Biển Đỏ chưa ở vào tình cảnh đóng cửa. Nhưng bất ổn an ninh quanh eo Bab Al Mandeb đang gây ra những hệ lụy tiêu cực đối với hoạt động vận tải, thương mại toàn cầu.
Tàu hàng di chuyển qua Kênh đào Suez. Ảnh: Reuters
Ngày 18/12, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã công bố Chiến dịch Bảo vệ Thịnh vượng (Operation Prosperity Guardian). Đây là một sáng kiến an ninh đa quốc gia do Mỹ đứng đầu, có vai trò quan trọng trong duy trì tự do hàng hải ở Biển Đỏtrước các cuộc tấn công gần đây của phiến quân Houthi ở Yemen nhằm vào tàu hàng qua lại khu vực eo biển Bab Al Mandeb nằm ở cực nam Biển Đỏ. Ngoài Mỹ, các nước tham gia chiến dịch này gồm có Vương quốc Anh, Bahrain, Canada, Pháp, Italy, Hà Lan, Na Uy, Seychelles và Tây Ban Nha.
Nhưng sáng kiến an ninh mới ở Biển Đỏ chưa thể trấn an các hãng vận tải. Chỉ ít giờ sau thông báo của Bộ trưởng Austin, hãng vận tải biển A.P. Moller-Maersk cho biết các tàu của hãng tiếp tục "né" tuyến đường qua Biển Đỏ, thay vào đó là cung đường chạy qua Mũi Hảo Vọng ở nam châu Phi. Thông điệp rất rõ ràng: Các công ty vận tải biển, dầu mỏ và bảo hiểm vẫn e ngại nguy cơ bất ổn đối với hành trình kênh đào Suez - Biển Đỏ - eo Bab Al Mandeb - Ấn Độ Dương, một trong những cung đường huyết mạch, quan trọng bậc nhất với thương mại quốc tế. Tính cả tuyến đường ống Ai Cập, tuyến hàng hải này chuyên chở 12% sản lượng dầu mỏ toàn cầu bằng đường biển, 8% khí hóa lỏng (LNG) và có đến 20% tàu container qua lại kênh đào Suez – theo dữ liệu của hãng cung cấp dịch vụ tàu biển Clarksons.
Kể từ giữa tháng 11/2023 đến nay, phiến quân Houthi liên tục tấn công tên lửa, thiết bị bay không người lái (drone) nhằm vào các tàu chở hàng gần eo biển Bab el-Mandeb. Hành động này khiến nhiều tập đoàn vận tải đường biển lớn nhất thế giới phải ra “thông báo treo” đối với tàu hàng đi qua Biển Đỏ - hoặc là tiếp tục thả neo chờ thông báo mới, hoặc lựa chọn tuyến đường thay thế. Từ ngày 15/12 đến nay, MSC (Thụy Sỹ), A.P. Moller - Maersk (Đan Mạch), Hapag-Lloyd AG (Đức), Euronav (hãng vận tải dầu thô bằng đường biển của Thụy Sỹ), Frontline (công ty vận chuyển dầu mỏ đường biển của Na Uy) thông báo tạm ngưng các chuyến hàng qua Biển Đỏ.
Thông báo mới nhất của Maersk cho thấy rõ những thách thức về địa chính trị, hậu cần mà ngành vận tải biển đang phải đối mặt. Theo giới chức quân sự Mỹ, tàu chiến trong liên minh an ninh mới được thành lập sẽ làm nhiệm vụ hộ tống từng tàu hoặc từng nhóm tàu hàng trên tuyến hành lang ở Biển Đỏ di chuyển với tốc độ chậm, giúp các công ty vận tải biển có đủ tự tin để tiếp tục cung ứng dịch vụ.
Biển Đỏ chưa ở vào tình cảnh đóng cửa. Nhưng bất ổn an ninh quanh eo Bab Al Mandeb đã gây ra những hệ lụy tiêu cực đối với hoạt động vận tải, thương mại toàn cầu, rõ nhất là kéo dài thời gian và làm tăng chi phí vận tải, bảo hiểm. Theo ông Stephen Gordon, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu tại hãng Clarksons, hàng hóa từ châu Á sang châu Âu nếu phải chạy vòng qua Mũi Hảo Vọng thay vì qua kênh đào Suez như thông thường sẽ mất thêm 9 ngày, tổng thời gian vận chuyển dự kiến tăng từ 31 ngày lên 40 ngày. Còn tàu chở dầu mỏ, khí LNG sẽ mất gấp đôi thời gian vận chuyển, khiến mỗi chuyến hàng đội thêm chi phí hàng triệu USD.
Xung đột Israel-Hamas lần đầu tiên đã lan sang thị trường dầu mỏ trong tuần này, khi tập đoàn BP ngày 18/12 cho biết sẽ ngừng vận chuyển dầu qua Biển Đỏ. Giá dầu trên thị trường cũng phản ứng tức thời. Dầu Brent Biển Bắc tăng phiên thứ hai liên tiếp, tăng 1,6% trong phiên giao dịch ngày 19/12 lên sát ngưỡng 80 USD/thùng.
Nhìn rộng ra, đứt gãy vận tải trên Biển Đỏ không chỉ tác động đến ngành năng lượng, vận tải đường biển, mà còn ảnh hưởng lớn với chuỗi cung ứng toàn cầu, nhiều nền kinh tế, các doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Ai Cập sẽ là nước chịu ảnh hưởng trực tiếp, khi nguồn thu 10 tỷ USD từ kênh đào Suez sẽ bị sụt giảm do tàu hàng giảm qua lại trên Biển Đỏ. Kế đến là những nước sản xuất, xuất khẩu dầu mỏ, khí đốt lớn trong khu vực như Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE). Trung Quốc cũng gặp khó khăn trong xuất khẩu hàng hóa qua châu Âu qua kênh Suez.
Hoạt động xuất khẩu dầu thô của Nga sang Ấn Độ - đối tác nhập khẩu dầu mỏ lớn nhất, gặp thách thức. Theo tính toán, một tàu dầu từ cảng Novorossiysk (Nga) trên Biển Đen đến Ấn Độ mất khoảng 18 ngày khi qua kênh Suez và eo Bab Al Mandeb, nhưng sẽ mất 50 ngày nếu qua Mũi Hảo Vọng.
Hoài Thanh