Theo báo cáo của Sở Công thương Yên Bái, giá trị sản xuất công nghiệp 11 tháng (giá so sánh 2010) ước đạt 15.337 tỷ đồng, bằng 90,8% kế hoạch, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm 2022.
Sản xuất hạt nhựa phụ gia tại Công ty cổ phần An Tiến Industries, Khu Công nghiệp phía Nam.
Một số sản phẩm chính có chỉ số sản xuất tăng khá so với cùng kỳ là: quặng sắt và tinh quặng sắt chưa nung kết tăng 15,2%; đá phiến tăng 14,1%; gỗ dán tăng 27,1%; điện thương phẩm tăng 8,5%;...
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tiếp tục duy trì ổn định, tăng khá so với tháng trước và so với cùng kỳ năm 2022. Chỉ số IIP tháng 11 tăng 4,5% so với tháng 10; tính chung 11 tháng năm 2023 tăng 5,66% so với cùng kỳ năm 2022. Trong các ngành công nghiệp, ngành khai khoáng tăng 14,1%,; ngành chế biến, chế tạo tăng 11,26%, ngành cung cấp nước và xử lý nước thải, rác thải tăng 5,33%. Tuy nhiên, ngành sản xuất, phân phối điện giảm 16,93%. Dự ước cả năm 2023, chỉ số sản xuất công nghiệp ước đạt 106,3%.
Để có được kết quả trên, từ đầu năm đến nay, UBND tỉnh đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, quyết liệt chỉ đạo đẩy nhanh đầu tư công, tập trung hỗ trợ nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án sản xuất công nghiệp, dự án thủy điện, dự án đầu tư hạ tầng khu, cụm công nghiệp; nắm bắt tình hình các cơ sở sản xuất kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu của doanh nghiệp; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường, xây dựng thương hiệu hàng hóa để tiêu thụ sản phẩm trong nước và xuất khẩu.
Để hoàn thành mục tiêu giá trị sản xuất công nghiệp 16.900 tỷ đồng, từ nay đến hết năm, Sở Công Thương tiếp tục rà soát, kịp thời hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, dự án sản xuất thuộc lĩnh vực công nghiệp, nhất là các dự án công nghiệp chế biến, chế tạo nhằm nâng cao năng lực sản xuất, mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh; triển khai có hiệu quả các chương trình khuyến công, tiết kiệm năng lượng... nhằm khuyến khích các doanh nghiệp đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng và tìm đầu ra cho sản phẩm.