Hiện đã bước vào giữa quý IV-2023 nhưng sản xuất công nghiệp của Đồng Nai vẫn chưa khởi sắc như kỳ vọng, nhiều doanh nghiệp (DN) vẫn gặp khó khăn vì thiếu đơn hàng sản xuất.
Theo UBND tỉnh, 10 tháng của năm 2023, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng hơn 4,6% so với cùng kỳ năm trước; đây là mức tăng thấp nhất so với cùng kỳ của nhiều năm qua. Tuy đơn hàng đã nhiều hơn so với các quý đầu năm nhưng vẫn thiếu những đơn hàng lớn dài hạn như thời điểm chưa xảy ra dịch bệnh Covid-19.
Trong 6 nhóm hàng sản xuất, xuất khẩu chủ lực của Đồng Nai là: giày dép, dệt may, xơ sợi dệt, sản phẩm gỗ, máy móc thiết bị và dụng cụ phụ tùng, phương tiện vận tải và phụ tùng thì tất cả đều có kim ngạch xuất khẩu giảm từ 4-31% so với cùng kỳ năm 2022. Những nhóm hàng trên chiếm tỷ lệ hơn 55% trong tổng kim ngạch xuất khẩu nên khi có suy giảm trong sản xuất, xuất khẩu sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tăng trưởng kinh tế của tỉnh và thu ngân sách nhà nước.
Các nhóm hàng có sản xuất, xuất khẩu giảm sâu so với năm trước là sản phẩm gỗ với kim ngạch xuất khẩu giảm gần 32%, giày dép giảm hơn 20%, dệt may giảm hơn 15%. DN khó khăn vì thiếu đơn hàng sẽ kéo theo nhiều vấn đề như: người lao động thiếu việc làm, thu nhập giảm, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của nhiều gia đình lao động. Các DN đang cố gắng tìm đường ra cho mình bằng cách tăng quảng bá, giới thiệu sản phẩm đến khách hàng, người tiêu dùng trong và ngoài nước để tiêu thụ hàng hóa, có thêm đơn hàng.
Theo dự báo của các chuyên gia kinh tế, khó khăn về đơn hàng của DN có thể kéo dài đến giữa hoặc cuối năm 2024. Vì thế, các DN nên tái cấu trúc hoạt động sản xuất để tăng năng suất, chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, chủ động xúc tiến thương mại để tham gia vào các chuỗi sản xuất.
Một số tập đoàn đa quốc gia đã đầu tư vào Việt Nam cho biết, họ đang đẩy mạnh việc tìm nguồn cung nguyên liệu trong nước để chủ động sản xuất, giảm chi phí vận chuyển hàng hóa và có thể hưởng các ưu đãi về thuế quan khi xuất khẩu. Đây sẽ là cơ hội cho các DN Việt nếu kịp thời tái cấu trúc đáp ứng yêu cầu của các tập đoàn.