• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.258,51 +15,98/+1,29%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 1:55:00 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.258,51   +15,98/+1,29%  |   HNX-INDEX   221,81   +1,14/+0,51%  |   UPCOM-INDEX   93,58   +0,50/+0,54%  |   VN30   1.331,21   +21,49/+1,64%  |   HNX30   461,70   +2,69/+0,59%
23 Tháng Giêng 2025 2:03:26 CH - Mở cửa
Đa dạng nguồn năng lượng: Thách thức với ngành than
Nguồn tin: Vietnam+ | 14/04/2022 6:48:47 CH
 Khả năng thiếu than cho sản xuất điện khi nền kinh tế quay trở lại sau đại dịch COVID-19 đã được TKV nhận định và cảnh báo từ sớm, đặc biệt đối với những nhà máy điện sử dụng than nhập khẩu.
 
Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) Lê Minh Chuẩn cho biết, tình hình cung ứng than hiện nay cho nền kinh tế, nhất là than cho sản xuất điện đang là vấn đề nóng, thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Khả năng thiếu than cho sản xuất điện khi nền kinh tế quay trở lại sau đại dịch COVID-19 đã được TKV nhận định và cảnh báo từ sớm, đặc biệt đối với những nhà máy điện sử dụng than nhập khẩu. 
Trong giai đoạn phục hồi kinh tế hậu đại dịch COVID-19, nhu cầu tiêu thụ than trên thế giới đang tăng đột biến khiến giá than trên thị trường quốc tế liên tục xác lập mức cao kỷ lục. Đến thời điểm hiện tại, giá thế giới đã tăng gấp từ 2,5-3 lần giá trong nước.
 
 
Khả năng thiếu than cho sản xuất điện khi nền kinh tế quay trở lại sau đại dịch COVID-19 đã được TKV nhận định và cảnh báo từ sớm. Ảnh minh họa: Trọng Đạt - TTXVN
 
Cùng với giá than tăng cao, nguồn cung than cũng khan hiếm do đứt gãy chuỗi vận tải xảy ra cục bộ ở nhiều nơi đã gây ra nhiều khó khăn đối với hoạt động cung ứng than cho sản xuất điện ở nhiều nước trên thế giới, đặc biệt trong bối cảnh căng thẳng giữa Nga - Ukraine.
Đối với Việt Nam, sau khi chuyển hướng thích ứng an toàn với dịch COVID-19, quá trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội khiến nhu cầu sử dụng năng lượng, cụ thể là nhu cầu than, điện từ đầu năm đến nay tăng rất cao. Vì vậy, áp lực đang dồn trọn lên vai mỗi người công nhân mỏ, lên ngành than, làm sao để phát triển sản xuất, đảm bảo yêu cầu bức thiết cung ứng than cho nền kinh tế đất nước.
Những vấn đề cấp bách đặt ra để phát triển ngành than của Việt Nam đã được đại biểu Quốc hội Lê Minh Chuẩn - Chủ tịch Hội đồng thành viên TKV báo cáo tại nghị trường Quốc hội tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XIV trước đó. Theo ông Lê Minh Chuẩn, nhiệt điện than hiện chiếm hơn 30% tổng công suất nguồn điện của toàn quốc và có vai trò quan trọng trong đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia của Việt Nam. Đây cũng là một trong những nguồn cung cấp điện chính để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, duy trì hệ thống vận hành ổn định. 
 
 
Nhiệt điện than hiện chiếm hơn 30% tổng công suất nguồn điện của toàn quốc và có vai trò quan trọng trong đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia của Việt Nam. Ảnh minh họa: TTXVN
 
Tuy  nhiên, theo dự thảo Quy hoạch Điện VIII của Bộ Công Thương trình Chính phủ, dự báo công suất điện cực đại đến năm 2030 khoảng từ 86.500 - 93.300 MW, năm 2045 khoảng từ 155.000 - 189.900 MW. Trên cơ sở đó, Bộ Công Thương đã kiến nghị lựa chọn phương án quy hoạch tổng công suất nguồn điện đến năm 2030 khoảng 146.000 MW và đến năm 2045 khoảng 343.000 MW. Trong đó đáng chú ý, nguồn điện than đến năm 2030 tiếp tục giảm khoảng 6.000 MW và đến năm 2045, điện than giảm khoảng 12.000 MW. Trong khi đó, theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, năm 2030 nhiệt điện than giảm khoảng 14.800 MW. 
Giai đoạn 2017-2020 nhu cầu than antraxit cho Việt Nam cho các nhà máy nhiệt điện đã và đang chuẩn bị đi vào hoạt động, chiếm 40 triệu tấn/năm. Sản lượng này tăng lên vào năm 2021 - 2030 từ 50-55 triệu tấn than; trong đó, Việt Nam chỉ có 2 đơn vị sản xuất than là Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tổng Công ty Đông Bắc, sản xuất được 40-41 triệu tấn than/năm.
Như vậy, trong thời gian ngắn hạn việc tăng từ 10-15 triệu tấn than antraxit cho các nhà máy nhiệt điện Việt Nam là khó khả thi và dẫn đến vấn đề thiếu than cho các nhà máy nhiệt điện dùng than antraxit là hiện hữu và  ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh năng lượng quốc gia.
Mặt khác, trong kế hoạch 2017 - 2030, Việt Nam phải nhập khoảng 70 triệu tấn than nhiệt năng bitum và á bitum. Với việc nhập khẩu này thì không thuần túy ở thương mại mà phải tìm nguồn ổn định đầu tư tại nước ngoài.
Ông Lê Minh Chuẩn cho hay, đến năm 2030, Việt Nam không còn độc lập về năng lượng mà phụ thuộc vào nguồn năng lượng từ nước ngoài. Vì vậy, cần đổi mới tư duy về chiến lược an ninh năng lượng quốc gia đến năm 2030 và sau năm 2030.
Về những nguyên nhân và thách thức phát triển ngành than, cũng như ngành khai khoáng cung cấp đầu vào cho an ninh năng lượng quốc gia, riêng về than, ông Lê Minh Chuẩn cho rằng, tài nguyên than của Việt Nam hiện nay nằm chủ yếu ở Quảng Ninh nhưng đầu tư khai thác than hiện còn rất hạn chế. Bể than Đồng bằng sông Hồng hiện nay chưa có công nghệ để khai thác và cùng với đó, việc khai thác mỏ ngày càng xuống sâu và xa.
Hiện nay, ngành than Việt Nam đã khai thác ở mức -500 so với mực nước biển, áp lực mỏ lớn, mọi điều kiện sản xuất và tăng năng suất lao động rất khó khăn, chi phí ngày càng tăng lên. Bên cạnh đó, việc cấp phép, đầu tư, cơ chế, chính sách cho than hiện nay rất hạn chế.
Vấn đề tái đầu tư trở lại phát triển mỏ than gặp rất nhiều khó khăn. Đồng thời, nguồn nhân lực chính cho lao động làm than là thợ lò hiện nay đang suy giảm rất nhanh, trong khi đó chưa có công nghệ để thay thế lực lượng này.
 
