Từ đầu năm đến nay, thời tiết diễn biến rất bất thường, cùng với nguồn nước nuôi bị ô nhiễm đã khiến một số diện tích tôm nuôi ở Bình Định bị dịch bệnh.
Thời tiết bất lợi, môi trường ô nhiễm
Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Lan, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bình Định, cuối năm 2021, mưa lũ không đủ lớn để rửa trôi những ô nhiễm trong hoạt động nuôi tôm của năm cũ trong nguồn nước nuôi. Đã vậy, đường thoát lũ còn bị những công trình và đường giao thông chặn lại, không cho nước chảy ra đầm Thị Nại để trôi ra biển, nên sự ô nhiễm trong nguồn nước cứ lẩn quẩn tồn tại trong nguồn nước nuôi.
Người nuôi tôm ở xã Phước Sơn (huyện Tuy Phước, Bình Định) chăm sóc tôm nuôi. Ảnh: V.Đ.T.
Thêm vào đó, thời gian gần đây diễn biến của thời tiết cũng bất thường hơn những năm trước. Nắng, mưa, lạnh cứ nối tiếp nhau khiến biên độ chênh lệch giữa ngày và đêm lớn khiến tôm nuôi bị sốc, đây cũng là điều kiện khiến tôm phát sinh dịch bệnh. Do đó, dịch bệnh tôm đã xảy ra trên diện rộng tại một số địa phương tại Bình Định.
Tính từ đầu vụ nuôi đến nay, tổng diện tích ao nuôi bị dịch bệnh toàn tỉnh khoảng hơn 41 ha. Trong đó, riêng tại huyện Tuy Phước, trong đợt mưa trái mùa vào cuối tháng 3, đầu tháng 4 vừa qua, tôm nuôi trên diện tích gần 40 ha bị chết do sốc môi trường, tập trung tại các xã Phước Thắng, Phước Hòa, Phước Sơn, Phước Thuận và xã Mỹ Thành (huyện Phù Mỹ).
Ở phường Tam Quan Bắc (Thị xã Hoài Nhơn), có 1,18 ha ao nuôi bị mắc bệnh đốm trắng; tôm nuôi trên diện tích 0,56 ha tại xã Hoài Mỹ (Thị xã Hoài Nhơn) và xã Nhơn Hội (Thành phố Quy Nhơn) mắc bệnh viêm gan tụy cấp.
“Vụ nuôi đầu năm nay, Bình Định thả nuôi tôm trên diện tích 1.728 ha, giảm 5,1% so cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, diện tích thả nuôi tôm sú là 1.266 ha, giảm 6,4% và diện tích thả nuôi tôm thẻ chân trắng 462 ha, giảm 1,2%. Trong đó, diện tích tôm chết do dịch bệnh chiếm 2,28% tổng diện tích nuôi tôm.
Đặc biệt, bệnh do môi trường tại huyện Tuy Phước và một số huyện còn khiến nhiều diện tích tôm nuôi bị chậm lớn, kém phát triển. Khi tôm nuôi bị giảm sức đề kháng, cộng với môi trường suy giảm là điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh bùng phát diện rộng. Theo dự báo, thời gian tới thời tiết còn có nhiều diễn biến phức tạp, gây bất lợi cho tôm nuôi. Người nuôi tôm cần nắm bắt những giải pháp ngành chức năng hướng dẫn trong công tác phòng chống dịch bệnh cho tôm nuôi để tránh thiệt hại”, bà Nguyễn Thị Ngọc Lan nói.
Theo dõi sát môi trường nước
Tính từ đầu vụ nuôi đến nay, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bình Định đã phối hợp với các địa phương thu 72 mẫu tôm và nước ao nuôi để kiểm tra, giám sát các bệnh nguy hiểm thường gặp, đồng thời đề ra những giải pháp phòng chống nhằm làm giảm thiệt hại cho người nuôi tôm.
