Quảng Ninh đang hướng trở thành trung tâm logistics, dịch vụ thương mại, đầu mối xuất nhập khẩu quan trọng trên hành lang kinh tế và vành đai kinh tế ven biển Bắc Bộ trong tương lai gần.
Với định hướng trở thành một trung tâm logistics, cửa ngõ xuất nhập khẩu của cho cả nước và khu vực, tỉnh Quảng Ninh đã và đang đang tập trung hoàn thiện hệ thống hạ tầng chiến lược, nổi bật là loạt công trình tại Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái.
Những “mảnh ghép” hạ tầng
Nhận được sự đồng thuận của người dân trong GPMB, dự án đường ven biển liên kết Khu kinh tế Vân Đồn với Khu kinh tế (KKT) cửa khẩu Móng Cái, đoạn từ Cầu Voi đến tỉnh lộ 335, TP Móng Cái (giai đoạn 1) đã nhanh chóng hoàn thành và đi vào khai thác từ giữa năm 2023. Tuyến đường chỉ dài gần 5km nhưng lại có vai trò quan trọng, góp phần hình thành mạng lưới giao thông kết nối các cụm cảng biển - cửa khẩu - khu công nghiệp - khu đô thị ven biển của KKT cửa khẩu.
Đoạn từ Cầu Voi đến tỉnh lộ 335 (giai đoạn 1) là “mảnh ghép” quan trọng để hình thành Đường ven biển liên kết KKT Vân Đồn với KKT cửa khẩu Móng Cái - Ảnh: Trường Giang
Tiếp nối tuyến này là dự án đường nối từ cao tốc Vân Đồn - Móng Cái đến cảng Vạn Ninh, công trường hiện đang duy trì 3 ca và hàng trăm máy móc thi công mỗi ngày. Dự án có chiều dài gần 9,5km, tổng mức đầu tư hơn 521 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh Quảng Ninh.
Ông Trương Công Thành, Phó Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng TP Móng Cái cho biết, hiện dự án đã thi công 75% khối lượng. Phía Ban gặp 1 số khó khăn về đất đắp, thời tiết, chờ tắt lún do lấn biển nên ảnh hưởng tới tiến độ. Tuy vậy Ban quyết tâm phối hợp cùng đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo thi công hoàn thành đúng thời gian phê duyệt.
Các dự án này đều là những “mảnh ghép” quan trọng để hoàn thiện hệ thống hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại cho TP Móng Cái nói riêng và KKT cửa khẩu Móng Cái nói chung.
Có lợi thế chiến lược biên giới cả trên bộ và trên biển với Trung Quốc, liên thông tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái tới tận Hà Nội - Lào Cai và kết nối Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, Móng Cái tiếp tục đứng trước cơ hội trở thành trung tâm logistics tầm cỡ, nhất là sau khi dự án trọng điểm là bến cảng tổng hợp Vạn Ninh hoàn thành.
Dự án khởi công tháng 10/2021, giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư hơn 2.200 tỷ đồng, diện tích gần 83 ha, bến cầu chính có thể đậu đồng thời 2 tàu trọng tải đến 20.000 DWT hoặc 3 tàu trọng tải 10.000 DWT cùng các kho bãi làm hàng tổng hợp và container. Cảng Vạn Ninh không chỉ giúp kết nối tuyến vận tải biển từ các tỉnh ĐBSCL, Nam Trung bộ phục vụ xuất nhập khẩu nông sản, thuỷ sản mà sẽ là “cửa ngõ” trung chuyển cho khu vực ASEAN với Trung Quốc, Đông Bắc Á…
Ông Trần Khánh Duy, Phó Ban quản lý dự án Công ty CP Cảng quốc tế Vạn Ninh - Chủ đầu tư dự án kỳ vọng, khi bắt đầu khai thác lượng hàng qua cảng sẽ đạt từ 1,7 - 2,8 triệu tấn/năm.
