• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.242,11 +0,14/+0,01%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:00 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.242,11   +0,14/+0,01%  |   HNX-INDEX   223,57   +0,48/+0,21%  |   UPCOM-INDEX   92,35   +0,39/+0,42%  |   VN30   1.301,52   +0,46/+0,04%  |   HNX30   475,60   +1,33/+0,28%
28 Tháng Mười Một 2024 4:57:24 CH - Mở cửa
Doanh nghiệp Hàn Quốc lưu ý gì khi đầu tư vào miền Trung?
Nguồn tin: Nhà đầu tư | 01/12/2023 2:31:16 CH

Dù được tạo nhiều điều kiện thuận lợi, nhưng nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc vẫn gặp nhiều rào cản khi đầu tư vào miền Trung.

Lợi thế về nguồn lao động

Hoạt động tại Hàn Quốc đến nay được 40 năm, ngay từ đầu khi thành lập, Công ty Seoul System Vina tập trung vào phát triển phần mềm ứng dụng. Hiện, đây là doanh nghiệp được đánh giá cao trong trong ngành phát triển phần mềm ở Hàn Quốc.

Theo ông Kim Hak Sun, Tổng Giám đốc Công ty Seoul System Vina, có một vấn đề nổi cộm của ngành IT không chỉ ở Hàn Quốc mà còn ở Việt Nam đó là vấn đề thiếu nhân lực, đặc biệt ở doanh nghiệp tầm trung như Công ty Seoul System Vina.

Theo đó, việc thu hút nhân lực IT có trình độ cao rất khó, nhất thời điểm hiện nay, khi các tập đoàn IT lớn ở Hàn Quốc đưa ra đãi ngộ rất tốt và thu hút nhân lực chất lượng cao.

Đến giải quyết vấn đề trên, từ năm 2018, doanh nghiệp đã mở rộng hoạt động ở Việt Nam. Bản thân ông đến Việt Nam nhiều lần, nhiều thành phố và quyết định chọn mở chi nhánh ở Đà Nẵng vào tháng 1/2022.

Ông Kim Hak Sun nhìn nhận, trình độ nhân lực IT ở Đà Nẵng nói riêng và khu vực miền Trung nói chung không thua kém gì so với ở Hà Nội hay TP. HCM. Cùng với đó, việc tuyển dụng nhân lực IT ở Đà Nẵng cũng dễ dàng hơn, nhân viên cũng không có tình trạng nhảy việc.

Hiện, có khoảng 250 doanh nghiệp Hàn Quốc đang hoạt động tại khu vực miền Trung. Ảnh: T.V

Song, sau khi tuyển dụng, doanh nghiệp sẽ trải qua một số khó khăn ban đầu. Trong đó, khó khăn về ngôn ngữ là rào cản lớn nhất giữa nhà phát triển phần mềm người Hàn Quốc và người Việt.

"Nhưng sau 1 năm rưỡi làm việc chung, đội ngũ nhân lực IT của Việt Nam đang đảm nhiệm những dự án rất lớn, quan trọng do trụ sở ở Seoul chia sẻ", ông Kim nói thêm.

Tương tự, năm 2018, Công ty CTR Vina chính thức hoạt động tại Khu công nghiệp Tam Thăng (TP. Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam), chuyên sản xuất và bán linh kiện ô tô với diện tích nhà xưởng là 55 nghìn m2.

Sau hơn 5 năm kinh doanh tại miền Trung, ông Lee Sung Hoon, Tổng Giám đốc Công ty CTR Vina cho rằng, nếu so với các địa phương ở miền Bắc và miền Nam, việc tuyển dụng nhân sự ở khu vực miền Trung có nhiều thuận lợi.

"Do nhà máy của chúng tôi ở TP. Tam Kỳ nên công ty ưu tiên những nhân viên sống gần ở công ty. Bởi, nhân viên sẽ đi làm bằng xe máy và nếu thời gian di chuyển đến công ty quá 30 phút, họ sẽ không gắn bó lâu với công ty", ông Lee Sung Hoon lưu ý.

