• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.241,15 -0,98/-0,08%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 1:45:01 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.241,15   -0,98/-0,08%  |   HNX-INDEX   222,71   -0,99/-0,44%  |   UPCOM-INDEX   91,60   -0,46/-0,50%  |   VN30   1.300,06   +0,84/+0,06%  |   HNX30   473,19   -2,61/-0,55%
27 Tháng Mười Một 2024 1:46:27 CH - Mở cửa
Tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng các KCN tỉnh Vĩnh Phúc
Nguồn tin: Kinh tế và Dự báo | 25/08/2022 7:25:00 SA
Chỉ trong một thời gian ngắn, tốc độ thu hút đầu tư vào các KCN tỉnh Vĩnh Phúc đã có những chuyển biến tích cực với nhiều dự án lớn được cấp phép đầu tư. Điều này cũng đặt ra những khó khăn, thách thức đối với Ban Quản lý các KCN Vĩnh Phúc về vấn đề tạo quỹ đất sạch để thu hút đầu tư vào KCN. Tạp chí Tạp chí Kinh tế và Dự báo đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Xuân Phương-Trưởng ban Quản lý các KCN Vĩnh Phúc để tìm hiểu rõ hơn về thực tế trên và hướng giải quyết của Ban.
 
 
Cổng ngoài KCN Bá Thiện 2, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc
 
PV: Thưa ông, được biết thời gian qua các KCN Vĩnh Phúc đã thu hút được nhiều nhà đầu tư lớn ở trong và ngoài nước. Xin ông cho biết đôi nét tình hình thu hút đầu tư vào các KCN?
 
Trưởng ban Nguyễn Xuân Phương: Trong năm 2021 và 06 tháng đầu năm 2022, vượt qua những khó khăn của dịch bệnh, tình hình thu hút đầu tư và triển khai các dự án tại các KCN Tỉnh nhìn chung đạt kết quả cao.
 
Năm 2021 Ban Quản lý các KCN Vĩnh Phúc (Ban Quản lý) đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 46 dự án FDI và DDI và điều chỉnh tăng vốn cho 31 lượt dự án FDI và DDI với tổng vốn đầu tư đăng ký là 7.775,9 tỷ đồng và 959,51 triệu USD, bằng 576% về số vốn đầu tư so với cùng kỳ năm 2020, đạt 1111% so với kế hoạch (đối với dự án DDI), bằng 227% về vốn đầu tư so với năm 2020 và đạt 320% so với kế hoạch đề ra (đối với dự án FDI).
 
Tiếp đó, 6 tháng đầu năm 2022, Ban Quản lý đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới cho 14 dự án đầu tư và điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư tăng vốn cho 18 lượt dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký mới và tăng thêm đạt 208,56 triệu USD và 230,86 tỷ đồng.
 
Đến hết tháng 6/2022, số dự án được cấp Giấy chứng nhận đầu tư trong các KCN Tỉnh còn hiệu lực là 426 dự án, gồm 87 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký là 22.244,34 tỷ đồng và 339 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 5.605 triệu USD.
 
PV: Với tốc độ thu hút đầu tư vào các KCN nhanh như vậy, chắc chắn nhu cầu về quỹ đất sạch để phục vụ các nhà đầu tư là rất lớn. Xin ông chia sẻ tình hình thực tế hoạt động đầu tư hạ tầng tại các KCN Tỉnh?
 
Trưởng ban Nguyễn Xuân Phương: Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc có 14 KCN đã được thành lập với tổng vốn đầu tư đăng ký là 13.309,9 tỷ đồng và 212,53 triệu USD; tổng diện tích đất quy hoạch là 2.775,95 ha, trong đó: diện tích đất công nghiệp theo quy hoạch 2.027,56 ha, diện tích đất đã bồi thường, giải phóng mặt bằng và có thể cho thuê là 1.732,88 ha, tổng diện tích đất công nghiệp đã cho thuê (bao gồm đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và ký Biên bản ghi nhớ) là 1.101,68 ha.
 
Trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc hiện có 08 KCN đã đi vào hoạt động với cơ sở hạ tầng tương đối đồng bộ và hiện đại, đáp ứng được nhu cầu của các nhà đầu tư ở trong và ngoài nước.
 
Các KCN đã đi vào hoạt động bao gồm: Kim Hoa; Khai Quang; Bình Xuyên; Bình Xuyên II - giai đoạn 1; Bá Thiện; Bá Thiện II; Tam Dương II - khu A; Thăng Long Vĩnh Phúc. Trong số các KCN đang hoạt động, một số KCN đã cho thuê hết 100% đất công nghiệp như: KCN Kim Hoa, KCN Khai Quang, KCN Bình Xuyên II - giai đoạn 1.
 
Các KCN còn lại đang tiếp tục triển khai công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng để tạo quỹ đất sạch đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, bao gồm các KCN: Sơn Lôi; Sông Lô I; Sông Lô II; Tam Dương I - khu vực 2; Thái Hòa - Liễn Sơn - Liên Hòa khu vực 2 (giai đoạn 1) và Nam Bình Xuyên.
 
PV: Thực tế trong quá trình triển khai các dự án đầu tư hạ tầng và thứ cấp, các nhà đầu tư đã gặp những khó khăn gì ảnh hưởng đến tiến độ đầu tư các dự án hạ tầng và nguyên nhân do đâu, thưa ông?
 
Trưởng ban Nguyễn Xuân Phương: Nhìn chung trong 06 tháng đầu năm 2022, công tác bồi thường tại các diện tích đất còn lại trong các KCN đang hoạt động và đang xây dựng có những biến chuyển tích cực so với cùng kỳ và các kỳ Báo cáo trước. Đặc biệt tại các KCN: Bình Xuyên; Khai Quang; Bá Thiện (phân khu I); Bá Thiện II và Tam Dương II- Khu A đã tạo thêm quỹ đất sạch để thu hút đầu tư mới, tăng tỷ lệ lấp đầy tại 08 KCN đang hoạt động lên 81%.
 
Cùng với đó, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng tại các KCN mới được thành lập (Sông Lô I; Sông Lô II; Tam Dương I- Khu vực 2; Thái Hòa -Liễn Sơn-Liên Hòa) cũng đạt được kết quả rất khả quan, tạo điều kiện để các KCN này sớm hoàn thành công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và khởi công xây dựng hạ tầng KCN.
 
Tuy nhiên bên cạnh những kết quả khả quan trong công tác quy hoạch và đầu tư xây dựng hạ tầng các KCN, thực tế hiện nay vẫn còn tồn tại một số hạn chế trong công tác này do nên đã ảnh hưởng đến công tác quy hoạch và đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật các KCN, cụ thể:
 
Về công tác quy hoạch, phát triển các KCN:
 
Một số KCN đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch phát triển KCN với diện tích lớn, đến nay vẫn đang triển khai và chưa khai thác hết diện tích đất quy hoạch phát triển KCN, như: quy hoạch KCN Tam Dương I - KV3, Tam Dương II - khu B liên quan đến đất quân sự, khu dân cư, Ban quản lý đã đưa nhiều nhà đầu tư lớn đến thực địa KCN nhưng không triển khai được, do chi phí di chuyển và BT GPMB rất lớn. Nguyên nhân: Việc quy hoạch, đề xuất Thủ tướng đồng ý quy hoạch các KCN trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc được diễn ra từ lâu, thời điểm đó, vị trí, ranh giới các KCN chưa được cụ thể hóa; trong quá trình khảo sát thực địa, hiện trạng các khu vực dự kiến quy hoạch KCN vướng mắc về đất tôn giáo, tín ngưỡng, đất hành lang đường điện, đất quân sự, nghĩa trang, dân cư, không còn quỹ đất,... nên chưa triển khai hết được diện tích quy hoạch KCN.
 