“Ban đang tập trung mọi nguồn lực để hoàn thành cảng, đi vào khai thác từ quý IV/2024. TP Móng Cái đang có những quy hoạch, công trình rất thuận lợi cho khai thác cảng. Khi có mặt bãi, Ban sẽ triển khai đồng loạt và nhanh chóng hoàn thiện hạ tầng và tất cả các kho bãi trên cảng để kết nối với tuyến đường nối và các công trình khác”, ông Duy tin tưởng.
“Đường băng” đón đầu tư
Để phục vụ phát triển hạ tầng cảng biển và kết nối liên hoàn giữa cảng biển với mạng lưới giao thông đối ngoại, đầu mối logistics trong khu vực, hiện hàng loạt các dự án, công trình động lực đang tiếp tục được nghiên cứu, đầu tư như nạo vét luồng hàng hải, thi công đoạn nền đường lấn biển; Đường ven biển liên kết KKT Vân Đồn đến KKT cửa khẩu Móng Cái đoạn từ cảng biển Hải Hà đến Cầu Voi, Trung tâm Logistics tại cảng Vạn Ninh…
Dựa trên nền tảng Quy hoạch chung xây dựng KKT cửa khẩu Móng Cái đến năm 2040 (Quyết định phê duyệt điều chỉnh số 368 của Thủ tướng Chính phủ) và xác định “quy hoạch phải đi trước 1 bước”, TP Móng Cái đang triển khai các quy hoạch chi tiết, tạo cơ sở để thu hút nhà đầu tư vào các lĩnh vực trọng tâm.
“TP Móng Cái đang đôn đốc nhà đầu tư để mở rộng hoàn thiện hạ tầng khu vực cửa khẩu Bắc Luân II, Lối mở Km3+4, triển khai các trung tâm giao dịch, chế biến nông thuỷ sản quốc tế… Cụ thể hoá các nội dung đã thống nhất giữa 2 Đảng, Nhà nước, Chính phủ Việt Nam - Trung Quốc và tỉnh Quảng Ninh - Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, TP Móng Cái và TP Đông Hưng sẽ tăng cường hợp tác thiết thực trên tinh thần hoà bình, hữu nghị, hai bên cùng phát triển tạo ra lợi ích cho doanh nghiệp, nhân dân”, ông Hồ Quang Huy, Chủ tịch UBND TP Móng Cái nhấn mạnh.
TP. Móng Cái cũng xác định 4 trụ cột tập trung phát triển là trung tâm dịch vụ thương mại cửa khẩu, logistics; trung tâm du lịch quốc tế; phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo và phát triển nông nghiệp công nghệ cao; từ đó phát huy tốt nhất thế mạnh của KKT cửa khẩu trọng điểm quốc gia, trung tâm phát triển kinh tế quan trọng của vùng Bắc Bộ.
Ông Hoàng Bá Nam, Bí thư Thành uỷ TP Móng Cái cho biết, hiện nay có một số nhà đầu tư đã và đang thực hiện các dự án, tuy nhiên thành phố cho rằng vẫn chưa đáp ứng được mong muốn. “Chiến lược của các nhà đầu tư phải mạnh mẽ hơn. Sau khi thành phố chuẩn bị các điều kiện cơ sở vật chất và quỹ đất, các nhà đầu tư tập trung nguồn lực để đầu tư hoàn thiện nhanh hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng dịch vụ, hạ tầng cửa khẩu, hạ tầng logistics, cảng biển để phục vụ cho chiến lược phát triển chung của thành phố”, ông Nam mong muốn.
Nghị quyết số 30 của Bộ Chính trị về phát triển KT-XH và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng Sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định chủ trương “xây dựng cơ chế, chính sách thí điểm triển khai Khu hợp tác kinh tế qua biên giới Việt Nam - Trung Quốc tại Quảng Ninh”. “Chìa khoá” hạ tầng sẽ tiếp tục tạo lợi thế nổi trội, khác biệt để Móng Cái và Quảng Ninh trở thành trung tâm logistics, dịch vụ thương mại, đầu mối xuất nhập khẩu quan trọng trên hành lang kinh tế Côn Minh (Trung Quốc) - Hà Nội - Hải Phòng - Móng Cái - Phòng Thành (Trung Quốc) và vành đai kinh tế ven biển Bắc Bộ trong tương lai gần.