Năm 2023, các doanh nghiệp xuất khẩu đứng trước rất nhiều khó khăn do suy thoái kinh tế trên thế giới. Để vượt khó, nhiều doanh nghiệp ở Nghệ An đã chủ động chuyển khai thác thị trường mới, tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do để duy trì sản xuất.
Linh hoạt thích nghi
Thời gian qua, bên cạnh thị trường truyền thống, nhiều doanh nghiệp tìm hướng mở rộng xuất khẩu sang các nước Trung Đông và châu Âu, đưa ra các sản phẩm phù hợp với thị trường ngách, vượt qua khó khăn khách quan từ thị trường thế giới. Cùng với sự vào cuộc tích cực, đột phá của Sở Công Thương Nghệ An và các ban, ngành liên quan, phải kể đến sự quyết tâm, nỗ lực của doanh nghiệp xuất khẩu.
Cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã chủ động xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường. Nhiều doanh nghiệp “bám” thị trường như Nafood, Vinacolex, gỗ viên nén, nước mắm Vạn Phần, Biển Quỳnh, NAP Food… tích cực tham gia các hội chợ quốc tế. Công ty cổ phần BVN Thanh Chương, Công ty cổ phần gỗ MDF Thanh Thành Đạt… đầu năm khó khăn chồng chất, nhưng nhờ nỗ lực tìm kiếm thị trường thì gần đây đã có đơn hàng tốt hơn. Trong năm, Công ty CP Nước mắm Vạn Phần đã xuất được 11 chuyến nước mắm sang Nhật Bản...
Công ty cổ phần Biển Quỳnh chuyên chế biến và sản xuất các loại sản phẩm hải sản uy tín của tỉnh Nghệ An. Ông Hoàng Văn Long - Giám đốc Công ty CP Biển Quỳnh cho biết: Công ty đứng chân trên địa bàn thị xã Hoàng Mai, nơi có nguồn hải sản tự nhiên dồi dào, phong phú. Thuận lợi tự nhiên, thiết bị hiện đại, chuyên nghiệp, nguồn nhân lực là cơ sở cho sự phát triển của doanh nghiệp. Trong những năm gần đây, ngoài việc cung cấp hải sản trong nước, công ty đang phát triển thị trường sang nước ngoài và nhận được những kết quả khả quan. Trong tháng 11 vừa rồi, công ty tiếp tục xuất khẩu đơn hàng thứ 2 đi thị trường Mỹ (sản phẩm cá nướng).
Với Công ty TNHH Phát triển ẩm thực NAP Food (TP.Vinh), đã đầu tư dây chuyền, máy móc hiện đại để cho ra đời các sản phẩm đặc sản từ lươn của Nghệ An như súp lươn, miến lươn và cháo lươn ăn liền đóng gói. Nhờ đó, các sản phẩm chế biến từ lươn của NAP Food ngoài chinh phục thị trường trong nước, đã ký kết được nhiều hợp đồng xuất khẩu ra nước ngoài. Bà Trần Hà Nhung - Giám đốc công ty này cho biết: Trước đây, các sản phẩm lươn đóng gói ăn liền đã được xuất khẩu sang Úc, Anh, Hàn Quốc, Nhật Bản với số lượng 12-15 container/năm; trong năm 2023, đối tác của Cộng hòa Séc ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với số lượng 4 container/năm. Tính đến nay, sản phẩm chế biến từ lươn Nghệ An đã xuất khẩu chính ngạch sang các nước: Úc, Nhật Bản, Cộng hoà Séc và sắp tới là Trung Quốc, Mỹ và Singapore.
Nhìn chung, năm 2023, tăng trưởng toàn cầu giảm tốc do chính sách thắt chặt tiền tệ, cuộc chiến ở Ukraine... đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Mặc dù vậy, hoạt động xuất, nhập khẩu của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh trong năm 2023 vẫn ghi nhận đà tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2022. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 2,45 tỷ USD, tăng 12,02%, đạt 98,1% so với kế hoạch.
Đa dạng hoạt động xúc tiến
Cũng trong năm 2023, Sở Công Thương Nghệ An đã tích cực kết nối, hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhiều hoạt động nhằm mở rộng, xúc tiến thị trường xuất khẩu. Phối hợp với Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, Cục Xúc tiến thương mại - Bộ Công Thương thường xuyên thông tin tình hình thị trường, sản phẩm, các rào cản thương mại cho các doanh nghiệp xuất, nhập khẩu.
Hoạt động xúc tiến xuất khẩu được triển khai thường xuyên, đa dạng và bước đầu đạt hiệu quả: Tổ chức đoàn giao dịch thương mại tại nước ngoài (Úc, New Zealand), tham gia đoàn công tác của tỉnh Nghệ An để giới thiệu tiềm năng, thúc đẩy xuất khẩu tại Hoa Kỳ, Singapore, Đài Loan...; tổ chức cho doanh nghiệp tham dự Hội chợ Thương mại quốc tế Finefood (Sydney), Hội chợ quốc tế Việt - Trung (Lào Cai), Hội chợ thực phẩm FoodExpo (TP. Hồ Chí Minh).
Nhiều hội nghị, hội thảo, tập huấn cũng được tổ chức nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong công tác xuất khẩu như: Hội nghị “Gặp gỡ Tham tán Việt Nam tại New Zealand với doanh nghiệp xuất, nhập khẩu Nghệ An”; Hội thảo về Kế hoạch tận dụng các FTA thế hệ mới đối với ngành Nông sản/Dệt may; Hội nghị tập huấn áp dụng truy xuất nguồn gốc hỗ trợ xúc tiến thương mại cho doanh nghiệp nhỏ và vừa,...
