Các dịp lễ Tết cổ truyền luôn là thời điểm hành hương của nhiều du khách yêu thích du lịch tâm linh. Trải dài từ Bắc vào Nam, mỗi tỉnh thành đều có những điểm đến riêng thu hút du khách trong và ngoài nước. Tour du lịch mang yếu tố tâm linh là sản phẩm đặc trưng, luôn có tệp khách riêng theo mùa để khai thác, đặc biệt đổ dồn vào những tháng đầu năm.
Đa dạng dịch vụ trọn gói trên khắp vùng miền
Nhu cầu hành hương, viếng chùa chiềng và các điểm về nguồn, tri ân liệt sỹ luôn tồn tại bởi văn hoá uống nước nhớ nguồn, tâm hướng thiện của mỗi người Việt Nam. Đại diện Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist cho biết thông thường, ngay sau Tết âm lịch, chùm tour hành hương mùa lễ hội đầu năm của công ty luôn được đông đảo khách hàng quan tâm. Phần lớn các lễ hội tâm linh với đền, chùa, miếu mạo tập trung ở miền Bắc cùng với một số tour miền Trung và xuống phương Nam.
Vào những mùa khác, Lữ hành Saigontourist vẫn duy trì định kỳ sản phẩm tour du lịch kết hợp hành hương trong các hành trình như chùm tour miền Bắc viếng thăm các danh thắng, chùa Yên Tử, chùa Hương, chùa Bái Đính, Tràng An… đồng thời nghỉ dưỡng biển, thăm làng nghề cổ, gọn trong 4-6 ngày với chi phí từ 7 triệu đồng, hay địa danh khác ở Hạ Long, Ninh Bình… Ở chùm tour miền Trung cũng có nhiều điểm đến như chùa Thiên Mụ, thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã, danh lam thắng cảnh Ngũ Hành Sơn. Miền Tây có một một số nơi nổi tiếng về sản phẩm du lịch tâm linh như Sa Đéc – miếu Bà Châu Đốc – núi Cấm; Cần Thơ – thiền viện Trúc Lâm Phương Nam – miếu Bà Châu Đốc – Hà Tiên…
Được biết, đến nay Saigontourist có số lượng khách quan tâm đến loại hình du lịch tâm linh tăng nhẹ, duy trì sự ổn định qua các năm, chiếm 10% tỉ lệ tour định kỳ của lữ hành. Những tour hút khách phải kể đến miền Tây với lộ trình đường bộ thuận tiện, kết hợp nhiều điểm tham quan, thêm miền Trung đến Huế, Đà Nẵng, Quảng Bình và miền Bắc điểm đến Ninh Bình, Tràng An.
Đại diện Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng thống kê năm nay trong tổng hơn 6.5 triệu lượt khách tham quan nghỉ dưỡng, có khoảng 50% khách du lịch đến trải nghiệm tại các khu, điểm du lịch có hoạt động du lịch thể thao mạo hiểm và du lịch văn hoá tâm linh, góp phần tăng trưởng các loại hình du lịch này so với mọi năm. Hiện nay, ngành du lịch đã và đang đóng góp 8-9% tổng GRDP của toàn tỉnh Lâm Đồng.
“Với lịch sử hình thành lâu đời và kiến trúc độc đáo, các điểm du lịch văn hoá tâm linh tại Lâm Đồng luôn có sức hút riêng đối với du khách trong và ngoài nước đến tham quan, tìm hiểu như Thiền viện Trúc Lâm, chùa Linh Phước (chùa ve chai), Samten Hill Đà Lạt”, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng nói.
Khai thác du lịch gắn với bảo tồn văn hóa
Chia sẻ với KTSG Online, tại Nghị quyết 18-NQ/TU ngày 25-7-2022 của Tỉnh uỷ Lâm Đồng về phát triển du lịch chất lượng cao trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã xác định đến năm 2025 địa phương sẽ ưu tiên phát triển 4 nhóm sản phẩm chủ lực. Cụ thể mô hình du lịch sinh thái gắn với tham quan, văn hóa (bao gồm văn hóa bản địa, kiến trúc đặc thù, du lịch tâm linh; văn hóa, văn nghệ đường phố…); du lịch nghỉ dưỡng, giải trí; du lịch thể thao mạo hiểm; du lịch canh nông gắn với quảng bá, tiêu thụ nông sản và sản phẩm OCOP của địa phương nhằm tạo ra sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh.
