Từ lâu, quyết định nâng gấp đôi công suất đường ống dẫn dầu Trans Mountain ở miền Tây Canada đã gây ra nhiều tranh cãi. Do quá tốn kém về mặt môi trường và tài chính, đường ống đã chia rẽ người dân Canada và người bản địa. Trong mắt họ, hoặc đây là cơ hội kinh tế, hoặc đây là thảm họa đối với nền văn hóa và lãnh thổ của họ.
Nếu muốn đặt chân đến bờ Hồ Jacko, phía tây dãy núi Rocky của Canada, thì cần phải dừng phương tiện và xuất trình giấy tờ tùy thân cá nhân cho người công nhân đứng trực tại hàng rào chắn đầu tiên. Sau đó, cần tiếp tục đi dọc theo con đường đến hàng rào chắn thứ hai. Lần này, không dừng xe lại, mà thay vào đó, một công nhân sẽ xuất hiện để thu hình biển số xe. Cũng tại địa điểm này, các nhà hoạt động môi trường thường xuyên tổ chức biểu tình. Trong số họ có bà April Thomas, người đã rời xa cộng đồng Secwépemc (hay còn gọi là Shuswap) của mình - tọa lạc cách khu vực này khoảng một trăm cây số, để đến thăm.
Dọc theo con đường dẫn đến hồ, có một cái rãnh khổng lồ được đào sâu vào đất sườn đồi và tầm một chục thiết bị xây dựng đang bận rộn với công việc lắp đặt những đường ống khổng lồ vào lòng đất. Trong lòng đường ống sẽ có dầu cát hắc ín, chảy từ Alberta đến Vancouver. Nhìn chung, việc mở rộng đường ống Trans Mountain - dự án thuộc sở hữu của chính phủ liên bang Canada, sẽ tăng lưu lượng dầu từ 300.000 lên 890.000 thùng/ngày. Công việc dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm 2023.
Vùng đất thiêng liêng
Làn gió mùa thu mang theo những giọt sương lạnh giá. Quấn mình trong chiếc áo len rộng thùng thình, April bước ra khỏi xe đón. Trải dài đằng sau cô, là dòng nước yên bình của Hồ Jacko, là những đám mây thấp màu xám mang lại nét huyền bí cho những ngọn đồi xung quanh. “Mỗi lần tôi ở đây, tôi đều cảm thấy kỳ lạ”, trích lời thì thầm của nữ lãnh đạo bộ tộc First Nation Secwépemc ở Hồ Canim. Bà mô tả: “Mọi người từ khắp nơi trên cả nước đến đây làm lễ nhịn ăn để cầu xin sự giải đáp hoặc hướng dẫn từ đấng sáng tạo và tổ tiên”.
Người dân tộc Secwépemc đã thành lập nên nhiều nhóm cộng đồng sinh sống trên vùng đất rộng lớn của dãy núi Rocky ở tỉnh bang British Columbia. Đối với họ, đây là một nơi mang tính lịch sử, vì lãnh thổ của họ từng trải dài xa hơn cả thời kỳ tiền thuộc địa. Bà April Thomas chia sẻ: “Đối với chúng tôi, đó là một nơi tôn nghiêm, kiểu như một nhà thờ. Cần phải tuân thủ luật pháp trên lãnh thổ của chúng tôi, để đảm bảo rằng chúng tôi sẽ không bao giờ hủy hoại nguồn nước, đất đai của mình. Họ không bao giờ có thể làm được điều đó, bởi vì mọi thứ họ làm đều phá hủy mọi thứ mà chúng tôi xem là thiêng liêng”.
“Họ” ở đây, là công ty nhà nước Trans Mountain, nhà quản lý hệ thống đường ống dẫn này, hoạt động từ năm 1953. Vào năm 2018, nhà nước mua lại cơ sở hạ tầng với giá 4,5 tỷ USD và tiếp tục dự án mở rộng. Công ty đảm bảo trên trang mạng riêng rằng họ đã tham khảo ý kiến của người dân bản địa về vấn đề này thể theo yêu cầu pháp luật, cụ thể là các hội đồng đứng đầu bộ tộc – một cơ cấu quản trị thành lập theo đề xuất của Đạo luật Dân bản địa.
