Trong phạm vi bài viết dưới đây, chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam sẽ nêu kết quả thực hiện Chiến lược phát triển ngành than Việt Nam đến năm 2015, định hướng đến năm 2025 được phê duyệt tại Quyết định số 89/2008/QĐ-TTg ngày 7/7/2008 và những vấn đề đặt ra đối với ngành than trên các lĩnh vực: Điều tra, thăm dò; khai thác; sàng tuyển và chế biến; hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất và công tác bảo vệ môi trường trong khai thác, sản xuất than.
Chiến lược phát triển ngành than Việt Nam đến năm 2015, định hướng đến năm 2025 được phê duyệt tại Quyết định số 89/2008/QĐ-TTg ngày 7 tháng 7 năm 2008 (gọi tắt là Chiến lược 89). Chiến lược đã đề ra mục tiêu chung: Phát triển ngành than Việt Nam trở thành ngành công nghiệp phát triển, có sức cạnh tranh cao, có trình độ công nghệ tiên tiến so với khu vực ở tất cả các khâu thăm dò, khai thác, sàng tuyển, chế biến, sử dụng than, đủ khả năng đáp ứng về cơ bản nhu cầu trong nước và bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Sau hơn 10 năm thực hiện, ngành than cơ bản triển khai theo đúng quan điểm, định hướng Chiến lược 89 đã đề ra; đảm bảo cung cấp đủ than phục vụ phát triển kinh tế, xã hội; góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường... Tuy nhiên, từ thời điểm bắt đầu thực hiện Chiến lược 89 đến nay, tốc độ phát triển các ngành công nghiệp sử dụng than đã có nhiều thay đổi, nhu cầu của các hộ tiêu thụ lớn (điện, xi măng, phân bón, hóa chất…) có nhiều biến động; kết quả thăm dò những năm vừa qua cho thấy điều kiện tài nguyên than (điều kiện địa chất, trữ lượng…) có nhiều thay đổi so với dự báo tại thời điểm xây dựng Chiến lược 89, ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu phát triển về thăm dò, khai thác than của Chiến lược 89.
I. Về kết quả thực hiện Chiến lược và những vấn đề đặt ra:
1. Công tác điều tra, thăm dò than:
Tổng trữ lượng, tài nguyên toàn ngành than tính đến ngày 31 tháng 12 năm 2021 được nêu ở bảng 1.
Bảng 1: Trữ lượng, tài nguyên than toàn ngành. Đơn vị tính: 106 tấn.
Nguồn: QH403, Báo cáo kết quả giai đoạn 1 - Đề án “Điều tra, đánh giá tiềm năng than dưới mức -300m bể than Quảng Ninh” được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt tại Quyết định số 1795/QĐ-BTNMT ngày 30 tháng 10 năm 2012; các báo cáo địa chất đã được Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản Quốc gia phê duyệt; tài liệu hiện trạng thăm dò, khai thác của các đơn vị ngành than.
Nhận xét:
- Qua bảng 1 trên đây cho thấy, tổng tài nguyên, trữ lượng than Việt Nam là 47.214 triệu tấn, trong đó trữ lượng các cấp chỉ đạt 2.501 triệu tấn (chiếm 5,30%), tài nguyên cấp chắc chắn và tin cậy chỉ là 939 triệu tấn (chiếm gần 2,00%). Như vậy, tổng tài nguyên, trữ lượng than có mức độ thăm dò cấp chắc chắn và tin cậy là là 3.440 triệu tấn, chiếm 7,3% tổng số tài nguyên than. Con số này năm 2010 là 2.804 triệu tấn, chiếm 6% tổng tài nguyên than [2]. Mặc dù, trong 10 năm qua (2011 - 2020) đã khai thác tổng sản lượng than nguyên khoảng 428 triệu tấn, chưa kể phần tổn thất than trong quá trình khai thác, so với năm 2010, tài nguyên, trữ lượng than có mức độ thăm dò cấp chắc chắn và tin cậy đã tăng thêm 636 triệu tấn, tương ứng 22,7%.
Trữ lượng than chủ yếu ở vùng Đông Bắc, là 2.388 triệu tấn, chiếm tới 95,5% tổng trữ lượng than cả nước.
- Đối với các mỏ đang khai thác tại bể than Đông Bắc và vùng nội địa: Công tác thăm dò cơ bản đáp ứng việc chuẩn bị tài nguyên phục vụ sản xuất của các dự án đang thực hiện. Tuy nhiên, đối với tài nguyên phần sâu của một số mỏ, hiện nay công tác thăm dò chưa đảm bảo tiến độ phục vụ công tác nghiên cứu, lập dự án.
- Đối với các mỏ mới thuộc bể than Đông Bắc: Công tác thăm dò chưa thực hiện được, ảnh hưởng đến công tác chuẩn bị dự án của các mỏ mới giai đoạn đến năm 2025.
- Đối với công tác thăm dò tại bể than Sông Hồng: Điều kiện địa chất - mỏ của mỏ Nam Thịnh phức tạp, hiện nay công tác thăm dò tạm dừng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 74/TTg-CN ngày 19 tháng 9 năm 2018.
- Các bể than phân bố tại khu vực thềm lục địa Việt Nam chưa được điều tra, đánh giá nên tài nguyên than của các bể than trên chưa được dự báo.
Một số tồn tại, hạn chế:
Chiến lược 89 đã được cụ thể hoá tại QH60 và QH403. Tuy nhiên, quá trình thực hiện còn một số tồn tại, hạn chế dẫn đến chưa đạt mục tiêu theo Chiến lược, Quy hoạch, cụ thể là:
- Công tác thăm dò chưa đạt mục tiêu đề ra, đặc biệt là các mỏ mới thuộc bể than Đông Bắc và bể than đồng bằng Sông Hồng.
- Việc cấp giấy phép thăm dò, phê duyệt báo cáo kết quả thăm dò còn kéo dài so với quy định của Luật Khoáng sản, chưa đáp ứng yêu cầu cung cấp tài liệu phục vụ lập các dự án đầu tư khai thác mỏ.