Trưởng phòng Quản lý xuất, nhập khẩu, Sở Công Thương Nghệ An chia sẻ: “Khi tham gia các hội chợ thương mại quốc tế, các hội chợ trong nước ở Lào Cai, Thành phố Hồ Chí Minh, ngoài việc bán hàng, giới thiệu sản phẩm, thì quan trọng hơn là các doanh nghiệp đã kết nối được với bạn hàng, mở rộng thị trường. Tháng 1/2024 tới đây, chúng tôi tiếp tục tổ chức hội nghị kết nối với doanh nghiệp ở Mỹ, và sau đó là châu Âu, ASEAN… Và những hoạt động như thế này được đưa vào thường niên. Việc vận dụng ưu đãi từ các FTAs mang lại còn được thực hiện qua việc tư vấn, hướng dẫn cho các doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu của Quy tắc xuất xứ hàng hóa (CO), năm 2023 đạt gần 11.000 bộ, tăng 25% so với năm 2022, thuộc tốp đầu của cả nước”.
Tuy nhiên, 2 lĩnh vực trước đây thuộc tốp xuất khẩu mạnh của nghệ An là dăm gỗ và may mặc, thì năm vừa qua lại gặp rất nhiều khó khăn do nhu cầu tiêu dùng giảm. Về vấn đề này, ông Ngô Chung Khanh - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách đa biên, Bộ Công Thương cho biết, hiện các doanh nghiệp dệt may Nghệ An mới tập trung ở thị trường Đông Á; thị trường châu Âu thấp, chỉ chiếm 6,5% thị phần. Việc tập trung quá nhiều vào thị trường gần hiệu quả sẽ không cao, thâm hụt, chưa tận dụng hiệu quả các Hiệp định FTA. Trong khi đó, doanh nghiệp nhìn chung thiếu và yếu về vốn, công nghệ, năng lực, chủ yếu gia công.
Trước biến động của kinh tế thế giới, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách đa biên cho rằng, các doanh nghiệp cần đa dạng hóa thị trường, tận dụng lợi thế từ các FTA. Để đối phó với nhu cầu đang giảm nhanh, các doanh nghiệp không thể phụ thuộc vào các thị trường truyền thống, cần phải đa dạng hóa thêm các thị trường mới. Doanh nghiệp dệt may phải tìm ra những phân khúc thị trường riêng, đặc biệt là thị trường các nước khu vực Mỹ Latinh và châu Phi, Trung Đông.
Kêu gọi đầu tư, kết nối cung - cầu
Hoạt động xuất khẩu năm 2024 được dự báo sẽ tiếp tục đứng trước một số khó khăn, thách thức: Giá nguyên liệu đầu vào tiếp tục dự báo cho sản xuất tăng cao, việc lạm phát tăng cao ở các thị trường, đặc biệt là các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.
Chia sẻ về mục tiêu trong năm 2024, ông Phạm Văn Hóa - Giám đốc Sở Công Thương cho biết, chúng tôi nỗ lực thúc đẩy phát triển xuất khẩu, mở rộng thị trường, phấn đấu năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 3 tỷ USD. Giải pháp mà ngành tập trung vẫn là đẩy mạnh công tác phát triển thị trường xuất khẩu thông qua hoạt động kết nối cung - cầu xuất khẩu, tham gia hội chợ triển lãm quốc tế... nhằm tìm kiếm, đa dạng hóa thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm xuất khẩu của tỉnh, tránh phụ thuộc vào một thị trường để hạn chế rủi ro.
Đồng thời, ngành tích cực đẩy mạnh xúc tiến đầu tư kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước vào Nghệ An đầu tư sản xuất hàng xuất khẩu. Nghiên cứu nhu cầu thị trường để tham mưu sản xuất các mặt hàng phù hợp với nhu cầu của thị trường trên thế giới; chuyển nhanh, chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch… Ngành Công Thương xác định đây là các giải pháp quan trọng tạo sự đột phá trong việc tạo nguồn hàng xuất khẩu phong phú, gia tăng kim ngạch xuất khẩu.
Khó khăn đang ở phía trước, nhưng với nội lực của mình, cộng với sự vào cuộc của các ban, ngành liên quan, doanh nghiệp vẫn còn nhiều cơ hội để mở rộng thị trường xuất khẩu, nâng cao giá trị hàng hóa.
Năm 2023, hàng hóa xuất khẩu của Nghệ An khá phong phú, đa dạng, với hơn 70 mặt hàng/nhóm mặt hàng, nhiều mặt hàng có kim ngạch tăng trưởng khá. Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã xuất khẩu hàng hóa sang thị trường của 147 quốc gia và vùng lãnh thổ, tăng 10,5% so với năm 2022. Một số thị trường xuất khẩu chủ yếu như: Trung Quốc chiếm trên 20% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa toàn tỉnh; Hồng Kông chiếm trên 13%; Hàn Quốc chiếm 12%; Hoa Kỳ chiếm 11%; Đài Loan chiếm 5%;... Các thị trường mới liên tục được mở rộng, được doanh nghiệp khai thác, điển hình như: Mozambique, Serbia, Tunisia, Rwanda, Belize, Benin, Mauritania, Cộng hòa Dominica, Maldives, Paraguay,…