Hiện nay tỉnh Vĩnh Phúc đang lập Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Ban Quản lý các KCN dự kiến đưa vào quy hoạch KCN khoảng 27 KCN trên địa bàn Tỉnh. Tuy nhiên một số vị trí quy hoạch KCN đang trùng với vị trí dự kiến quy hoạch cụm công nghiệp do Sở Công Thương lập và các quy hoạch khác chưa sử dụng. Nguyên nhân do công tác quy hoạch sử dụng đất cấp huyện, cấp Tỉnh và kế hoạch sử dụng đất cấp Tỉnh đang được lập, thẩm định và phê duyệt và đang thống nhất với quy hoạch Tỉnh.
 
Về công tác đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật các KCN:
 
Một số KCN đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật còn chưa đồng bộ, chưa đảm bảo công tác môi trường trong KCN (chưa đầu tư xây dựng hệ thống trạm xử lý nước thải, chưa thực hiện các thủ tục thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, hệ thống hạ tầng kỹ thuật chưa đồng bộ). Nguyên nhân do chủ đầu tư hạ tầng KCN chưa tích cực, nghiêm túc thực hiện, mặc dù Ban Quản lý các KCN đã nhiều lần đôn đốc, nhắc nhở.
 
Tiến độ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật các KCN Bá Thiện II, Tam Dương II - khu A đã hết hạn theo giấy chứng nhận đầu tư được cấp, do đó chủ đầu tư gặp vướng mắc khi thực hiện thủ tục giao đất thực hiện dự án. Nguyên nhân do các chủ đầu tư hạ tầng KCN chưa chủ động lập hồ sơ điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án đầu tư, báo cáo Ban Quản lý để thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư 61/2020/QH14 và Nghị định 31/2021/NĐ-CP, chỉ đến khi gặp vướng mắc trong quá trình thực hiện thủ tục giao đất mới báo cáo.
 
Việc đầu tư hạ tầng các khu tái định cư, khu nghĩa trang... chưa kịp thời, khiến cho công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng kéo dài, ảnh hưởng đến tiến độ đầu tư hạ tầng các KCN. Nguyên nhân do một số hộ dân yêu cầu được bồi thường với đơn giá thỏa thuận, chưa thực sự hợp tác trong việc bồi thường, giải phóng mặt bằng; do khác biệt về giá đền bù (cùng một khu vực khó khăn nhưng phân chia các vùng khác nhau nên giá đất và các khoản hỗ trợ khác nhau); bên cạnh đó, một số chủ đầu tư hạ tầng KCN chưa tích cực phối hợp với đơn vị tổ chức bồi thường…
 
Về công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch thu hút đầu tư:
 
Quỹ đất sạch hiện sẵn sàng cho thu hút đầu tư trong các KCN còn ít, đến nay, diện tích đất cần bồi thường, giải phóng mặt bằng tại một số KCN đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư/Quyết định thành lập KCN và đi vào hoạt động còn nhiều (KCN Bá Thiện II, KCN Bình Xuyên, KCN Tam Dương II – Khu A). Nguyên nhân do ảnh hưởng của dịch Covid-19, dẫn đến kế hoạch, chiến lược đầu tư, năng lực triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng KCN của một số chủ đầu tư bị giảm sút; Một số hộ dân không kê khai bồi thường, không nhận tiền bồi thường, không phối hợp với tổ công tác BT GPMB, không chấp nhận mức giá nhà nước công bố, đề nghị được thỏa thuận hoặc tăng giá,... mặc dù chính quyền địa phương đã nhiều lần tuyên truyền, giải thích, vận động nhưng vẫn chưa giải quyết được.
 
 
Dự án đang xây dựng trong KCN Bá Thiện 1, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc
 
PV: Trước thực tế những khó khăn trên trong công tác quy hoạch và đầu tư xây dựng hạ tầng KCN, Ban Quản lý sẽ triển khai những giải pháp gì về quản lý quy hoạch và phát triển các KCN trong thời gian tới, thưa ông?
 
Trưởng ban Nguyễn Xuân Phương: 06 tháng cuối năm 2022, Ban Quản lý tiếp tục phấn đấu hoàn thành toàn diện các nhiệm vụ chuyên môn trên các mặt công tác, đặc biệt quan tâm đẩy nhanh tiến độ hoàn thành công tác quy hoạch và phát triển các KCN; đôn đốc các nhà đầu tư hạ tầng đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng để nhanh chóng triển khai xây dựng hạ tầng KCN. Chúng tôi sẽ triển khai một số nhiệm vụ cụ thể như sau:
 
Thứ nhất, báo cáo và tham mưu với UBND Tỉnh về kế hoạch, tiến độ triển khai lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án theo Quyết định số 124/QĐ-TTg ngày 24/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ về chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Phúc Yên.
 