- Công tác huy động nguồn lực tài chính để thăm dò, phát triển tài nguyên gặp nhiều khó khăn.
- Việc thăm dò, phát triển bể than Sông Hồng đã triển khai thực hiện, nhưng chưa đáp ứng được mục tiêu đề ra do điều kiện địa chất phức tạp và hạn chế về công nghệ (TKV đã phải trả lại giấy phép thăm dò mỏ Khoái Châu; báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho tạm dừng thi công thăm dò mỏ Nam Thịnh để tìm kiếm, hợp tác với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước nghiên cứu đầu tư lựa chọn công nghệ, lựa chọn phương pháp thăm dò thích hợp để khai thác công nghiệp có hiệu quả).
- Công tác tổng hợp, đánh giá sơ bộ tiềm năng than và lập kế hoạch các bước tiếp theo trên cơ sở tài liệu địa chất trong quá trình tìm kiếm, thăm dò dầu khí đối với than khu vực thềm lục địa chưa được thực hiện.
- Mặc dù công tác thăm dò than ở nước ngoài đã triển khai tuy ở mức hạn chế, nhưng chưa đáp ứng yêu cầu để có thể phát triển các mỏ khai thác, nhập khẩu than hoặc xây dựng các tổ hợp than - điện, than - xi măng… theo định hướng Chiến lược.
Nguyên nhân của tồn tại:
- Việc triển khai các thủ tục liên quan đến công tác cấp phép thăm dò, khao thác than còn nhiều vướng mắc do chồng chéo với các quy hoạch của địa phương (QH rừng, QH khu dân cư, đô thị, sân golf...); thời gian xin ý kiến từ các bộ, ban, ngành và địa phương thường kéo dài, mất nhiều thời gian ảnh hưởng đến việc triển khai thi công thăm dò.
- Công tác giải phóng mặt bằng kéo dài; một số lỗ khoan nằm trong khai trường lộ thiên đang bốc xúc, đổ thải, địa tầng khoan phức tạp (bãi thải dày, nhiều tầng lò cũ, điều kiện địa chất công trình - địa chất thủy văn phức tạp)... nên công tác thăm dò còn gặp nhiều khó khăn; một số địa phương chưa thực sự quan tâm, hỗ trợ ngành than triển khai thực hiện thăm dò.
- Chất lượng hồ sơ đề án thăm dò chưa đạt yêu cầu, còn phải điều chỉnh, bổ sung nhiều lần dẫn đến thời gian thẩm định để cấp giấy phép thăm dò, phê duyệt báo cáo kết quả thăm dò còn chậm.
- Việc tham khảo, sử dụng tài liệu địa chất trong quá trình tìm kiếm, thăm dò dầu khí để đánh giá tiềm năng than trong khu vực thềm lục địa còn gặp khó khăn do quy định về bảo mật tài liệu thăm dò dầu khí của ngành dầu khí.
- Thiếu cơ chế hỗ trợ, hướng dẫn cụ thể cho các doanh nghiệp trong khu vực nhà nước đầu tư ra nước ngoài thăm dò, khai thác than để đưa về Việt Nam phục vụ nhu cầu sử dụng trong nước.
2. Công tác khai thác than:
Ngành than Việt Nam gồm hai đơn vị chủ chốt thực hiện sản xuất, kinh doanh than là Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tông công ty Đông Bắc (TCTĐB), cung ứng 95% sản lượng than sản xuất trong nước. Tổng sản lượng than nguyên khai toàn ngành giai đoạn 2011 - 2020 khoảng 428,081 triệu tấn, tốc độ tăng sản lượng bình quân là -0,58%/năm (riêng giai đoạn 2015 - 2020 tăng 1,44%/năm). Trong đó, than khai thác lộ thiên khoảng 189,097 triệu tấn (chiếm 43,4% sản lượng than nguyên khai toàn ngành), than khai thác hầm lò khoảng 238,984 triệu tấn (chiếm 54,9% sản lượng than nguyên khai toàn ngành). Trong giai đoạn 2011 - 2020, tỷ trọng sản lượng than khai thác bằng phương pháp lộ thiên giảm dần, hầm lò tăng dần (năm 2011 tỷ lệ khai thác lộ thiên là 55%, khai thác hầm lò là 45 %; đến năm 2020 tỷ lệ khai thác lộ thiên giảm xuống còn 38,7%, khai thác hầm lò tăng lên 61,3%).
Ngành than hiện có 5 mỏ lộ thiên với công suất trên 2,0 triệu tấn/năm (Cao Sơn, Cọc Sáu, Đèo Nai, Hà Tu, Tây Nam Đá Mài). Các mỏ lộ thiên còn lại với công suất từ 100 ÷ 1.200 ngàn tấn/năm và một số điểm khai thác lộ vỉa với công suất dưới 100 ngàn tấn/năm; khoảng 30 mỏ hầm lò hiện đang hoạt động, trong đó có 13 mỏ có trữ lượng lớn, công nghệ và cơ sở hạ tầng tương đối hoàn chỉnh, công suất từ 1,0 triệu tấn/năm trở lên (Mạo Khê 2,0 triệu tấn/năm, Tràng Bạch 1,2 triệu tấn/năm, Nam Mẫu 2,5 triệu tấn/năm, Vàng Danh 3,7 triệu tấn/năm, Bình Minh 1,0 triệu tấn/năm, Hà Lầm 2,4 triệu tấn/năm, Ngã Hai 1,5 triệu tấn/năm, Khe Chàm III 2,5 triệu tấn/năm, Khe Tam 2,5 triệu tấn/năm, Lộ Trí 2,0 triệu tấn/năm, Mông Dương 1,5 triệu tấn/năm, Núi Béo 2,0 triệu tấn/năm, Khe Chàm II-IV 3,5 triệu tấn/năm). Các mỏ hầm lò còn lại có công suất dưới 1,0 triệu tấn/năm, diện tích khai trường hẹp, trữ lượng ít, hoặc phân tán không có điều kiện để phát triển sản lượng cao và áp dụng cơ giới hoá đồng bộ dây chuyền công nghệ.
