• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.249,11 +6,75/+0,54%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:01 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.249,11   +6,75/+0,54%  |   HNX-INDEX   222,48   +1,64/+0,74%  |   UPCOM-INDEX   93,11   +0,69/+0,75%  |   VN30   1.313,48   +10,23/+0,78%  |   HNX30   462,19   +6,15/+1,35%
20 Tháng Giêng 2025 3:39:40 SA - Mở cửa
Phát triển cụm công nghiệp: Bài 1 - Khi “lượng” ngược chiều với “chất”
Nguồn tin: Báo Công thương | 24/08/2022 6:45:00 SA
Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 của Bộ Chính trị và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề cập nhiều chủ trương quan trọng về phát triển cụm công nghiệp.
 
Cụm công nghiệp - từ nghị quyết của Đảng...
 
Tuy nhiên, thực tiễn thời gian qua cho thấy vẫn còn rất nhiều bất cập cần giải quyết để những chủ trương của Đảng sớm được hiện thực hoá, biến cụm công nghiệp trở thành đột phá khẩu của sự nghiệp công nghiệp hoá đất nước, khi mà cả nước hiện nay có tới hơn 730 cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động, với tổng diện tích khoảng 24.900 ha, thu hút gần 13.000 dự án đầu tư sản xuất kinh doanh...
 
Theo Khoản 1 Điều 2 Nghị định 68/2017/NĐ-CP quy định: Cụm công nghiệp là nơi sản xuất, thực hiện các dịch vụ cho sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, có ranh giới địa lý xác định, không có dân cư sinh sống, được đầu tư xây dựng nhằm thu hút, di dời các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác vào đầu tư sản xuất kinh doanh.
 
Cụm công nghiệp có quy mô diện tích không vượt quá 75 ha và không dưới 10 ha. Riêng đối với cụm công nghiệp ở các huyện miền núi và cụm công nghiệp làng nghề có quy mô diện tích không vượt quá 75 ha và không dưới 5 ha.
 
Cụm công nghiệp có đặc điểm cơ bản là nơi sản xuất kinh doanh với quy mô vừa và nhỏ thực hiện các dịch vụ cho sản xuất của công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ở ranh giới địa lý xác định, tại đây không có khu người dân sinh sống và chịu sự quản lý của nhà nước chính quyền địa phương.
 
Cụm công nghiệp là một loại hình kinh doanh nhỏ lẻ của khu công nghiệp. Đây là một khu sản xuất kinh doanh nhỏ với chủ yếu là các nhà máy nhỏ lẻ với các nhà đầu tư góp vốn chung.
 
Các cụm công nghiệp hình thành và phát triển tạo cơ hội và giải quyết vấn đề việc làm cho rất nhiều người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo tiền đề cho các khu công nghiệp phát triển tốt hơn. Bên cạnh đó tăng tính cạnh tranh trên thị trường góp phần phát triển kinh tế nước nhà. Với rất nhiều các cụm công nghiệp vừa và nhỏ đang mọc lên rất nhiều giúp cho nước ta trở thành một nước công nghiệp hóa hiện đại hóa.
 
Chính vì có vị trí vai trò quan trọng như vậy, Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đề cập nhiều chủ trương liên quan đến cụm công nghiệp, nêu rõ:
 
Mục tiêu đến năm 2030:Xây dựng được một số cụm liên kết ngành công nghiệp, doanh nghiệp công nghiệp trong nước có quy mô lớn, đa quốc gia, có năng lực cạnh tranh quốc tế.
 
Về Chính sách phân bố không gian và chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp: Xây dựng các tiêu chí, điều kiện, cơ chế cụ thể để xác định và phát triển các cụm liên kết ngành công nghiệp, bảo đảm tập trung, trọng tâm, trọng điểm, trước hết ưu tiên lựa chọn phát triển tại các vùng, địa phương đã bước đầu hình thành các cụm liên kết ngành công nghiệp hoặc có lợi thế về giao thông, địa kinh tế, tài nguyên, lao động, logistics, có khả năng trở thành động lực tăng trưởng. Triển khai cơ chế, chính sách xây dựng thí điểm về cụm liên kết ngành công nghiệp đối với một số sản phẩm trong các ngành công nghiệp ưu tiên theo lợi thế cạnh tranh, chuyên môn hoá và chuỗi giá trị.
 
