Trong kỳ trước, chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam đã cập nhật một số thông tin về suất đầu tư liên quan lĩnh vực năng lượng gió, mặt trời; kỳ này, chúng tôi sẽ cập nhật về suất đầu tư nguồn điện khí và điện hạt nhân trên thế giới hiện nay để bạn đọc tham khảo.
Suất đầu tư nguồn điện khí:
Theo Tạp chí Công nghệ Anh Sciencedirect: Chi phí sản xuất điện từ của các nhà máy điện chạy bằng khí đốt tự nhiên phụ thuộc vào chi phí xây dựng nhà máy đốt nhiên liệu và chi phí của chính nhiên liệu đó. Các nhà máy điện chu trình hỗn hợp, các nhà máy đốt khí phổ biến nhất, nằm trong số các nhà máy điện rẻ nhất để xây dựng. Tuy nhiên, chi phí khí đốt tự nhiên trong lịch sử rất dễ “bốc hơi” và điều này có thể dẫn đến mức độ rủi ro cao liên quan đến việc sản xuất điện bằng khí đốt. Chi phí khí đốt tự nhiên ở Mỹ đã giảm đáng kể do khai thác khí đá phiến, nhưng ở những nước khác vẫn còn tương đối cao.
Các nhà máy điện tua bin khí chu trình hỗn hợp (CCGT) của Mỹ có LCOE không giống nhà máy nhiệt điện than. Năm 2010, LCOE ước tính là $ 96/MWh, nhưng đến năm 2015 đã giảm xuống còn $ 64/MWh và năm 2019 LCOE là $ 56/ MWh, giảm 42% trong vòng 9 năm. Chi phí điện của nhà máy CCGT rất nhạy cảm với giá khí tự nhiên và tại Mỹ, trong thập kỷ từ năm 2010, chi phí khí tự nhiên đã giảm do hệ quả của sự phát triển khí đá phiến. Do đó, xu hướng giá LCOE tương tự có thể không được tìm thấy ở các nơi khác trên thế giới.
Các số liệu từ IEA về chi phí điện ở Mỹ cho thấy: LCOE năm 2015 là $ 61/MWh với tỷ lệ chiết khấu 3%, tăng lên $ 71 với tỷ lệ chiết khấu 10%. Ở những nơi khác, LCOE thay đổi rõ rệt, như tại Anh, LCOE là $ 213/MWh (3%) đến $ 263/MWh (10%) cho nhà máy đắt nhất được đề cập.
Tại Trung Quốc, chi phí dao động từ $ 90 đến $ 96/MWh.
Hệ số công suất cũng có ảnh hưởng đến chi phí điện năng của nhà máy CCGT. Tại Mỹ, chi phí kiểu nhà máy dạng này tỷ lệ chiết khấu 3% và 85% hệ số công suất là $ 61/MWh, tăng lên $ 68/MWh cho hệ số công suất 50%. Các nhà máy CCGT hiện đại có khả năng điều chỉnh phát điện tốt, nhưng hiệu suất giảm và lượng khí thải có thể tăng lên khi hệ số công suất giảm. Chi phí LCOE là một thước đo kinh tế được sử dụng để so sánh các chi phí lâu dài của việc sản xuất điện trên các công nghệ phát điện khác nhau. Chi phí trọn đời cho việc tạo ra có thể được phân loại thành các nhóm sau: Chi phí vốn trả trước để xây dựng một nhà máy điện; chi phí vận hành, bảo trì (O&M) và chi phí xử lý phát sinh.
LCOE có thể được xem xét từ khía cạnh kinh tế như một giá điện “trung bình” mà một nguồn phát điện cụ thể phải kiếm được để đạt điểm hòa vốn. Các nhà đầu tư quan tâm đến LCOE để hiểu các xu hướng kinh tế dài hạn, đặc biệt là đối với năng lượng tái tạo, nhờ đó việc giảm chi phí cải thiện đáng kể khả năng cạnh tranh của họ.
Suất đầu tư nguồn điện hạt nhân:
Theo báo cáo mang tên Kinh tế điện hạt nhân (Economics of Nuclear Power) của Hiệp hội hạt nhân thế giới (WNA), cập nhật tháng 9/2021: Điện hạt nhân có sức cạnh tranh cao nếu xét về chi phí suốt đời dự án/kWh, đặc biệt là chi phí phát thải CO2 so với các phương án phát điện khác, nhất là khả năng tiếp cận trực tiếp với nhiên liệu chi phí thấp. Chi phí nhiên liệu cho các nhà máy hạt nhân là một tỷ trọng nhỏ trong tổng chi phí phát điện, mặc dù chi phí vốn lớn hơn chi phí cho các nhà máy nhiệt điện than và lớn hơn nhiều so với các nhà máy đốt khí. Chi phí hệ thống cho điện hạt nhân (cũng như phát điện từ than và khí đốt) thấp hơn rất nhiều so với năng lượng tái tạo gián đoạn.
