• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.228,33 +11,79/+0,97%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:01 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.228,33   +11,79/+0,97%  |   HNX-INDEX   221,76   +0,47/+0,21%  |   UPCOM-INDEX   91,50   +0,41/+0,45%  |   VN30   1.286,67   +14,94/+1,17%  |   HNX30   469,81   +2,48/+0,53%
21 Tháng Mười Một 2024 8:13:58 CH - Mở cửa
Israel và hệ luỵ dai dẳng từ xung đột tại Gaza
Nguồn tin: Công an nhân dân | 29/11/2023 7:15:00 SA
Israel đang là tâm điểm của dư luận quốc tế khi cuộc xung đột tại Dải Gaza cho đến nay vẫn chưa nhìn thấy ánh sáng cuối đường hầm. Nhiều đề xuất và lời kêu gọi ngừng bắn, ít nhất là vì nhân đạo, đều chưa thể thành hiện thực hay kéo dài như người ta trông đợi. Israel có lý do để tự vệ, cả chính đáng và không – tùy theo từng góc nhìn, song có một điều chắc chắn rằng cuộc xung đột hiện nay sẽ kéo theo rất nhiều hệ quả khó lường, về con người, vật chất, kinh tế và cả con đường tương lai của một “Trung Đông mới” mà nhà nước Do Thái này mới chỉ bắt đầu những bước đầu tiên.
 
Khi nền kinh tế “đau tim”
 
Nền kinh tế quốc gia Do Thái thường phục hồi nhanh chóng sau những đụng độ trước đây song chiến sự lần này kéo dài và nghiêm trọng hơn rất nhiều. Thiếu hụt về nguồn nhân lực và chuỗi cung ứng gián đoạn khiến nền kinh tế có thể suy sụp mạnh hơn trong khi quá trình hồi phục đòi hỏi nhiều thời gian hơn. Cuộc chiến cũng sẽ phá vỡ nhiều dự định tài chính của chính phủ, đòi hỏi tăng chi tiêu, trong bối cảnh hoạt động kinh tế và doanh thu thuế đều sụt giảm.
 
Theo một báo cáo được Bộ Lao động Israel công bố mới đây, khi cuộc xung đột tại Gaza chưa thấy hồi kết, các doanh nghiệp phải vật lộn với tình trạng lực lượng lao động giảm trung bình 18%. Khoảng 760.000 người, chiếm gần 1/5 lực lượng lao động của quốc gia này, đã bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố, từ nghĩa vụ quân sự, cư trú ở các khu vực lân cận Gaza hoặc trách nhiệm chăm sóc trẻ em. Bên cạnh đó, 46.000 nhân viên, khoảng 1% lực lượng lao động, đã phải đối mặt với việc bị chấm dứt hợp đồng hoặc nghỉ phép không lương.
 
 
 
Tình nguyện viên tham gia thu hoạch cây ăn quả tại trang trại Kfar Menahem, miền Bắc Israel (tháng 10/2023). Ảnh của Yossi Zamir.
 
Việc huy động trở lại khoảng 360.000 người trong lực lượng quân nhân dự bị tham gia quân đội là một yếu tố khiến thị trường lao động Israel trở nên khan hiếm. Phần lớn trong số này là nhân lực ngành công nghệ cao, cùng nhiều lao động trong các lĩnh vực dịch vụ như du lịch, khách sạn, giao nhận hoặc thậm chí là cả giám đốc công ty khởi nghiệp hoặc chủ trang trại.
 
Có nhiều lý do để nói rằng tình trạng thiếu hụt nguồn lao động đang trực tiếp ảnh hưởng đến hai ngành công nghiệp quan trọng nhất của Israel, vốn được đánh giá là trái tim của nền kinh tế nước này – công nghệ cao và nông nghiệp.
 
Thuận buồm hay sóng gió?
 
Công nghệ cao là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế và là tài sản quan trọng để duy trì lợi thế quân sự của Israel. Chính phủ cũng đã tận dụng ngành này trong lĩnh vực ngoại giao để tăng cường mối quan hệ với nhiều quốc gia trên khắp thế giới.
 
Từ khi cuộc xung đột bùng phát, dư luận nổi lên nhiều luồng ý kiến trái ngược nhau về hướng đi của ngành công nghệ cao tại Israel. Một bên tỏ ra lạc quan về khả năng phục hồi của lĩnh vực công nghệ với những kỳ vọng về làn sóng mới các cải tiến thức thời – từ những ứng dụng công nghệ quân sự được mở rộng sang lĩnh vực dân sự.
 
