Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen (Hoa Sen, mã chứng khoán HSG - HOSE) xây dựng kịch bản tươi sáng cho Hoa Sen, nhưng khi giá cổ phiếu giảm sâu, một công ty của vị chủ tịch này đã bán ra toàn bộ cổ phiếu HSG.
Cổ đông lớn, cổ đông nội bộ liên tục thoái vốn
Công ty TNHH Tập đoàn Đầu tư Hoa Sen (Đầu tư Hoa Sen) - công ty của ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hoa Sen vừa thoái toàn bộ 17,75 triệu cổ phiếu
HSG bằng hình thức giao dịch thoả thuận.
Được biết, trong phiên 24/6 có 5 lệnh giao dịch thoả thuận cổ phiếu
HSG có khối lượng bằng khối lượng mà Đầu tư Hoa Sen bán ra với mức giá 14.100 đồng/cổ phiếu. Như vậy, công ty của ông Vũ đã thu về số tiền hơn 250 tỷ đồng.
Trước đó, nhóm cổ đông liên quan đến ông Vũ liên tục bán ra cổ phiếu
HSG. Chẳng hạn, từ 25/11/2020 đến 2/1/2021, Đầu tư Hoa Sen bán hơn 57 triệu cổ phiếu
HSG, giảm tỷ lệ sở hữu từ 16,45% xuống 3,63%; từ 11/8/2021 đến 9/9/2021, ông Trần Ngọc Chu, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Hoa Sen bán 400.000 cổ phiếu
HSG; từ 7/10/2021 đến 5/11/2021, ông Hồ Thanh Hiếu, Phó tổng giám đốc Hoa Sen bán 400.000 cổ phiếu
HSG...
Đồ thị giá cổ phiếu
HSG cho thấy, cổ phiếu này tăng từ hơn 4.000 đồng/cổ phiếu thời điểm cuối tháng 3/2020 lên gần 50.000 đồng/cổ phiếu vào ngày 15/10/2021, sau đó dao động trong vùng 30.000 - 40.000 đồng/cổ phiếu cho đến giữa tháng 4/2022 trước khi giảm giá thêm từ đó đến nay (ngày 30/6/2022 là 16.100 đồng/cổ phiếu).
Kỳ vọng Hoa Sen Home còn trong trứng nước
Đáng lưu ý, tại Đại hội đồng cổ đông niên độ tài chính 2021 - 2022 tổ chức ngày 21/3/2022, ông Vũ đưa ra bức tranh sáng cho Hoa Sen trong tương lai. Trong đó, ông Vũ nhấn mạnh: “Trong 5 - 10 năm tới, Công ty sẽ hình thành hệ thống Hoa Sen Home (phân phối vật liệu xây dựng và nội thất), đây là hệ thống bước ngoặt cho Tập đoàn, Hoa Sen không tập trung vào sản xuất, mà tập trung nguồn lực vào cái nào tạo ra giá trị lớn nhất, tiềm năng nhất. Khi phát triển hệ thống phân phối, doanh số từ hệ thống phân phối có thể đóng góp từ 40.000 - 50.000 tỷ đồng vào Tập đoàn”.
Đặc biệt, theo ông Vũ, khi chuỗi Hoa Sen Home thành công, định giá cổ phiếu
HSG sẽ theo chuỗi bán lẻ với định giá P/E là 25 lần, không còn mức 4 - 5 lần như hiện tại Công ty đang hoạt động trong lĩnh vực thép. Nếu điều hành tốt, giá cổ phiếu
HSG có thể gấp nhiều lần so với hiện nay (giá cổ phiếu
HSG ngày 21/3/2022 là hơn 38.000 đồng/cổ phiếu).
Theo dữ liệu của SSI Research, tính tới ngày 29/6/2022, cổ phiếu
HSG được giao dịch vùng định giá P/E là 2,41 lần và P/B là 0,74%, thấp hơn mức trung bình mà ông Vũ dự phóng cho ngành thép với P/E là 4 - 5 lần và thấp hơn nhiều so với mức kỳ vọng nếu chuỗi Hoa Sen Home thành công là 25 lần.
Vậy nhưng, khi giá cổ phiếu
HSG giảm sâu, định giá thấp hơn mức kỳ vọng, ông Vũ và công ty của ông không những không mua vào để đỡ giá, bình ổn tâm lý nhà đầu tư, mà còn bán ra, khiến không ít nhà đầu tư hoang mang.
Kết quả kinh doanh đổi chiều theo giá thép
Từ tháng 11/2021 tới nay, giá thép thế giới và trong nước có diễn biến đồng pha. Trong đó, giá thép thế giới giảm khoảng 24%, từ 5.922 nhân dân tệ/tấn xuống 4.522 nhân dân tệ/tấn.
Theo nguồn tin từ Bloomberg, mặc dù giá thép thế giới giảm, nhưng các công ty sản xuất thép không thể đóng cửa các lò cao, bởi nếu ngừng hoạt động sẽ phải mất khoảng 6 tháng mới có thể khởi động lại hoạt động. Điều này dẫn tới kịch bản thị trường dư thừa nguồn cung nhưng thép vẫn tiếp tục được sản xuất, công ty sản xuất thép chỉ hạn chế bớt một phần sản lượng.
Việc giá thép điều chỉnh giảm đã phản ánh vào kết quả kinh doanh của Hoa Sen. Trong quý đầu năm 2022, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu 12.661,1 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 234,1 tỷ đồng.
So với cùng kỳ năm ngoái, doanh thu tăng 16,7%, nhưng giá vốn tăng cao dẫn tới biên lợi nhuận gộp giảm mạnh từ 17,4% xuống 11,3% và chi phí tài chính, chi phí bán hàng, chi phí quản lý đều tăng, dẫn tới lợi nhuận giảm 77,4%.
Lũy kế 6 tháng đầu niên độ tài chính 2021 - 2022, Hoa Sen ghi nhận doanh thu 29.594,7 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 872,4 tỷ đồng, lần lượt tăng 48,4% và giảm 47,8% so với cùng kỳ niên độ trước.