Cả hai đồng tiền trọng yếu trong thanh toán quốc tế của Việt Nam là USD và Euro đều biến động rất mạnh, chưa kể cạnh tranh hàng Việt còn liên quan đến đồng nội tệ của các quốc gia xuất khẩu khác...
Thị trường ngoại hối liên tục biến động. Lần đầu tiên sau hai thập kỷ đồng USD và Euro ở tương quan sát sạt nhau trong quy đổi. Nhiều đồng tiền của các quốc gia có hàng hóa cạnh tranh xuất khẩu với Việt Nam mất giá mạnh...
Những đồng tiền chủ chốt trong thanh toán quốc tế tăng hoặc giảm đều tác động hai chiều xuất - nhập khẩu. Mỹ đang là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, song EU cũng là một thị trường lớn.
ĐÁNG QUAN NGẠI Ở THỊ TRƯỜNG EU
Với Việt Nam, Mỹ và EU là hai đối tác thương mại hàng đầu, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng năm của Việt Nam với hai thị trường này lên tới nhiều chục tỷ USD. Trong đó, Việt Nam liên tục là phía xuất siêu trong nhiều năm qua.
Theo số liệu thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2022, kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đạt 64,15 tỷ USD. Hoa Kỳ hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai và thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.
Còn với EU, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và EU trong 6 tháng đầu năm 2022 đạt 31,7 tỷ USD, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm 2021.
BizLIVE tổng hợp từ Tổng cục Thống kê, Tổng cục Hải quan. Đơn vị: tỷ USD
Theo các chuyên gia, việc diễn biến nghịch pha giữa USD và Euro, khi đồng USD tăng giá mạnh, còn đồng Euro mất giá nhiều sẽ tác động lớn tới tỷ giá và lạm phát của Việt Nam.
Còn với doanh nghiệp, như trên, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu sẽ là đối tượng chịu tác động rõ nét nhất. Trong đó, các doanh nghiệp xuất khẩu bằng đồng Euro sẽ bị thiệt, còn nhập khẩu bằng đồng USD sẽ có lợi.
Ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết trong ngắn hạn, việc đồng Euro mất giá có thể ảnh hưởng nhất định đến một số doanh nghiệp có hợp đồng thanh toán bằng đồng tiền này. Cụ thể, đối với doanh nghiệp xuất khẩu, cùng một lượng Euro thu về số tiền quy đổi ra nội tệ ít hơn nên sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận.
Về lâu dài, việc đồng nội tệ yếu kéo lạm phát lên cao tại EU, hàng hoá nhập khẩu sẽ trở nên đắt đỏ hơn. Sức mua yếu làm người tiêu dùng EU có thể hạn chế chi tiêu, nhất là với các mặt hàng không thiết yếu. Điều này có thể làm giảm nhu cầu hàng hoá nhập khẩu từ các thị trường, trong đó, có Việt Nam.
Cùng chung quan điểm, chuyên gia Vũ Vinh Phú cho rằng, với một số doanh nghiệp, ngành hàng, việc đồng Euro giảm giá có thể sẽ không tác động nhiều tới hoạt động sản xuất, xuất khẩu của họ.
Tuy nhiên nhìn chung, giá sản phẩm Việt Nam xuất khẩu vào châu Âu ở nhiều ngành hàng khác sẽ trở nên cao hơn, ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của sản phẩm Việt Nam ở thị trường này. Những tác động này có thể chưa bộc lộ ngay ở thời điểm này nhưng chắc chắn sẽ thể hiện rõ ràng hơn khi giá cả tăng.
Theo thông tin được chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ Quốc gia cho biết, tỷ trọng sử dụng đồng Euro để thanh toán với các doanh nghiệp thuộc khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam hiện mới ở mức từ 5-7%; trong khi sử dụng USD chiếm từ 65-70% - do đó tác động từ biến động tỷ giá giữa VND với USD có thể sẽ được thể hiện rõ nét hơn.
Ngoài ra, TS. Cấn Văn Lực còn cho rằng, Việt Nam có thuận lợi hơn các nước khác là Ngân hàng Nhà nước điều hành tỷ giá linh hoạt nên VND chỉ mất giá khoảng 2% trong khi trên thế giới có những đồng tiền mất giá từ 3-13%. Do đó, doanh nghiệp nhập khẩu cũng phần nào đỡ thiệt thòi hơn. Thêm vào đó, Việt Nam hiện vẫn đang xuất siêu nên khả năng sẽ không chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực.
BizLIVE tổng hợp từ Tổng cục Thống kê, Tổng cục Hải quan. Đơn vị: tỷ USD
THỊ TRƯỜNG MỸ NGÀY MỘT LỚN
Theo số liệu thống kê sơ bộ mới nhất của Tổng cục Hải quan, trong 6 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ đạt 56,6 tỷ USD, tăng hơn 24% so với cùng kỳ năm ngoái.
Sau nửa đầu năm, nền kinh tế lớn nhất thế giới tiếp tục duy trì vị thế là thị trường xuất khẩu hàng hóa lớn nhất của Việt Nam khi chiếm đến 30%% tổng kim ngạch cả nước.
Theo báo cáo của Tổng cục Hải quan. Đơn vị: triệu USD
Trong giai đoạn, đã có 9 nhóm hàng xuất khẩu sang Hoa Kỳ của Việt Nam đạt kim ngạch hơn 1 tỷ USD gồm: thủy sản, dệt may, điện thoại, máy vi tính, máy móc; gỗ - sản phẩm từ gỗ, giày dép, đồ chơi...
Đáng chú ý, Hoa Kỳ vẫn tiếp tục là thị trường xuất khẩu quan trọng của nhiều nhóm hàng chủ lực thuộc lĩnh vực nông nghiệp của Việt Nam. Trong đó có các mặt hàng như thủy sản (đạt gần 1,3 tỷ USD), hạt điều (đạt 440 triệu USD), cà phê (hơn 151 triệu USD)...; cùng với hơn 9,3 tỷ USD hàng sản phẩm dệt may
Theo báo cáo của Tổng cục Hải quan. Đơn vị: triệu USD
Với chiều ngược lại, nhập khẩu hàng hóa từ Hoa Kỳ của Việt Nam sau 6 tháng đạt kim ngạch 7,54 tỷ USD, giảm nhẹ so với giá trị 7,63 tỷ USD cùng kỳ năm ngoái.
Trong các mặt hàng Việt Nam nhập khẩu từ Hoa Kỳ, có duy nhất một mặt hàng đã đạt ngưỡng tỷ USD là Máy vi tính và linh kiện với giá trị trên 2 tỷ USD. Ngoài ra, còn một nhóm khác đạt giá trị lớn, tiệm cận ngưỡng tỷ USD là mặt hàng điện thoại và linh kiện với trị giá gần 952 triệu USD.