiệm mới ở Mỹ có nhiệm vụ tịch thu các tài sản 'làm giàu bất minh' của các nhà tài phiệt Nga. Điều này được thực hiện dựa trên một đạo luật chống khủng bố và những kẻ đào tẩu.
Vào tối thứ Ba (1/3), Tổng thống Joe Biden đã đưa ra lời cảnh báo tới các tỷ phú và giới doanh nhân giàu nhất nước Nga rằng Hoa Kỳ và các đồng minh sẽ "tìm kiếm và thu giữ du thuyền, biệt thự sang trọng, máy bay phản lực riêng của họ", nhằm trả đũa cuộc tấn công quân sự của nước này vào Ukraine.
"Đơn giản vì các vị đã thu lợi ích một cách bất chính", ông Biden nói trong bài phát biểu trước sự hoan nghênh của cả đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa.
Hôm thứ Tư (2/3), Bộ Tư pháp Hoa Kỳ thông báo về việc thành lập một đơn vị đặc biệt, Đội Đặc nhiệm KleptoCapture có nhiệm vụ tịch thu tài sản bất minh của các nhà tài phiệt Nga.
Một trong những nhiệm vụ đầu tiên của họ là xác định vị trí của số tài sản mà các tỷ phú Nga đang nắm giữ tại Hoa Kỳ - một công việc khó khăn vì nhiều người trong số họ được biết đến là rửa tiền thông qua bất động sản và các tài sản thay thế khác, chẳng hạn như các tác phẩm nghệ thuật, đồ trang sức và du thuyền.
Các chuyên gia tài chính cho rằng những nhà tài phiệt này có thể che giấu danh tính thật của họ thông qua việc mở các “công ty ma” và hưởng lợi từ những lỗ hổng lớn trong vốn cổ phần tư nhân và các mặt hàng xa xỉ.
Stefan Cassella, cựu công tố viên liên bang và là chuyên gia về luật tịch thu tài sản, cho biết việc truy vết tiền và tài sản thông qua các ngân hàng nước ngoài là một quy trình tốn thời gian và lạc hậu. Nhưng việc chính thức thành lập một đội đặc nhiệm đặc biệt nhắm vào các nhà tài phiệt Nga là một dấu hiệu đáng khích lệ, ông nói, vì nó cho thấy "các nguồn lực đang được bổ sung, và bây giờ họ có thể đảm nhận nhiều việc hơn".
Nếu các nhà điều tra liên bang đang tìm sự liên kết giữa một nhà tài phiệt và tài sản của người đó, thì khả năng mà Chính phủ Hoa Kỳ có thể xâm nhập và cuối cùng là tịch thu tài sản của cá nhân này là thế nào?
Đầu tiên, hành động này hoàn toàn hợp pháp theo Đạo luật Cải cách Tịch thu Tài sản Dân sự, có nguồn gốc từ thế kỷ 18 khi nước này thu giữ hàng hóa từ các tàu nước ngoài trốn thuế hải quan hoặc thuế nhập khẩu. Ngoài ra, đạo luật này còn được sử dụng như một công cụ thực thi pháp luật về ma túy trong những năm 1980 và là một công cụ phổ biến chống lại những kẻ khủng bố và đào tẩu.
Đạo luật này cho phép chính phủ liên bang tước đoạt tài sản của một cá nhân nằm trong danh sách các tội phạm liên bang hoặc nước ngoài, nhưng đây là một đạo luật tách biệt với bất kỳ vụ kiện tụng hình sự nào. Luật tịch thu tài sản dân sự đồng thời cũng trở thành phương tiện phổ biến giúp chính quyền tiểu bang và địa phương tăng doanh thu, mặc dù các nhà phê bình cho rằng đây là một hành vi bị cơ quan thực thi pháp luật lạm dụng để trục lợi từ các hoạt động tội phạm.
Theo luật, các công tố viên có thể xem xét việc đóng băng hoặc thu giữ tài sản, điều này có liên quan đến tội trạng mà họ phạm phải ra hoặc là lệnh được đưa ra bởi thẩm phán.Việc đóng băng hoặc phong tỏa tài sản có nghĩa là chúng không thể được bán hay chuyển nhượng, và các công dân Hoa Kỳ không được tham gia vào các giao dịch có liên quan đến số tài sản này, Jimmy Gurulé, giáo sư luật tại Đại học Notre Dame và là cựu thư ký tại Bộ Ngân khố thời Tổng thống George W. Bush, cho biết.