Thứ hai, hoàn thiện hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư 01 KCN theo quy định của pháp luật, gửi Bộ Kế hoạch thẩm định, trình thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương (nhiệm vụ được giao theo Quyết định số 529-QĐ/TU ngày 11/01/2022 của Ban thường vụ Tỉnh ủy)
 
Thứ ba, phối hợp với các nhà đầu tư và các cơ quan liên quan để đẩy nhanh tiến độ đối với các KCN đã đi vào hoạt động và đang bồi thường, giải phóng mặt bằng phần diện tích còn lại của KCN bao gồm: KCN Bình Xuyên, KCN Bá Thiện II, KCN Tam Dương II-khu A tạo quy đất sạch để đầu tư hạ tầng, thu hút dự án đầu tư mới.
 
Thứ tư, đôn đốc các nhà đầu tư và các cơ quan liên quan để đẩy nhanh tiến độ và đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đối với các KCN đã đi vào hoạt động và các KCN mới có quyết định thành lập: Khai Quang, Bình Xuyên, Bá Thiện II, KCN Sơn Lôi, KCN Sông Lô I, KCN Sông Lô II, KCN Tam Dương I - khu vực 2; KCN Thái Hòa-Liễn Sơn-Liên Hòa khu vực 2 (giai đoạn 1), Nam Bình Xuyên.
 
Thứ năm, phối hợp với các nhà đầu tư và các cơ quan liên quan giải quyết các vấn đề có liên quan đối với các KCN: Lập Thạch I và Lập Thạch II, Chấn Hưng, Đồng Sóc, Bình Xuyên II-giai đoạn 2 trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
 
Thứ sáu, đôn đốc chủ đầu tư hạ tầng KCN Bá Thiện-Phân khu I sớm đưa trạm xử lý nước thải vào vận hành chính thức nhằm đảm bảo quy định pháp luật về môi trường, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các doanh nghiệp thứ cấp trong KCN Bá Thiện.
 
Thứ bảy, rà soát những khó khăn vướng mắc, nguyên nhân trong việc đầu tư xây dựng, hoàn thiện hạ tầng các KCN trên địa bàn Tỉnh để kịp thời tháo gỡ, thúc đẩy tiến độ thực hiện các dự án. Giám sát chặt chẽ các chủ đầu tư hạ tầng về năng lực và cam kết triển khai dự án; từ đó có biện pháp xử lý, kiên quyết thu hồi hoặc tìm kiếm nhà đầu tư mới đủ năng lực tiếp tục thực hiện dự án hoặc điều chỉnh quy hoạch giảm diện tích KCN.
 
Thứ tám, rà soát toàn bộ hệ thống hạ tầng trong các KCN. Yêu cầu, đôn đốc, giám sát chủ đầu tư hạ tầng KCN thực hiện duy tu, bảo dưỡng, nâng cấp và bổ sung, hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng trong KCN theo đúng quy hoạch được duyệt.
 
Thứ chín, tiếp tục phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư Tỉnh xây dựng hoàn thiện Đề án Tập trung đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng ngoài hàng rào các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn Tỉnh trình UBND Tỉnh phê duyệt; đồng thời đề xuất cải tạo, nâng cấp, làm mới công trình hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào các KCN đồng bộ với kết cấu hạ tầng kỹ thuật, xã hội, các khu vệ tinh (khu dân cư, khu đô thị, khu thiết chế văn hóa, khu nhà ở công nhân,…). Qua đó góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh trong các KCN Tỉnh; đẩy mạnh thu hút đầu tư, gắn kết các KCN trên địa bàn, đảm bảo phát triển bền vững kinh tế, xã hội trên địa bàn Tỉnh./.
 
PV: Xin chân thành cảm ơn ông!