Thời gian qua, hoạt động hội nhập kinh tế quốc tế được An Giang quan tâm triển khai thực hiện, đạt nhiều thành tựu quan trọng, đa dạng thị trường, chuỗi cung ứng và sản phẩm xuất khẩu. Từ đó, đưa hàng hóa của tỉnh tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng, nâng cao giá trị xuất khẩu các mặt hàng chủ lực; thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng mạnh; góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao uy tín, vị thế của tỉnh.
Kết quả tích cực
An Giang triển khai thực hiện tốt kế hoạch thực hiện Đề án phát triển thương mại biên giới và phát triển hệ thống logistics, nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp (DN) khu vực kinh tế tư nhân và các thành phần kinh tế khác đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa vào thị trường Campuchia và một số quốc gia ASEAN. Khai thác tốt kinh tế biên mậu; thủ tục thông quan xuất, nhập khẩu hàng hóa tại các cửa khẩu hoạt động đúng quy định; hoạt động thương mại biên giới của thương nhân và cư dân hai bên biên giới diễn ra thông thoáng.
Tổng giá trị xuất, nhập khẩu qua các cửa khẩu biên giới An Giang giai đoạn 2017 - 2022 đạt trên 12 tỷ USD. Trong đó, xuất, nhập khẩu đăng ký tại tỉnh hơn 3,6 tỷ USD; hàng hóa đăng ký nơi khác thực hiện xuất khẩu qua cửa khẩu An Giang trên 8,4 tỷ USD. 10 tháng của năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt trên 1,95 tỷ USD; trong đó xuất, nhập khẩu qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh gần 800 triệu USD; hàng hóa đăng ký nơi khác xuất khẩu qua cửa khẩu An Giang trên 1,16 tỷ USD.
An Giang có 16/170 thương nhân đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo, đứng thứ 4 cả nước. Đồng thời, có nhiều DN xuất khẩu uy tín nhiều năm liền, như: Công ty Cổ phần Rau quả thực phẩm An Giang (Antesco), Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời, Công ty TNHH Lương thực Tấn Vương, Công ty TNHH Angimex - Kitoku, Công ty Cổ phần Nam Việt, Công ty Cổ phần XNK Thủy sản Cửu Long An Giang... Tỉnh còn có 10/19 DN xuất khẩu gạo, 23/45 DN xuất khẩu thủy sản, 1 DN xuất khẩu rau quả có chứng nhận Halal. Đây là tự hào của tỉnh, triển vọng mở rộng thị trường xuất khẩu.
Chế biến thủy sản xuất khẩu
Hỗ trợ doanh nghiệp hội nhập
An Giang phối hợp thường xuyên với các cơ quan Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), Vụ Thị trường châu Âu, châu Mỹ; Vụ Thị trường châu Á, châu Phi; Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài trong thông tin hỗ trợ phát triển thị trường. Thường xuyên cung cấp thông tin về thị hiếu tiêu dùng, yêu cầu chất lượng, giá cả các loại sản phẩm và dự báo xu thế, phát triển thị trường... Liên hệ với các tham tán thương mại Việt Nam tại nước ngoài, Phòng Thương mại và Hiệp hội DN nước ngoài tại Việt Nam hỗ trợ kết nối DN An Giang xâm nhập vào thị trường tiêu thụ các nước.
Bên cạnh, tạo điều kiện hỗ trợ DN hội nhập kinh tế quốc tế, thông qua các hoạt động hỗ trợ tư vấn pháp lý cho các DN, đảm bảo phù hợp với những cam kết theo thông lệ quốc tế mà Việt Nam đã ký kết. Xúc tiến thương mại trong, ngoài tỉnh và quốc tế; hỗ trợ DN, cơ sở sản xuất ứng dụng, đổi mới thiết bị, nâng cao chất lượng sản phẩm...
Phó Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Thành Huân cho biết, thời gian qua, đã chủ trì, phối hợp tổ chức trên 20 lớp tập huấn và hội nghị, hội thảo trực tiếp, trực tuyến… và tuyên truyền, cập nhật thông tin về hội nhập kinh tế quốc tế. Đặc biệt, khai thác và tận dụng hiệu quả các mối quan hệ với Tham tán Thương mại Việt Nam tại các nước. “Từ năm 2016 đến nay, đã gửi 52 công văn đến Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài, đặc biệt là các nước là thành viên của Hiệp định thương mại CPTPP (Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương) và EVFTA (Hiệp định thương mại tự do Liên minh Châu Âu - Việt Nam), để giới thiệu thông tin qua lại giữa DN xuất khẩu của tỉnh đến DN nhập khẩu của nước sở tại. Đồng thời, có công văn gửi đến 13 Phòng Thương mại và Hiệp hội DN nước ngoài tại Việt Nam (Đức, Hoa Kỳ, Úc, Anh, Canada, Italia, Ấn Độ, Nhật Bản, Hong Kong, Malaysia, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan) đề xuất hỗ trợ thúc đẩy xuất khẩu ngành thủy sản của tỉnh”- ông Huân cho biết.
An Giang quan tâm nâng cao giá trị sản phẩm chủ lực
Nâng cao hiệu quả hội nhập
Nhằm chủ động, tích cực khai thác và tận dụng tối đa lợi ích trong hội nhập kinh tế quốc tế, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch thực hiện Nghị quyết về nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế, thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh và bền vững giai đoạn 2023 - 2030.
Theo đó, tỉnh tiếp tục thực thi đầy đủ, nghiêm túc các cam kết về hội nhập kinh tế quốc tế và các cam kết trong các Hiệp định thương mại tự do (FTA). Đặc biệt là kế hoạch thực thi các FTA thế hệ mới, như: CPTPP, EVFTA, UKVFTA (Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh) và RCEP (Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực ); tận dụng ưu đãi trong các FTA để thúc đẩy xuất khẩu, mở rộng thị trường.
Cùng với đó, xây dựng chiến lược phát triển các sản phẩm, ngành hàng gắn với chiến lược phát triển thương hiệu quốc gia; xúc tiến thương mại, đầu tư, du lịch, xây dựng thương hiệu; phát triển thương mại điện tử, mở rộng thị trường. Hợp tác chặt chẽ với cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài trong phối hợp với cộng đồng DN và các cơ quan liên quan trong và ngoài nước mở rộng thị trường xuất khẩu, xúc tiến thương mại, du lịch và thu hút đầu tư; hỗ trợ bảo vệ quyền lợi của DN trong các vụ tranh chấp thương mại. Cải thiện từng bước cơ sở hạ tầng logistics nội địa, đặc biệt là kho bãi và vận chuyển từ các vùng sản xuất tới các cửa khẩu. Tận dụng cơ hội từ quá trình tái cơ cấu chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu hậu COVID-19 để tăng cường sự tham gia của DN vào các chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu.
Xuất khẩu gạo
Giải pháp then chốt, tỉnh đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Triển khai các chương trình đầu tư quy mô lớn, nhất là cho hạ tầng chiến lược, thúc đẩy các dự án hạ tầng giao thông liên vùng, năng lượng xanh, hạ tầng xanh; tháo gỡ khó khăn cho DN, quan tâm các DN đầu tư nước ngoài tại địa phương.