Nội bộ khối liên minh châu Âu (EU) đang chia rẽ về cách giúp các quốc gia nghèo hơn chống lại cuộc khủng hoảng lương thực và giải quyết tình trạng thiếu phân bón.
Công nhân Trung Quốc bốc dỡ phân bón tại một khu công nghiệp ở Ruichang, tỉnh Giang Tây, ngày 15 tháng 2 năm 2022. Ảnh: cnsphotos
Nguyên nhân chính được cho là bắt nguồn từ cuộc xung đột Nga- Ukraine hồi cuối tháng Hai.
Theo đó vấn đề gay cấn nhất hiện nay của các quốc gia lục địa già là những lo ngại về kế hoạch đầu tư vào các nhà máy sản xuất phân bón ở châu Phi sẽ xung đột với các mục tiêu xanh của EU.
Việc Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt vào Ukraine đã gây ra một cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu và lo ngại sẽ tồi tệ hơn do xuất khẩu ngũ cốc từ Ukraine sụt giảm mạnh và giá phân bón hóa học tăng vọt, trong đó Nga và Belarus là những nhà sản xuất chính.
Trong nhiều tuần qua, EU đã cố gắng giúp các quốc gia nghèo ở châu Phi và Trung Đông vượt qua khủng hoảng bằng cách hỗ trợ người dân các nước này các ngân khoản mới, đồng thời cố gắng thuyết phục họ hậu thuẫn các lệnh trừng phạt của EU đối với Moscow và Minsk.
Tại hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo EU dự kiến diễn ra vào cuối tuần này, EU đã lên kế hoạch cho một sáng kiến mới nhằm giảm thiểu sự phụ thuộc vào phân bón của Nga một cách có cơ cấu bằng cách giúp họ phát triển thêm các nhà máy phân bón của riêng mình.
Tuy nhiên, tại cuộc họp với các phái viên EU vào tuần trước, Hội đồng châu Âu đã phản đối văn bản này, đồng thời cảnh báo rằng việc hỗ trợ sản xuất phân bón ở các quốc gia đang phát triển sẽ không phù hợp với chính sách năng lượng và môi trường của EU.
Theo các quan chức EU, việc sản xuất phân bón hóa học có tác động lớn đến môi trường và cần một lượng lớn năng lượng. Tuy nhiên, chúng rất hiệu quả trong việc thúc đẩy sản lượng nông nghiệp.
Hãng tin Reuters cho hay, dự thảo kết luận của hội nghị thượng đỉnh ngày 23-24 tháng 6 sẽ hối thúc ủy ban điều hành EU đưa ra kế hoạch “hỗ trợ phát triển năng lực sản xuất phân bón và các chất thay thế ở các nước đang phát triển”.
Các quan chức cho biết, văn bản đề ngày 15/6 và do các trợ lý của Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel chuẩn bị, sẽ được thảo luận và có thể sẽ được điều chỉnh tại cuộc họp của các đại sứ EU vào cuối ngày thứ Hai.
Các quan chức cho biết, Hội đồng châu Âu kêu gọi các chính phủ thay đổi văn bản và chỉ đề cập đến kế hoạch thúc đẩy các lựa chọn thay thế phân bón hoặc sử dụng phân bón một cách hiệu quả hơn. Ngoài ra, cơ quan này đã không đưa ra bất cứ bình luận nào xung quanh vấn đề này.
Các nhà phân tích trong ngành phân bón cho biết, cuộc xung đột Nga-Ukraine đã dẫn đến rạn nứt trong chuỗi cung ứng phân bón toàn cầu, gây ra phản ứng dây chuyền khiến hàng loạt quốc gia lâm vào tình trạng khan hiếm phân bón và đẩy giá tăng cao, gây áp lực lên thị trường phân thế giới.
“Giá phân bón hiện đã tăng trên dưới 78% so với mức trung bình vào năm 2021, và điều này đang làm phá vỡ hoạt động sản xuất của nông nghiệp tại nhiều nơi. Ở nhiều vùng, nông dân chỉ đơn giản là không có khả năng mua phân bón, hoặc ngay cả khi có tiền họ cũng không chắc có mua được. Và vấn đề nghiêm trọng hơn không chỉ là phân bón, mà còn là hóa chất nông nghiệp và nhiên liệu. Đây là một cuộc khủng hoảng toàn cầu và nó đòi hỏi một phản ứng toàn cầu”, ông Theo de Jager, Chủ tịch tổ chức Nông dân Thế giới cho hay.