“Như xã hội Canada, xã hội của người dân bản địa chưa vững chắc hoàn toàn. Các nhà lãnh đạo, do người dân bản địa bầu ra theo Đạo luật Dân bản địa, không nhận được sự công nhận của tất cả mọi người. Vì vậy, họ có góc nhìn rất riêng rẽ về dự án này”, trích lời phân tích của ông Sébastien Brodeur-Girard - giáo sư tại Đại học Quebec ở Abitibi-Temiscamingue kiêm chuyên gia về vấn đề quản trị giữa các dân tộc bản địa First Nation.
Một cơ hội kinh tế
Thật vậy, không phải ai cũng phản đối việc mở rộng đường ống dẫn dầu. Tại Calgary, một nhóm người bản địa đang hy vọng sẽ mua lại được một cơ sở hạ tầng nhằm tạo ra doanh thu cho 129 cộng đồng người bản địa sinh sống dọc theo tuyến đường ống.
Từ văn phòng của mình, ông Stephen Mason quan sát quang cảnh các tòa tháp trung tâm thương mại của thủ đô kinh tế Alberta, một tỉnh bang đã trở nên cực kỳ giàu có nhờ khai thác dầu từ cát hắc ín. Những bức tranh vẽ người dân tộc First Nation treo rải rác trên tường phòng của ông. Thân là Giám đốc điều hành của Project Reconciliation, một liên doanh tập họp những doanh nhân bản địa lẫn người không phải bản địa với hy vọng thắng được quyền khai thác đường ống dẫn trong một vòng thầu do nhà nước Canada tổ chức, ông cho biết: “Người bản địa có quyền có tiếng nói về cách thực hiện những dự án này, với tư cách là người giám hộ của vùng đất và rõ ràng là người bảo vệ vùng đất”.
Lúc này, tập đoàn cũng đang phát triển các dự án năng lượng bền vững. Ý định mua lại đường ống này chẳng phải là một nghịch lý sao? Về câu hỏi này, ông Stephen Mason trả lời: “Dự án đã hoàn thành, nó nằm ngay đó. Mục đích của chúng tôi, là mang lại lợi ích cho người dân bản địa. Sau này, nó sẽ được dùng để vận chuyển hydro, mọi người sẽ đổ dồn ánh mắt đến đường ống này. Và nếu các dân tộc First Nation không có lập trường về vấn đề này, thì mọi thứ sẽ quá muộn”.
Hiện tại, không có bằng chứng nào cho thấy đường ống sẽ vận chuyển hydro xanh, được sản xuất từ các nguồn tái tạo. Nhiều người đặt cược rằng Alberta đang bắt đầu đầu tư vào hydro và xu hướng này sẽ tăng lên trong tương lai.
Một quyết định pháp lý phức tạp
Đứng bên bờ hồ Jacko, bà April không hề giận dữ. Đối với bà, đường ống Trans Mountain sẽ không bao giờ mang lại lợi ích cho người dân bản địa. Bà thở dài: “Nếu muốn hòa giải, họ phải mang lại cho chúng tôi nhiều việc làm và lợi ích kinh tế hơn. Tôi sở hữu một công ty lâm nghiệp và chúng tôi phải đấu tranh tận răng để có được việc làm”.
Vào tháng 5/2023, bà April và những người phụ nữ bản địa khác bị kết án 32 ngày tù vì xâm nhập vào công trường xây dựng Trans Mountain. Thẩm phán Shelley Fitzpatrick của Tòa án Tối cao British Columbia kết luận rằng tín ngưỡng, luật pháp và truyền thống của người bản địa không có điểm khác biệt với tín ngưỡng, luật pháp và truyền thống của một công dân Canada. Vị thẩm phán cũng “khá chắc chắn" rằng tổ tiên người Ireland của bà, những người trồng khoai tây, cũng có cuộc sống gắn liền với đất đai, nhưng họ không vượt quá luật pháp.
Nhà nghiên cứu Sébastien Brodeur-Girard hỏi: “Ngày nay, Canada công nhận luật tỉnh bang và luật liên bang, nhưng càng ngày có nhiều luật gia đặt câu hỏi về việc không xét đến luật pháp và truyền thống của người dân tộc First Nation. Tại sao ta lại không xét đến luật của các vùng lãnh thổ bản địa nếu ta vẫn chưa bãi bỏ chúng?” Bởi vì đây là vấn đề: Đường ống Trans Mountain tiết lộ những câu hỏi mà Canada, đất nước cựu thuộc địa, chưa có câu trả lời.