Đánh giá tình hình thực hiện:
- Trong những năm vừa qua, ngành than đã thực hiện tốt nhiệm vụ đảm bảo đáp ứng đủ than cho nhu cầu sử dụng trong nước, đặc biệt là than cho sản xuất điện, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
- Công tác kỹ thuật mỏ được ngành than quan tâm, chú trọng, đặc biệt là trong các khâu sản xuất: Khai thác, đào lò, thông gió, thoát nước, cơ điện, vận tải, cơ khí - chế tạo,... đã có nhiều đột phá, mang lại hiệu quả lớn, đóng góp vào thành tích chung sản xuất, kinh doanh ngành than, khẳng định vai trò rất quan trọng, xuyên suốt đó là “kỹ thuật là gốc của mọi vấn đề” quyết định đến sự tồn tại và phát triển của ngành than.
- Ngành than đã và đang đẩy mạnh đầu tư nhằm thúc đẩy tăng trưởng trên cơ sở phát triển theo chiều rộng đi đôi với tăng cường phát triển theo chiều sâu bằng cách áp dụng công nghệ mới tiên tiến, hiện đại nhằm nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, tận thu tài nguyên và hiệu quả kinh doanh. Mặt khác, tập trung các nguồn lực để thực hiện các dự án mỏ than được phê duyệt; phát triển các mỏ than theo tiêu chí “Mỏ sạch, mỏ an toàn, mỏ hiện đại”.
- Công tác quản lý khai thác và bảo vệ tài nguyên khoáng sản bám sát theo quy hoạch được duyệt, đạt được những kết quả khả quan và đóng góp đáng kể vào sự nghiệp phát triển KT-XH của đất nước, tham gia chuyển đổi cơ cấu kinh tế, tăng tỷ trọng công nghiệp.
- Đã đẩy mạnh nghiên cứu, đầu tư áp dụng các công nghệ tiên tiến, tăng cường áp dụng cơ giới hóa, tin học hóa, tự động hóa vào sản xuất, chế biến, kinh doanh than phù hợp với xu hướng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư để nâng cao năng suất lao động, an toàn, giảm giá thành, tận thu tài nguyên, cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động, bảo vệ môi trường, đảm bảo hiệu quả sản xuất, kinh doanh chung và sự phát triển bền vững của ngành than.
- Đã tích cực đầu tư cơ giới hóa khai thác than và đào lò. Cùng với đó là từng bước tự động hóa một số khâu như: Vận tải, bơm thoát nước, kiểm soát thông gió, khí mỏ, trạm điện, các công đoạn sản xuất trong nhà máy sàng, tuyển than... tiến tới kết nối các hệ thống giám sát, điều khiển tập trung và xây dựng các mỏ than tiên tiến, hiện đại, ít người.
Một số tồn tại, hạn chế:
- Nhiều dự án chưa thực hiện được theo mục tiêu đề ra dẫn tới sản lượng than khai thác đạt quá thấp so với mục tiêu đề ra trong Chiến lược 89 là “phấn đấu đạt sản lượng than sạch khoảng 48 - 50 triệu tấn vào năm 2010; 60 - 65 triệu tấn vào năm 2015; 70 - 75 triệu tấn vào năm 2020 và trên 80 triệu tấn vào năm 2025”. Hoặc ngược lại có thể nói mục tiêu sản lượng đề ra trong Chiến lược 89 không phù hợp thực tế.
- Mặc dù giai đoạn 2016 - 2020 đã đẩy mạnh áp dụng cơ giới hoá đào lò than sử dụng máy combai loại nhẹ, siêu nhẹ; cơ giới hoá các công đoạn (khoan, xúc) đào lò đá với thiết bị hiện đại như máy khoan xúc đa năng 2 cần, xe khoan kết hợp máy xúc… góp phần từng bước cải thiện, nâng cao tốc độ, năng suất đào lò. Tuy nhiên, tỉ lệ cơ giới hóa đào lò còn rất thấp so với tổng số mét lò đào, tốc độ đào lò vẫn ở mức thấp hơn so với thiết kế được duyệt.
- Tỷ lệ áp dụng vật liệu mới trong công tác đào chống lò với các tính năng ưu việt còn thấp; đã đưa vào áp dụng chống lò bằng vì neo từ 2005, đến nay khối lượng mét lò chống neo thực hiện hằng năm đã nâng lên khoảng 30 ngàn mét song vẫn chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng số mét lò đào mới toàn ngành (năm 2020 chiếm khoảng 11%).
Nguyên nhân của tồn tại:
- Có sự chồng lấn giữa ranh giới quy hoạch các loại rừng (rừng đặc dụng, rừng phòng hộ) và các quy hoạch của địa phương với ranh giới dự án đầu tư phát triển mỏ than.
- Các thủ tục triển khai công tác lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư; thỏa thuận, xin cấp giấy phép khai thác… còn mất nhiều thời gian.
- Điều kiện sản xuất ngày càng khó khăn: Diện khai thác mỏ ngày càng xuống sâu, đi xa; thiếu diện đổ thải, cung độ đổ thải lớn… kéo theo giá thành khai thác than ngày càng tăng, ảnh hưởng đến hiệu quả của doanh nghiệp.
- Các tổ hợp cơ giới hóa chiếm tỷ lệ nhỏ, hạn chế về diện áp dụng, chi phí đầu tư lớn; công tác tổ chức sản xuất đào lò còn hạn chế nên tốc độ đào lò còn thấp.
- Nhu cầu thị trường than trong nước những năm vừa qua có nhiều biến động dẫn đến ngành than bị động trong sản xuất; sự cạnh tranh gay gắt của than nhập khẩu; ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan; thiếu hụt nguồn lực lao động, nhất là lao động hầm lò…
- Hệ thống văn bản liên quan đến công tác đầu tư còn một số nội dung chưa rõ ràng, hoặc phân cấp chưa mạnh. Điển hình như quy định các nội dung tại văn bản phê duyệt của cơ quan đại diện chủ sở hữu đối với các dự án thuộc thẩm quyền của đại diện chủ sở hữu trước khi Hội đồng thành viên/Hội đồng quản trị các tập đoàn/doanh nghiệp Quyết định phê duyệt dự án đầu tư; việc đảm bảo cạnh tranh trong đấu thầu (giữa các công ty con và đơn vị chi nhánh thuộc công ty mẹ của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước)...
