TP.HCM đã xác định tăng trưởng xanh là xu thế tất yếu với quyết tâm phát triển kinh tế xanh, tìm kiếm kinh nghiệm từ các mô hình trên thế giới và xây dựng chiến lược phù hợp với điều kiện của mình.
TP.HCM là địa phương có quy mô kinh tế lớn nhất cả nước, đóng góp khoảng 1/5 GDP, hơn 1/4 thu ngân sách quốc gia, dẫn đầu cả nước về thu hút FDI và xuất nhập khẩu, số DN đang hoạt động chiếm gần 30% cả nước. Tuy vậy, hiện TP.HCM cũng là địa phương có tổng lượng phát thải khí nhà kính lớn nhất: 57,6 triệu tấn, chiếm 23,3% cả nước. Về cơ bản nền kinh tế của TP.HCM chủ yếu vẫn phát triển theo hướng kinh tế tuyến tính và đang bước đầu hướng đến kinh tế tuần hoàn, xanh hóa, bảo vệ môi trường với rất nhiều việc phải làm tích cực hơn.
Kinh nghiệm là cộng đồng chung tay
Tại Diễn đàn Kinh tế TP.HCM 2023, một số chuyên gia của Hàn Quốc, Singapore chia sẻ, mọi quốc gia đều đối mặt với vấn đề về môi trường khi ưu tiên phát triển kinh tế. Động lực thúc đẩy phát triển kinh tế xanh ở Hàn Quốc, Singapore nhờ việc xây dựng cộng đồng cùng chung tay trên tinh thần tự nguyện của người dân và DN.
PGS.TS Vũ Quang Khương, Giảng viên cao cấp Trường Chính sách công Lý Quang Diệu - Singapore cho rằng, phát triển xanh, kinh tế xanh, sống xanh là điều bình thường. Trong quá trình thực hiện, điều đầu tiên là làm sao để người dân nhận thức được điều đó, chứ không nên khiến vấn đề xanh trong cuộc sống trở nên bất thường, gượng ép phải thực hiện:
“Mọi người đều chia sẻ về chuyển đổi xanh và các vấn đề khác liên quan đến phát triển xanh hay các vấn đề tổng lực thực hiện. Bây giờ các trường học cũng nên giảng dạy, chia sẻ kinh nghiệm hoặc khen thưởng cho những người quảng bá bằng mạng xã hội nội dung này. Mọi người cùng xem, đánh giá rồi khen thưởng. Với TP.HCM, sức mạnh của người dân đã rất kiên quyết thì kết hợp với sự chỉ đạo của Đảng chính quyền cũng quyết liệt nữa cả hai bên tạo nên sự cộng hưởng. Thành phố nên bắt đầu từ thách thức, không phải bắt đầu từ sức mạnh”, PGS.TS Vũ Quang Khương đề cập.
Phát triển kinh tế xanh, tăng trưởng xanh sẽ tạo cơ hội và động lực quan trọng nhằm cơ cấu lại nền kinh tế, cải thiện năng suất lao động, đồng thời thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững. Tuy nhiên, không có cách tiếp cận “phù hợp cho tất cả” để thúc đẩy tăng trưởng xanh do khác biệt trong điều kiện kinh tế và môi trường, nguồn tài nguyên và thể chế của mỗi quốc gia. Nhiều chuyên gia cho rằng, các công cụ chính sách hiệu quả, thiết thực và linh hoạt là trọng tâm trong việc tạo ra tăng trưởng xanh thành công và bền vững.
TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM- Bộ Kế hoạch- Đầu tư) cho biết, nhiều DN cho biết lo ngại lớn nhất của họ là sản phẩm xanh không được người tiêu dùng đón nhận, do giá cả cao hơn sản phẩm bình thường. Chính vì vậy, quá trình thực hiện chuyển đổi xanh cần có thêm chính sách, giải pháp để hỗ trợ DN, hỗ trợ tiêu dùng.
“Để hỗ trợ DN, TP.HCM có Nghị quyết 98 về một số cơ chế đặc thù liên quan đến hỗ trợ tiếp cận nguồn tài chính xanh hay những hỗ trợ kỹ thuật. Nếu chúng ta nghiên cứu kỹ, tận dụng lợi thế có thể ban hành thêm các chính sách, tiếp cận được thêm nhiều nguồn lực từ quốc tế, trong đó có vốn và kỹ thuật công nghệ để thực hiện kinh doanh, kinh tế tuần hoàn một cách tốt nhất”, bà Minh khuyến nghị.
Chiến lược xanh hóa của TP.HCM
TP.HCM sẽ thí điểm xây dựng Cần Giờ trở thành địa phương xanh, đây là địa phương tiên phong thực hiện mục tiêu Net Zero vào năm 2035, trước 15 năm so với cam kết của Việt Nam với quốc tế. Thành phố xác định, đã sản xuất không thể không có phát thải, nhưng phải giảm đến mức có thể và phát thải ra cần phải có bù trừ. Cần có nhiều giải pháp để trung hòa phát thải carbon, Net Zero là cân bằng giữa sản xuất và phục hồi (phát thải như cũ nhưng sản xuất vẫn tăng trưởng bình thường). Từ đó dẫn đến những tư duy mới như kinh tế tuần hoàn, sản xuất xanh, tài chính xanh, nhân lực xanh, tiêu dùng xanh, tín chỉ carbon…Tất cả nhằm mục tiêu cuối cùng là tăng trưởng xanh.
Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, TP.HCM cần phải nắm bắt xu hướng chuyển đổi xanh và thúc đẩy chuyển đổi xanh để tạo không gian mới, động lực mới, năng lực cạnh tranh mới cho kinh tế TP, đóng góp vào kinh tế của cả nước. TP thấy rằng, những thúc bách từ bên trong như động lực tăng trưởng, biến đổi khí hậu, chất lượng cuộc sống, an ninh năng lượng, bảo tồn… đòi hỏi phải có những hành động trước mắt và lâu dài để cải thiện.
“Đây là những vấn đề nội tại mà thành phố nhận thấy, nếu không chuyển đổi xanh, nếu không tiếp cận xu thế thế giới, không có chiến lược bài bản, không có chính sách cụ thể, lâu dài chắc chắn kinh tế TP.HCM sẽ không tạo ra giá trị mới, năng lực cạnh tranh mới, không có đóng góp tốt cho nền kinh tế cả nước”, ông Mãi chỉ rõ.
TP.HCM đang tái cơ cấu kinh tế, trong đó xác định kinh tế xanh là động lực thúc đẩy tăng trưởng, phát triển bền vững giai đoạn tới. TP.HCM đang nghiên cứu đề ra khung chiến lược phát triển xanh, cam kết bố trí đầy đủ nguồn lực để thực hiện, hướng tới phát thải ròng về 0 (Net Zero) vào năm 2050.
Riêng về tài chính cho chuyển đổi để tăng trưởng xanh, theo TS. Trần Văn, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách của Quốc hội, Viện trưởng Viện Chiến lược Phát triển Kinh tế số (IDS), các thị trường tài chính trên thế giới đã nhanh chóng nắm bắt xu thế phát triển xanh, sạch và đưa ra nhiều công cụ tài chính tương ứng. TP.HCM hoàn toàn có thể xây dựng đề án phát hành trái phiếu xanh của chính quyền địa phương, khuyến khích DN phát hành trái phiếu DN xanh phục vụ cho các mục tiêu, chương trình, dự án xanh đáp ứng đủ các tiêu chí phát triển xanh. Nếu quyết định như vậy, TP.HCM cần nghiên cứu ban hành các cơ chế, chính sách, quy định pháp luật, đòn bẩy kinh tế cho thị trường trái phiếu xanh.
“Trái phiếu nên phải đáp ứng được yêu cầu của thị trường vốn và cũng phải có những quy định chặt chẽ, có những cam kết của TP.HCM về lãi suất, thời hạn đối với trái phiếu do thành phố phát hành, còn trái phiếu DN phát hành cũng phải có quy định cụ thể. Đồng thời, phải mua lại khi người dân có nhu cầu bán lại các trái phiếu đó”, TS. Trần Văn đưa ra quan điểm.
Đồng quan điểm này, Chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch, Chủ tịch Hội đồng tư vấn triển khai thực hiện Nghị Quyết 98/2023 cho rằng, TP.HCM có thể phát hành trái phiếu xanh để đầu tư một phần hay toàn bộ cho các dự án năng lượng tái tạo, dự án thích ứng với biến đổi khí hậu… Đồng thời, cần xây dựng các chính sách ưu đãi, giảm rào cản cho tín dụng xanh thông qua các trợ cấp theo hướng đền bù rủi ro và bảo đảm tài trợ, hỗ trợ chi phí giao dịch liên quan đến phát hành trái phiếu xanh cho các tổ chức phát hành. Thành phố nên coi đây là một nhiệm vụ quan trọng cho một trung tâm tài chính quốc tế thế hệ mới là xanh hóa và số hóa.
“Từ kết quả Diễn đàn Kinh tế TP.HCM vừa rồi về tăng trưởng xanh, tôi cho rằng có nhiều giải pháp có ý nghĩa cần đúc kết ngay trong thời điểm này, để hình thành một hệ thống quan điểm phát triển, hỗ trợ DN chuyển đổi xanh như thế nào trong thẩm quyền của thành phố. Đấy là nền tảng cho phát triển tín dụng xanh và tiếp nhận tín dụng xanh”, TS. Trần Du Lịch nhận định.
TP.HCM xác định nguồn lực để thực hiện chuyển đổi xanh là tài chính xanh, nhân lực chất lượng cao, kết nối trong nước, hợp tác quốc tế. Hiện mặt bằng pháp lý cần nghiên cứu hoàn thiện hơn cho tài chính xanh. Một số trụ cột khác của khung chiến lược chuyển đổi xanh, phát triển bền vững của TP.HCM là hạ tầng, hành vi, tuần hoàn tài nguyên. Trong trụ cột hạ tầng, TPHCM định hướng tập trung cho năng lượng. Hiện năng lượng sạch chỉ chiếm 14%, đến năm 2030 cũng chỉ tối đa 30%.
TP.HCM nhận trách nhiệm là địa phương đi đầu trong chuyển đổi xanh, phát triển bền vững, là địa phương nhận nhiệm vụ đầu tiên, nhận nhiệm vụ lớn nhất để thực hiện các cam kết quốc gia trong hợp tác quốc tế. Vì lẽ đó, thành phố không có sự lựa chọn nào khác và xem đây là tất yếu phải tiên phong thực hiện chuyển đổi xanh, nỗ lực cho phát triển bền vững.