 
Ngành than đã khai thác ở mức -500 so với mực nước biển, áp lực mỏ lớn, mọi điều kiện sản xuất và tăng năng suất lao động rất khó khăn. Ảnh: TTXVN
 
Từ những vấn đề thách thức khó khăn trên, ông Lê Minh Chuẩn đề xuất cần đổi mới chính sách về quản lý tài nguyên, khoáng sản theo nguyên tắc thị trường, hội nhập ngay từ việc cấp giấy phép để các doanh nghiệp mỏ và khí chủ động phát triển nguồn tài nguyên này. Đồng thời, bổ sung và hoàn thiện cơ sở pháp lý, văn bản dưới luật về quản lý tiêu chuẩn phân cấp cho các doanh nghiệp than, khí có một môi trường đầu tư thuận lợi, kể cả nước ngoài và trong nước. 
Ngoài ra, có cơ chế, chính sách bình đẳng giữa than nhập khẩu và than trong nước theo thông lệ quốc tế và theo giá quốc tế. Cùng đó, có chính sách đối với đối tượng công nhân làm nghề độc hại và nguy hiểm như công nhân hầm lò tiền lương, bảo hiểm, thâm niên nhà ở cho công nhân.
Chủ tịch Hội đồng thành viên TKV Lê Minh Chuẩn cho biết, hiện các đơn vị trong Tập đoàn đang đẩy mạnh phong trào thi đua lao động sản xuất “Ngày công cao - Sản lượng cao - Thu nhập cao” do Tổng Giám đốc và Công đoàn TKV phát động.
Nội dung thi đua tập trung sản xuất để tăng sản lượng, đáp ứng tối đa cho tiêu thụ, đặc biệt là than cho điện; đảm bảo an toàn lao động, môi trường trong sản xuất. Đồng thời, thường xuyên theo dõi cập nhật diễn biến giá trên thị trường trong nước và quốc tế để điều hành nhập khẩu than theo kế hoạch.
“Để đảm bảo cung cấp than cho ngành điện, trong thời gian tới Tập đoàn chú trọng cân đối, phân bổ cung cấp than cho các nhà máy nhiệt điện phù hợp, tránh tình trạng chỗ thừa chỗ thiếu” - Chủ tịch Hội đồng thành viên TKV Lê Minh Chuẩn nhấn mạnh.
Về kế hoạch sản xuất kinh doanh quý II/2022, Tổng Giám đốc Tập đoàn TKV Đặng Thanh Hải đã yêu cầu các đơn vị tập trung cho sản xuất, đẩy mạnh phong trào thi đua lao động sản xuất để tăng sản lượng than tối đa, phấn đấu hoàn thành kế hoạch sản xuất kinh doanh 6 tháng đầu năm ở mức cao nhất. Cùng với đó, các đơn vị tiếp tục kiểm soát tốt phòng chống, dịch bệnh COVID-19, chăm lo sức khỏe cho người lao động; khẩn trương triển khai các chương trình ứng dụng cơ giới hóa, tin học hóa, tự động hóa, chuyển đổi số nhằm tăng năng suất lao động và hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Để tăng sản lượng than ở mức cao nhất đáp ứng nhu cầu thị trường, Tổng Giám đốc Tập đoàn kêu gọi người lao động toàn ngành làm việc không nghỉ lễ 30/4 và 1/5. Đối với than chất lượng cao, do diễn biến tình hình giá than thế giới, tình hình cước vận chuyển quốc tế tăng đột biến dẫn đến giá than chất lượng cao của TKV có sức cạnh tranh cao, các đơn vị tập trung sản xuất các loại than cục, than cám chất lượng cao cho xuất khẩu và khách hàng trong nước./.