3. Công tác sàng tuyển và chế biến than:
Thứ nhất: Đối với công tác sàng tuyển, chế biến: Nhằm đáp ứng nhu cầu chế biến than và phù hợp điều kiện đặc thù của từng mỏ, cụm mỏ, khu vực khai thác; công tác sàng tuyển, chế biến than được thực hiện thông qua việc đầu tư dự án nhà máy sàng tuyển tập trung, hoặc đi kèm với các dự án khai thác mỏ than. Cụ thể như sau:
- Sàng tuyển, chế biến than tại mỏ: Hạng mục công trình chế biến than được thực hiện kèm theo dự án đầu tư khai thác than. Theo đó, hạng mục sàng tuyển, chế biến than có quy mô, công suất phù hợp với công suất dự án khai thác mỏ than; dây chuyền công nghệ đơn giản (sàng phân loại; đập, nghiền; hệ thống tuyển băng tải dốc, huyền phù tự sinh, huyền phù manhetit... có công suất nhỏ); sản phẩm than sau khi chế biến đạt TCVN, hoặc TCCS đáp ứng yêu cầu của các hộ tiêu thụ.
- Sàng tuyển, chế biến than tập trung: Nhà máy sàng tuyển than tập trung được đầu tư với phương châm đáp ứng nhu cầu chế biến than của một số mỏ trong từng khu vực cụ thể; dây chuyền công nghệ và thiết bị hiện đại, đồng bộ, linh hoạt trong sản xuất, tận thu tối đa tài nguyên; giảm thiểu ô nhiễm môi trường; chủng loại sản phẩm than đa dạng, có khả năng đáp ứng linh hoạt nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu. Cụ thể như:
(i) Công nghệ sàng tách cám khô kết hợp tuyển than trên sàng bằng máy tuyển huyền phù bánh xe đứng 2 cấp.
(ii) Sàng tách cám khô tối đa kết hợp đập, nghiền và nhặt tay than cục trên hệ thống băng tải chạy chậm.
(iii) Sàng tách cám khô kết hợp tuyển than cục bằng máy tuyển huyền phù tự sinh, hoặc nghiền thành than cám để pha trộn với than cám sau sàng…
Giai đoạn từ năm 2010 đến nay, ngành than đã đầu tư mới 4 nhà máy sàng - tuyển than tập trung với tổng công suất 15,5 triệu tấn (dự án đầu tư xây dựng công trình Nhà máy sàng - tuyển than Vàng Danh 2, công suất 2,0 triệu tấn/năm; Trung tâm chế biến và kho than tập trung vùng Hòn Gai - giai đoạn 1, công suất 2,5 triệu tấn/năm; Dự án đầu tư xây dựng công trình nhà máy sàng - tuyển than Khe Chàm, công suất 7,0 triệu tấn/năm; Dự án đầu tư xây dựng công trình nhà máy sàng - tuyển than Lép Mỹ, công suất 4,0 triệu tấn/năm). Ngoài ra, ngành than còn đầu tư duy trì 2 nhà máy sàng - tuyển than tập trung với tổng công suất 12,5 triệu tấn (Nhà máy tuyển than Cửa Ông, công suất 10,0 triệu tấn/năm; Nhà máy tuyển than Vàng Danh 1, công suất 2,5 triệu tấn/năm) và di dời, tháo dỡ 1 Nhà máy sàng tuyển than Nam Cầu Trắng, công suất 2,5 triệu tấn.
(2) Về cơ cấu sản phẩm và tỷ lệ thu hồi than:
- Giai đoạn 2010 - 2014: Than cục TCVN khoảng 2-3%; than cám chất lượng cao (cám 1-4a) khoảng 17-23%; than cám chất lượng thấp (cám 4b trở xuống) khoảng 51-63%; than TCCS khoảng 4-8%. Tỷ lệ thu hồi than trung bình khoảng 86%, trong đó, tỷ lệ thu hồi tại các nhà máy sàng tuyển, chế biến than trung bình khoảng 84%.
- Giai đoạn 2015 đến nay: Than cục trung bình khoảng 3%; than cám chất lượng cao khoảng 10 - 15%; than cám chất lượng thấp khoảng 64 - 69%; than TCCS trung bình khoảng 5%. Tỷ lệ thu hồi than trung bình khoảng 89%, trong đó, tỷ lệ thu hồi tại các nhà máy sàng tuyển, chế biến than trung bình khoảng 86%.
Đánh giá tình hình thực hiện:
Công tác sàng tuyển, chế biến than ngày càng được chú trọng và phát triển theo hướng hiện đại hóa thiết bị, dây chuyền công nghệ nhằm tận thu tối đa tài nguyên; giảm thiểu ô nhiễm môi trường; nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm than, đáp ứng linh hoạt nhu cầu thị trường, đặc biệt là cho sản xuất điện, góp phần đáng kể trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Minh chứng cho sự phát triển công tác sàng tuyển, chế biến than là sự ra đời của các nhà máy tuyển tập trung với công suất lớn (2 - 7 triệu tấn/năm), dây chuyền công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường; cơ cấu sản phẩm than phát triển theo hướng đáp ứng tối đa nhu cầu than phục vụ sự nghiệp phát triển KT-XH của đất nước, bảo đảm việc xuất, nhập khẩu hợp lý theo hướng giảm dần xuất khẩu phù hợp quan điểm phát triển ngành than tại Chiến lược 89.
Một số tồn tại, hạn chế:
- Công tác đầu tư vẫn còn mang tính chất cục bộ, nhỏ lẻ, thời gian đầu tư dự án kéo dài.
- Sản phẩm than sản xuất đôi khi không đáp ứng đủ nhu cầu thị trường và còn bị động trước biến động thị trường than trong nước và thế giới.
- Sự kết nối các khâu khai thác - chế biến - vận tải - tiêu thụ than tại một số khu vực, một số mỏ còn hạn chế, chưa đồng bộ; sự kết nối liên vùng, liên ngành còn chưa cao.
