CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt (PDR) dự kiến thu về số tiền hơn 3.300 tỷ đồng thông qua việc chuyển nhượng dự án phức hợp thương mại và căn hộ tại tỉnh Bình Dương. Trước đó, doanh nghiệp này cũng đã thông qua chủ trương mua dự án Khu phức hợp Hòa Bình - Thanh Yến ở TP.HCM.
Liên tục mua - bán dự án
HĐQT CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt (
PDR) của Chủ tịch Nguyễn Văn Đạt đã thông qua việc chuyển nhượng toàn bộ 192,3 triệu cổ phần, tương đương 99,86% vốn của CTCP Địa ốc Sài Gòn – KL (Sài Gòn – KL).
Ông Nguyễn Văn Đạt - Chủ tịch HĐQT được giao tìm kiếm đối tác, đàm phán và quyết định giá trị chuyển nhượng toàn bộ số cổ phần đang sở hữu tại Sài Gòn – KL, bảo đảm không làm thay đổi kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm 2022 của
PDR.
Trong thông báo phát đi,
PDR cho biết: “Khi được chuyển nhượng, Astral City sẽ đem về 3.340 tỷ đồng tiền mặt, giúp
PDR góp phần đạt mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2022 là 3.635 tỷ đồng”.
Phối cảnh dự án Astral City ở Bình Dương.
Theo tìm hiểu, Sài Gòn – KL là chủ đầu tư dự án căn hộ, trung tâm thương mại cao tầng tại khu phố Bình Đức, phường Bình Hòa, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương (tên thương mại là Astral City), quy mô 3,73ha, tổng mức đầu tư dự kiến 8.282 tỷ đồng.
Trước đó, vào tháng 10/2019,
PDR đã mua 99% cổ phần Sài Gòn – KL để nắm quyền phát triển dự án. Tính đến cuối tháng 3/2022, giá gốc của khoản đầu tư vào Sài Gòn – KL của
PDR là 648,3 tỷ đồng. Đáng chú ý, trước khi HĐQT
PDR phê duyệt phương án chuyển nhượng cổ phần, Địa ốc Sài Gòn - KL bất ngờ được tăng vốn điều lệ gấp 7 lần, từ 268 tỷ đồng lên mức 1.926 tỷ đồng.
Trước khi thông qua chủ trương chuyển nhượng dự án Astral City, HĐQT Phát Đạt đã thông qua chủ trương nhận chuyển nhượng cổ phần của các cổ đông tại CTCP Địa ốc Hòa Bình.
Qua đó, Phát Đạt sẽ sở hữu 89% cổ phần tại doanh nghiệp này và toàn quyền quyết định việc đầu tư, phát triển và kinh doanh dự án Khu nhà ở cao tầng kết hợp trung tâm thương mại và văn phòng (tại số 197 Điện Biên Phủ, phường 15, quận Bình Thạnh, TP.HCM; dự án còn có tên gọi là Khu phức hợp Hòa Bình - Thanh Yến), diện tích đất khoảng 4.233 m2, quy mô 28 tầng nổi và 2 tầng hầm.
Theo HĐQT, việc nhận chuyển nhượng lại dự án nói trên nằm trong định hướng đầu tư mở rộng quỹ đất và phát triển dự án của Phát Đạt trong năm 2022.
Phát Đạt liên tục mua - bán dự án.
Hồi đầu năm 2022, Phát Đạt đã chuyển nhượng hạng mục khối khách sạn HH-4-2 tại dự án tại Phân khu số 4 thuộc Khu đô thị du lịch sinh thái Nhơn Hội, Khu kinh tế Nhơn Hội, tỉnh Bình Định.
Phần dự án được chuyển nhượng bao gồm một khối khách sạn với diện tích đất 3.503,52 m2, gồm 39 tầng nổi, một tầng hầm, diện tích sàn xây dựng là hơn 5,9 ha, tổng mức đầu tư khoảng 476 tỷ đồng. Giá trị chuyển nhượng không được công ty công bố.