Các chính sách hỗ trợ của Nhà nước về phát triển cụm liên kết ngành công nghiệp tập trung vào tạo dựng môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, xây dựng kết cấu hạ tầng, khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia phát triển các cụm liên kết ngành công nghiệp. Xây dựng tiêu chí và phương pháp đánh giá hoạt động của cụm liên kết ngành công nghiệp, khu công nghiệp, khu công nghệ cao.
 
Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22 tháng 3 năm 2018 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (kèm theo Nghị quyết số 124/NQ-CP chỉ rõ: Bộ Công Thương thực hiện triển khai cơ chế, chính sách xây dựng thí điểm về cụm liên kết ngành công nghiệp tại một số địa phương đối với một số sản phẩm trong các ngành công nghiệp ưu tiên theo lợi thế cạnh tranh, chuyên môn hóa và chuỗi giá trị như ô tô, máy nông nghiệp, thiết bị công trình, thiết bị công nghiệp, thiết bị điện điện tử... và những ngành sử dụng nhiều lao động như dệt may, da - giày.
 
Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã khái quát nhiều vấn đề mới về cụm công nghiệp, cụ thể trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030:
 
"Tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ và hình thành cụm ngành công nghiệp trong một số ngành công nghiệp ưu tiên. Khơi dậy nội lực, khuyến khích mạnh mẽ sự phát triển của doanh nghiệp tư nhân trong nước, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghiệp chế tạo, công nghệ cao, công nghiệp công nghệ thông tin8, hình thành các chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị trong nước và quốc tế, bảo đảm chất lượng, quy định về truy xuất nguồn gốc. Tăng cường liên kết giữa khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, nhất là các tập đoàn đa quốc gia với doanh nghiệp trong nước trong phát triển chuỗi cung ứng của các ngành công nghiệp.
 
Phát huy hiệu quả các khu, cụm công nghiệp, khu công nghệ thông tin tập trung và đẩy mạnh phát triển công nghiệp theo hình thức cụm liên kết ngành, nhóm sản phẩm chuyên môn hóa và tạo thành các tổ hợp công nghiệp quy mô lớn, hiệu quả cao và theo lợi thế của các địa phương tại một số vùng, địa bàn trọng điểm".
 
...Đến sức vươn xa trong thực tiễn kinh tế - xã hội các địa phương
 
Để làm rõ hơn thực trạng phát triển của cụm công nghiệp, phóng viên Báo Công Thương đã tìm hiểu thực tế ở nhiều địa phương tại cả 3 miền Bắc - Trung - Nam.
 
Bắc Giang được đánh giá là địa phương thuộc Top đầu khu vực phía Bắc trong phát triển cụm công nghiệp. Tính đến hết tháng 4/2022, tỉnh đã thành lập 45 cụm công nghiệp, tổng diện tích 1.734ha, tổng vốn đầu tư hạ tầng khoảng 10.500 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là nguồn vốn của doanh nghiệp làm chủ đầu tư hạ tầng. Hiện đã có 31 cụm công nghiệp đi vào hoạt động, tổng diện tích 922ha, diện tích đất công nghiệp có thể cho thuê 695ha, diện tích đã cho thuê 448 ha, đạt tỷ lệ lấp đầy 64,5%. Các cụm công nghiệp trên đã thu hút 230 dự án với tổng số vốn đăng ký hơn 32.765 tỷ đồng, 221 dự án đã đi vào hoạt động, 9 dự án đang triển khai.
 
Khẳng định các cụm công nghiệp đã và đang là thành phần quan trọng không chỉ trong phát triển kinh tế mà còn đảm bảo an sinh xã hội cho tỉnh, ông Nguyễn Văn Phương - Phó Giám đốc Sở Công Thương Bắc Giang cho biết: Năm 2021 giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh đạt 282.400 tỷ đồng, trong đó doanh nghiệp trong các cụm công nghiệp đóng góp khoảng 22.700 tỷ đồng, chiếm khoảng 10% tỷ trọng.
 