Nguyên nhân của tồn tại:
- Việc thu xếp nguồn vốn đầu tư khó khăn do tỷ lệ trích quỹ đầu tư phát triển của doanh nghiệp từ lợi nhuận của doanh nghiệp còn thấp; do vướng mắc trong giải phóng mặt bằng; quá trình thực hiện thủ tục chuẩn bị đầu tư chậm nên tiến độ chuẩn bị đầu tư một số dự án còn chậm.
- Công tác dự báo về nhu cầu thị trường than trong nước (đặc biệt là than cho sản xuất điện) và thế giới còn hạn chế, bị động.
- Sự kết nối liên vùng, liên ngành chưa được thực sự quan tâm khi triển khai thiết kế các dự án; việc trao đổi thông tin giữa các vùng, ngành còn hạn chế; có sự chồng lấn giữa QH ngành than với QH phát triển KT-XH của địa phương, nhất là tại Quảng Ninh.
4. Thực trạng về hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất than:
Thứ nhất: Tình hình thực hiện:
(1) Hệ thống vận tải ngoài:
Hệ thống vận tải ngoài cơ bản đã được đầu tư xây dựng theo đúng định hướng của Chiến lược 89, từng bước chuyển đổi phương thức vận tải từ ô tô sang các phương thức vận tải bằng đường sắt, băng tải và đường thủy (năng suất cao, chi phí thấp, thân thiện môi trường), đồng thời đẩy mạnh đổi mới công nghệ, đầu tư thiết bị vận tải hiện đại nhằm tăng hiệu quả kinh tế và bảo vệ môi trường. Cụ thể như sau:
Đối với vùng than Quảng Ninh:
- Hệ thống đường ô tô: Được đầu tư xây dựng phù hợp với nhu cầu sản xuất của các mỏ nhằm phục vụ giao thông liên lạc, vận tải than, đất đá thải trong khai trường mỏ. Tuy nhiên, chất lượng nền mặt đường một số đoạn tuyến đã xuống cấp (do hết khấu hao), cần đầu tư cải tạo lại.
- Hệ thống băng tải: Đang được đẩy mạnh đầu tư xây dựng để vận tải than tại một vài cung đoạn trong chuỗi vận tải từ sân công nghiệp mỏ → cơ sở chế biến than → cảng xuất than/hộ tiêu thụ và vận tải đất đá từ sân công nghiệp mỏ/cơ sở chế biến than ra bãi thải. Tính đến thời điểm hiện tại, ngành than đã hoàn thành đầu tư 12 tuyến băng tải đưa vào sử dụng với tổng chiều dài khoảng 46,6 km tại 3 vùng Uông Bí, Hòn Gai và Cẩm Phả; đang thực hiện đầu tư 4 tuyến băng tải với tổng chiều dài khoảng 16,3km.
- Hệ thống đường sắt: Ngành than đã sử dụng tối đa năng lực vận tải của các tuyến đường sắt chuyên dùng hiện có tại vùng than Uông Bí và Cẩm Phả để vận tải than từ các cơ sở chế biến than đến các cảng xuất than, đồng thời sử dụng tốt năng lực vận tải của hệ thống đường sắt quốc gia hiện có tại các vùng để cấp than cho các nhà máy nhiệt điện và một số hộ tiêu thụ có vị trí nằm sâu trong nội địa.
Đối với vùng than Nội địa (các mỏ Khánh Hòa, Núi Hồng, Na Dương…):
Công tác vận tải than thành phẩm được vận tải tiêu thụ thông qua các tuyến đường sắt quốc gia và băng tải hiện có, không đầu tư mới.
(2) Hệ thống cảng xuất, nhập khẩu than:
Hệ thống cảng xuất, nhập khẩu than đã và đang được thực hiện phù hợp với Chiến lược 89. Các bến rót than có quy mô nhỏ lẻ, công nghệ lạc hậu được xóa bỏ; triển khai đầu tư xây dựng các cụm cảng tập trung có quy mô, công suất và công nghệ thiết bị phù hợp với nhu cầu xuất, nhập than tại các vùng, khu vực; hệ thống luồng lạch, bến cảng được cải tạo, nạo vét để tăng khả năng tiếp nhận tàu/xà lan có tải trọng lớn cũng như năng lực bốc, rót than của các cảng.
Thứ hai: Đánh giá tình hình thực hiện:
- Hệ thống vận tải ngoài và các cảng xuất than nội địa được đầu tư cơ bản theo đúng định hướng của Chiến lược 89, đáp ứng yêu cầu sản xuất than.
- Công tác vận tải than bằng ô tô của các đơn vị dọc tuyến quốc lộ và các khu dân cư cơ bản được chấm dứt. Vận tải than từ các kho than tập trung đến các hộ tiêu thụ và các cảng xuất than đã được chuyển đổi thành phương thức vận tải đường sắt, hoặc băng tải.
- Các bến rót than có quy mô nhỏ lẻ, công nghệ lạc hậu đã được xóa bỏ; các cảng/cụm cảng đầu tư mới hầu hết là cảng/cụm cảng tập trung có quy mô, công suất và công nghệ thiết bị phù hợp với sản xuất tại các vùng than. Tuy nhiên, các cảng hiện nay mới đáp ứng công tác xuất than tại các khu vực, công tác nhập và pha trộn than chưa được đầu tư xây dựng đồng bộ.
Một số tồn tại, hạn chế:
- Tiến độ thực hiện dự án đầu tư xây dựng hệ thống vận tải, cảng xuất nhập than còn kéo dài.
- Cơ sở hạ tầng phục vụ nhập khẩu than còn hạn chế, quy mô nhỏ lẻ, chưa có sự kết nối đồng bộ theo chuỗi logictis: Cảng nhập, kho chứa, hệ thống pha trộn, chế biến than.
- Kết nối hạ tầng tại một số khu vực, một số mỏ còn hạn chế, chưa đồng bộ; sự kết nối liên vùng, liên ngành còn chưa cao.