Báo cáo Kinh tế điện hạt nhân và Cơ cấu dự án của WNA công bố vào đầu năm 2017 đã lưu ý tính kinh tế của các nhà máy hạt nhân mới bị ảnh hưởng mạnh bởi chi phí phát điện quy dẫn (LCOE), chi phí vốn chiếm ít nhất 60%. LCOE áp dụng 3 mức chiết khấu: 3%, 7% và 10%, sử dụng sự kết hợp tiêu thụ điện theo công nghệ phát điện cụ thể, quốc gia cụ thể và tổng quát để tính toán chi phí đầu tư cho các nhà máy điện. Chi phí lãi vay và thời gian xây dựng là những biến số quan trọng để xác định chi phí vốn chung.
Còn theo IEA, sự tăng chi phí vốn hạt nhân ở một số quốc gia OECD là do việc xây dựng lò phản ứng mới. Riêng các nước mà các chương trình phát triển liên tục được duy trì, chi phí vốn đã được kiểm soát, như Hàn Quốc chẳng han, thậm chí còn giảm, điều này cho thấy điện hạt nhân có chi phí đầu tư thấp nhất đối với tất cả các nước với chiết khấu 3%.
Trong 15 năm qua, thời gian xây dựng trung bình trên toàn cầu đã giảm. Một khi nhà máy hạt nhân được xây dựng, chi phí sản xuất điện sẽ thấp và ổn định hơn.
Năm 2019, Cơ quan Năng lượng Hạt nhân (NEA) thuộc OECD công bố báo cáo Chi phí khử cacbon: Chi phí hệ thống với tỷ lệ hạt nhân và năng lượng tái tạo cao, phát hiện ra rằng: Việc tích hợp một lượng lớn điện tái tạo không liên tục là một thách thức lớn đối với hệ thống điện của các nước OECD và đối với các máy phát điện như hạt nhân. Chi phí hệ thống cấp lưới cho năng lượng tái tạo không liên tục rất lớn ($ 8- $ 50/MWh) nhưng tùy thuộc vào quốc gia, bối cảnh và công nghệ (gió trên bờ).
Mới đây, EIA của Mỹ đã công bố số liệu về LCOE cho các công nghệ phát điện sẽ được đưa vào hoạt động năm 2022 dưới tên gọi Triển vọng năng lượng hàng năm cho thấy: Hạt nhân tiên tiến, 9,9 ¢/kWh; khí tự nhiên, 5,7-10,9 ¢/kWh (tùy thuộc vào công nghệ); và than 12,3 ¢/kWh (tăng lên 14 ¢/kWh ở mức tách carbon 30%). Trong số các công nghệ không thể thay thế, ước tính LCOE biến thiên: Gió trên bờ, 5,2 ¢/kWh; điện mặt trời, 6,7 ¢/kWh; gió ngoài khơi, 14,6 ¢/kWh. LCOE hạt nhân phần lớn được thúc đẩy bởi chi phí vốn. Với mức chiết khấu 3%, hạt nhân về cơ bản rẻ hơn đáng kể so với các lựa chọn thay thế ở tất cả các nước, ở mức chiết khấu 7% so với than và vẫn rẻ hơn CCGT, ở mức 10% thì tương đương với cả hai.
Báo cáo tháng 10 năm 2020 của Công ty tư vấn Mỹ Lazard đã so sánh LCOE cho các công nghệ phát điện khác nhau trên cơ sở ước tính của nó, liên quan đến đầu vào từ "nhiều lĩnh vực tham gia trong ngành". Đối với điện hạt nhân (nhà máy 2.200 MWe), chi phí vốn bao gồm cả tài chính (với tỷ lệ chiết khấu cao) dao động từ $ 7.675 đến $ 12.500 cho mỗi kilowatt, và LCOE theo đó dao động từ $ 129 đến $ 198 đô la/MWh. Đối với một nhà máy than 600 MWe, chi phí vốn dao động từ $ 3.000 đến $ 8.400/kW, tạo ra LCOE từ $ 60 đến $ 143/MWh. Chi phí vốn cho tua bin khí chu trình hỗn hợp (550 MWe) là $ 700 đến $ 1.300/kW và LCOE $ 65 đến $ 159/MWh.
Mục đích của nghiên cứu là so sánh những con số này với "công nghệ năng lượng thay thế", đặc biệt là năng lượng gió và mặt trời, nhưng không tính đến chi phí hệ thống. Chi phí hạt nhân do Lazard ước tính cao hơn nhiều so với chi phí hạt nhân trong nghiên cứu của IEA - NEA dựa trên các dự án hiện có, và các dữ liệu có sẵn để tham khảo./.