• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.249,55 +0,44/+0,04%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:01 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.249,55   +0,44/+0,04%  |   HNX-INDEX   221,69   -0,79/-0,35%  |   UPCOM-INDEX   92,80   -0,31/-0,33%  |   VN30   1.316,95   +3,47/+0,26%  |   HNX30   460,25   -1,94/-0,42%
20 Tháng Giêng 2025 6:17:01 CH - Mở cửa
Indonesia có 'ngăn sông, cấm chợ' khi cấm xuất khẩu dầu cọ?
Nguồn tin: Nhà đầu tư | 10/05/2022 7:35:18 SA
Nhiều nước phụ thuộc nhiều vào dầu cọ như Ấn Độ, Pakistan bắt đầu tỏ ra bất bình trước việc Indonesia ra lệnh cấm xuất khẩu dầu cọ, theo Al Jareeja.
 
Indonesia đang chịu áp lực ngày càng lớn từ quốc tế về lệnh cấm xuất khẩu dầu cọ trong bối cảnh giá lương thực trên toàn thế giới tăng vọt.
 
Lệnh cấm của nhà xuất khẩu dầu cọ lớn nhất thế giới đã gây áp lực lên giá dầu ăn vào thời điểm nguồn cung đang bị căng thẳng do thu hoạch kém, chiến tranh Ukraine và tình trạng thiếu lao động do đại dịch COVID-19 gây ra.
 
 
Lệnh cấm xuất khẩu dầu cọ của Indonesia đã gây áp lực lên giá dầu ăn toàn cầu. Ảnhh: Willy Kurniawan/Reuters
 
Tổng thống Joko “Jokowi” Widodo của Indonesia đã biện minh cho lệnh cấm, được công bố vào ngày 22 tháng 4, như một biện pháp ngắn hạn sau khi giá dầu ăn trong nước, trong đó dầu cọ là thành phần chính, tăng hơn 50%.
 
Trong khi các đối tác thương mại của Indonesia vẫn chưa chính thức phản đối lệnh cấm, các dấu hiệu bất bình đang xuất hiện ở nhiều nước, bao gồm cả Ấn Độ và Pakistan.
 
Các nhà phân tích cho rằng nhiều khả năng các chính phủ đang chuẩn bị đưa ra những lời tuyên bố chính thức trước hành động này của Jakarta.
 
"Tôi chắc chắn sẽ có những lời phàn nàn chính thức, đặc biệt là khi Indonesia sẽ đăng cai tổ chức G20 tại Bali vào cuối năm nay và đây không phải là hành vi kiểu mẫu từ một đối tác thương mại đáng tin cậy hoặc một quốc gia hiện đang giữ chức Chủ tịch G20", James Guild, một nghiên cứu viên tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S Rajaratnam (RSIS) ở Singapore, nói với Al Jazeera.
 
"Indonesia là nhà sản xuất dầu cọ lớn nhất thế giới nên họ nắm trong tay tất cả các quân bài và chính phủ nước này dường như sẵn sàng chấp nhận sức ép về ngoại giao để đạt được các lợi ích trong nước", nhà nghiên cứu nói tiếp.
 
Lệnh cấm của Jakarta theo sau một loạt các biện pháp trước đó nhằm kiểm soát nguồn cung dầu cọ, bao gồm giới hạn giá dầu ăn và giới hạn hai lít cho mỗi lần mua sản phẩm này khiến khách hàng phải xếp hàng một cách tuyệt vọng tại các cửa hàng trong nhiều giờ.
 
Tháng trước, giá dầu cọ đã tăng hơn 6% trên sàn giao dịch phái sinh Bursa Malaysia, tiệm cận với mức giá cao nhất mọi thời đại vào hồi tháng 3 vừa qua.
 
Ega Kurnia Yazid, một nhà phân tích kinh tế tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Jakarta, cho biết: “Cho đến nay, chưa có quốc gia nào chính thức phàn nàn, kể cả từ các nhà nhập khẩu dầu cọ lớn của Indonesia như Trung Quốc, Ấn Độ và Pakistan. Tuy nhiên, các dấu hiệu về việc tăng giá lương thực đang bắt đầu xuất hiện ở các nước này”.
 
'Rào cản thương mại'
 
Tuần trước, Ấn Độ đã nêu quan ngại về “các rào cản thương mại” một phần do lệnh cấm dầu cọ tới Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), theo truyền thông địa phương.
 
Vào cuối tháng 4, có thông tin cho rằng gần 300.000 tấn dầu cọ ăn được dành cho Ấn Độ đã bị mắc kẹt ở Indonesia do lệnh cấm.
 
 
Chính phủ Indonesia cho biết lệnh cấm xuất khẩu dầu cọ của họ là cần thiết để đảm bảo nguồn cung trong nước và ổn định giá cả. Ảnh: Supri/Reuters
 
Indonesia là nhà cung cấp dầu cọ lớn thứ hai cho Ấn Độ sau nước láng giềng Malaysia, xuất khẩu hơn 3 triệu tấn sản phẩm sang quốc gia Nam Á vào năm 2021.
 