Người nuôi tôm trong ao nuôi lót bạt cần thường xuyên vệ sinh nền đáy ao để làm giảm lượng mùn bã hữu cơ trong ao. Ảnh: V.Đ.T.
Để người nuôi tôm kịp thời nắm bắt thông tin, chủ động phòng chống dịch bệnh, Sở NN-PTNT Bình Định đã ban hành văn bản đề nghị chính quyền địa phương chỉ đạo ngành chức năng hướng dẫn người nuôi tôm tăng cường thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh trên tôm nuôi. Yêu cầu người nuôi tôm trên địa bàn chủ động theo dõi diễn biến thời tiết, hằng ngày kiểm tra chặt chẽ môi trường ao nuôi, thông số môi trường nước để điều chỉnh kịp thời.
Đặc biệt, trong quá trình nuôi, chủ ao cần chủ động xử lý nguồn nước, bổ sung nước vào ao nuôi khi cần thiết, khắc phục hiện tượng phân tầng nước do mưa lớn. Đối với ao nuôi truyền thống, định kỳ sát trùng nước ao nuôi để diệt mầm bệnh, đồng thời giảm sự phát triển của tảo đối với những ao có mật độ tảo cao, tạo môi trường sạch và ổn định cho tôm sinh sống và phát triển. Sử dụng các loại chế phẩm sinh học, khoáng chất để xử lý nước và đáy ao nuôi, tạo hệ vi khuẩn có lợi, ức chế và không cho vi khuẩn có hại phát triển.
Đối với ao nuôi lót bạt, cần vệ sinh nền đáy ao nhằm giảm lượng mùn bã hữu cơ trong ao, hạn chế sinh ra các khí độc ảnh hưởng đến tôm nuôi. Thực hiện kiểm soát chặt chẽ lượng thức ăn thông qua kiểm tra sàng lọc, hoặc lặn đáy, đánh giá tỷ lệ sống để ước lượng thức ăn phù hợp, tránh tồn đọng gây ô nhiễm môi trường ao nuôi, tuyệt đối không cho ăn khi trời mưa to hay nhiệt độ lên trên 32 độ C, tăng lượng thức ăn khi trời mát.
Những hộ nuôi tôm quảng canh cải tiến không tác động kỹ thuật nên khi gặp thời tiết bất thuận, nguy cơ bị thiệt hại nặng. Ảnh: V.Đ.T.
Ông Trần Minh Tuấn, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Phù Mỹ cho hay: “Ngay khi nắm thông tin tôm nuôi của 1 hộ tại xã Mỹ Thành mắc bệnh, chúng tôi đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện khẩn trương lấy mẫu, kịp thời khoanh vùng xử lý dịch bệnh. Đến nay, dù cơ bản đã khống chế được dịch, nhưng cán bộ chuyên môn vẫn tiếp tục theo dõi diễn biến tình hình để hỗ trợ bà con”.
“Để chủ động phòng chống dịch bệnh, người nuôi tôm nên sử dụng men tiêu hóa, bổ sung vitamin C và khoáng chất trộn vào thức ăn nhằm tăng đề kháng cho tôm, giúp tôm lột xác đồng loạt và nhanh cứng vỏ. Tăng cường sục khí ao nuôi để hàm lượng ô xy được cung cấp đủ ở mọi tầng nước, tránh hiện tượng phân tầng.
Đặc biệt, trong tình hình thời tiết sẽ còn diễn biến thất thường, người nuôi tôm nên thường xuyên theo dõi sức khỏe tôm nuôi, khi tôm nuôi có dấu hiệu bất thường, nhiễm bệnh cần báo ngay cơ quan chức năng địa phương và lực lượng thú y cơ sở sớm khoanh vùng, xử lý diện hẹp, tránh nguy cơ lây nhiễm trên diện rộng”, bà Nguyễn Thị Ngọc Lan, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bình Định khuyến cáo.