Mọi chỉ dấu đều cho thấy lẽ ra đô la Mỹ phải sụt giá mạnh so với các ngoại tệ khác: lạm phát cao, thâm hụt thương mại lớn, chính sách tiền tệ nới lỏng, lãi suất còn rất thấp… Thế nhưng đô la Mỹ đang tăng giá, cao nhất trong vòng 20 năm qua.
Nghịch lý này đang dẫn tới một nghịch lý khác: thay vì một cuộc chiến tranh tiền tệ khi các nước đua nhau phá giá đồng bạc của mình để duy trì mức cạnh tranh trên thị trường quốc tế, hiện đang diễn ra một cuộc chiến tranh tiền tệ ngược – các nước nâng giá đồng tiền để ngăn ngừa nhập khẩu lạm phát.
Bất chấp các yếu tố nói ở đầu bài, đô la Mỹ vẫn lên giá là bởi đồng tiền này không chỉ lưu hành bên trong nước Mỹ mà còn được sử dụng khắp nơi trên thế giới trong giao thương, đầu tư, dự trữ và cả trong các hoạt động của tội phạm.
Chính vì thế, các yếu tố nội địa có thể làm suy yếu đô la Mỹ đang được cân bằng, thậm chí bị lấn lướt bởi nhu cầu đô la Mỹ trên thế giới. Người ta vẫn đang chuộng đô la Mỹ làm đồng tiền dự trữ trong một thế giới bất ổn vì chiến tranh, giá cả tăng vọt bất thường, vì biến đổi khí hậu và vì các nước khác cũng có những yếu tố gây suy yếu đồng tiền nước họ.
Hầu hết các loại hàng hóa thương phẩm giao dịch trên thế giới đều tính bằng đô la Mỹ. Giá cả đang tăng gây áp lực lên lạm phát nước Mỹ. Nhưng thử nghĩ mà xem, một khi đô la Mỹ tăng giá so với các ngoại tệ khác, mức tăng của giá cả tính bằng đô la Mỹ, chẳng hạn là 5% thì khi nhập vào các nước, tính bằng tiền của nước đó, có thể tăng đến 25-30% tùy theo mức mất giá của đồng tiền nước này so với đô la Mỹ.
Chính vì thế mà nhiều nhà kinh tế cho rằng nỗi lo nhập khẩu lạm phát của các nước hiện là nỗi lo lớn nhất. Năm 1971, Bộ trưởng Tài chính Mỹ lúc đó là ông John Connally nói với các đối tác thương mại: “Đồng tiền là của chúng tôi nhưng nó là vấn đề của quý vị” bởi các nước lúc đó lo ngại về một đồng đô la yếu. Nay tình hình cũng chẳng khác gì mấy – đô la Mỹ mạnh là vấn đề lo nghĩ của nhiều nước khác.
Sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008-2009 là một giai đoạn lạm phát thấp, lãi suất cực thấp ở nhiều nước – vì thế vũ khí cạnh tranh của họ là phá giá đồng tiền của nước mình nhằm thúc đẩy tăng trưởng. Thế nhưng tình hình hiện nay lại hoàn toàn ngược lại; các nước đang theo đuổi chính sách đồng tiền mạnh để hóa giải các yếu tố gây lạm phát ở nước họ.
Đồng tiền yếu trong bối cảnh hiện nay càng làm lạm phát tăng thêm bởi chúng làm giá cả hàng hóa và dịch vụ nhập khẩu tăng lên. Goldman Sachs tính toán rằng ngân hàng trung ương các nước phải tăng lãi suất thêm 0,1 điểm phần trăm để trung hòa mức suy giảm 1% của tỷ giá. Nếu nước nào cũng tăng lãi suất như thế, chẳng sớm thì muộn nền kinh tế toàn cầu sẽ rơi vào chỗ suy thoái kéo dài.
Thời gian tới người ta sẽ chú ý đến hiện tượng đồng euro sẽ rơi về mức ngang bằng với đô la Mỹ. Tuần trước 1 euro chỉ đổi được 1,05 đô la Mỹ, rất gần với mức ngang bằng, làm Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) phải tuyên bố đang theo dõi kỹ hiệu ứng gây lạm phát của đồng euro yếu.
Bảng Anh cũng giảm về mức thấp nhất trong vòng hai năm qua, dù ngân hàng trung ương nước này đã nâng lãi suất đến lần thứ tư. Lâu nay doanh nghiệp Nhật cho rằng đồng yen yếu đi đang giúp họ bán được hàng ra thế giới, nên nước này vẫn áp dụng chính sách tiền tệ hết sức nới lỏng. Nhưng nay có dấu hiệu cho thấy chính sách này đang đảo chiều vì Nhật muốn hỗ trợ đồng yen, không để nó rơi quá sâu.
Đô la Mỹ mạnh lên cũng làm các nước đang phát triển lo ngại vì nợ nước ngoài của họ chủ yếu tính bằng đô la Mỹ. Theo IMF, đến 60% các nước nghèo đang có vấn đề trong trả nợ nước ngoài và tỷ lệ này còn tăng mạnh với đà mạnh lên của đô la Mỹ. Một đồng đô la Mỹ mạnh cũng làm đảo chiều xu hướng đầu tư nước ngoài ở các nước đang phát triển vì đồng vốn sẽ quay về nơi có tiềm năng lợi suất cao, tránh xa nơi có nhiều rủi ro vì đồng nội tệ bị định giá thấp.