“Từ đó, hỗ trợ nghiên cứu và sản xuất sản phẩm tiểu thủ công nghiệp phục vụ du lịch, sản phẩm đặc sản của địa phương. Để hoàn thành các chỉ tiêu tại Nghị quyết 18-NQTU đề ra, ngành chức năng sẽ tiếp tục tham mưu UBND tỉnh Lâm Đồng thu hút đầu tư, phát triển các loại hình sản phẩm du lịch nêu trên”, bà Bích Ngọc nói thêm.
Với doanh nghiệp lữ hành phía Nam, Saigontourist cho rằng sản phẩm du lịch tâm linh khai thác không chỉ đem đến lợi ích kinh tế mà còn khuyến khích phát triển, bảo tồn văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Thực tế, các tour tâm linh và du lịch kết hợp tâm linh tại Việt Nam có tiềm năng lớn, ổn định. Lữ hành Saigontourist xác định phát triển các tour tâm linh hướng đến “tốt đời, đẹp đạo”, gắn với các truyền thống, văn hoá của dân tộc, khuyến khích các lễ hội văn hoá phù hợp với thuần phong mỹ tục. Việc phát triển sản phẩm tour hành hương sẽ gắn với việc khai thác điểm đến mới tại địa phương và nâng cao chất lượng dịch vụ, bảo tồn di tích hiện có.
Chùa Đồng ở Yên Tử. Ảnh: DNCC
Tuy nhiên, sản phẩm du lịch tâm linh đòi hỏi hướng dẫn viên phải có kiến thức sâu về lịch sử, văn hoá, nhất là kiến thức về tôn giáo, phong tục liên quan. Thời gian tham quan ở các điểm đến này cũng cần kéo dài để du khách có thể chiêm nghiệm, trải nghiệm.
Ở điểm đến Yên Tử (Quảng Ninh), là vùng đất mang nhiều ý nghĩa của Phật giáo Việt Nam, nơi Đức vua – Phật hoàng Trần Nhân Tông từng tu tập, không gian văn hóa và du lịch được khai thác nhiều sản phẩm từ tour tham quan, tour leo núi, tour tâm linh kèm nhiều hoạt động khác. Sự đa dạng này thu hút nhiều loại khách du lịch khác nhau. Với đối tượng gia đình, cặp đôi, đơn vị có các sản phẩm như khu nghỉ dưỡng Làng Nương và khu Legacy Mgallery Yentu. Với đối tượng khách thích leo núi, khám phá, ở Yên Tử có những gói trải nghiệm thiên nhiên kết hợp với cáp trao lên núi. Các bạn trẻ đến đây cũng có thể thử qua cưỡi ngựa, bắn cung, làm tò he, làm nón lá…
Anh Bùi Minh Đức, hiện là quản lý truyền thông tập đoàn Tùng Lâm, doanh nghiệp phát triển và bảo tồn di sản văn hoá Việt, cho biết Tùng Lâm là đơn vị được chính phủ cấp quyền phát triển dịch vụ và văn hoá tại Yên Tử. Anh chỉ ra trước dịch Covid-19, Yên Tử đón khoảng 1 triệu khách/năm, vào năm 2022, số lượng du khách đã hồi phục khoảng 60-70% so với trước dịch.
Đến với Tùng Lâm Yên Tử, du khách được trải nghiệm đa dạng các hoạt động, từ hành trình hành hương lên núi Yên Tử, đến 2 khu nghỉ dưỡng phân khúc mộc mạc hoặc cao cấp đủ cho đối tượng khách hàng.
“Thành phố Uông Bí và núi Yên Tử là những điểm đến nổi bật thu hút khách du lịch, đặc biệt là những người quan tâm đến du lịch tâm linh và văn hóa tôn giáo. Từ vẻ đẹp sẵn có của thiên nhiên và giá trị tâm linh, chúng tôi tự tin Yên Tử sẽ ngày càng giữ được sức hút cũng như bảo tồn hồn Việt nơi đây”, anh Minh Đức nói.