"Bạn vẫn có thể sống trên du thuyền, nhưng chắc chắn bạn sẽ không được phép chuyển nhượng nó", ông nói.
Tuy nhiên, nếu các công tố viên tin rằng số tài sản này có mối liên hệ cụ thể với các hoạt động bất hợp pháp, họ có thể tìm cách tịch thu và cuối cùng cho phép Hoa Kỳ sở hữu chúng.
Các nhân viên FBI tiến hành khám xét nhà của nhà tài phiệt Nga Oleg Deripaska ở Washington vào ngày 19/10/2021. Deripaska và những tài phiệt người Nga khác trước đó đã bị Mỹ trừng phạt vào năm 2018 vì mối quan hệ của họ với Tổng thống Vladimir Putin. Ảnh: Getty Images
Tuy nhiên, người bị tịch thu tài sản sẽ có cơ hội giành lại số tài sản bị tịch thông qua tòa án. Nếu trường hợp này xảy ra, Chính phủ Hoa Kỳ phải chứng minh được rằng số tài sản này có liên quan đến các hoạt động tội phạm. Trong trường hợp đây là một nhà tài phiệt người Nga, các công tố viên sẽ cần cung cấp bằng chứng rằng người đó hoặc tài sản của họ có liên quan trực tiếp đến cuộc xung đột ở Ukraine hoặc là cung cấp tài chính cho các cuộc tấn công, Cassella nói.
"Họ phải chứng minh các vi phạm cơ bản, nhưng chúng không thể liên quan đến tội ác chiến tranh hoặc Ukraine", ông nói.
Trong quá trình tố tụng tại tòa, một cá nhân vẫn có thể được tiếp cận với tài sản của mình hoặc chính phủ có thể đưa ra lệnh cấm khiến họ không được phép chạm vào số tài sản này.
Trước đây, Hoa Kỳ đã từng tịch thu tài sản từ các nhà lãnh đạo và doanh nhân người nước ngoài. Vào năm 2011, ông Teodoro Nguema Obiang Mangue, Phó Tổng thống Guinea Xích đạo bị cáo buộc lạm quyền khi ông còn là Bộ trưởng Nông nghiệp và Lâm nghiệp của nước này. Tòa án Hoa Kỳ cho rằng ông này đã tích lũy được hơn 300 triệu USD thông qua các hành vi tham nhũng và rửa tiền, điều mà các công tố viên liên bang cho rằng là các hành vi vi phạm luật pháp Hoa Kỳ .
Bộ Tư pháp đã đưa ông Obiang ra tòa và cuối cùng buộc ông này phải bán một biệt thự ở Malibu, California, mà ông đã mua với giá 30 triệu USD, một chiếc Ferrari và nhiều kỷ vật của Michael Jackson. Các tài sản khác trị giá 10 triệu USD cũng đã bị Hoa Kỳ tịch thu.
Tuy nhiên, tịch thu tài sản dân sự không phải là cách duy nhất mà chính phủ Mỹ có thể nắm giữ tài sản cảu một cá nhân. Nếu một người nào đó bị kết án hình sự, tài sản của họ cũng có thể bị tịch thu trong quá trình tuyên án nếu các công tố viên cho thấy chúng có liên quan đến hoạt động bất hợp pháp.
Tuy nhiên, việc phán quyết một nhà tài phiệt người Nga là phạm tội có thể sẽ khó khăn hơn việc tịch thu dân sự, bởi lẽ hành động này đòi hỏi chính quyền liên bang phải đưa họ đến Mỹ để xét xử, ông Cassella nói.
Cuối cùng, điều gì sẽ xảy ra với số tài sản bị tich thu sau khi Hoa Kỳ sở hữu chúng?
Ông Gurulé cho biết chúng có thể được được chuyển nhượng lại hoặc bán đấu giá và số tiền thu được sẽ được chuyển về kho bạc của chính phủ.