Chính phủ quyết liệt trong việc giải ngân đầu tư công làm động lực cho tăng trưởng kinh tế, nhiều dự án hạ tầng giao thông trọng điểm được triển khai sẽ là động lực tăng trưởng cho ngành VLXD.
Triển vọng ngành vật liệu xây dựng năm 2024: Kỳ vọng khởi sắc nhờ thúc đầy đầu tư công.
Đầu tư công: Động lực chính thúc đẩy kinh tế
Đánh giá về tình hình giải ngân vốn đầu tư công năm 2023, Công ty Chứng khoán Tiên Phong (TPS) cho biết, tính từ đầu năm đến 31/10 giải ngân đầu công đạt hơn 430.600 tỷ đồng, bằng 52% kế hoạch năm 2023 và 56,8% kế hoạch Chính phủ giao.
So với cùng kỳ năm ngoái, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm nay chỉ tiến triển nhẹ. Cùng kỳ 2022, giải ngân vốn đầu tư công đạt 46,44% kế hoạch và đạt 51,34% kế hoạch Thủ tướng giao.
Theo TPS, nguyên nhân khiến tỷ lệ giải ngân đầu tư công chưa cao là do: Thứ nhất, công tác chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị dự án chưa tốt, dẫn đến dự án chưa đủ điều kiện giao vốn; thủ tục phê duyệt chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án đầu tư mất nhiều thời gian, nhất là thủ tục phê duyệt thiết kế, đấu thầu, giải phóng mặt bằng.
Chính phủ quyết liệt trong việc giải ngân đầu tư công làm động lực cho tăng trưởng kinh tế, nhiều dự án hạ tầng giao thông trọng điểm được triển khai.
Thứ hai, việc cập nhật, rà soát, công bố giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng chưa phản ánh kịp thời sự thay đổi của thị trường, giá nhiên liệu, vật liệu xây dựng tăng cao, làm tăng chi phí cho doanh nghiệp ảnh hưởng tiêu cực đến công tác đầu tư xây dựng.
Thứ ba, khó khăn trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng chậm; và cuối cùng là lãi suất cao trong đầu năm khiến các các nhà thầu chậm triển khai.
Về triển vọng trong dài hạn, TPS cho rằng, dư địa giải ngân đầu tư công của Việt Nam vẫn còn lớn nhờ Nợ công/ GDP thấp (khoảng 38%). Trước bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn, GDP năm 2023 thấp hơn so với kế hoạch, do đó, Chính phủ quyết liệt trong việc giải ngân đầu tư công làm động lực cho tăng trưởng kinh tế.
Tiêu điểm đáng chú ý trong đầu tư công là dự án đường sắt tốc độ cao 350km/h Bắc - Nam được dự kiến khởi công trước năm 2030 với tổng vốn đầu tư lên đến 58,71 tỷ USD. Ngoài ra, dự án đầu tư 2 tuyến đường sắt kết nối cảng biển là Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng và Biên Hòa - Vũng Tàu vốn đầu tư khoảng 17 tỷ USD cũng có kế hoạch khởi công trước năm 2030.
Về đường bộ, Chính phủ cho biết giai đoạn 2000-2021, cả nước đã đầu tư đưa vào khai thác 1.163 km đường cao tốc. Và từ năm 2021 đến nay cả nước đã được đầu tư thêm 566 km cao tốc, nâng tổng số km đường cao tốc lên 1.729 km, mục tiêu tăng lên 5.000 km vào năm 2030, trong đó, đến 2025 cần xây được 3.000 km.
“Đầu tư nâng cao năng lực hạ tầng là nhiệm vụ cần thiết cho nền kinh tế Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Sau quá trình phát triển mạnh mẽ, hạ tầng hiện tại đã quá tải và không còn đáp ứng được các nhu cầu đặc biệt trong khi Chính Phủ đang muốn thu hút vốn FDI. Do đó, Việt Nam cần đẩy mạnh nâng cấp, phát triển từ đường sắt, đường bộ đến đường hàng không để liên kết được các vùng, khu vực, cảng biển… trong cả nước giúp giao thông hàng hóa được thuận tiện và nhanh chóng”, TPS đánh giá.