Các dự án sản xuất công nghiệp trong cụm công nghiệp đã thu hút được hơn 45.000 lao động. Riêng các doanh nghiệp ngành may mặc sử dụng số lao động tương đối lớn từ 2.000 - 7.000 người, góp phần tạo việc làm cho địa phương có cụm công nghiệp, giảm áp lực cho các khu vực tập trung khu công nghiệp lớn như Quang Châu, Vân trung, Song Khê - Nội Hoàng.
 
 
 
Cụm công nghiệp Việt Tiến (Việt Yên, Bắc Giang) có hạ tầng đồng bộ, thu hút nhiều doanh nghiệp thứ cấp
 
Bình Định cũng được ghi nhận là địa phương tiêu biểu khu vực miền Trung trong phát triển cụm công nghiệp. Trên địa bàn tỉnh hiện có 62 cụm được quy hoạch phát triển, tổng diện tích 1.950 ha, trong đó có 45 cụm đã đi vào hoạt động, diện tích đất công nghiệp 934 ha, diện tích đất công nghiệp đã cho thuê 545 ha, đạt tỷ lệ lấp đầy 58%. Trong năm 2021, các doanh nghiệp trong cụm công nghiệp đã đóng góp khoảng 20% giá trị sản xuất công nghiệp, 36% kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh, nộp ngân sách nhà nước hàng trăm tỷ đồng.
 
Ông Võ Mai Hưng - Phó Giám đốc Sở Công Thương Bình Định nhấn mạnh: Việc triển khai thực hiện quy hoạch phát triển cụm công nghiệp trong thời gian qua đã tạo điều kiện tiếp cận chính sách về đất đai, đáp ứng nhu cầu mặt bằng sản xuất, thu hút doanh nghiệp nhỏ và vừa, các cơ sở sản xuất, kinh doanh vào cụm công nghiệp tại địa bàn kinh tế khó khăn, đặc biệt khó khăn.
 
“Hơn hết, các cơ sở sản xuất trong cụm công nghiệp đã tạo hàng chục nghìn việc làm cho lao động tại địa phương với mức lương bình quân từ 4,5-5,5 triệu đồng/người/tháng, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế” - ông Võ Mai Hưng nói.
 
Bắc Giang, Bình Định là hai trong số nhiều địa phương đang được hưởng lợi cả về kinh tế và xã hội trong quá trình phát triển cụm công nghiệp. Ngoài ra còn có thể kể tới Bắc Ninh, Ninh Bình, Hà Nội, Long An, Đồng Tháp…
 
Ở tầm vĩ mô của đơn vị được giao nhiệm vụ công tác quản lý cụm công nghiệp trên cả nước, ông Nguyễn Văn Thịnh - Phó Cục trưởng Cục Công Thương địa phương nhìn nhận: Cụm công nghiệp có vai trò rất quan trọng trong thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động ở khu vực nông thôn theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho một bộ phận người dân trên chính quê hương của mình, góp phần thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước “ly nông, bất ly hương” và xây dựng nông thôn mới.
 
Lãnh đạo Cục Công Thương địa phương cũng đưa ra con số: Cả nước hiện có trên 730 cụm công nghiệp với tổng diện tích khoảng 24.900 ha đi vào hoạt động, thu hút gần 13.000 dự án đầu tư sản xuất kinh doanh, đạt tỷ lệ lấp đầy bình quân 64%, tạo việc làm với thu nhập ổn định cho trên 660.000 lao động.
 
“Việc đầu tư, phát triển cụm công nghiệp đã tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các hợp tác xã, cơ sở sản xuất hộ gia đình tiếp cận đất đai, đáp ứng nhu cầu mặt bằng sản xuất. Các cụm công nghiệp ngày càng hoàn thiện, phát huy hiệu quả, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương” - ông Nguyễn Văn Thịnh nói.
 
Còn đó những bất cập...
 
