Nhiều doanh nghiệp Việt như "ngồi trên lửa" vì nhiều tháng nguyên phụ liệu từ Trung Quốc vẫn chưa về do nước này phong tỏa nhiều nơi.
Trao đổi với Diễn đàn doanh nghiệp, lãnh đạo nhiều doanh nghiệp cho biết đang bị tác động mạnh từ chính sách "zero Covid-19" của Trung Quốc. Hàng loạt doanh nghiệp sản xuất hàng dệt may, da giày, điện tử, nhựa... vốn phụ thuộc lớn vào nguyên phụ liệu Trung Quốc đang chịu ảnh hưởng nặng nề, thậm chí đối diện nguy cơ phải hủy đơn hàng, không thể sản xuất dù đang trong giai đoạn cao điểm phục hồi, đơn hàng dồi dào. Tình trạng giảm công suất, có nguy cơ kéo dài thời gian sản xuất, chậm giao hàng diễn ra phổ biến.
Hàng loạt doanh nghiệp sản xuất hàng dệt may, da giày, điện tử, nhựa... vốn phụ thuộc lớn vào nguyên phụ liệu Trung Quốc đang chịu ảnh hưởng nặng nề, thậm chí đối diện nguy cơ phải hủy đơn hàng.
Theo bà Tôn Nữ Cát Ngọc, Giám đốc điều hành Công ty T.Y cho biết, hiện các doanh nghiệp may mặc đang có đơn hàng tăng do một số nhà mua hàng chuyển dần đơn hàng từ Trung Quốc sang các nước khu vực Đông Nam Á trong đó có Việt Nam, tuy nhiên vẫn còn vấn đề cần lo lắng.
“Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn các loại nguyên phụ liệu phục vụ ngành hàng dệt may xuất khẩu. Họ ngưng sản xuất để chống Covid-19, đồng nghĩa với chuỗi cung ứng toàn cầu lại tiếp tục bị đứt gãy. Nếu tìm được nguồn hàng mua khác thì đơn giá đầu vào cũng cao hơn nhiều nên lợi thu về không bù với công sức bỏ ra”, Giám đốc T.Y nhấn mạnh.
Cùng cảnh, ông Nguyễn Đức Thăng, Giám đốc Tổng công ty Cổ phần May Đáp Cầu cho biết, công ty nhập tới 80% nguyên phụ liệu từ Trung Quốc theo chỉ định của bạn hàng.
Nhưng nhiều hàng hóa nguyên liệu đi từ các cảng ở Thượng Hải nên cả tháng nay hàng về rất chậm hoặc không về. “Với những đơn hàng không có đủ nguyên liệu, chúng tôi đang đàm phán lại thời gian giao hàng nhưng cũng không thể lùi chậm lại quá, doanh nghiệp sẽ phải đối diện với nhiều rủi ro về thanh toán”, ông Thăng nói.
Nêu rõ về thực tế này, bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Da - giày - túi xách Việt Nam (Lefaso) cho biết, các đối tác phía Trung Quốc đang thiếu container rỗng để chuyển hàng về, cộng với nguồn cung khan hiếm do nhà máy tạm dừng hoạt động vì Covid-19. “Không có nguyên phụ liệu để sản xuất nên tiến độ giao hàng của các doanh nghiệp đang bị chậm lại”, bà Xuân giải thích.
Khảo sát nhanh của Lefaso với các thành viên trong hiệp hội, khoảng 70-80% doanh nghiệp vẫn còn nguyên liệu sản xuất trong vòng 2-3 tuần nữa do vẫn còn nhập từ trước tết, một số ít khác còn đến cuối tháng 2 và "rất ít doanh nghiệp trữ đủ nguyên liệu đến giữa tháng 3 tới".
Được biết, đối với ngành da giày, hiện các doanh nghiệp trong nước đã chủ động được khoảng 50% nguyên phụ liệu các loại. Trong đó, ở phân khúc cao cấp, ước ảnh hưởng khoảng 20%. Và "thiệt hại nặng nhất là các doanh nghiệp sản xuất hàng thấp cấp, hoặc chuyên xuất qua khu vực biên mậu vì phải phụ thuộc 100% nguồn cung từ Trung Quốc do chi phí rẻ.
Không riêng với ngành da giày, đại diện Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Việt Nam, dịch Covid-19 kéo dài hơn 2 năm đã tác động mạnh đến ngành ôtô thế giới lẫn trong nước. "Nguồn cung linh kiện từ Trung Quốc cũng khá quan trọng đối với các hãng ôtô. Phía Trung Quốc phong tỏa một số nhà máy và cả bến cảng cũng đã tác động đến ngành ôtô do nguồn cung cấp linh kiện bị chậm trễ một vài tháng trở lên so với bình thường", đại diện hiệp hội này thông tin.
Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp, một chuyên gia logistics nhận định, tình trạng kẹt tàu ở các cảng biển Trung Quốc vẫn phức tạp. Doanh nghiệp xuất khẩu vừa đối diện thiếu container rỗng vừa chịu áp lực giá cước. Kẹt tàu, thiếu container... nên không thể hẹn được ngày giao chính xác với đối tác bởi phụ thuộc nhiều yếu tố.
“Trung Quốc đang nỗ lực giải quyết tắc nghẽn kho vận. Với hàng trăm tàu neo đậu lênh đênh chờ vào cảng xuất nhập hàng, khả năng khi Trung Quốc dỡ bỏ chính sách zero COVID phải mất 2-3 tháng mới ổn định, giải tỏa hàng kẹt tại các cảng”, vị chuyên gia nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, giá xăng dầu tăng cùng nhiều bất ổn khác đẩy giá vận tải tăng ngoài tầm kiểm soát của tất cả các doanh nghiệp logistics. Thậm chí, cước vận chuyển quốc tế còn được dự báo sẽ tiếp tục bất ổn.
Thích ứng với tình hình này, nhiều doanh nghiệp đã chuyển hướng hoặc kết hợp nhiều hình thức vận chuyển. “Liên quan đến vấn đề logistics, chúng tôi phối hợp cùng khách hàng để thay đổi hình thức. Trước vận chuyển bằng đường biển thì thay bằng đường hàng không, thậm chí là bằng đường bộ", ông Bạch Thăng Long, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 cho biết.
Cùng với đó, một số doanh nghiệp đã đa dạng hoá nguồn nguyên liệu từ các thị trường khác, tuy nhiên doanh nghiệp cho biết cũng không hề dễ vì chi phí đội lên cao hơn rất nhiều so với nhập từ Trung Quốc.
Về lâu dài, việc tự chủ nguyên liệu cho một số ngành hàng xuất khẩu lớn vẫn là cấp thiết. "Kinh nghiệm từ sau đợt dịch vừa qua cho thấy, việc làm chủ nguyên liệu trong nước là chìa khoá để giúp doanh nghiệp phát triển bền vững và chắc chắn hơn trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài. Do đó, ngành dệt may đã có kế hoạch phát triển chuỗi sản xuất từ sợi, dệt nhuộm đến may, tiến tới là nhà cung cấp trọn gói đối với các khách hàng lớn", ông Vương Đức Anh, Chánh Văn phòng HĐQT Tập đoàn Dệt May Việt Nam cho biết.