Cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành dài 129 km đi qua hai tỉnh Đăk Nông và Bình Phước đang được đề xuất đầu tư xây dựng giai đoạn một với tổng vốn hơn 25.500 tỷ đồng…
Phối cảnh một đoạn dự án cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành.
UBND tỉnh Bình Phước vừa hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành trên cơ sở ý kiến thẩm định của các bộ ngành, địa phương có tuyến cao tốc đi qua.
Theo phương án đề xuất mới nhất, dự án cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành có tổng chiều dài gần 129 km đi qua 2 tỉnh Đắk Nông (gần 28 km) và Bình Phước (101 km).
Trong giai đoạn 1, phân đoạn cao tốc Bắc - Nam phía Đông này sẽ được đầu tư theo tiêu chuẩn thiết kế đường cao tốc, quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường 24,75 m (riêng đoạn qua thành phố Đồng Xoài nền đường rộng 25,5 m), tốc độ thiết kế 100 - 120 km/h, tùy điều kiện địa hình.
Với quy mô đầu tư như trên, sơ bộ tổng mức đầu tư dự án cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành giai đoạn 1 khoảng 25.540 tỷ đồng. Về cơ cấu nguồn vốn, theo đề xuất mới nhất, vốn ngân sách trung ương sẽ tham gia dự án hơn 10.500 tỷ đồng (chiếm 50% tổng mức đầu tư), phần còn lại do nhà đầu tư thu xếp.
Cụ thể, để thuận lợi cho công tác triển khai, dự án được phân chia làm 5 dự án thành phần, trong đó 2 dự án thành phần 4, 5 là các dự án giải phóng mặt bằng; dự án thành phần 2, đầu tư xây dựng đường gom, cầu vượt ngang đường cao tốc địa phận tỉnh Đắk Nông do UBND tỉnh Đắk Nông làm chủ quản đầu tư; dự án thành phần 3, đầu tư xây dựng đường gom, cầu vượt ngang đường cao tốc địa phận tỉnh Bình Phước do UBND tỉnh Bình Phước làm chủ quản đầu tư. Các dự án nói trên thực hiện bằng vốn đầu tư công.
Dự án thành phần xây đường chính tuyến với chi phí hơn 19.610 tỷ đồng, gồm vốn ngân sách nhà nước là 6.840 tỷ đồng, vốn nhà đầu tư là 12.770 tỷ đồng. Về phương án thu phí, mức phí khởi điểm được đề xuất 2.100 đồng/km với xe tiêu chuẩn, thời gian hoàn vốn là 18 năm 1 tháng.
Nhằm giảm thiểu rủi ro cho nhà đầu tư, tỉnh Bình Phước đề xuất áp dụng cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu theo Điều 82 Luật Đầu tư PPP. Nguồn vốn dự kiến chi trả phần giảm doanh thu lấy từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương.
Nếu được cấp có thẩm quyền thông qua, các địa phương sẽ giải phóng mặt bằng trong năm 2024, thi công từ cuối năm 2024, hoàn thành năm 2026. Công tác giải phóng mặt bằng sẽ được thực hiện một lần theo quy mô 6 làn xe cao tốc, bề rộng nền đường 32,25 m.
Theo phương án đề xuất, công tác giải phóng mặt bằng dự án sẽ được thực hiện một lần theo quy hoạch được duyệt. Tính sơ bộ tổng diện tích đất sử dụng hơn 1.100 ha (tỉnh Đắk Nông khoảng 261 ha, tỉnh Bình Phước khoảng 850 ha); có hơn 1.200 hộ dân bị ảnh hưởng.
Dự án cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành khi đi vào hoạt động sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội Bình Phước và Đăk Nông, kết nối vùng Đông Nam Bộ với Tây Nguyên trong tương lai, giảm tải cho quốc lộ 14 - tuyến đường huyết mạch nối hai tỉnh
Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh vừa có tờ trình đề nghị Bộ Giao thông Vận tải tiến hành thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh, đoạn La Sơn -Hoà Liên.
Theo đó, dự án có tổng chiều dự kiến khoảng 64,9km (trong đó chiều dài tuyến qua tỉnh Thừa Thiên - Huế khoảng 35,6km; qua thành phố Đà Nẵng khoảng 29,5km).
Theo tính toán sơ bộ tổng mức đầu tư dự án là khoảng 3.011,4 tỷ đồng. Trong đó, chi phí xây dựng là 2.531 tỷ đồng; các khoản chi còn lại là tư vấn, quản lý dự án và dự phòng. Kinh phí đầu tư dự án được huy động từ vốn ngân sách Nhà nước.
Thanh Thủy