Bên nhận chuyển nhượng là CTCP Khu du lịch và khách sạn Bình Minh. Đây là doanh nghiệp có liên quan đến Phát Đạt, được thành lập từ tháng 12/2020 với vốn điều lệ 100 tỷ đồng, có trụ sở tại Quy Nhơn, Bình Định.
Phát Đạt làm ăn ra sao?
Trong năm 2022, Phát Đạt đặt mục tiêu doanh thu đạt 10.700 tỷ đồng, gấp 3 lần so với kết quả đạt được trong nă3m 2021 và lãi sau thuế 2.908 tỷ đồng, tăng trưởng gần 56%.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2022, Phát Đạt có doanh thu thuần đạt 625,4 tỷ đồng, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm 2021. Phần lớn nguồn thu này đến từ việc bàn giao cho khách hàng một phần các nền đất của khu thấp tầng dự án phân khu số 9 và chuyển nhượng một phần khu chung cư cao tầng dự án phân khu số 4. Cả hai dự án này đều thuộc Khu đô thị du lịch sinh thái Nhơn Hội (Bình Định).
Nhờ chi phí vốn bỏ ra giảm đến hơn một nửa dẫn đến lợi nhuận gộp từ bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt hơn 526 tỷ đồng, tăng 36,7% so với cùng kỳ. Ngoài ra, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp cũng lần lượt tăng 27% và 39,4% so với cùng kỳ 2021.
Kết quả, Phát Đạt báo lãi sau thuế 279,4 tỷ đồng, tăng 11,3% so với lợi nhuận đạt được trong quý I/2021.
Trong quý, Phát Đạt chỉ ghi nhận vỏn vẹn 537 triệu đồng khoản thu từ tài chính, song chi phí tài chính lại ghi nhận đến hơn 106 tỷ đồng, tăng cao gấp 5 lần so với cùng kỳ năm trước, trong đó chủ yếu là chi phí lãi vay.
Tính đến ngày 31/3, Phát Đạt ghi nhận tổng nợ phải trả hơn 13.147 tỷ đồng, trong đó dư vay nợ thuê tài chính ngắn hạn gần 1.223 tỷ đồng (tăng gần 416 tỷ đồng so với đầu kỳ) và dư vay nợ thuê tài chính dài hạn hơn 3.593 tỷ đồng (tăng 973 tỷ đồng so với đầu kỳ).
Hàng tồn kho của của Phát Đạt ghi nhận hơn 12.224 tỷ đồng. Tuy nhiên, hai dự án là EverRich 2 và EverRich3 đã được Phát Đạt chuyển nhượng cho đối tác.
Hàng tồn kho của Phát Đạt cũng không có biến động nhiều so với cùng kỳ năm ngoái, hiện đang ở mức 12.225 tỷ đồng, chủ yếu là các tài sản bất động sản đã được bồi thường, tiền sử dụng đất đã nộp cho nhà nước, chi phí san lấp, chi phí xây dựng và các chi phí đầu tư cho các dự án bất động sản.
Đáng chú ý, trong danh mục các dự án tồn kho của Phát Đạt vẫn còn ghi nhận hai dự án Everich 2 và Everich 3, lần lượt 3.603 tỷ đồng và 876,2 tỷ đồng, chiếm hơn 1/3 tổng hàng tồn kho của Phát Đạt, mặc dù hai dự án này đã được Phát Đạt chuyển nhượng cho đối tác.
Về vấn đề này, chia sẻ với cổ đông tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2022 diễn ra vào ngày 26/3 vừa rồi, ông Nguyễn Văn Đạt, Chủ tịch HĐQT Phát Đạt cho biết Công ty không còn trách nhiệm và quyền lợi.
“Tất cả những vấn đề còn lại do đối tác phụ trách, chẳng hạn với Everich 2 thì đối tác sẽ cần hoàn tất nộp tiền sử dụng đất, đủ điều kiện thì Phát Đạt làm thủ tục sang nhượng, rồi xuất hoá đơn, còn tiền thì thu đủ rồi, nên việc trong hàng tồn kho, khoản phải thu, phải trả… chỉ là theo chuẩn mực kế toán, Công ty đã đưa ra khỏi danh sách từ lâu rồi”, ông Đạt cho biết.