Tại Pakistan, có lo ngại rằng dự trữ dầu cọ có thể cạn kiệt trong tháng 5, khiến Hiệp hội các nhà sản xuất Vanaspati Pakistan (PVMA) tuần trước kêu gọi Bộ Công nghiệp và Sản xuất nước này sớm 'giải quyết vấn đề với Indonesia'.
 
Pakistan nhập khẩu 80% dầu cọ từ Indonesia và 20% từ Malaysia.
 
"Nhìn chung, tác động của lệnh cấm xuất khẩu dầu cọ của Indonesia đã bắt đầu rõ ràng khi giá dầu cọ thô toàn cầu [CPO] đạt mức cao nhất mọi thời đại thời gian gần đây", Yazid nói.
 
"Cho đến nay, có vẻ như Malaysia đang cố gắng bù đắp cho nguồn cung của Indonesia để đáp ứng nhu cầu toàn cầu. Mặc dù vậy, nếu chỉ dựa vào Malaysia có thể không đủ để đáp ứng nhu cầu toàn cầu", nhà phân tích cho biết thêm.
 
Guild, thành viên RSIS, cho biết tác động ngoại giao của lệnh cấm sẽ phụ thuộc vào thời gian nó kéo dài bao lâu.
 
Ông nói: “Đó là thông điệp đến các công ty dầu cọ rằng họ cần ưu tiên thị trường nội địa ngay cả nhưng điều đó cũng đồng nghĩa với việc lợi nhuận xuất khẩu của họ sẽ lớn hơn".
 
"Lệnh cấm nhằm trấn an người tiêu dùng Indonesia rằng chính phủ đang làm điều gì đó nhằm cố gắng kiểm soát giá dầu ăn. Một khi chính phủ cảm thấy những thông điệp này có tác dụng, họ sẽ dỡ bỏ lệnh cấm. Vì vậy, từ quan điểm đó, đây là các cân nhắc chính trị và kinh tế trong nước. Trong tính toán chiến lược của nhà nước, việc khuấy động các thị trường toàn cầu và gây khó chịu cho các đối tác thương mại trong thời gian ngắn để đạt được những mục tiêu trong nước này là rất có giá trị", Guild nhấn mạnh.
 
Theo Hiệp hội Dầu cọ Indonesia (GAPKI), Indonesia đã xuất khẩu 34 triệu tấn sản phẩm dầu cọ vào năm 2020, tạo ra doanh thu hơn 15 tỷ USD.
 
Arie Rompas, một nhà vận động của Tổ chức Hòa bình xanh Indonesia, cho biết ông dự kiến ​​lệnh cấm chỉ là tạm thời vì "xuất khẩu là một phần quan trọng của nền kinh tế Indonesia và là nguồn thu nhập chính cho các nhà tài phiệt Indonesia".
 
"Thật khó để suy đoán về tác động của lệnh cấm. Bản thân lệnh cấm là chưa từng có và cũng không rõ ràng về việc lệnh cấm bao gồm những gì và nó sẽ có hiệu lực trong bao lâu?", Rompas nói. 
 
Vẫn theo Rompas, đã có dấu hiệu cho thấy khả năng lưu trữ dầu cọ thô của Indonesia đã đầy, vì vậy lệnh cấm có thể sẽ sớm được dỡ bỏ. 
 
Trong khi chính phủ Indonesia có vẻ như đã ban hành lệnh cấm để đảm bảo nguồn cung trong nước và ổn định giá cả trong nước, thị trường trong nước lại không thể hấp thụ lượng dầu cọ mà nước này sản xuất. Điều này cho thấy rằng nước này sẽ cần phải sớm hủy bỏ lệnh cấm để giải quyết các vấn đề thặng dư.
 
Một số nhà quan sát cảnh báo không nên phóng đại khả năng ảnh hưởng của lệnh cấm.
 
"Tôi không chắc liệu có quốc gia nào phụ thuộc quá nhiều vào các sản phẩm cọ của Indonesia đến mức điêu đứng nếu họ không thể mua được dầu cọ của chúng tôi hay không. Nếu đúng như vậy, có thể có một sự cố ngoại giao. Nhưng đây là công việc kinh doanh", Yohannes Sulaiman, giảng viên về quan hệ quốc tế tại Đại học Jenderal Achmad Yani ở Bandung, nói với Al Jazeera.
 
Guild cho biết Indonesia trong những năm gần đây đã trở nên quyết liệt hơn trong việc sử dụng lệnh cấm xuất khẩu để đạt được các mục tiêu chính trị và chính sách trong nước, bao gồm các hạn chế đối với quặng niken và than chưa tinh chế, điều này có thể giải thích phần nào thái độ của chính phủ này đối với lệnh cấm mới nhất.
 
Guild cho biết: “Mỗi khi họ làm điều này, đều có nguy cơ hơi thái quá và cuối cùng, chiến lược này có thể sẽ có tác dụng ngược khi lợi nhuận giảm dần".
 
"Chính phủ [Indonesia] nhận thức rõ ràng về tất cả những điều này. Họ đã tính toán một cách đơn giản rằng ưu tiên nhu cầu trong nước hơn nhu cầu quốc tế là vì lợi ích quốc gia. Một trong những mối nguy hiểm khi đi theo con đường này là khó biết nó sẽ dẫn đến đâu", Guild kết luận.