• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.242,53 -3,56/-0,29%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:01 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.242,53   -3,56/-0,29%  |   HNX-INDEX   220,67   -1,01/-0,46%  |   UPCOM-INDEX   93,08   +0,24/+0,26%  |   VN30   1.309,72   -5,09/-0,39%  |   HNX30   459,01   -2,79/-0,60%
23 Tháng Giêng 2025 12:00:39 SA - Mở cửa
Cần trên 2 triệu tỷ đồng tạo đột phá hạ tầng giao thông đến năm 2030
Nguồn tin: Vneconomy | 19/12/2023 4:24:54 CH

Đại diện Bộ Giao thông vận tải cho biết tổng nhu cầu vốn đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông đến năm 2030 lên tới 2.069 nghìn tỷ đồng. Trước nhiệm vụ nặng nề để triển khai quy hoạch, Việt Nam mong muốn tiếp tục hợp tác, nhận hỗ trợ của Nhật Bản để tạo đột phá về hạ tầng thời gian tới...

Cầu Nhật Tân bắc qua sông Hồng được xây từ nguồn vốn ODA Nhật Bản, đây là cây cầu hữu nghị giữa hai nước Việt Nam - Nhật Bản.

Bộ Giao thông vận tải vừa phối hợp với Viện Nghiên cứu Giao thông và Du lịch Nhật Bản (JTTRI) và Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản (Bộ MLIT) tổ chức Hội thảo "Kinh nghiệm của Nhật Bản trong phát triển và vận hành cơ sở hạ tầng giao thông bền vững (đường sắt, cảng biển, cảng hàng không)".

Hội thảo được tổ chức nhân kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản (1973-2023) và nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng giao thông vận tải.

ĐƯA VIỆT NAM THÀNH NƯỚC THU NHẬP CAO, PHÁT TRIỂN GIAO THÔNG VẬN TẢI BỀN VỮNG

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Danh Huy, cho biết Việt Nam xác định đột phá về hạ tầng là một trong ba đột phá chiến lược nhằm xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, có tính kết nối và liên thông cao, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước.

“Nhiệm kỳ qua, Việt Nam đạt được nhiều thành quả quan trọng trong phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Với sự quyết tâm, nỗ lực của ngành giao thông vận tải dưới sự chỉ đạo quyết liệt, tập trung của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ cùng với sự hỗ trợ hết sức quý báu của bạn bè quốc tế, trong đó có những hỗ trợ đến từ Chính phủ và nhân dân Nhật Bản, diện mạo cơ sở hạ tầng giao thông tại Việt Nam đã có sự thay đổi đáng ghi nhận”, Thứ trưởng nhận định.

Các chuyên gia đến từ Bộ MLIT chia sẻ thông tin về kinh nghiệm phát triển đường sắt tốc độ cao tại Nhật Bản; chính sách về cảng biển của Nhật Bản; phát triển và vận hành cảng hàng không; sáng kiến giảm thiểu carbon.

Thời gian qua, với sự hợp tác, hỗ trợ của Nhật Bản, rất nhiều công trình hạ tầng giao thông của Việt Nam được xây dựng, nâng cấp như sân bay Nội Bài, cầu Nhật Tân, tuyến đường sắt đô thị số 1 TP.HCM..., góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam.

Theo lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải, trong thời gian tới, nhằm cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ về phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, Việt Nam sẽ tập trung triển khai đầu tư, phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông theo 5 quy hoạch ngành quốc gia đã được Chính phủ phê duyệt trong các lĩnh vực đường bộ, hàng hải, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng không, nhằm góp phần hiện thực hóa mục tiêu đến 2045 trở thành nước có thu nhập cao, phát triển giao thông vận tải hiện đại, đồng bộ, bền vững.

Mục tiêu này đặt ra những áp lực và nhiệm vụ nặng nề đòi hỏi các nhà quản lý phải xây dựng những chiến lược về quản lý và quy hoạch hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông cũng như chuẩn bị, triển khai và vận hành hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông trong thời gian tới.

