Với tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh, Đồng Nai phải đối mặt với rất nhiều thách thức trong việc thực hiện mục tiêu phát triển bền vững.
Hạ tầng giao thông tại TP.Biên Hòa đang phải đối mặt với áp lực lớn từ tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh. Ảnh: P.Tùng
Xu thế tất yếu
Đồng Nai nằm ở vị trí trung tâm của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, là địa phương có nền công nghiệp phát triển. Chính vì vậy, tốc độ đô thị hóa trên địa bàn Đồng Nai diễn ra rất nhanh. Hiện nay, với hàng loạt dự án hạ tầng lớn đã và đang được triển khai xây dựng, tốc độ đô thị hóa trên địa bàn tỉnh được dự báo sẽ còn diễn ra nhanh hơn.
Theo UBND tỉnh, Đồng Nai có tốc độ đô thị hóa cao. Tỷ lệ đô thị hóa của tỉnh năm 2010 đạt hơn 33% cao hơn mức bình quân chung của cả nước thời điểm bấy giờ là khoảng 30%. Từ năm 2011 đến nay, tỷ lệ đô thị hóa trên địa bàn tỉnh tiếp tục tăng.
“Nếu chối bỏ, không đặt ra vấn đề quản lý đô thị ngay từ bây giờ thì khi dân số phát triển đông thì sẽ không thể phát triển đô thị một cách bền vững được” - kiến trúc sư Lý Thành Phương nêu quan điểm.
Đến nay, Đồng Nai đã có 11 đô thị, trong đó TP.Biên Hòa là đô thị loại I trực thuộc tỉnh. Tốc độ đô thị hóa nhanh trên địa bàn Đồng Nai được minh chứng rõ nét nhất tại các phường ngoại ô của TP.Biên Hòa vốn mới được nâng cấp từ xã thành phường vào năm 2019.
Trên thực tế, do các tác động của tốc độ phát triển kinh tế công nghiệp và dịch vụ, tốc độ đô thị hóa trên địa bàn Đồng Nai ngày càng tăng nhanh với nhịp độ tăng cơ học là 1,6%. Các vùng có tốc độ đô thị hóa cao chủ yếu tập trung xung quanh TP.Biên Hòa, TT.Trảng Bom, H.Long Thành và dọc theo các tuyến quốc lộ 1 và 51. Đây là những vùng phát triển đô thị quy mô lớn, tập trung nhiều khu công nghiệp, có các điều kiện thuận lợi về hạ tầng kỹ thuật và đất xây dựng.
Đánh giá về tình hình phát triển đô thị trên địa bàn tỉnh tại Hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết số 53-NQ/TW ngày 29-8-2005 và Kết luận số 27-KL/TW ngày 2-8-2012 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam bộ và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 được tổ chức vào giữa tháng 7 vừa qua, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Duy Đông cho biết, qua nghiên cứu các tỉnh trong vùng Đông Nam bộ cho thấy, Đồng Nai là tỉnh có tốc độ đô thị hóa cao nhất.
Trong khi đó, kiến trúc sư Lý Thành Phương, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư tỉnh cho rằng, đô thị hóa là xu thế phát triển tất yếu. Đối với Đồng Nai có thể nhận thấy một vùng rộng lớn từ TP.Biên Hòa đến các huyện Long Thành, Nhơn Trạch, Trảng Bom và Vĩnh Cửu sẽ là một vùng đô thị rộng lớn.
Cần có chiến lược phát triển đô thị
Đô thị hóa là xu thế phát triển tất yếu, tuy nhiên, nếu không có chiến lược phát triển cụ thể các đô thị, cộng với tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh cũng đặt ra rất nhiều thách thức cho mục tiêu phát triển bền vững.
TP.Biên Hòa, đô thị trung tâm của tỉnh hiện đang đối mặt với rất nhiều thách thức do tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh. Sự quá tải của hệ thống hạ tầng, thiếu hụt quỹ nhà ở cũng như áp lực đối với công tác quản lý, sử dụng đất đai, quy hoạch, xây dựng là những hạn chế đã bộc lộ.
Ông Huỳnh Tấn Lộc, Phó chủ tịch UBND TP.Biên Hòa cho biết, đối với công tác quản lý đất đai, xây dựng trên địa bàn thành phố những năm qua đã có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn tồn tại các công trình vi phạm trật tự xây dựng xảy ra tập trung tại một số địa phương có tốc độ đô thị hóa cao, diện tích đất nông nghiệp còn trống nhiều như các phường: Trảng Dài, Long Bình, Tân Phong, Hóa An, Phước Tân, An Hòa và Tam Phước.
Tốc độ đô thị hóa nhanh trong khi hệ thống hạ tầng, bao gồm: hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội chưa được đầu tư xây dựng đáp ứng nhu cầu cũng khiến cho các độ thị trên địa bàn Đồng Nai phải đối mặt với các thách thức ngày càng tăng của tình trạng kẹt xe, ngập úng, ô nhiễm môi trường. Cùng với đó, quỹ nhà ở đô thị đang rất thiếu hụt trước nhu cầu rất lớn của người dân; đặc biệt là nhà ở dành cho người thu nhập thấp, công nhân lao động. Bên cạnh đó, các quy hoạch cũng có nguy cơ bị phá vỡ trước tốc độ đô thị hóa đang diễn ra nhanh.
Trước xu thế đô thị hóa đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ, việc phát triển các đô thị cần có được một chiến lược cụ thể, rõ ràng. Kiến trúc sư Lý Thành Phương cho rằng, Đồng Nai phải đặt ra được một chiến lược phát triển đô thị rõ ràng, từ đó xác định được phương hướng để quản lý nhằm hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Đơn cử như một khu vực rộng lớn gồm TP.Biên Hòa, các huyện Long Thành, Nhơn Trạch, Trảng Bom và một phần H.Vĩnh Cửu chúng ta phải công nhận đó sẽ là một vùng phát triển đô thị, còn tổ chức đô thị như thế nào thì bàn sau. Phải xác định và công nhận như vậy thì mới có được một định hướng quản lý, phát triển rõ ràng.
Trong khi đó, theo Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Duy Đông, Đồng Nai có tốc độ đô thị hóa nhanh thì bài toán về quy hoạch cũng cần được phân tích và đánh giá hợp lý. Các quy hoạch về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội như: nhà ở, nhà trẻ, giao thông… phải thật đồng bộ.
Đô thị hóa là động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội
Phát biểu tại hội nghị quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24-1-2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được tổ chức vào ngày 18-5 vừa qua, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư VÕ VĂN THƯỞNG nhấn mạnh, phải thấy rằng quá trình đô thị hóa là tất yếu khách quan, là một động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững trong thời gian tới.
Trên cơ sở đó, phải tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng; hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; thống nhất nhận thức và hành động trong hoàn thiện thể chế, quy hoạch xây dựng, quản lý và phát triển đô thị bền vững. Xem đây là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng của cả hệ thống chính trị, đồng thời sớm xây dựng chương trình, kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết với lộ trình và phân công cụ thể. Việc đổi mới tư duy lý luận và phương pháp quy hoạch đô thị là rất quan trọng. Bảo đảm quy hoạch đô thị phải có tầm nhìn dài hạn, đồng bộ và hiện đại. Lấy con người và chất lượng cuộc sống làm trung tâm, văn hóa và văn minh đô thị làm nền tảng để phát triển.