Vai trò và đóng góp của các cụm công nghiệp là không thể phủ nhận trong quá trình phát triển sản xuất công nghiệp ở khu vực nông thôn. Tại Hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố về công tác quản lý, phát triển cụm công nghiệp tổ chức năm vừa qua, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng, việc duy trì và phát triển cụm công nghiệp trên cả nước là cần thiết.
 
Dù vậy qua thực tế tìm hiểu, hiện trạng phát triển các cụm công nghiệp trên cả nước còn nhiều bất cập. Ông Nguyễn Văn Thịnh khái quát: Thủ tục giải phóng mặt bằng đối với dự án đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp mất nhiều thời gian, tiến độ đầu tư, hoàn thiện hạ tầng một số cụm còn chậm, còn hiện tượng trông chờ vào ngân sách nhà nước; thu hút doanh nghiệp làm chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng cụm công nghiệp, nhất là ở miền núi, vùng sâu vùng xa khó khăn; vấn đề môi trường chưa được quan tâm giải quyết đúng mức; chưa có hướng dẫn chuyển đổi chủ đầu tư, xử lý tài sản kết cấu hạ tầng từ đơn vị sự nghiệp công lập sang doanh nghiệp quản lý.
 
 
Tình trạng ô nhiễm môi trường tại một cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Nghệ An
 
Trong số những tồn tại trên, xử lý môi trường trong cụm công nghiệp là vấn đề nổi cộm. Tại Nghệ An, trong số 23 cụm công nghiệp đi vào hoạt động, thu hút 251 dự án đầu tư mới chỉ có 10 cụm có hệ thống xử lý nước thải nhưng chủ yếu xử lý theo kiểu hồ lắng, đơn giản và chưa thể xử lý triệt để. Trong khi đó, các dự án đầu tư trong cụm công nghiệp phần lớn sản xuất trong các lĩnh vực chế biến khoáng sản, dệt may, gia công cơ khí, tái chế kim loại, tái chế sản phẩm nhựa, sản xuất bao bì… hầu hết có nguy cơ ô nhiễm cao.
 
Lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Ngãi cũng từng phản ánh: Hệ thống thu gom nước thải trong các cụm công nghiệp chưa được hoàn thiện. Để tránh hệ luỵ, trong kêu gọi đầu tư tỉnh ưu tiên các dự án ít gây ô nhiễm môi trường.
 
Một vấn đề nữa cũng khiến các địa phương “đau đầu” đó là các cụm công nghiệp hình thành trước Quyết định số 105/2009/QĐ-TTg của Chính phủ ban hành Quy chế quản lý cụm công nghiệp. Hầu hết những cụm công nghiệp này có diện tích nhỏ, do UBND huyện làm chủ đầu tư, trong khi đó ngân sách của huyện hạn hẹp nên hạ tầng kỹ thuật được đầu tư ít. Bởi vậy, nhiều cụm công nghiệp không có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn môi trường, không có đường giao thông nội bộ, các dự án thứ cấp đấu nối trực tiếp với đường quốc lộ, tỉnh lộ, liên xã.
 
Việc thu hút nhà đầu tư hạ tầng kỹ thuật vào các cụm công nghiệp này cũng không dễ dàng. Tiêu biểu tại Bắc Giang, từ năm 2017 đến nay, tỉnh chủ trương chuyển chủ đầu tư từ UBND cấp huyện sang doanh nghiệp đối với các cụm công nghiệp có khả năng mở rộng, nhưng đến nay mới chuyển đổi được 12 cụm.
 
“16 cụm công nghiệp còn lại do không còn quỹ đất để mở rộng và đã lấp đầy 100% diện tích nên rất khó cho việc chuyển chủ đầu tư và đầu tư xây dựng hạ tầng bộ, nhất là trạm xử lý nước thải” - ông Nguyễn Văn Phương chia sẻ.
 
Mặt khác, các cụm công nghiệp này là dù thuộc cấp huyện quản lý nhưng lại chưa có quy định, mô hình tổ chức bộ máy, các địa phương phải cử cán bộ kiêm nhiệm làm công tác quản lý. Điều này khiến cho mô hình hoạt động của các cụm công nghiệp đạt hiệu quả không cao.