Trong một bài viết trên tờ “Jpost”, Giám đốc điều hành (CEO) PSG Equity Ronen Nir tự tin cho rằng sau những hỗn loạn, làn sóng đổi mới tại Israel sẽ đón nhận những luồng gió đặc biệt thuận lợi. Trong khi đó, CEO hãng đầu tư toàn cầu OurCrowd Jon Medved chia sẻ rằng dù thiếu từ 10-25% lực lượng lao động, các công ty công nghệ vẫn đáp ứng hiệu quả các cam kết và thỏa thuận dịch vụ. Thực tế này phản ánh tính linh hoạt và khả năng thích ứng của cộng đồng công nghệ - điều đã được thử thách phần nào qua giai đoạn dịch COVID-19 gần đây.
 
Tuy nhiên, không ít ý kiến cho rằng rắc rối đang ngày càng lớn hơn. Số liệu cho thấy nguồn lực lao động trong ngành công nghệ nằm trong danh sách lực lượng dự bị chiến đấu cao hơn các ngành nghề khác, và nhiều người trong đó là các nhân viên công nghệ cao. Cuộc chiến chưa có hồi kết và cũng chưa thấy tín hiệu hòa giải giữa các bên, khiến ảnh hưởng của tình trạng này đối với ngành công nghệ, cũng như cả nền kinh tế, đặc biệt khó đoán định.
 
Trong vấn đề này, nổi lên 2 rủi ro lớn. Thứ nhất là nguy cơ các doanh nghiệp không đủ nhân lực để thực hiện các cam kết và hợp đồng với khách hàng quốc tế. Thứ hai, là tiềm ẩn khó khăn trong việc gây quỹ cho các công ty khởi nghiệp. Việc hỗ trợ và đảm bảo sự tồn tại của các công ty khởi nghiệp để duy trì sức sống của ngành công nghiệp trong những năm tới là yếu tố quan trọng trong ngành công nghệ cao. Do đó, xét ở khía cạnh này, chính phủ cần những biện pháp chủ động và nhanh chóng bảo vệ chuỗi cung ứng, đảm bảo các hoạt động kinh doanh không gián đoạn. Chủ tịch Hiệp hội Công nghệ cao Israel Marian Cohen thừa nhận thực tế đây là điều Israel chưa từng đối mặt trong lịch sử và vì vậy việc tìm các giải quyết cần phải được tiếp cận trên cơ sở hoàn toàn khác so với bất kỳ sự kiện nào trước đây.
 
Cả hệ thống phải vào cuộc
 
Công nghệ cao không phải là lĩnh vực duy nhất chịu ảnh hưởng từ thiếu hụt nhân lực. Khoảng trống lực lượng lao động có thể cảm nhận đặc biệt rõ trong lĩnh vực nông nghiệp, với tác động thậm chí được cho là tồi tệ nhất kể từ khi thành lập nhà nước Do Thái.
 
Theo số liệu thống kê, 75% rau ở Israel được trồng ở miền Nam cùng với rất nhiều loại cây trồng khác. Các khu vực canh tác gần với Dải Gaza cung cấp khoảng 20% sản lượng hoa quả và 6,5% sản lượng sữa cho cả nước, chưa kể các loại thịt gia cầm, gia súc đều nằm trong những khu vực hiện rất khó tiếp cận vì rủi ro từ các cuộc xung đột. Người dân phải sơ tán trong khi các con đường dẫn vào các khu dân cư đều đã bị quân đội phong tỏa.
 
Phía Bắc Israel, gồm vùng thượng Galillee, cũng là khu vực cung cấp khoảng 67% sản lượng trứng hàng năm của cả nước và 40% các loại cây ăn quả. Giao tranh khiến hoạt động sản xuất nông nghiệp nằm trong phạm vi 4km với biên giới đều bị tạm dừng, gia súc, gia cầm không người chăm sóc và nông sản thiếu người thu hái khiến người nông dân đau đầu và tạo ra nghịch lý khi nguồn cung dư thừa nhưng không thể thu hoạch và vận chuyển, gây lo ngại cho cả người tiêu dùng vì vật giá leo thang khi hàng hóa khan hiếm. Khu vực biên giới phía Bắc Israel càng ở trong tình trạng căng thẳng khi lực lượng Hezbollah ở Liban cũng phát động các đợt tấn công bằng đạn pháo và máy bay không người lái qua biên giới, buộc người dân ở 28 khu dân cư trong bán kính 2 km dọc biên giới với Liban phải sơ tán.
 