Nhóm ngành nào được hưởng lợi?
Theo Công ty Chứng khoán này, ngành xây dựng hạ tầng sẽ được hưởng lợi lớn nhất từ đầu tư công. TPS nhận định, với những dự án đầu tư công lớn đã và đang triển khai như cao tốc Bắc - Nam, sân bay Long Thành, tàu cao tốc Bắc - Nam và đặc biệt là mở rộng xây dựng, hoàn thiện các đường Vành đai tại các tỉnh phía Nam sẽ giúp cho ngành xây dựng hạ tầng được hưởng lợi lớn trực tiếp. Do vậy các doanh nghiệp trong ngành này sẽ có sự tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận khả quan trong các năm tới.
Với ngành sắt thép, TPS kỳ vọng giá thép phục hồi nhờ nhu cầu trong nước cải thiện hơn so với năm trước và tồn kho các công ty thép hiện nay đang thấp. Biên lợi nhuận các công ty thép cũng sẽ được cải thiện đáng kể khi mặt bằng lãi suất thấp và ổn định. Tuy nhiên, mức tăng sẽ không mạnh mẽ như giai đoạn trước nếu không có các yếu tố bất ngờ như chiến tranh hay các sự kiện không lường trước.
Đối với ngành xi măng, đơn vị này nhận định, trong năm 2024 dự kiến ngành xi măng sẽ hồi phục, nhưng khá chậm do nhu cầu xi măng cho hoạt động xây dựng nhà ở là phân khúc tiêu thụ chính, chiếm khoảng 52% tiêu thụ xi măng ở Việt Nam và có triển vọng phụ thuộc vào yếu tố nhân khẩu học như tăng trưởng dân số, thu nhập bình quân đầu người, đồng thời chịu tác động đáng kể của các chính sách quản lý của Chính phủ trên thị trường bất động sản bao gồm các chính sách về tín dụng và cấp phép xây dựng.
Ngoài ra, các yếu tố hỗ trợ gồm: Giá nguyện liệu: than (chiếm 40% chi phí sản xuất) gần đây đã giảm và ổn định; Kinh tế Trung Quốc khả quan giúp khôi phục xuất khẩu; Tồn kho xi măng hiện tại đã giảm nhiều so với đầu năm do vậy sẽ không xảy ra tình trạng thừa cung giá giảm mạnh như trong năm 2022.
Đối với ngành đá xây dựng, TPS cho rằng, các doanh nghiệp sở hữu mỏ đá gần các dự án đầu tư công sẽ hưởng lợi, bởi nhu cầu sử dụng đá xây dựng phục vụ cho các dự án đầu tư công là rất lớn.
Theo Bộ Giao thông Vận tải, nhu cầu về đá xây dựng cho các công trình hạ tầng trong giai đoạn 2023-2025 rơi vào khoảng 21,5 triệu m3 (+38% giai đoạn 2016-2021). Trong đó, nhu cầu đá cho các dự án lớn như Sân bay Long Thành là 2,05 triệu m3; đường Vành đai 3 là 5,2 triệu m3. Nguồn cung đá xây dựng có cơ chế riêng đối với các dự án cao tốc Bắc Nam.
“Kỳ vọng nhu cầu tăng cao trong quý IV/2023 và 2024 khi đẩy mạnh đầu tư công và ngành bất động sản dần phục hồi. Tuy nhiên, ngành khai thác đá vẫn đối mặt với rủi ro, do vấn đề ô nhiễm môi trường nên các công ty gặp khó khăn trong việc gia hạn hay xin cấp phép khai thác mới cùng với thuế môi trường có khả năng tăng lên trong thời gian tới”, TPS nhận định.
Đình Đại