- Hệ thống vận tải ngoài, các cảng nội địa đã được chú trọng đầu tư phù hợp với sản xuất, tiêu thụ than. Tuy nhiên, chưa được xây dựng hoàn chỉnh, chưa có sự kết nối đồng bộ và chưa áp dụng hoàn chỉnh công nghệ tiên tiến, hiện đại.
Nguyên nhân của tồn tại:
- Việc thu xếp nguồn vốn đầu tư khó khăn; tiến độ chuẩn bị đầu tư một số dự án còn chậm (giải phóng mặt bằng gặp khó khăn; thực hiện thủ tục đầu tư chậm...).
- Công tác dự báo nhập khẩu than còn hạn chế; việc triển khai đầu tư hệ thống cảng nhập than tập trung thời gian qua còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong công tác khảo sát, lựa chọn địa điểm cảng; lựa chọn nhà đầu tư (do nguồn vốn đầu tư lớn)...
- Quy hoạch ngành than và các quy hoạch khác (quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội địa phương, rừng...) còn có sự chồng lấn; sự kết nối liên vùng, liên ngành chưa được quan tâm đúng mức, việc trao đổi thông tin giữa các vùng/ngành còn hạn chế.
5. Công tác bảo vệ môi trường:
Tình hình thực hiện:
(1) Công tác thu gom, xử lý các loại chất thải:
Đến hết năm 2020 đã đầu tư xây dựng 43 trạm xử lý nước thải (XLNT) mỏ với tổng công suất trên 50.000 m3/h, tương ứng khoảng hơn 200 triệu m3/năm, đảm bảo các mỏ có trạm xử lý nước thải đạt quy chuẩn môi trường; các nhà máy tuyển than đầu tư hệ thống lọc ép bùn công suất lớn, sử dụng nước tuần hoàn không thải ra môi trường. Xây dựng và đưa nhà máy xử lý chất thải nguy hại công nghiệp tại Quảng Ninh vào hoạt động, hàng năm xử lý trên 3.600 tấn chất thải nguy hại của các đơn vị thành viên, trong đó trên 50% sản phẩm sau xử lý được tái sử dụng cho sản xuất.
Đá xít thải phát sinh từ sàng tuyển than được đổ thải vào các bãi thải theo quy hoạch; chất thải rắn công nghiệp thông thường, chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trong sản xuất được thu gom, xử lý theo đúng quy định.
(2) Công tác cải tạo phục hồi môi trường:
Ngành than đã trồng cây cải tạo phục hồi môi trường trên 1.500 ha, góp phần hạn chế rữa trôi đất đá, giảm phát thải bụi, cải thiện nhanh môi trường cảnh quan chung, đặc biệt là trên địa bàn Thành phố Hạ Long. Đã hoàn thành cải tạo phục hồi môi trường nhiều bãi thải (Nam Đèo Nai, Nam Lộ Phong, Chính Bắc Núi Béo...). Từ năm 2016 đến nay, thực hiện trên 10 dự án xây đê đập ngăn đất đá trôi lấp, khoảng 20 dự án cải tạo phục hồi môi trường, gần 40 dự án cải tạo, nạo vét hệ thống thoát nước, hồ lắng.
(3) Công tác chống bụi:
Ngành than đã đầu tư 12 tuyến băng tải vận chuyển than với tổng chiều dài 41,2 km. Việc vận chuyển than ra cảng và đến các nhà máy điện tại Quảng Ninh, Thái Nguyên, Lạng Sơn cơ bản được thực hiện bằng băng tải, đường sắt; thực hiện bao che chống bụi cứng trên toa xe, xây dựng trạm rửa xe ô tô và toa xe, lắp lưới chắn bụi kho than, phủ bạt xe chở than và kho than... Tính đến hết năm 2020, đã đầu tư trên 80 máy phun sương dập bụi cao áp, xe tưới đường mỏ chuyên dùng dung tích 50 m3 để nâng cao năng lực và hiệu quả dập bụi trên các tuyến đường mỏ.
(4) Công tác cải tạo cảnh quan môi trường:
Ngành than đã thực hiện cải tạo môi trường cảnh quan 4 kho cảng tập trung (Km6, Làng Khánh, Bến Cân, Điền Công), các mỏ mới được xây dựng theo tiêu chí xanh - sạch - đẹp (Núi Béo, Hà Lầm, Thành Công, Giáp Khẩu...); cải tạo các tuyến đường vận chuyển than chuyên dụng đảm bảo thoát nước; trồng cây hai bên ngăn bụi, ồn và cải thiện môi trường cảnh quan.
(5) Công tác kiểm soát ô nhiễm môi trường:
Ngành than phối hợp với tỉnh Quảng Ninh lắp đặt trên 50 hệ thống quan trắc môi trường tự động liên tục nước thải mỏ than, thực hiện truyền số liệu trực tiếp cho Sở Tài nguyên và Môi trường; thực hiện quan trắc môi trường tập trung đối với các khu vực dân cư có nguy cơ bị ảnh hưởng ngoài ranh giới quản lý để kiểm soát và phát hiện các nguy cơ ô nhiễm, kịp thời chỉ đạo thực hiện các giải pháp ngăn ngừa. Đồng thời, quan trắc môi trường định kỳ tại đơn vị thành viên theo đúng báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt.
(6) Công tác ứng phó biến đổi khí hậu:
Ngành than đã xây dựng nhiều đập và đê chắn đất đá chân bãi thải, hiện nay các bãi thải mỏ than đã cơ bản có đủ đê đập chắn theo quy hoạch, ngăn ngừa đất đá trôi lấp, đảm bảo an toàn cho sản xuất và dân cư; xây dựng hồ lắng đầu nguồn suối thoát nước, nạo vét thường xuyên hệ thống sông suối thoát nước giảm thiểu đất đá bồi lấp, ngăn ngừa ngập lụt. Mặt khác, di dời hàng trăm hộ dân tại hàng chục khu vực có nguy cơ sạt lở, ngập lụt nguy hiểm do ảnh hưởng từ các khu vực khai thác của ngành than để đảm bảo an toàn dân cư trong mùa mưa bão.