Cuộc khủng hoảng của ngành nông nghiệp được nhấn mạnh hơn nữa bởi tác động đáng kể của cuộc xung đột gần đây đối với lực lượng lao động nước ngoài. Trước xung đột Israel-Hamas, gần 30.000 nông dân trang trại nước ngoài, chủ yếu từ Thái Lan, làm việc ở Israel; tính chung số lao động làm các ngành nghề liên quan đến sản xuất nông nghiệp và chế biến nông sản, con số này còn lớn hơn nhiều. Tính sơ bộ số lao động nước ngoài chiếm khoảng 50% tổng nhân lực trong ngành nông nghiệp tại Israel và xung đột đã khiến số lượng lao động trong lĩnh vực nông nghiệp giảm một nửa. Nhiều lao động sơ tán khỏi nơi làm việc, hoặc rời khỏi Israel do lo ngại an ninh, trong khi hàng chục nghìn lao động có giấy phép từ Dải Gaza và hàng chục nghìn lao động Palestine từ Bờ Tây cũng phải rời khỏi Israel sau khi nổ ra chiến tranh.
 
Khi xung đột và giao tranh khiến hoạt động trồng trọt, thu hoạch, và vận chuyển trong khu vực bị đình trệ, một số ý kiến cho rằng tình trạng sẽ sớm buộc chính phủ phải cho phép nhập khẩu nhiều mặt hàng, điều cho đến nay vẫn rất hạn chế. Chính phủ Israel cũng đang có những động thái khuyến khích người dân địa phương tham gia lực lượng lao động trong ngành nông nghiệp, với hàng loạt sáng kiến hỗ trợ tài chính. Những người Israel mới làm các công việc trang trại sẽ nhận được khoản trợ cấp hàng tháng là 3.000 NIS (khoảng 800 USD) trong tối thiểu 2 tháng, với số tiền tăng lên 4.000 NIS trong tháng thứ ba mỗi người ngoài mức lương theo quy định. Trợ cấp tăng gấp đôi với người lao động làm việc tại những vùng nguy hiểm gần biên giới.
 
Vết thương “chưa ngủ yên”
 
Vấn đề Israel-Palestine những năm gần đây có phần tạm lắng khi khu vực bắt đầu nhen lên xu hướng ưu tiên các vấn đề địa kinh tế, song cuộc xung đột hiện nay lại đe dọa kéo một Trung Đông “mới” trở lại những rạn nứt cũ.
 
Ý tưởng về một Trung Đông “mới” đã đạt được sức hút về mặt thể chế vào năm 2020, khi Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Bahrain và Israel bình thường hóa quan hệ và thiết lập liên hệ ngoại giao chính thức như một phần của “Hiệp định Abraham”, được làm trung gian dưới sự bảo trợ của Mỹ từ thời Tổng thống Donald Trump.
 
Những bước tiến mở ra cơ hội  hợp tác kinh tế mới và quan trọng hơn là đưa Israel đến gần hơn với môi trường kinh doanh đầy tiềm năng tại Arab. Lĩnh vực công nghệ thế mạnh của Israel có thể xem đây là “bàn đạp” để tiếp cận các nền kinh tế toàn cầu. Những thay đổi cơ bản nêu trên, phá vỡ phần nào những căng thẳng và mất lòng tin trong khu vực trong nhiều thập kỷ, cũng góp phần đem lại các dự án địa kinh tế rộng lớn hơn như việc thành lập nhóm Ấn Độ-Israel-UAE-Mỹ - I2U2 vào năm 2022, để thúc đẩy hợp tác kinh tế. Gần đây hơn, bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 ở New Delhi, một sáng kiến kinh tế khác là Hành lang kinh tế Ấn Độ - Trung Đông - Châu Âu (IMEEC) đã được công bố, thu hút nhiều bên liên quan gồm Saudi Arabia, UAE, Israel, Italy, Đức, Liên minh châu Âu và thậm chí cả Jordan. Tất nhiên, đây đều là những dự án dài hạn. Trong khi I2U2 vẫn đang cố gắng hướng đến một số thành tựu, IMEEC vẫn chỉ mới nằm trên giấy và còn nhiều yếu tố cần hoàn thiện. Các dự án kết nối rất phức tạp có thể mất hàng thập kỷ mới có kết quả (nếu có), đòi hỏi cả sự kiên nhẫn về mặt chính trị và nguồn vốn lớn.
 
Nhiều đứt gãy địa chính trị khác trong khu vực, như cuộc chiến ở Yemen, khủng hoảng Syria, bất ổn ở Iraq,… cũng đang được người ta xem xét qua các cơ chế bình thường hóa quan hệ giữa Saudi Arabia và Iran cùng nhiều sáng kiến khác.
 
Tuy nhiên, tất cả các diễn biến chiến lược này đều có thể đổ vỡ sau những gì diễn ra ở Gaza, càng nhấn mạnh rằng một Trung Đông “mới” sẽ khó khả thi khi vết nứt Israel-Palestine ngày càng khoét sâu. Quá nhiều thách thức – cả mới và cũ - đã nổi lên ngay sau sự kiện ngày 7/10 và những biến số từ đó khiến chưa ai có thể nói chắc về kết cục trong thời gian tới.