Ngày 21/11, Indonesia công bố kế hoạch đầu tư nhằm huy động 20 tỷ USD hỗ trợ tài chính được cam kết bởi các quốc gia phát triển trong khuôn khổ Hiệp định Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng (JETP) nhằm đẩy nhanh quá trình cắt giảm phát thải.
Theo Bloomberg, đề xuất này của Indonesia được gọi là Kế hoạch Chính sách và Đầu tư Toàn diện (CIPP) và được chính thức công bố ngày 21/11 sau thời gian tham vấn cộng đồng từ đầu tháng 11.
Phát biểu tại buổi ra mắt, ông Erick Thohir, Bộ trưởng lâm thời phụ trách các vấn đề đầu tư tuyên bố: “CIPP cung cấp lộ trình chiến lược cho quá trình chuyển đổi năng lượng đầy tham vọng ở Indonesia bằng cách xem xét các thách thức bao gồm công bằng kỹ thuật, tài chính và xã hội”.
Đồng thời, ông cũng nhấn mạnh: “Chúng ta phải hành động nhanh chóng vì năm 2030 chỉ còn chưa đầy 7 năm nữa”. Ông thúc giục mối quan hệ đối tác phải được tăng cường và đẩy nhanh trong việc thực hiện các dự án ưu tiên, bao gồm cả việc hiện thực hóa ngay các cam kết tài chính.
Khoản hỗ trợ 20 tỷ USD sẽ được cung cấp bởi cả khu vực công và tư nhân. Nguồn tài trợ công có thể bao gồm các khoản vay ưu đãi, trợ cấp và vốn cổ phần, với sự hỗ trợ đến từ các quốc gia bao gồm Mỹ, Nhật Bản, Canada, Đan Mạch, EU, Pháp, Đức, Italy, Na Uy và Vương quốc Anh.
Trong khi đó, hỗ trợ từ khu vực tư nhân sẽ bao gồm các khoản đóng góp từ Glasgow Finacial Alliance dưới hình thức nợ và vốn chủ sở hữu cho nhóm các ngân hàng Net Zero tham gia vào thương vụ này bao gồm Bank of America Corp, Citigroup Inc, Deutsche Bank AG, HSBC Holdings Plc, Standard Chartered Plc, Mitsubishi UFJ Financial Group Inc và Macquarie Group Ltd.
Tuy nhiên, Indonesia cho biết nước này cần phải thực hiện các khoản đầu tư trị giá 97,3 tỷ USD - cao gấp gần 5 lần các cam kết của JETP - để có thể đạt được các mục tiêu môi trường của mình. Trong khoản đầu tư khổng lồ này, 66,9 tỷ USD được dành cho 400 dự án cần bắt đầu muộn nhất là vào năm 2030.
Cụ thể, Indonesia – một trong những nước phát thải khí nhà kính lớn nhất trên thế giới - đang hướng tới việc cắt giảm lượng phát thải carbon xuống 250 triệu tấn cho ngành điện vào năm 2030 so với mức phát thải thông thường được ước tính ở ngưỡng hơn 350 triệu. Ngoài ra, nước này cũng đang có kế hoạch tăng tỷ lệ năng lượng tái tạo trong sản xuất điện lên 44% vào năm 2030 từ mức khoảng 12% vào năm 2022.
Nhận định về tác động của các khoản tài trợ trong khuôn khổ JETP, ông Michael Kleine, đại biện lâm thời Mỹ tại Jakarta, cho biết khoản tài trợ dự kiến sẽ “khởi động” đầu tư chuyển đổi năng lượng và thu hút thêm nguồn tài chính cho Indonesia. Tuy nhiên, một số nhà môi trường cũng bày tỏ lo ngại do một nửa số tiền cam kết sẽ đến từ nguồn tài chính tư nhân, có thể là các khoản vay thương mại theo lãi suất thị trường, đầu tư cổ phần hoặc các công cụ nợ khác.
Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng khí hậu ngày càng trầm trọng, công cuộc chuyển đổi xanh, đặc biệt là tại các nước đang phát triển, đang được đẩy mạnh. Hiện các thương vụ JETP tương tự như với Indonesia cũng đang được thảo luận tại các quốc gia bao gồm Việt Nam, Ấn Độ, và Senegal.
Tại Việt Nam, chương trình JETP ban đầu sẽ huy động 15,5 tỷ USD từ nguồn tài chính công và tư nhân trong vòng 3 đến 5 năm tới để hỗ trợ quá trình chuyển đổi xanh của đất nước. Chương trình sẽ hỗ trợ Việt Nam thực hiện mục tiêu tham vọng về đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, đẩy nhanh tốc độ đạt đến đỉnh phát thải khí nhà kính và chuyển đổi từ nhiên liệu hoá thạch sang năng lượng sạch.