(7) Công tác đổi mới công nghệ:
Ngành than đã đổi mới công nghệ khai thác than theo hướng cơ giới hoá, thủy lực hóa trong khai thác hầm lò (cột chống thuỷ lực, dàn chống thuỷ lực, máy khấu...), đầu tư đồng bộ thiết bị công suất lớn trong khai thác lộ thiên (máy xúc dung tích gầu xúc 12m3, ô tô tải trọng trên 100 tấn...) đã giảm suất tiêu hao gỗ chống lò từ 45 - 50 m3/1.000 tấn xuống 7 - 8 m3/1.000 tấn than, góp phần giảm tổn thất than, giảm phát sinh khí thải. Cùng với đó là đầu tư hệ thống vận chuyển băng tải, đường sắt thay thế vận tải bằng ô tô nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường; đầu tư thiết bị lọc ép bùn công suất lớn trong các nhà máy sàng tuyển tập trung để tăng tỷ lệ thu hồi than, sử dụng nước tuần hoàn, giảm xả thải ra môi trường; đầu tư hệ thống khởi động mềm các thiết bị điện để tiết kiệm điện; tận thu chế biến các loại than chất lượng xấu ngoài tiêu chuẩn, đầu tư các trạm tuyển nâng cấp chất lượng để tận thu tài nguyên.
Đến nay, ngành than đã chấm dứt hoạt động một số cảng than (Cẩm Thịnh, Hà Ráng, Nam Cầu Trắng...) và Nhà máy sàng tuyển than Nam Cầu Trắng, tháo dỡ một số tuyến đường sắt (Khe Sim - Ga Cầu 4, Hà Tu - Nam Cầu Trắng...) để phục vụ phát triển Thành phố Hạ Long, Cẩm Phả.
Một số tồn tại, hạn chế:
- Một số khu vực bãi thải nhìn gần quốc lộ, tỉnh lộ (Đông Cao Sơn, Đông Khe Sim, Bàng Nâu) đang đổ thải nên chưa trồng cây phủ xanh được, còn ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường chung. Việc trồng cây mới tính đến mục tiêu phủ xanh mà chưa xem xét đến mục tiêu phát triển kinh tế rừng; một số bãi thải chưa giải phóng mặt bằng để xây dựng đủ đê đập ngăn đất đá theo quy hoạch.
- Khí hậu biến đổi có xu hướng cực đoan, lượng nước thải mỏ một số khu vực có nguy cơ vượt công suất thiết kế của trạm xử lý; nước mưa chảy tràn khai trường, bãi thải lớn cuốn theo đất, cát làm nhanh bồi lấp sông suối thoát nước. Vẫn còn thiếu hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt đạt quy chuẩn môi trường; nước mưa chảy tràn kho, bến cảng than chưa thu gom, lắng lọc triệt để.
- Việc thu gom, quản lý chất thải nguy hại tại các đơn vị đôi lúc chưa triệt để, còn để lẫn với các loại chất thải khác; rác thải sinh hoạt tại một số vị trí sản xuất phân tán, xa trung tâm nên chưa được thu gom, xử lý đúng quy định.
- Công tác chống bụi trong quá trình vận chuyển, chế biến, tiêu thụ than; vận chuyển, đổ thải đất đá có lúc, có nơi chưa triệt để; khu vực đổ thải bằng băng tải tại bãi thải Bàng Nâu còn phát sinh bụi do chiều cao đổ thải lớn.
- Công tác vệ sinh công nghiệp, cải thiện cảnh quan môi trường mặt bằng sản xuất ở một số đơn vị còn tình trạng bụi bẩn, lầy lội.
- Chưa tái sử dụng tối đa nước thải sau xử lý loại B cấp cho nhu cầu sản xuất của mỏ, chưa chú trọng đầu tư xử lý nước thải mỏ.
- Chưa tận dụng được thế mạnh của việc tái chế nguồn đất đá thải thành vật liệu xây dựng thông thường phục vụ xây dựng và sản xuất của mỏ.
Nguyên nhân của tồn tại, hạn chế:
- Hệ thống chính sách, pháp luật vẫn còn nhiều bất cập, thiếu đồng bộ, chồng chéo, thiếu nhiều quy định về các vấn đề môi trường mới.
- Tổ chức bộ máy công tác BVMT còn chưa phù hợp, tương xứng; hiệu quả quản lý thấp; thiếu tính chủ động, chưa tận dụng được nhiều cơ hội trong hội nhập và hợp tác quốc tế.
- Hoạt động khoa học và công nghệ trong lĩnh vực bảo vệ môi trường của ngành than chưa có nhiều đóng góp thiết thực, chưa có đột phá lớn trong công tác BVMT.
- Biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng theo hướng cực đoan tạo áp ứng lớn đối với các công trình, giải pháp bảo vệ môi trường.
- Thủ tục đầu tư, xây dựng, đất đai phức tạp, việc giải phóng mặt bằng khó khăn. Ngoài ra, trên địa bản tỉnh Quảng Ninh tập trung nhiều đơn vị sản xuất than nên việc giải quyết các vấn đề môi trường phức tạp, thời gian đầu tư xây dựng các công trình bảo vệ môi trường kéo dài.
- Nguồn vốn cho công tác bảo vệ môi trường của doanh nghiệp ngày càng bị hạn chế (không còn được trích lập Quỹ môi trường tập trung, chi phí sản xuất tăng cao do xuống sâu), trong khi khối lượng công tác bảo vệ môi trường lớn.
- Sự quan tâm đối với công tác bảo vệ môi trường ở một vài đơn vị chưa cao, chưa chủ động trong công tác bảo vệ môi trường; tính đồng bộ giữa các công trình, giải pháp bảo vệ môi trường của một số dự án chưa cao.
II. Nhận xét, đánh giá:
Một là: Về công tác quản lý nhà nước đối với ngành than:
- Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh than đã từng bước được hoàn thiện, đảm bảo hành lang pháp lý và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh than.
