Bên cạnh thu nhập chính từ các hoạt động kinh doanh, nguồn thu dịch vụ là yếu tố quan trọng đóng góp tích cực vào mức tăng lợi nhuận của các ngân hàng trong nửa đầu năm nay.
Khảo sát của VnBusiness tại báo cáo tài chính quý II của các ngân hàng, tính đến hết tháng 6, Top 10 nhà băng lãi nhiều nhất từ dịch vụ là: Techcombank, Vietcombank, Sacombank, VietinBank, VPBank, BIDV, Agribank, MB,
ACB và
VIB.
Thu từ dịch vụ tăng mạnh
Sự bứt phá mạnh mẽ nhất đến từ các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân, đặc biệt là Techcombank và Sacombank đã vượt qua các "ông lớn" VietinBank và BIDV về lãi từ dịch vụ.
Cụ thể, Techcombank “soán ngôi” của Vietcombank trở thành "quán quân" về thu từ mảng dịch vụ trong 6 tháng đầu năm với 3.780 tỷ đồng lãi thuần từ hoạt động dịch vụ, tăng đến 39% so với cùng kỳ.
Nguồn thu dịch vụ là yếu tố quan trọng đóng góp tích cực vào mức tăng lợi nhuận của các ngân hàng trong nửa đầu năm nay.
Trong khi đó, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ của Vietcombank giảm 12% so với cùng kỳ, đạt 3.405 tỷ đồng. Sacombank giữ vị trí thứ 3 với 3.276 tỷ đồng lãi từ hoạt động dịch vụ, tăng mạnh 85% so với cùng kỳ.
Tại VietinBank, nhờ nguồn thu từ phí tài trợ thương mại và phí hoa hồng bảo hiểm tăng trưởng tốt so với cùng kỳ, nên dù lãi thuần từ hoạt động thanh toán sụt giảm nhưng lãi thuần từ hoạt động dịch vụ 6 tháng đầu năm vẫn tăng 7,5% so với cùng kỳ, đạt 2.838 tỷ đồng. Kết quả này giúp VietinBank giữ vị trí thứ 4 trong bảng xếp hạng.
Cũng giống như “ông lớn” Vietcombank, BIDV và Agribank ghi nhận sự sụt giảm lãi thuần từ hoạt động dịch vụ so với cùng kỳ năm 2021. Cụ thể, BIDV ghi nhận 2.778 tỷ đồng lãi từ hoạt động dịch vụ trong 6 tháng đầu năm, giảm 389 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2021 (3.176 tỷ đồng); Agribank cũng giảm 199 tỷ đồng, từ mức 2.527 tỷ đồng xuống còn 2.328 tỷ đồng.
Công ty Chứng khoán VCBS nhận định, thu nhập ngoài lãi có xu hướng gia tăng tỷ trọng trong nửa đầu năm 2022, chiếm trung bình 27% trong cơ cấu thu nhập của các ngân hàng. Đóng góp chủ yếu cho nguồn thu này là nhờ thu nhập từ phí tăng trưởng mạnh ở nhóm ngân hàng tư nhân (37% so với cùng kỳ) và thu hẹp ở nhóm ngân hàng nhà nước (-16,5%) do nhóm này chấp nhận hi sinh thu nhập từ phí chuyển khoản để cải thiện tiền gửi không kỳ hạn.
Hồi đầu năm nay, các “ông lớn” là Vietcombank, BIDV, Agribank, VietinBank đều đã thông báo miễn phí toàn bộ giao dịch chuyển tiền trên kênh số nên đã ảnh hưởng không nhỏ tới nguồn thu phí thanh toán - một trong những nguồn thu quan trọng trong các hoạt động dịch vụ. Vì thế, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ trong 6 tháng đầu năm của các ngân hàng này sụt giảm.
Một số ngân hàng khác có hoạt động dịch vụ trong 6 tháng đầu năm cũng khởi sắc, mang về hàng nghìn tỷ đồng, như MB tăng nhẹ 32 tỷ đồng lên mức 2.128 tỷ đồng,
ACB ghi nhận mức lãi thuần là 1.732 tỷ đồng,
VIB là 1.553 tỷ đồng…
Theo giới phân tích, những năm gần đây, hạn mức tăng trưởng (room) tín dụng hạn hẹp, xu hướng lãi suất huy động tăng nhanh hơn so với lãi suất cho vay đang gây sức ép lên tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM). Vì thế, các ngân hàng phải tăng nguồn thu từ hoạt động dịch vụ để đảm bảo lợi nhuận tăng trưởng như kỳ vọng.
Luôn là nguồn thu tiềm năng
Xu hướng dịch chuyển nguồn thu từ hoạt động tín dụng sang các hoạt động phi tín dụng ngày một rõ ràng hơn trong các ngân hàng. Các chuyên gia cho rằng, mặc dù hầu hết ngân hàng đều đang miễn phí giao dịch trực tuyến, nhưng đây sẽ là nguồn thu tiềm năng lớn khi xu hướng thanh toán trực tuyến đang phát triển rất mạnh mẽ tại Việt Nam.
Đồng quan điểm, đại diện VietinBank cho biết, chính sách miễn giảm phí dịch vụ tác động đến kết quả thu phí từ hoạt động thanh toán trong ngắn hạn nhưng là giải pháp quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng tỷ lệ CASA (tiền gửi không kỳ hạn), mở rộng cơ sở khách hàng và mang lại những hiệu quả lâu dài cho ngân hàng trong thời gian tới.
Tại Vietcombank, theo Công ty Chứng khoán SSI, tuy giảm thu từ phí thanh toán, nhưng tỷ lệ khách hàng sử dụng ngân hàng số của nhà băng này đã tăng đáng kể, lên khoảng 8 triệu khách hàng tính đến cuối tháng 6/2022, so với mức 6,6 triệu khách hàng vào đầu năm 2022.
Hơn nữa, giới phân tích nhận định, năm 2022, mảng dịch vụ và đầu tư được kỳ vọng sẽ tiếp tục mang lại lợi nhuận cho các ngân hàng, nhất là khi các ngân hàng đẩy mạnh ký kết các hợp đồng bán chéo bảo hiểm.
Điển hình, thu nhập phí của
ACB được kỳ vọng đạt 3.400 tỷ đồng vào năm 2022, tăng 27% so với năm trước. Doanh thu từ bancassurance và khoản phí trả trước (được phân bổ trong vòng 15 năm và bắt đầu từ năm 2021) sẽ là động lực chính giúp thúc đẩy thu nhập phí của
ACB trong năm 2022 và các năm sau.
Trước đó, lãnh đạo của
ACB cũng cho biết, khoản phí trả trước cho hợp đồng này là 370 triệu USD (khoảng 8,5 nghìn tỷ đồng) cho tệp 3,6 triệu khách hàng của ngân hàng, sẽ được chi trả toàn bộ bằng tiền mặt, cùng với các khoản thanh toán khác trong suốt quá trình hợp tác.
Còn theo tính toán của SSI, mức phí trả trước mà VietinBank nhận được từ thỏa thuận bancassurance độc quyền với Manulife vào khoảng 350 triệu USD. Theo đó, trong 5 năm tới, thu nhập từ kênh bán chéo bảo hiểm của VietinBank sẽ tăng 30 - 50% so với giai đoạn trước.
Theo Huyền Anh