Đây cũng là cơ sở quan trọng để Việt Nam kêu gọi hợp tác, hỗ trợ và đầu tư với các đối tác/bạn bè quốc tế, đặc biệt là các đối tác đến từ Nhật Bản - Đối tác chiến lược toàn diện của Việt Nam tại các dự án quan trọng này.

NHẬT BẢN HUY ĐỘNG NGUỒN LỰC TƯ NHÂN XÂY DỰNG HẠ TẦNG

Thông tin về quy hoạch hạ tầng giao thông vận tải Việt Nam, ông Phạm Hoài Chung, Phó viện trưởng phụ trách Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải, cho biết tổng nhu cầu vốn đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông đến năm 2030 khoảng 2.069 nghìn tỷ đồng, chưa bao gồm chi phí bảo trì hạ tầng.

Trong đó, nhu cầu vốn đầu tư cho các lĩnh vực hàng hải, đường sắt, hàng không khoảng 1.011 nghìn tỷ đồng (chiếm 48,9%).

“Việt Nam đặt mục tiêu phát triển hạ tầng theo quy hoạch và bền vững, sử dụng công nghệ, thiết bị, vật liệu thân thiện môi trường, sử dụng năng lượng xanh, sạch để đáp ứng cam kết của Việt Nam tại COP26 là đến 2050 đưa phát thải ròng về 0”, ông Chung nhấn mạnh.

Cụ thể, về cảng biển, quy hoạch định hướng đến 2030 có 36 cảng biển, trong đó có 3 cảng biển đặc biệt, 14 cảng loại I, 6 cảng loại II, 13 cảng loại III. Tầm nhìn đến 2050 sẽ đầu tư đồng bộ cảng, luồng hàng hải, công trình phụ trợ, hệ thống xếp dỡ và giao thông kết nối.

Lĩnh vực đường sắt, quy hoạch định hướng đến 2030 có 16 tuyến đường sắt quốc gia với tổng chiều dài 4.820km, trong đó đầu tư mới 9 tuyến với tổng chiều dài 2.362km. Tầm nhìn đến 2050, có 25 tuyến với tổng chiều dài 6.354km; hoàn thành tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.

Lĩnh vực hàng không, đến 2030 có 30 cảng hàng không, trong đó 14 cảng hàng không quốc tế, 16 cảng hàng không quốc nội; tầm nhìn đến 2050, phát triển thêm 3 cảng hàng không quốc nội.

"Đặc biệt, trong bối cảnh dân số giảm và cạnh tranh quốc tế ngày càng gia tăng, cần có sự tham gia và đầu tư phần lớn của các đơn vị công vào cơ sở hạ tầng chiến lược như sân bay, bến cảng, hình thành nhiều hình thức hợp tác công tư (PPP)", ông Uehara Atshushi nhấn mạnh.

Chia sẻ kinh nghiệm phát triển và vận hành hạ tầng giao thông tại Nhật Bản, ông Uehara Atshushi, Thứ trưởng Bộ MLIT cho biết cùng với đầu tư phát triển mạng lưới giao thông, Nhật Bản chú trọng vào vận hành cơ sở hạ tầng giao thông.

Lĩnh vực đường sắt, khoảng 28.000km mạng lưới đường sắt đã được phát triển trên khắp đất nước, thúc đẩy sự phát triển công nghiệp, đóng góp vào sự phát triển của quốc gia.

Trong đó, dịch vụ bảo trì và vận chuyển cơ sở vật chất chủ yếu do các doanh nghiệp tư nhân cung cấp trên cơ sở tự cung cấp dựa trên khả năng tự sinh lời, thu từ chi phí của người sử dụng dịch vụ.

Về phát triển cảng biển, tại Nhật Bản phát triển 102 cảng lớn và 807 cảng địa phương. Lĩnh vực hàng không, có 97 sân bay, trong đó 42 sân bay cho loại máy bay lớn.

“Nhật Bản quan tâm và có nhiều giải pháp phát triển và vận hành cơ sở hạ tầng giao thông hướng tới loại bỏ hợp chất carbon”, ông Uehara Atshushi cho biết.

Anh Tú