Tính đến ngày 30/11/2023, tỉnh Điện Biên đã thực hiện giải ngân 951.129 triệu đồng vốn đầu tư phát triển (đạt 54,4% vốn giao) và 287.996 triệu đồng vốn sự nghiệp (đạt 24,4% vốn giao).
Báo cáo của UBND tỉnh Điện Biên cho biết, kế hoạch vốn năm 2022 kéo dài sang năm 2023 đã giải ngân vốn đầu tư phát triển là 321.772 triệu đồng (đạt 63,1% kế hoạch); Vốn sự nghiệp là 33.854 triệu đồng (đạt 14,1% kế hoạch). Kế hoạch vốn năm 2023 đã giải ngân vốn đầu tư phát triển là 629.357 triệu đồng (đạt 53,5% kế hoạch); Vốn sự nghiệp là 254.142 triệu đồng (đạt 27,1% kế hoạch).
Trong quá trình triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 – 2025, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương đã ban hành đầy đủ các văn bản, hướng dẫn để tổ chức triển khai khai thực hiện Chương trình. Tuy nhiên, tỉnh Điện Biên đã gặp không ít khó khăn để triển khai. Một số dự án trên địa bàn tỉnh chậm tiến độ do các thủ tục đầu tư xây dựng các công trình, dự án cơ sở hạ tầng liên quan đến nhiều lĩnh vực, cần thực hiện nhiều quy trình, thủ tục liên quan đến các Luật: Xây dựng, Đấu thầu, Đất đai, Môi trường, Lâm nghiệp…
Một số dự án liên quan đến chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên theo quy định thuộc thẩm quyền cho phép của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nên thường mất nhiều thời gian để thực hiện, ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ thực hiện và giải ngân vốn.
Để tiếp tục triển khai, thực hiện có hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025, tỉnh Điện Biên đã đề nghị Quốc hội có cơ chế đặc thù hỗ trợ tỉnh Điện Biên và các tỉnh miền núi phía Bắc, các xã đặc biệt khó khăn trong quá trình xây dựng nông thôn mới.
Địa phương cũng kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét điều chỉnh giảm nhiệm vụ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi: Đến năm 2025, từ 45 xã ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn giảm xuống còn 32 xã thoát khỏi đặc biệt khó khăn. Nguyên nhân là tỉnh Điện Biên có tỷ lệ hộ nghèo cao, nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, tỷ lệ hộ nghèo là người dân tộc thiểu số chiếm tới trên 99%.
Ngoài ra, tỉnh Điện Biên cũng đề nghị Trung ương có cơ chế cho phép các địa phương điều chỉnh nguồn kinh phí sự nghiệp thực hiện các dự án, tiểu dự án nằm trong Chương trình mục tiêu quốc gia để phù hợp với nhu cầu của địa phương. Trong khi đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần tiếp tục quan tâm bố trí nguồn vốn để thực hiện dự án cấp điện nông thôn từ điện lưới quốc gia tỉnh Điện Biên giai đoạn 2023 – 2025.