Bên cạnh đó, Tổng Giám đốc Công ty CTR Vina còn cho hay, lực lượng lao động tại miền Trung có khả năng giao tiếp và hợp tác rất tốt. Giao thông ở khu vực này rất thuận lợi, chất lượng không khí tốt, tình hình an ninh rất an toàn. Vật giá của miền Trung rất rẻ nếu so với các khu vực khác, có nhiều địa điểm tham quan du lịch quốc tế như: Hội An, Huế, Đà Nẵng…

"Tôi có 5 năm sống và làm việc tại miền Trung nhưng không có tình trạng mất điện đột xuất, trước khi cúp điện, doanh nghiệp đều được thông báo trước để chuẩn bị", ông Lee Sung Hoon nói thêm.

Gặp khó trong thủ tục hành chính

Qua tìm hiểu, các doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam tập trung nhiều hơn ở khu vực miền Bắc và miền Nam. Nhưng nhờ chính sách phát triển cân bằng giữa các khu vực của Việt Nam và hoạt động thu hút đầu tư tích cực của chính quyền các địa phương, ngày càng có nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc quan tâm đến khu vực miền Trung hơn trước. Hiện, có khoảng 250 doanh nghiệp Hàn Quốc đang hoạt động tại khu vực miền Trung.

Khu công nghiệp Tam Thăng (Quảng Nam) nhìn từ trên cao. Ảnh: T.V.

Nhưng theo Tổng Giám đốc Công ty CTR Vina, để đầu tư vào khu vực miền Trung các doanh nghiệp Hàn Quốc cần lưu ý về nguồn nguyên vật liệu để phục vụ sản xuất và phương án vận chuyển.

Bởi, khu vực miền Trung còn thiếu hệ sinh thái dành cho các lĩnh vực, riêng đối với Công ty CTR Vina, hơn 90% nguyên vật liệu phải nhập khẩu từ Hàn Quốc.

Chưa hết, ở miền Trung có bão rất nhiều, cơ sở hạ tầng sẽ bị ảnh hưởng theo. Bên cạnh đó, còn những khó khăn về tuyển dụng nhân lực chất lượng cao; thiếu cơ sở hạ tầng về văn hóa, xã hội; không có trường quốc tế cho con em chuyên gia nước ngoài…

Trong khi đó, theo ông Kim Hak Sun, Tổng Giám đốc Công ty Seoul System Vina, khó khăn nhất của ông hiện nay là công tác xin visa và làm các thủ tục hành chính.

Ông này dẫn chứng, trong 1 năm vừa qua, cứ phải 3 tháng/lần, ông phải đi gia hạn visa, gần đây nhất ông mới xin được visa để định cư lâu dài ở Việt Nam trong vòng 2 năm.

Đồng thời, công ty muốn thay đổi địa chỉ, muốn mở rộng đầu tư hay thay đổi vốn điều lệ đều phải cần phải nhiều thủ tục hồ sơ liên quan. Nhưng khi nhân viên người Việt của doanh nghiệp đến nộp hồ sơ rất khó khăn.

"Tôi không biết hồ sơ đã chuẩn bị đủ hay chưa, không biết bao giờ hồ sơ sẽ được tiếp nhận, việc tôi xin bao giờ sẽ hoàn thành, lúc nào cũng chỉ chờ đợi. Nếu thời gian tới, việc này được cải thiện hơn, việc đầu tư của các doanh nghiệp Hàn Quốc vào miền Trung nói riêng và Việt Nam nói chung sẽ thuận lợi hơn rất nhiều", ông Kim Hak Sun thẳng thắn nói.

Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1992, mối quan hệ giữa Hàn Quốc và Việt Nam đã phát triển nhanh chóng trên mọi lĩnh vực, đặc biệt là kinh tế.

Tính đến tháng 7 năm nay, Hàn Quốc là đối tác đầu tư lớn nhất tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư là 83 tỷ USD; đứng thứ hai về số vốn đầu tư mới.

Trong lĩnh vực thương mại, kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao ở mức khoảng 500 triệu USD, kim ngạch thương mại giữa hai nước đã tăng hơn 160 lần trong 30 năm qua, đạt 81,1 tỷ USD vào năm 2022 và hai nước hiện là đối tác thương mại lớn thứ ba của nhau.

Sự hợp tác kinh tế tích cực này là tiền đề thúc đẩy việc nâng cấp mối quan hệ giữa hai nước lên thành "đối tác chiến lược toàn diện" vào cuối năm ngoái và trung tâm của sự hợp tác này là khoảng 8.000 doanh nghiệp Hàn Quốc hiện đang hoạt động tại Việt Nam.

Nguyễn Tri