Sự vào cuộc của những ngân hàng được chọn vừa khác biệt, vừa hứa hẹn tạo đột phá mới và thực sự cho quá trình tái cơ cấu, đặc biệt ở những “nút thắt” kéo dài nhiều năm qua.
Sau Vietcombank và MB, tuần qua thị trường đón thêm thông tin HDBank dự kiến sẽ nhận chuyển giao bắt buộc một ngân hàng thương mại (NHTM). Bước đột phá mới cho tái cơ cấu hệ thống có triển vọng mở rộng.
Nguồn lực chủ động và sẵn sàng
Sau mười năm kể từ những bước đi tái cơ cấu đầu tiên theo chủ trương của Trung ương Đảng, hệ thống NHTM Việt Nam đã và đang củng cố, khẳng định nền tảng mới mạnh hơn, vững vàng hơn. Song, cũng đã sau nhiều năm, tái cơ cấu một số NHTM yếu kém vẫn là những “nút thắt” cần tiếp tục được tháo gỡ.
10 năm về trước, HDBank thực hiện thành công sáp nhập DaiABank
Sau khi nhận diện và vào cuộc xử lý, năm 2015 Ngân hàng Nhà nước đã lần lượt mua lại bắt buộc 3 NHTM yếu kém. Cũng trong năm 2015, thêm trường hợp DongA Bank bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt. Những bước đi này nhằm nhanh chóng khoanh vùng và kiểm soát rủi ro; nhưng để thực hiện tái cơ cấu triệt để, đưa những ngân hàng này trở lại bình thường cần một quá trình lâu dài và đặc biệt cần một nguồn lực bổ sung đủ mạnh.
Thế nhưng, điểm xuyên suốt các giai đoạn vừa qua cho đến nay là không dùng ngân sách nhà nước để tái cơ cấu ngân hàng. Thực tế trong cơ cấu ngân sách trung hạn các giai đoạn từ 2011 đến nay đều không bố trí cho hoạt động này; cá biệt trường hợp Agribank sau nhiều năm và qua nhiều thảo luận thì đến năm 2020 mới được chủ trương bổ sung không quá 3.500 tỷ đồng để tăng vốn.
Trong khi đó, với năng lực tài chính vững mạnh, tinh thần chủ động và sẵn sàng nhập cuộc, sự tham gia của những nhân tố mới HDBank nói trên được kỳ vọng sẽ tạo khác biệt và đòn bẩy quan trọng cho quá trình tái cơ cấu tại đây; bên cạnh nguồn lực nhân sự, năng lực và kinh nghiệm của tổ chức được chọn nhận chuyển giao bắt buộc. Khác biệt này vừa đảm bảo không sử dụng ngân sách nhà nước, vừa nhanh chóng tạo động lực thúc đẩy và thậm chí tạo đột phá cho cả một quá trình.
Cơ chế đã thuận lợi, chọn mặt gửi vàng
Nhìn lại 10 năm tái cơ cấu hệ thống, bên cạnh sự trở lại của nhiều NHTM từng yếu kém, sức mạnh chung của hệ thống nâng lên, nhiều chuẩn mực hoạt động đã tiếp cận thông lệ quốc tế cao hơn…, thì một thành công nổi bật của Ngân hàng Nhà nước là góp phần xây dựng những cơ chế hỗ trợ cho quá trình tái cơ cấu.
Nhìn lại quá trình đó, mặc dù không dùng ngân sách tái cơ cấu và xử lý nợ xấu song Quốc hội đã tạo những khung khổ pháp lý, cơ chế hỗ trợ quan trọng, có tính quyết định như Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu; đặc biệt là Luật sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng năm 2017 với những điểm mới, tạo cơ chế thuận lợi cho công cuộc tái cơ cấu.
Ví như chính sách cho vay tái cấp vốn lãi suất 0%; tạo điều kiện về phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro… Và quan trọng nhất, khác với giai đoạn trước đây, cơ chế mới đã thiết lập mô hình “ngân hàng trong ngân hàng”: ngân hàng được chuyển giao bắt buộc được hạch toán báo cáo tài chính riêng, thay vì hợp nhất với ngân hàng nhận chuyển giao mà qua đó có thể níu kéo khó khăn chung. Đây là điểm quan trọng trong luật sửa đổi, vừa tạo “vùng an toàn” vừa thêm động lực để bên nhận chuyển giao chủ động hơn, hiệu quả hơn khi tham gia tái cơ cấu.
Nhưng không hẳn cứ có nguồn lực, có cơ chế hỗ trợ là có thể thành công. Quá trình tái cơ cấu ở đây còn phải “chọn mặt gửi vàng”. Bộ Chính trị, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước sẽ rà soát chặt chẽ để lựa chọn ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc, gắn với năng lực và yêu cầu tái cơ cấu thành công. Những cái tên như Vietcombank, MB và HDBank đã lần lượt xuất hiện. Mới nhất, HDBank với những thông tin gợi mở tuần qua cho thấy một triển vọng tiếp theo; một nhân tố mới nhưng không mới.
10 năm về trước, HDBank nhanh chóng thành công sáp nhập DaiABank. Ngay sau đó ngân hàng này tiếp tục mua lại một công ty tài chính 100% vốn nước ngoài, tái cơ cấu và tạo thương vụ đáng chú ý trên thị trường với đối tác Nhật Bản. Cũng chính HDBank đánh dấu sự trở lại cho chuỗi IPO nổi bật của hệ thống ngân hàng Việt Nam sau nhiều năm trầm lắng… Kinh nghiệm M&A và tái cơ cấu của “ngân hàng được chọn” này đã khẳng định, và cụ thể hóa bằng vị thế từ một NHTM tầm trung nhanh chóng vượt lên top đầu hệ thống, cả về quy mô và hiệu quả hoạt động.
Vì mục tiêu chung, lợi ích chung
Tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV hồi tháng 5/2022, hay tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8 vừa qua, tiến độ xử lý các NHTM yếu kém được Quốc hội và Chính phủ cập nhật cụ thể. Điều này một lần nữa khẳng định tái cơ cấu hệ thống ngân hàng luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm, cũng như định hướng chính sách hỗ trợ và thúc đẩy.
Điểm khác biệt ở trên, dự kiến Vietcombank, MB và HDBank nhập cuộc sẽ tạo bước đột phá, nhất là với những “nút thắt” đã kéo dài nhiều năm. Theo đó, quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng Việt Nam dự kiến sẽ có thêm những chuyển động mạnh về chất, theo hướng xử lý nhanh hơn các điểm rủi ro tiềm ẩn, thúc đẩy hệ thống hoạt động an toàn và vững mạnh hơn khi những mắt xích yếu kém cuối cùng được củng cố để vận hành an toàn, hiệu quả trở lại.
Đó cũng là mục tiêu chung, lợi ích chung. Một hệ thống NHTM an toàn hơn, vững mạnh hơn sẽ càng phát huy vai trò huyết mạch, cộng hưởng và lan tỏa các giá trị cho nền kinh tế.
Trước mắt, như Ngân hàng Nhà nước đã định hướng, các NHTM tham gia tái cơ cấu vì mục tiêu và lợi ích chung sẽ được tạo điều kiện thuận lợi hơn về tăng trưởng tín dụng. Cùng đó là các cơ chế tạo điều kiện tốt nhất để tái cơ cấu thành công, nhất là về tốc độ bởi các “nút thắt” càng để lâu thì chi phí và nguồn lực càng đòi hỏi nhiều hơn…