- Công tác quản lý hoạt động SXKD than tại các bộ, ngành, địa phương đã có những chuyển biến tích cực; hoạt động khai thác than tại các địa phương trên cả nước đến nay cơ bản đã được kiểm soát, tuân thủ quy định của pháp luật; tình hình quản lý an ninh trật tự, tài nguyên ranh giới mỏ thường xuyên được kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ, chấn chỉnh kịp thời, tạo sự chuyển biến tích cực trong nhiệm vụ bảo vệ tài nguyên khoáng sản than và công tác bảo vệ an ninh trật tự, môi trường. Mặt khác, hoạt động vận chuyển, kinh doanh, tiêu thụ than bất hợp pháp đã được hạn chế, tạo điều kiện để các đơn vị ngành than ổn định sản xuất và tiếp tục đóng góp vào sự nghiệp phát triển KT-XH của đất nước.
- Triển khai thực hiện Chiến lược 89, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo xây dựng và phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành than Việt Nam (QH60, QH403) theo từng thời kỳ và phê duyệt điều chỉnh, bổ sung kịp thời để đảm bảo cơ sở pháp lý cho các đơn vị ngành than triển khai thực hiện các dự án đầu tư khai thác than theo quy định của pháp luật về khoáng sản, bảo vệ môi trường; đáp ứng nhu cầu than cho phát triển KT-XH, đặc biệt là cho sản xuất điện, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.
- Cùng với việc Chính phủ ban hành kịp thời các văn bản chỉ đạo điều hành về giá than, ngành than đã chuyển mạnh hoạt động theo cơ chế thị trường hội nhập với thị trường khu vực và quốc tế, có sự điều tiết của Nhà nước theo đúng mục tiêu phát triển ngành than đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Chiến lược 89.
Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số tồn tại như đã chỉ ra trong phần thực trạng của từng lĩnh vực của ngành than đã nêu ở trên.
Hai là: Về kết quả sản xuất kinh doanh của ngành than:
- Sản lượng than nguyên khai và than tiêu thụ không ổn định và có nhiều biến động (giai đoạn từ năm 2011 - 2017 có xu hướng giảm, tăng trở lại vào các năm 2018, 2019 và sau đó lại sụt giảm) đã dẫn đến lượng than tồn kho tăng nhanh và biến động mạnh (từ 6,4 triệu tấn vào năm 2011 lên khoảng 12 triệu tấn vào các năm 2016, 2017, giảm xuống còn 5,6 triệu tấn vào năm 2018 và tăng lên đến 16,3 triệu tấn vào năm 2020), ảnh hưởng đến hiệu quả SXKD của các doanh nghiệp ngành than.
- Lợi nhuận SXKD than (trước thuế) của ngành than giảm mạnh và biến động mạnh trong 10 năm qua (giảm từ gần 10 nghìn tỷ đồng năm 2011 xuống còn gần 1,2 nghìn tỷ đồng vào năm 2016, sau đó tăng lên đến trên 5,9 nghìn tỷ đồng vào năm 2021).
Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng nêu trên là do hoạt động sản xuất, kinh doanh than của ngành than diễn ra trong bối cảnh:
1/ Cuộc khủng hoảng tài chính, suy giảm kinh tế diễn ra trên thế giới và sự biến đổi cực đoan của thời tiết trong giai đoạn từ năm 2012 - 2017, đặc biệt trận lụt lịch sử xảy ra vào năm 2015 ở nước ta, trong đó có vùng than Quảng Ninh.
2/ Vào các năm 2018 và 2019 tình hình sản xuất kinh doanh của ngành than tương đối thuận lợi (các ngành kinh tế tăng trưởng ở mức cao, tạo nhu cầu sử dụng năng lượng tăng; giá than trên thế giới biến động tăng đã đẩy nhu cầu sử dụng than trong nước lên cao).
3/ Đại dịch Covid-19 xảy ra vào đầu năm 2020 đã có tác động rất lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội toàn cầu, tác động trực tiếp đến ngành than Việt Nam: Thị trường tiêu thụ than bị thu hẹp, giá than bị giảm mạnh, nhiều dự án đầu tư không thể triển khai hoặc bị tạm dừng...
4/ Điều kiện khai thác than ngày càng khó khăn, phức tạp hơn do các mỏ ngày càng khai thác xuống sâu và đi xa hơn, dẫn đến giá thành sản xuất than ngày càng tăng cao, cao hơn tốc độ gia tăng bình quân của giá bán than.
Mặc dù gặp phải những khó khăn như đã nêu ở trên, trong thời gian 10 năm thực hiện Chiến lược 89 ngành than vẫn đạt được những kết quả đáng ghi nhận như:
1/ Đảm bảo ổn định việc làm và thu nhập cho khoảng 81,4 ngàn người với thu nhập bình quân khối sản xuất than tăng từ 8,58 triệu đồng/người/tháng vào năm 2011 lên khoảng 16,5 triệu đồng/người/tháng vào năm 2021.
2/ Năng suất lao động toàn ngành bình quân tăng từ 486 tấn/người/năm vào năm 2011 lên 680 tấn/người/năm vào năm 2021.
3/ Hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh than tuy giảm nhưng vẫn có lãi, lợi nhuận trước thuế toàn ngành bình quân đạt khoảng 4,1 ngàn tỷ đồng/năm.
4/ Bảo toàn và phát triển vốn chủ sở hữu: Vốn chủ sở hữu của TKV tăng từ 30,4 ngàn tỷ đồng vào năm 2011 lên khoảng 44,0 ngàn tỷ đồng vào năm 2021; TCTĐB tăng từ gần 1,3 ngàn tỷ đồng vào năm 2013 lên 1,7 ngàn tỷ đồng vào năm 2021.
5/ Đóng góp vào ngân sách nhà nước vẫn ở mức cao, bình quân khoảng 17,2 nghìn tỷ đồng/năm; trong đó, TKV nộp bình quân gần 16 nghìn tỷ đồng/năm, TCTĐB nộp bình quân gần 2 nghìn tỷ đồng/năm./.
Tài liệu tham khảo:
[1] Chiến lược phát triển ngành công nghiệp than Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 (dự thảo tháng 6/2022 của Bộ Công Thương].
[2] Quy hoạch phát triển ngành than Việt Nam đến năm 2020, có xét triển vọng đến năm 2030 được phê duyệt theo Quyết định số 60/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 09/01/2012.